Công việc của nhà văn là sáng tạo, và tác phẩm là thành quả của quá trình sáng tạo ấy. Nếu không có tác phẩm, tốt nhất là hãy chọn công việc khác để làm. Những note viết ngắn trên mạng xã hội không phải vô cớ chỉ được gọi là “dòng trạng thái” (status). Facebook vô cùng tinh tế khi đặt câu hỏi cho những status đó là “Bạn đang nghĩ gì”. Chỉ viết ra những gì mình đang nghĩ, dù có cả ngàn like thì đó vẫn chưa thể coi đó là sáng tạo.  Nhưng hiện nay một số người đang có phần ảo tưởng. Họ sản xuất hàng chục cái gọi là thơ mỗi ngày và đăng lên facebook, được bạn bè xúm vào cổ vũ, khen ngợi như thể là tuyệt tác nên đã vội ảo tưởng về tài năng của mình. Họ kể chuyện mình ăn ở đâu, chơi ở đâu, dù có ly kỳ hay thú vị thế nào cũng không thể coi đó là sáng tạo. Cần hiểu đúng hai chữ “sáng tạo” trong sáng tác văn học nghệ thuật. Nó đòi hỏi sự nghiêm túc, lao động không ngừng. Và cái này thì nhiều người nói rồi nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại: sáng tạo thì cô đơn lắm. Nó không có chỗ cho sự ồn ào và những lời hoa mỹ. Bao nhiêu tài năng, tinh hoa dồn vào quá trình sáng tạo đó rồi, còn đâu sức lực mà “phát tiết” tùy tiện được.



Nhà văn Phong Điệp: Trải nghiệm tự thân tốt hơn là trải nghiệm qua mạng xã hội

@ Chúc mừng nhà văn Phong Điệp với cuốn sách mới “Có mẹ trong cuộc đời này”. Đây có phải là món quà đặc biệt chị muốn dành cho mẹ và cho hai cô con gái của mình?
Phong Điệp: Cảm ơn bạn! Đúng là “Có mẹ trong cuộc đời này” tôi muốn dành tặng mẹ của mình trước tiên, sau đó là hai cô con gái nhỏ với những tâm sự về đời sống thường ngày mà các cháu cũng được dự phần vào trong đó. Nhưng tôi còn muốn dành tặng cuốn sách này cho những người phụ nữ khác, đang làm mẹ hoặc sắp làm mẹ. Thật hạnh phúc vì chúng ta có mẹ và được làm mẹ.

@ Phần lớn những trang viết trong cuốn tản văn xinh xắn này chị dành để viết về những câu chuyện đời thường của mẹ và con. Đó có thể là một kỷ niệm tuổi thơ sống dậy trong ký ức, hương vị quen thuộc của một món ăn, những day dứt về chuyện đi học của con, chuyện chọn trường chọn lớp... những chuyện gần gũi, giản dị đời thường mà ai cũng từng đã và đang trải qua. Có thể hình dung tâm thế người mẹ của chị trong cuốn sách này như thế nào?
Phong Điệp: Đó là một người mẹ đời thường với những âu lo, tất bật, những trăn trở và cả niềm vui sướng, hạnh phúc “rất đàn bà”. Đó là một “tâm thế làm mẹ” truyền từ đời trước sang đời sau. Bạn thấy không, đó quả thực là một điều kỳ diệu. Đứa trẻ tiếp nhận từ mẹ mình cách “làm mẹ” để rồi đến khi trở thành người phụ nữ trụ cột trong gia đình, cách ứng xử, nỗi lo toan cũng như tâm tư “làm mẹ” sẽ được phát huy và tiếp tục truyền sang những đứa con... Những ngọn lửa yêu thương của tình mẹ vì thế sẽ chẳng bao giờ nguội lạnh, vì nó luôn được bồi đắp và nuôi dưỡng bởi quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

@ Là một nhà văn viết rất nhiều thể loại, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, truyện thiếu nhi... và cuốn sách chúng ta đang nhắc tới là thuộc thể loại tản văn. Chị đánh giá vị trí của tản văn nằm ở đâu, trong các thể loại vốn được xem là đẳng cấp hơn, như thơ, kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn?
Phong Điệp: Từng có ý kiến nhìn nhận tản văn (hay tạp văn) như một thể loại “hạng hai” của văn chương và nhà văn cần xác lập tiếng nói, giá trị cũng như đẳng cấp của mình với tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc thơ. Tản văn dường như chỉ là thứ gia vị. Nhưng đánh giá như vậy phải chăng chúng ta đang chủ quan với một thể loại có nhiều lợi thế? Với sự ngắn gọn, phản ánh kịp thời, nhanh chóng các vấn đề đang được xã hội quan tâm, có thể thấy rằng tản văn là sự kết hợp đặc sắc giữa văn chương và báo chí nên thể loại này có tác động không nhỏ đến công chúng.

@ Có một số ý kiến phê bình cho rằng, thời đại chúng ta đang sống, với sự bùng nổ của truyền thông, báo chí, mạng xã hội... phù hợp với thể loại viết ngắn như tản văn, vì nó có thể đáp ứng khả năng cung cấp thông tin như sự nhanh, sự tương tác kịp thời. Là người hoạt động trong lĩnh vực văn học, ý kiến của chị về vấn đề này như thế nào?
Phong Điệp: Nếu là người thường xuyên sử dụng facebook, hẳn bạn cũng sẽ đồng ý với tôi rằng mỗi phút lại có vô số status, comment được chia sẻ. Không ít người thay vì đọc báo thì họ đọc mạng xã hội bởi trên đó, các vấn đề, các thông tin cực kỳ nhanh chóng. Rõ ràng, dù muốn hay không, nhu cầu thông tin nhanh, sự tương tác kịp thời là một nhu cầu có tính đại chúng. Độc giả mong muốn bàn luận trực diện về một vấn đề cụ thể nào đó trong khi các tác phẩm hư cấu như tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ không khiến họ thấy thỏa mãn. Tản văn thì đáp ứng được nhu cầu đó. Song không nên nhìn nhận nó là một thể loại thời thượng. Nó đã hiện diện từ khá lâu trong lịch sử phát triển văn học. Song đến thời điểm hiện nay, khi nhu cầu của độc giả và ưu thế của tản văn có những điểm tương đồng đã giúp cho tản văn có môi trường tốt để phát triển mạnh mẽ.

@ Có hiện thực này trong giới cầm bút hiện nay. Một số người sa đà vào mạng xã hội, họ thích thể hiện, tương tác với bạn đọc trên mạng xã hội bằng những note viết ngắn, không rõ thể loại. Họ ngại viết những thể loại dài như truyện ngắn, tiểu thuyết. Có người kể ra thì nổi tiếng đấy (trên mạng xã hội chẳng hạn) nhưng lại không có tác phẩm, không có sách. Riêng chị, để ý thấy chị không quá mặn mà với mạng xã hội, và dường như vẫn cặm cụi suy nghĩ, viết những cái dài hơi trong bóng tối. Bằng chứng là gần như năm nào chị cũng có sách xuất bản. Theo quan điểm của chị, nhà văn có thể viết mạng xã hội là đủ, hay họ cần phải có sản phẩm là những cuốn  sách?
Phong Điệp: Công việc của nhà văn là sáng tạo, và tác phẩm là thành quả của quá trình sáng tạo ấy. Nếu không có tác phẩm, tốt nhất là hãy chọn công việc khác để làm. Những note viết ngắn trên mạng xã hội không phải vô cớ chỉ được gọi là “dòng trạng thái” (status). Facebook vô cùng tinh tế khi đặt câu hỏi cho những status đó là “Bạn đang nghĩ gì”. Chỉ viết ra những gì mình đang nghĩ, dù có cả ngàn like thì đó vẫn chưa thể coi đó là sáng tạo.  Nhưng hiện nay một số người đang có phần ảo tưởng. Họ sản xuất hàng chục cái gọi là thơ mỗi ngày và đăng lên facebook, được bạn bè xúm vào cổ vũ, khen ngợi như thể là tuyệt tác nên đã vội ảo tưởng về tài năng của mình. Họ kể chuyện mình ăn ở đâu, chơi ở đâu, dù có ly kỳ hay thú vị thế nào cũng không thể coi đó là sáng tạo. Cần hiểu đúng hai chữ “sáng tạo” trong sáng tác văn học nghệ thuật. Nó đòi hỏi sự nghiêm túc, lao động không ngừng. Và cái này thì nhiều người nói rồi nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại: sáng tạo thì cô đơn lắm. Nó không có chỗ cho sự ồn ào và những lời hoa mỹ. Bao nhiêu tài năng, tinh hoa dồn vào quá trình sáng tạo đó rồi, còn đâu sức lực mà “phát tiết” tùy tiện được.

@ Quan niệm về sáng tạo văn học của chị hiện nay, khi đã ở tuổi 40, và khi mới bắt đầu lúc tuổi chưa 20 có gì khác nhau không chị?
Phong Điệp: Khác nhiều bạn ạ. Nếu trước đây, viết vài ba cái truyện được khen ngợi, đã vội tưởng mình chạm được vào “đền thiêng” của văn chương rồi, nhưng càng viết càng thấy sáng tạo là con đường nhọc nhằn, gian nan vô cùng. Nhưng làm sao mình không thể bỏ cuộc, sống đời công chức, không phải vật vã đau khổ với những câu chữ? Vì sáng tạo không chỉ đơn thuần là “cái nghiệp” mà nó còn khiến cho cuộc sống của mình ý nghĩa hơn. Mình tìm được giá trị của cuộc sống này cũng như tìm được giá trị cho chính bản thân.

@ Trong thời buổi bùng nổ công nghệ giải trí, văn học dường như ngày càng “lép vế” hơn so với rất nhiều nghệ thuật khác. Những cuốn sách văn học thường được in với số lượng khiêm tốn. Người đi cùng văn học chắc chắn phải mang theo một niềm tin nào đó, thì mới có thể tiếp tục. Với chị, niềm tin đó là gì vậy?
Phong Điệp: Nếu chỉ nhìn vào số  lượng các đầu sách in hiệu nay, quả thật dễ khiến những người viết nản lòng. Đó là chưa kể tác phẩm văn xuôi còn có thể bán được, tác phẩm thơ hầu như in xong chỉ để biếu tặng. Vậy vì sao nhiều người vẫn viết như “trời hành”? Văn chương không thể làm được việc đại sự như “chuyển dời thế giới”, mang lại sự giàu sang phú quý... song những giá trị nhân văn, vẻ đẹp của chữ nghĩa cùng những thông điệp được chuyển tải...  góp phần giúp chúng ta sống tử tế hơn. Hai chữ “tử tế” ấy giúp tôi có thêm động lực để sáng tạo.

@ Đọc sách, thấy chị đi nhiều. Dường như các trang viết thường được bắt đầu từ những chuyến đi như vậy. Tuy nhiên, có một cách đi khác mà không ít người viết đang áp dụng, là họ “đi” qua các công cụ cung cấp kiến thức, tư liệu như công cụ tìm kiếm Google, hay qua các trang mạng xã hội. Theo chị, cách đi thực tế “ảo” như vậy có thể cho người cầm bút những trang viết hay được không?
Phong Điệp: Có những người rất tài, đó là chỉ cần qua sách vở, họ có thể viết rất hay về một vùng đất. Nhưng cá nhân tôi thấy rằng không gì bằng những trải nghiệm tự thân. Bạn sẽ không cảm nhận được vị ngon của món ăn nếu bạn không trực tiếp thưởng thức. Bạn sẽ không cảm nhận được sự đặc sắc kỳ thú của một vùng đất nếu không trực tiếp đặt chân đến, trực tiếp gặp gỡ trò chuyện với người dân nơi đó. Bạn sẽ thấy gió Phan Rang khác với gió Côn Đảo. Bạn sẽ thấy vị mặn của biển Bình Thuận khác với vị mặn của biển Cà Mau. Bạn sẽ thấy cách nói của người Quảng Ngãi khác với cách nói của người Hà Tĩnh. Bạn sẽ thấy đèo dốc ở Hà Giang khác với đèo dốc ở Lai Châu. Đón bình minh ở Phú Yên cũng không giống đón bình minh ở Phú Quốc...  Tự mình khám phá, trải nghiệm, người viết sẽ có thêm kiến thức và chất liệu để làm phong phú hơn những trang viết của mình. Trừ phi không có điều kiện để đi, còn nếu chỉ thích ngồi một chỗ để suy đoán thì rất có nguy cơ người viết biến mình thành con ếch nơi đáy giếng mà thôi.

                                            BÌNH NGUYÊN TRANG



Nguồn: Cảnh Sát Toàn Cầu