Gần đây, có một cây bút thơ viết “Bỗng thành triệu phú ngẩn ngơ”,  liền được một nhà thơ bình rằng là một trong số định nghĩa thi sĩ hay nhất. Thôi thì có thể bột phát thành thơ, và cũng có thể cao hứng tán dương nhau, nhưng đã đem in lên sách báo thì phải chịu sự bình giá của dư luận. Vậy có phải thật nhà thơ là triệu phú ngẩn ngơ? Không biết tất cả các nhà thơ và những người yêu thơ có đồng tình với định nghĩa này? Cứ theo câu chữ thì cả người viết lẫn người bình đều khoái trí với từ ngẩn ngơ này lắm. Vậy chẳng lẽ thi sĩ là những người ngẩn ngơ? Cứ theo quan niệm của dân gian thì ngẩn ngơ là để chỉ những người thần kinh không bình thường. Còn theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do Trung tâm từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 2002 thì Ngẩn ngơ: ở trạng thái như không còn chú ý gì đến xung quanh, vì tâm trí đang để ở đâu đâu...



NGHĨ TIẾP VỀ THƠ

ĐINH QUANG TỐN

1. Thơ thời sự chính trị và thơ nỗi niềm riêng
Trong nền thơ cũng như trong mỗi nhà thơ thường tồn tại cả hai dạng thơ này. Trước đây thỉnh thoảng tôi lại được những người làm thơ khoe những bài thơ không đăng được, và họ thường hy vọng khi công bố nó sẽ thành thơ của muôn đời! Vâng, rất cầu chúc cho nó được như thế. Nhưng thực tế thì đa phần đó là sự lầm tưởng. Thơ của muôn đời ư? Ai bảo Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, thơ Mừng xuân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài thơ Tự do và tình yêu của Pêtôpi (Hunggari) không phải là thơ của muôn đời? Đó là thơ thời sự chính trị một trăm phần trăm. Nhưng để có được những bài thơ ấy tác giả của nó phải cả một đời sống cho lý tưởng ấy, trải nghiệm và nung nấu. Đó là thơ phát ra từ hồn của họ, cũng là hồn của dân tộc, hồn của đất nước trong thời khắc lịch sử. Ta thử đọc bài thơ của Pêtôpi:
Tự do và tình yêu
Vì hai điều tôi sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi xin hiến đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái
Đó là tiếng nói của lý tưởng hòa quện cùng tiếng nói của trái tim mà phát ra, mà tỏa sáng. Bây giờ nói đến lý tưởng nhiều bạn trẻ không mấy mặn mà. Nhưng thực tế thì ai cũng có một lý tưởng. Có điều cách hiểu về lý tưởng mỗi người một khác, và nó có tính lịch sử cụ thể của nó. Chứ không có lý tưởng thì con người chỉ là tồn tại, đâu phải là sống! 
Còn thơ nỗi niềm riêng, tôi cũng thấy những bài để đời thấm đẫm lý tưởng. Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ nỗi niềm riêng 100% từ hình thức đến nội dung. Người viết để tự nhủ, tự răn mình đấy chứ có phải để công bố đâu! Những tâm hồn lớn niềm riêng thống nhất với nỗi chung. Nỗi đau nỗi buồn của họ cũng là nỗi đau buồn của thời đại. H.Hainơ (Đức) đau buồn mà không yếu đuối, trong bài thơ Tim ta ơi! Đừng nên u uất:
Tim ta ơi! Đừng nên u uất
Số phận mình gắng chịu cho quen
Những cái gì mùa đông cướp mất
Xuân mới về sẽ trả cho em…
Thì thật khó phân biệt đây là thơ nỗi niềm riêng hay thơ thời sự chính trị? Phải chăng tất cả những bài thơ bất tử đều như vậy? Khi một bài thơ để mọi người thấy được đó là thơ thời sự chính trị hoặc thơ nỗi niềm riêng thì đều là những bài thơ còn non. Có phải thế chăng mà một danh nhân đã nói: Mọi bài thơ đều có tính thời sự. Và nhà thơ nổi tiếng Eptusencô (Nga) có hai tập thơ độc đáo Trữ tình công dân và Trữ tình riêng tư. Trong tập thơ Trữ tình công dân thì gồm phần lớn thơ mà chúng ta thường gọi là thơ nỗi niềm riêng, và ngược lại tập thơ Trữ tình riêng tư lại gồm đa phần thơ có tính thời sự chính trị. Thì nhà thơ cũng thấy không hề có ranh giới hai loại thơ này chăng?
Nhưng trong thực tế vẫn có hai loại thơ ấy. Nó mang dấu ấn thời đại và phong cách của từng nhà thơ. Tài năng của mỗi nhà thơ là không để có dấu vết của hai loại thơ này. Sao cho mỗi bài thơ phải tự nhiên như hơi thở, như nắng trời. Thơ càng có dấu vết tạo dựng thì tác giả của nó chỉ là thợ thơ. Còn những thi sĩ đích thực những bài thơ bao giờ cũng thấm đẫm nỗi niềm và tỏa ra ánh sáng tư tưởng, được mọi người mặc nhiên đón nhận.
2. Phải chăng nhà thơ là triệu phú ngẩn ngơ?
Đã có biết bao nhiêu định nghĩa về nhà thơ của các nhà thơ, các nhà nghiên cứu phê bình thơ, các viện ngôn ngữ, trung tâm từ điển và công chúng yêu thơ… Mỗi người một kiểu, thật khó thống nhất. Nhưng người ta dễ thống nhất khi nhìn vào các nhà thơ cụ thể qua tác phẩm của họ. Tuy nhiên, đến thời cơ chế thị trường thì mọi chuyện cũng lại không đơn giản. Có những người viết được người này đề cao nhưng người khác lại cho là rất kém. Có những tập thơ người này cho là hay, người khác lại không thừa nhận đó là thơ… Sự nhiễu loạn này, theo tôi là từ chính những người liên quan đến thơ, mà trước hết là các nhà thơ và các nhà phê bình thơ.
Khái niệm nhà thơ mà mọi người hiểu thông thường đó là những người có tâm hồn lãng mạn, mơ mộng. Xuân Diệu trước cách mạng từng viết: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây; trong kháng chiến chống Mỹ ông lại viết: Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu… Như vậy, nhà thơ cũng thay đổi theo thời đại, và phải được thời đại chấp nhận.
Gần đây, có một cây bút thơ viết: Bỗng thành triệu phú ngẩn ngơ,  liền được một nhà thơ bình rằng là một trong số định nghĩa thi sĩ hay nhất. Thôi thì có thể bột phát thành thơ, và cũng có thể cao hứng tán dương nhau, nhưng đã đem in lên sách báo thì phải chịu sự bình giá của dư luận. Vậy có phải thật nhà thơ là triệu phú ngẩn ngơ? Không biết tất cả các nhà thơ và những người yêu thơ có đồng tình với định nghĩa này? Cứ theo câu chữ thì cả người viết lẫn người bình đều khoái trí với từ ngẩn ngơ này lắm. Vậy chẳng lẽ thi sĩ là những người ngẩn ngơ? 
Cứ theo quan niệm của dân gian thì ngẩn ngơ là để chỉ những người thần kinh không bình thường. Còn theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do Trung tâm từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 2002 thì Ngẩn ngơ: ở trạng thái như không còn chú ý gì đến xung quanh, vì tâm trí đang để ở đâu đâu. Vì vậy, tôi rất nghi ngờ cái định nghĩa nhà thơ là triệu phú ngẩn ngơ, nhất là ở thời buổi kinh tế thị trường này! Trước đây, Xuân Diệu đã phải thốt lên: Cơm áo không đùa với khách thơ! Ngày nay mà cứ triệu phú ngẩn ngơ thì chết đói là phải. Cứ triệu phú ngẩn ngơ thì như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi là lũ giặc già lăng nhăng thơ phú cũng không oan!
Nhìn vào lịch sử thơ Việt Nam và thơ thế giới thì thấy các nhà thơ trước hết cũng là người bình thường. Ai đó đã nói: Mọi người sinh ra đều có tâm hồn thi sĩ. Còn các nhà thơ là những người giữ mãi được tâm hồn thi sĩ ấy và phát triển nó lên mà thôi. Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới, người viết câu thơ lãng mạn bậc nhất: Đêm qua trăng sáng trời như nước/ Mộng cưỡi hạc vàng lên đàng tiên lại chính là người dâng Bình Ngô sách và làm quân sư cho Lê Lợi mười năm kháng chiến chống giặc Minh.
Đại thi hào Nguyễn Du thì lệ chảy quanh thân Kiều, nhưng đâu phải là người ngẩn ngơ, ông đã dựng bản cáo trạng tố cáo chế độ cường quyền thối nát chà đạp quyền sống của con người, bênh vực những người lao khổ, đặc biệt là người phụ nữ với câu thơ thấm đẫm giá trị nhân đạo truyền mãi đến muôn đời: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!... 
Đa số các nhà thơ của chúng ta đều có công việc để sống, và từ những công việc, những hoạt động xã hội mà chúng ta gọi là hiện thực cuộc sống, những bài thơ đã ra đời. Một số nhà thơ làm công tác lãnh đạo chính trị như Sóng Hồng, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm thì phải tỉnh táo cả trong chỉ đạo công việc và cả trong sáng tác thơ. Nhưng những bài thơ của họ vừa phục vụ xã hội vừa thấm đẫm chất mộng mơ nghệ sĩ. Một bộ phận khá đông các nhà thơ của chúng ta biên chế trong các tòa báo. Họ vừa phải ứng chiến kịp thời trước những vấn đề do cuộc sống đặt ra, vừa sáng tác thơ. Những bài thơ của họ vẫn được xã hội, các nhà thơ và công chúng yêu thích. Một bộ phận khác các nhà thơ thì làm doanh nghiệp.
Công việc sản xuất và kinh doanh đâu cho phép họ là triệu phú ngẩn ngơ bởi thương trường là chiến trường, ngẩn ngơ là tự sát. Còn thường thường, mỗi nhà thơ một công việc, họ vừa hoàn thành nhiệm vụ của một công chức, họ vừa làm thơ. Công việc của một công chức đòi hỏi họ phải tập trung sức lực và trí tuệ. Và theo tôi, mọi nhà thơ dù mộng mơ đến đâu, khi sáng tác cũng phải tập trung trí tuệ thì thơ mới có được sức sống, bởi trời không chịu tự nhiên cho ai một cái gì mà nó không có lô gíc, không có quy luật.
Nhà thơ Tố Hữu có nói đến hai xu hướng thơ: Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ chính là N. Hítmét, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim đã có B. Brếch đấy rồi! Còn các triệu phú ngẩn ngơ phải chăng là loại thứ ba mà Chế Lan Viên nhắc đến: Có thơ, nhưng lại cũng có cái thẩn thơ, thơ thẩn đó chăng?