Người ta vẫn thường nói rằng, mỗi con người sinh ra đã mang một số mệnh và rồi cuộc đời người đó sẽ đi theo định mệnh ấy như một điều không thể tránh được, dù muốn dù không. Trong cuộc đời mình, nhà văn Đoàn Lê mang một số mệnh mà người em gái thân thiết nhất trong số 7 anh chị em của bà, nhà thơ Đoàn Thị Tảo, đã đúc kết từ năm hai chị em họ chỉ ngoài hai mươi tuổi trong bài thơ "Cho một ngày sinh" tặng riêng Đoàn Lê: "Thế là chị ơi/ Rụng bông gạo đỏ/ Ô hay trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh/ Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Cho nết buồn vui bốn mùa trăn trở/ Cho làm một câu hát cổ/ Để người lí lơi/ Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan"...  Bài thơ sau này đã được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc trong chính bộ phim "Người Hà Nội" do bà làm đạo diễn và trở thành một bài hát nổi tiếng được nhiều người yêu thích.




CHUYỆN CHƯA BAO GIỜ KỂ VỀ NHÀ VĂN, NHÀ BIÊN KỊCH ĐOÀN LÊ

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM

Cách đây không lâu, khi còn sống, nhà văn Đoàn Lê sống cùng người con gái thứ hai tại một khu chung cư ở Phùng Khoang. Căn phòng thường ngày bà vẫn nghỉ ngơi, làm việc nay kê chiếc bàn thờ mới, với mùi hoa ly thơm nở lạnh lẽo trong tiết trời đông ảm đạm. Căn nhà rộng, nay thiếu vắng bà, trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết. Chị Lê Diệp và Quỳnh Lê ngồi cạnh nhau, họ tựa vào nhau để ghi nhớ những ký ức tốt đẹp và yêu thương về người mẹ cả một đời tảo tần, bền bỉ, đầy nghị lực để nuôi sống các con và là chỗ dựa về mặt tinh thần lớn cho các con cháu. Chị Lê Diệp là con gái cả của nhà văn Đoàn Lê. 
Thời bà còn làm đạo diễn, chị thường đi cùng mẹ đến các đoàn làm phim và hỗ trợ mẹ như một thư ký riêng. Còn chị Quỳnh Lê, vì theo chồng đi xa (chồng chị làm công tác ngoại giao) nên chị thường vắng nhà trong những năm tháng tuổi trẻ. Thời gian qua, khi chồng chị ổn định công việc tại Hà Nội thì chị là người chăm sóc mẹ những năm tháng cuối đời.  Chị kể lại: "Lạ lắm, cứ như là mẹ tôi có linh tính gì đó, cho nên, tất cả những công việc liên quan đến bà đều đã được bà chuẩn bị trước khi bị tai biến rồi hôn mê và ra đi. Di chúc bà đã lập sẵn nhiều năm trước. Thường ngày, mẹ tôi có thói quen ăn sáng xong thì thong thả ngồi uống cà phê, rồi ra ban công ngắm dòng người qua lại ngược xuôi. Những lúc ấy, trong câu chuyện giữa hai mẹ con, bà hay nói với tôi về các tác phẩm của bà, bà còn bảo tôi ghi chép lại những tác phẩm nào đã in rồi, chưa in. Bà dự định sẽ in một tập thơ trong thời gian tới, đã đánh máy in thành quyển giấy A4. Có lần đang ngồi uống trà, bà bảo nếu mẹ mất thì các con hỏa thiêu rồi mang tro rải xuống biển cho mát mẻ. Kể cả trước ngày ra đi, mẹ tôi dù đã 75 tuổi, đã yếu vì biến chứng tiểu đường, nhưng bà vẫn thích chăm bẵm các chắt của bà. Rồi lúc chân tay nhức mỏi thì chị Diệp tôi pha nước gừng ấm cho bà ngâm chân. Những lúc đó mẹ tôi bảo, cuộc đời ai cũng có lúc này lúc kia, nhưng mẹ cảm thấy mãn nguyện vì lúc về già mẹ vẫn có con cái, cháu chắt để mà nương tựa, chia sẻ mọi buồn vui. Mẹ tôi tuổi 75 mà da còn căng mọng và mịn màng lắm.  Mỗi lần chúng tôi đánh phấn toàn bị bà mắng yêu: "Tiên sư các đĩ, cứ đánh phấn lắm hỏng hết da"! Chị em chúng tôi may mắn được là con của mẹ, nhưng nghị lực vượt qua số phận của mẹ thì chị em chúng tôi không bao giờ theo được. Mẹ tôi đã 4 lần nằm ở cửa tử, thế mà rồi bà đều thoát khỏi bàn tay tử thần một cách ngoạn mục. Lần thứ nhất là năm 1970 khi mẹ tôi sinh em trai chúng tôi, mẹ bị băng huyết tưởng là chết nhưng rồi may mắn đã được cứu chữa kịp thời. Lần thứ hai, năm 1983, mẹ tôi bị một khối u xơ. Hồi đó, dượng tôi (đạo diễn Tự Huy  - PV) đọc sách thuốc và dùng các bài thuốc nam chữa cho mẹ tôi nhưng không hiệu quả. Đến khi thấy mẹ tôi cứ lả dần đi thì mới cho mẹ lên võng, mắc giữa hai cái xe đạp rồi dắt đi viện lúc tờ mờ sáng. May quá khi đi đến đường Láng, tầm 5 giờ sáng, có một bác tài xế xe bus đang đợi để chở công nhân viên nên dượng đã nhờ bác ấy chở mẹ tôi vào viện. Khi vào đến phòng cấp cứu, bác sĩ bảo tiên lượng xấu lắm, không biết có qua khỏi không. Khi dượng Tự Huy và chị Diệp đang chờ ở ngoài thì bác sĩ ra gọi người nhà vào đưa bệnh nhân về mai táng vì bệnh nặng không qua khỏi. Dượng tôi và chị tôi nước mắt ròng ròng vào đẩy cáng đưa đi thì dượng tôi nhìn thấy cái chân hở ra không giống chân mẹ tôi, kiểm tra lại mới biết đó là người đàn bà khác. Hú hồn hú vía. Sau nhiều ngày hồi sức cứu chữa, mẹ tôi cũng khỏe mạnh trở lại. Lần thứ 3, năm 2007, đó là khi mẹ tôi đã về Đồ Sơn sống tại biệt thự Lộc Vừng cùng dì tôi Đoàn Thị Tảo. Mẹ tôi bị ngã chảy máu não, phải chuyển bốn bệnh viện trong một ngày để khám, chụp chiếu rồi cũng phải mất cả tháng trời mới hồi phục. Lần tứ 4, năm 2013, khi đó mẹ tôi đang quay phim tại Nghệ An, đó là bộ phim “Cội nguồn thiêng” làm về thân mẫu Bác Hồ, cụ Hoàng Thị Loan. Mẹ tôi và đoàn làm phim đang quay thì mẹ tôi bị lên cơn đau tim. Đi cấp cứu đến ngày thứ hai mới tỉnh, mẹ tôi  lập tức đòi ra trường quay vì bà muốn hoàn thành bộ phim cuối cùng do bà làm đạo diễn. Nhưng ra trường quay được một lúc mẹ tôi lại lả đi và lại phải đi cấp cứu. Lần này thì phải thuê xe đưa ra Hà Nội gấp và phải cấp tốc đặt 3 cái stan tim. Mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường. Dù vất vả và đau yếu nhưng chẳng bao giờ bà kêu ca một lời nào, chỉ chiến đấu với bệnh tật bằng việc uống thuốc đều đặn và làm việc không mệt mỏi, hết viết tiểu thuyết rồi vẽ. Nhưng rồi số phận đã không cho bà ở lại với cháu con trong lần thứ 5 này, ở tuổi 75, mẹ tôi bị tắc mạch cảnh và đã không thể qua khỏi. Trước giờ ra đi, mẹ nắm chặt tay chúng tôi, nước mắt lưng tròng, dù bác sĩ bảo rằng, mẹ tôi đã bị chết não nhiều tiếng rồi. Nhưng mẹ biết hết những điều đang diễn ra, mẹ rất kiên cường và nghị lực mà, chỉ có điều, mẹ đã xong phận sự với trần gian để trở về với thế giới tốt đẹp đâu đó đang chờ mẹ để bớt đi những đa đoan của kiếp sống này".
Nhà văn Đoàn Lê được đánh giá là một người phụ nữ đa tài. Ở lĩnh vực nào, điện ảnh, thơ, văn, hội họa, bà đều để lại dấu ấn không thể mờ phai. Bà là một trong những diễn viên tốt nghiệp khoa Diễn viên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh khóa I cùng thời với diễn viên Trà Giang, Trần Phương, Bạch Diệp, Phi Nga, Lâm Tới... Nhưng nghề diễn viên, với bà như một bước đệm và bà chỉ đóng duy nhất vai cô Hồng Vân trong phim “Quyển vở sang trang” của đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung. Rời Trường Điện ảnh, bà được phân về công tác ở Hãng phim truyện Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, một người bạn, người em thân thiết của nhà văn Đoàn Lê chia sẻ: "Chị Đoàn Lê là một con người đầy nghị lực. Vứt ở đâu chị cũng sống được và làm tốt việc của mình. Khi về Hãng phim truyện, chị phải xuống làm thiết kế bối cảnh, có thời gian nhiều, chị đi học vẽ. Mà học vẽ toàn những bậc cao thủ là Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái. Chính vì thế, tranh của chị có căn bản và nhiều người thích lắm. Chị đã có hai triển lãm cá nhân và người xem như bị hút hồn vào những bức tranh của chị. Tôi nhớ, chị đã vẽ một bức tranh Xúy Vân tới 3 lần, mà vẽ chứ không phải chép tranh đâu nhé. Vẽ xong bức thứ nhất, có người thích quá đòi mua, chị bán. Nhưng chị lại thích có một bức Xúy Vân để ngắm trong nhà, nên lại vẽ bức khác, to hơn, đẹp hơn. Nhưng có người bạn đến thích quá lại tiếp tục hỏi mua cho bằng được, chị nể quá lại bán và đến lần thứ 3 chị vẽ lại bức Xúy Vân vì chị bảo, chị rất yêu hình ảnh Xúy Vân giả dại và không thể không có bức tranh ấy trong nhà mình".
Với điện ảnh, trong vai trò biên kịch, bà để lại những thước phim quý giá và khó ai có thể vượt qua được như Làng Vũ Đại ngày ấy, Cha và con, Bình minh xôn xao. Khi "lấn sân" sang địa hạt văn chương, bà lại như tìm được một nơi để trải lòng. 
Tác phẩm của bà đã đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết “Gia phả để lại” (năm 1990), Giải nhất văn xuôi của Tạp chí Tác phẩm mới với tác phẩm “Hạt vừng”, Giải thưởng văn xuôi của Tạp chí Sông Hương (Huế) với “Đêm ngâu vào”. Văn của bà được đánh giá có ngôn ngữ tinh tế mà giản dị, văn phong thuần phác mà mới mẻ, pha chút hài hước, hóm hỉnh và chua chát với những nguyên lý cuộc đời.
Nhà văn Đoàn Lê sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, bố bà là cụ lang có tiếng ở Hải Phòng, còn mẹ bà là một người phụ nữ tháo vát, giỏi giang. Chính vì thế, thời còn bé, bà được sống sung sướng như một tiểu thư. Điều đó làm nên một tính cách của bà khác biệt với hầu hết những người phụ nữ làm nghệ thuật khác. Bà không bon chen, không ồn ào, không nói nhiều, chỉ lặng lẽ làm việc của mình, đi theo con đường mình đã chọn. Tuy nhiên, trong tình duyên, bà lại gặp nhiều trắc trở. 
Bà chia tay người chồng đầu tiên, bỏ lại tất cả và mang theo hai người con gái nuôi nấng. Bà yêu và kết hôn với đạo diễn Tự Huy, chắt nội của danh nhân văn hóa Nguyễn Siêu, có một người con trai nhưng anh đã ra đi khi tuổi đời còn trẻ. Cuộc hôn nhân ấy cũng không bền lâu vì lòng người đổi thay. Bà lại ra đi với một chiếc va li nhỏ gọn, trở về Đồ Sơn mua đất xây một ngôi biệt thự cạnh biển, sống cùng người em gái, nhà thơ Đoàn Thị Tảo. Ngày ngày viết văn, làm thơ, vẽ tranh và sống thanh tịnh với cuộc đời của một người đàn bà "tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan".
Và có lẽ, trong cuộc đời nhiều trầm luân, có lúc nào đó bà đã dự cảm về số phận của mình, để viết nên một bài thơ dã biệt bạn bè “Lời tạ từ” để lại: "Xa ngái đấy người yêu dấu ơi/ Từ kiếp này tới một kiếp xa xôi nào đó/ Liệu ta có gặp nhau lần nữa/ Nơi góc bể chân trời đầy những rủi may/ Để em nói một điều chưa nói hết hôm nay/ Thương lắm lắm người yêu dấu ơi/ Em ngơ ngác... anh ngơ ngác... đan ngón tay vào nhau mà vẫn lạc/ Hai đứa trẻ dại khờ xưa đã chết mất rồi/ Một biển buồn để lại phía sau thôi...".