Thế Vũ là một nhà văn có số phận khá đặc biệt. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên trong vùng địch tạm chiếm ở miền Nam, bị bắt đi lính VNCH rồi đào ngũ, bị kết án lao công chiến trường. Năm 1971, truyện ngắn “Những vòng hoa ngụy tín” của anh in trên tạp chí Trình Bày lập tức gây hệ lụy không nhỏ cho anh lính - nhà văn trẻ mới 23 tuổi: Bộ Nội Vụ chính quyền Sài Gòn ra lệnh tịch thu tờ báo và đưa vụ việc ra xét xử trước tòa sơ thẩm tiểu hình về tội “đã phổ biến luận điệu có tác dụng làm suy giảm kỷ luật và tinh thần chiến đấu của quân đội và làm phương hại đến an ninh quốc gia”. Sau 1975, Thế Vũ về Nha Trang dạy học, làm biên tập tạp chí Văn nghệ Phú Khánh, Văn nghệ Nha Trang. Tại đây, chừng ba, bốn năm sau lại xảy ra một vụ lùm xùm nổi đình nổi đám khác. Lần này, Thế Vũ vẫn là đối tượng bị đem ra “mổ xẻ”. 



LẶNG THẦM THẾ VŨ

TRẦN ĐỨC TIẾN

Năm 1991, tôi bắt đầu cộng tác với Báo Thanh niên. Quen ở lì Vũng Tàu, chẳng mấy khi lên Sài Gòn nên tôi hầu như không quen biết ai ở các báo. Hồi ấy chưa có Internet, gửi bài cho Thanh niên cũng như các báo khác, chỉ việc cho bản thảo vào phong bì, dán tem, đề địa chỉ tòa soạn rồi đem ra bưu điện bỏ vào thùng thư. Sau vài lần được in, Thế Vũ viết thư mời cộng tác thường xuyên. Từ đấy tôi gửi bài theo địa chỉ: Thế Vũ, Báo Thanh niên, 248 Cống Quỳnh... Bài được in nhiều mà hai anh em vẫn chưa một lần gặp mặt. Sau khoảng một năm, khi được giải cuộc thi viết tiểu phẩm châm biếm của báo này, tôi mới lên phòng tài vụ của tòa soạn để... nhận tiền thưởng (hôm tổ chức trao giải tôi không tới dự). Nhận xong, lẳng lặng đi tìm Thế Vũ.

Anh kéo tôi ra ngồi quán cà phê vỉa hè ngay bên cổng tòa soạn:
- Ở Vũng Tàu còn tay Lý Chương được giải ba đấy, cậu lĩnh luôn cho nó một thể.
Tôi ngượng, nhưng đành phải thú thật:
- Dạ dạ... Xong rồi. Cười Ruồi là em, mà Lý Chương cũng là em.
Thế Vũ hơi bất ngờ. Anh nhếch mép cười hóm. Nụ cười làm dãn ra gương mặt khắc khổ. Ruồi giải nhất. Chương giải ba. Sau này, cũng trên báo, tôi còn ký nhiều bút danh linh tinh khác khi viết tiểu phẩm châm biếm. Gần mười năm gian nan nhất trong đời, tôi và vợ con sống chủ yếu bằng tiền nhuận bút của những tờ báo, trong đó có Thanh Niên. Làm sao tôi có thể quên sự động viên, ưu ái của anh Thế Vũ?

Mỗi tháng tôi đi xe đò từ Vũng Tàu lên Sài Gòn một lần. Xuống bến xe Văn Thánh, thuê hẳn một chiếc xích lô vào thành phố, nghễu nghện đến các báo để “thu hoạch”. Xích lô dừng ở cổng tòa soạn, tôi vào thẳng phòng tài vụ, ký nhận tiền. Xong, lại lẳng lặng đi ra. Mỗi nơi chỉ mất chừng năm phút. Mười năm ấy, trừ những nhân viên kế toán, thủ quỹ, hầu như không có ai ở các báo biết mặt tôi. Chiếc xích lô thường dừng lại ở điểm cuối là 248 Cống Quỳnh. Ở đây, tôi trả tiền xe, “giải phóng” bác tài để ngồi lại lâu lâu với Thế Vũ. Anh giữ chân thư ký tòa soạn nên rất bận. Nhiều hôm đến trước cửa phòng làm việc, nhìn vào thấy anh đang lom khom cắm cúi gạch gạch xóa xóa. Nhưng lần nào ngẩng lên nhận ra tôi, anh cũng bỏ bút, kéo tôi ra cổng uống ly nước. Anh nhắc tôi chăm viết báo, nhưng đừng bỏ văn. 

Khi tập truyện “Tuyệt đối yên tĩnh” của tôi được xuất bản, Thế Vũ viết một bài giới thiệu khá dài in trên Thanh Niên, với những nhận xét tinh tường, kỹ lưỡng. Nhưng gây ấn tượng, và thực lòng cũng làm cho tôi sướng hơn cả, là cái nhan đề của bài viết: “Sự yên tĩnh của bão”.

Thế Vũ là một nhà văn có số phận khá đặc biệt. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên trong vùng địch tạm chiếm ở miền Nam, bị bắt đi lính VNCH rồi đào ngũ, bị kết án lao công chiến trường. Năm 1971, truyện ngắn “Những vòng hoa ngụy tín” của anh in trên tạp chí Trình Bày lập tức gây hệ lụy không nhỏ cho anh lính - nhà văn trẻ mới 23 tuổi: Bộ Nội Vụ chính quyền Sài Gòn ra lệnh tịch thu tờ báo và đưa vụ việc ra xét xử trước tòa sơ thẩm tiểu hình về tội “đã phổ biến luận điệu có tác dụng làm suy giảm kỷ luật và tinh thần chiến đấu của quân đội và làm phương hại đến an ninh quốc gia” (Theo Huỳnh Như Phương - Lời tựa cho tập “Thế Vũ - Những trang văn để lại, NXB Văn nghệ, 2006).
Sau 1975, Thế Vũ về Nha Trang dạy học, làm biên tập tạp chí Văn nghệ Phú Khánh, Văn nghệ Nha Trang. Tại đây, chừng ba, bốn năm sau lại xảy ra một vụ lùm xùm nổi đình nổi đám khác. Lần này, Thế Vũ vẫn là đối tượng bị đem ra “mổ xẻ”. Giờ tôi không còn nhớ thật cụ thể đầu đuôi câu chuyện liên quan đến anh. Chỉ còn ấn tượng với những bài báo phê phán Thế Vũ. Giọng điệu những người này cực kỳ gay gắt. Lập trường tư tưởng Thế Vũ thế này thế nọ. Động cơ Thế Vũ thế này thế nọ. Để chứng minh cho những lập luận của mình, họ không ngần ngại cho “tua” lại cả nhân thân anh, cốt truy đến cùng nguyên nhân của những sai lầm, lệch lạc. Tôi vẫn nhớ những so sánh rất “choáng”: lúc chúng tôi (tức những người phê phán Thế Vũ) tối mặt tối mũi chiến đấu hy sinh ngoài chiến trường thì anh ta (tức Thế Vũ) ung dung tiệc tùng, ăn chơi nhảy múa thâu đêm suốt sáng trên những tòa building ngất ngưởng... 
Khốn khổ! Lúc ấy tôi nào đã biết gì về Thế Vũ. Đã biết đâu mấy năm đời lính, anh phải “bò lê từ mặt trận này đến mặt trận khác... trong bộ đồ trận tả tơi”, chỉ hong hóng “một ngày bình yên trở về gặp mặt lại anh em, bằng hữu, người tình mà không phải đui mù què cụt, một ngày còn hy vọng có thể có được trong đời mình một mái nhà, một gia đình”...  Đã biết đâu vị đắng ngắt của thân phận gã “lao công đào binh” mà anh từng nếm trải, những trận đòn bầm xương giập tủy mà anh phải chịu đựng để hiểu ra rằng “kiếp người chỉ là một giấc mơ không bao giờ có thực của giun và dế”.
Tôi chưa biết những chuyện đó, vì chưa được đọc những “Những vòng hoa ngụy tín”, “Ngày mới đến Pleiku”, “Người tù ngoan ngoãn”, “Mưa trên lầu bát giác”, “Công trường cát bỏng”... Thông tin một chiều trên báo chí chính thống lúc bấy giờ đã khiến tôi hơi ngỡ ngàng khi lần đầu gặp anh. Bé nhỏ, hiền lành. Áo quần đơn sơ đạm bạc. Gương mặt cũ kỹ... 

Tóm lại, một người đàn ông rất bình thường, rất “vô danh”, hoàn toàn có thể lẫn vào đám chúng sinh túi bụi trên hè phố. Ở quán cà phê cóc, thỉnh thoảng tôi hỏi Thế Vũ chuyện này chuyện kia. Anh hình như chỉ nghe một tai, còn tai kia lắng đâu đâu, trả lời tiết kiệm, chả mấy khi hỏi lại. Về đọc “Những vòng hoa ngụy tín” và một số truyện khác, mới vỡ ra những gì đẹp đẽ, sâu sắc, nồng ấm, muốn chia sẻ, người đàn ông dễ lẫn vào mọi người ấy đã dành đưa hết vào tác phẩm. 

Những lần gặp nhau sau này, tôi quen dần và thấy thoải mái hơn với vẻ ngoài trầm lặng của Thế Vũ. Dường như anh cũng đã quên đi những ngày bị “đánh” tơi tả trước khi dạt vào Sài Gòn làm việc cho Báo Thanh Niên. Ừ, tài năng ấy, tư cách ấy, vướng bận mãi làm gì với những bọt bèo trôi nổi trên đường.

Năm 1994, đang hành nghề viết lách, tôi bị sao “quả tạ” rơi trúng đầu. Một tai nạn bất ngờ, không đâu. Không hề có chủ định gây sự với ai, nên không mảy may lường trước. Có thời điểm phải tạm rời Vũng Tàu, một mình một ngựa (xe Cup nghĩa địa) đang đêm phóng lên Sài Gòn tá túc. Sáng hôm sau mò đến tìm Thế Vũ. Tòa soạn báo hồi ấy có một cái phòng họp khá rộng ở ngay tầng trệt, gần cổng ra vào, tường lắp kính, từ ngoài nhìn vào hơi lóa, nhưng bên trong nhìn ra chắc rõ. Tôi đang lơ ngơ ngoài hành lang thì Thế Vũ đẩy cửa bước ra. Anh bảo tôi:
- Mọi người vừa nhắc đến vụ của cậu.
Thấy tôi ớ ra, anh nói luôn:
- Trên này ầm ĩ lên rồi. Đọc báo chưa?
Tôi giật mình. Chuyện của tôi còn lên cả báo nữa sao?
Thế Vũ nghiêm giọng:
- Chạy ngay ra sạp báo đầu phố, mua một tờ... Xong về đây.
Thế Vũ quay vào họp tiếp. Tôi ra phố tìm mua tờ báo theo lời anh.
Tờ báo ấy giật tít lớn ra bìa. Kín 2 trang ruột là những lời khép tội và thóa mạ. Tóm lại, tôi có cảm giác đây là số báo đặc biệt dành cho mình. Của đáng tội, cũng nhờ vụ om sòm này mà tên tôi còn có người biết đến! Nhưng lúc ấy thì xanh mặt. May mà ở Sài Gòn, tôi còn những người bạn như Thế Vũ để dựa vào. Vẻ trầm tĩnh và từng trải của anh trấn an tôi. Anh không nhắc lại chuyện lùm xùm của tôi, ý như bảo tôi hãy quên nó đi. Cái gì đến đã đến. Thái độ cần thiết của mình lúc này là biết chấp nhận. Có lẽ đấy cũng là bài học rút ra từ chính những vụ việc trong đời anh. “Tai họa như trẻ con trên mặt đất/ Người ra rồi ai cũng có thôi”... (Mưa - P. Eluard). Vâng, tai họa đến tai họa qua, như mưa đổ rồi mưa tạnh.

Tạnh cơn “mưa” gạch đá tờ báo nọ trút xuống đầu mình, tôi đến thăm Thế Vũ. Biết địa chỉ nhà riêng của anh nhưng không thạo đường Sài Gòn nên tôi rủ Cao Xuân Sơn đi cùng. Sơn cũng là chỗ quen biết và rất quý anh. Dịp đó Thế Vũ đã lâm bệnh và gần như phải nghỉ việc ở cơ quan. Sức khỏe của anh chỉ tương đối hồi phục sau một đợt điều trị trong bệnh viện. Sơn đèo tôi bằng xe máy đi một chặng khá xa mới tới khu chung cư của Thế Vũ. Gặp nhau, chưa kịp mừng, mặt tôi đã méo xẹo. Cái túi nhỏ đựng toàn bộ giấy tờ quan trọng của tôi rơi mất đâu đó trên đường. Chứng minh nhân dân, thẻ nhà báo, thẻ nhà văn, giấy phép lái xe... Trong túi có cả điện thoại di động, cùng chiếc phong bì đựng khoản tiền của chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng “tặng” cộng tác viên thân thiết nhân dịp tết.
Bữa nhậu trưa đó ở nhà Thế Vũ kém vui vì sự cố mất đồ của tôi. Tôi tự trấn an, cố làm ra vẻ “chuyện nhỏ”, nhưng Thế Vũ sốt ruột, day dứt: vì đến thăm anh mà tôi gặp xui xẻo! Chị Hà, vợ anh, lo chạy ra chạy vào tiếp “mồi” cho mấy anh em, biết chuyện cũng tỏ ra ái ngại. Nhưng hóa ra số tôi còn son lắm! Chiều, khi quay về chỗ nghỉ, một người bạn ở cùng hỏi sao không thử gọi vào số máy di động ở trong cái túi đã mất? Tôi bảo: Cao Xuân Sơn đã gọi ngay khi phát hiện mất đồ, nhưng gọi mấy lần đều không có người bắt máy. Người bạn đó liền mở máy của mình ra gọi lại. Một lần. Hai lần. Đến lần thứ ba, anh ta bỗng ra dấu cho tôi im lặng. Hóa ra có người đầu dây đằng kia trả lời. Nói qua nói lại mấy câu, người ấy cho địa chỉ, bảo chúng tôi tới ngay. Trời ơi! May cho tôi làm sao. Nơi hẹn của người ấy lại chỉ cách chỗ chúng tôi đang ở nửa con phố ngắn, đi bộ vài phút là tới. Cho đến hôm nay, tôi vẫn không quên được người thanh niên dễ mến ấy. Không quên lúc anh ta lững thững xách cái túi của tôi đi ra cổng. Anh bảo vì điện thoại của tôi để trong túi nên mãi sau anh mới nghe tiếng chuông. Anh trao túi cho tôi, giục tôi mở ra kiểm tra lại. Tôi vội vàng cảm ơn, rút chiếc phong bì của Nhà xuất bản Kim Đồng cho tôi lúc sáng (mà chưa kịp mở), biếu anh uống cà phê, nhưng anh dứt khoát từ chối.

Tôi gọi ngay cho Thế Vũ, kể lại câu chuyện may mắn hiếm có vừa xảy ra. Thế Vũ mừng lắm. Anh vừa cười vừa ho khẽ trong máy, rồi đùa: “Bữa trưa nay ở nhà mình coi như không tính. Hôm nào anh em mình lại ngồi với nhau, cho vui trọn vẹn”. Tháng 11 năm ấy Thế Vũ ra đi đột ngột. Trước khi quyết định không viết tiếp truyện châm biếm nữa, tôi đã kịp gom những mẩu chuyện của mình đã in trên Thanh Niên thành một tập, đưa cho nhà xuất bản X. Chỉ kịp gửi sách tặng Thế Vũ, nhưng chưa kịp ngồi “vui trọn vẹn” với anh.