Sau khi Chủ tịch Hội Nhà văn HN kiêm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phạm Xuân Nguyên từ chức và ra khỏi Hội ngày 13/6/2017, thì gần 2 tháng sau Đại hội mới tiến hành. Việc chậm trễ này kéo theo nhiệm kì của lãnh đạo Hội LH Hội VHNT HN đã quá hạn hơn 1,5 năm, mà nhà thơ Bằng Việt tuổi 76 đã lãnh đạo 3 nhiệm kì. Đại hội Hội Nhà văn HN khoá 12 diễn ra ngày 8-9/8/2017 tại khán phòng Nhà hát (tầng 1)  Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hội trường được sự ủng hộ của PGS. TS Ngôn ngữ học Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung Ương. Là một nhà báo, nhà thơ lâu năm mang tâm hồn nghệ sĩ, sự khoáng đạt và hào hiệp, Nguyễn Thế Kỷ luôn là người bạn đáng tin cậy của các đồng nghiệp vào những lúc cần kíp nhất. Ông sẵn sàng ủng hộ Đại hội một chương trình văn nghệ do các ca sĩ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện. Vì thời gian ít, nên BCH quyết định không có phần ca nhạc mà dành thời gian cho tham luận.



NHÂN ĐẠI HỘI 12 HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI (8-9/8/2017)

VĂN CHƯƠNG HÀ NỘI BAO GIỜ TRẺ?

VILI

Lịch làm việc của Đại hội: ngày làm việc thứ nhất là Đại hội nội bộ, sáng 8/8 tiến hành bỏ phiếu bầu BCH nhiệm kì 12 (2017-2020), chiều 8/8 công bố kết quả. Ngày làm việc thứ 2 sáng 9/8, Đại hội công khai: BCH nhiệm kì mới ra mắt các hội viên, báo giới và khách mời. Trưa 9/8, bế mạc Đại hội. Tuy tiến hành muộn, song công tác tổ chức lại dồn vài tuần trước khi diễn ra sự kiện. Tuần cuối cùng, Phó chủ tịch phụ trách Hội Nguyễn Sĩ Đại vẫn tiếp tục hoàn thiện báo cáo, quy chế Đại hội. Ngày 5/8 thẻ đeo của Đại biểu, khách mời, giấy mời mới được hoàn tất và gửi đi. BCH, BTC và lực lượng cán bộ nhân viên văn phòng Hội Liên hiệp căng sức ra làm việc.
BTC được chia làm 6 tiểu ban: Nhân sự, Văn kiện, Khánh tiết, Kiểm tra - an ninh, Hậu cần, Truyền thông, trong đó, hầu hết mỗi thành viên đều tham gia từ 2-3 tiểu ban. Với sự nỗ lực lớn, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, một cây bút lâu năm, từng công tác lâu năm tại Ban Văn hóa văn nghệ Báo Nhân dân đã thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm cao khi giải quyết hiệu quả được nhiều việc trong tình trạng áp lực cao, thời gian gấp, tiến độ hối thúc. Nguyễn Sĩ Đại cũng là tác giả của khẩu hiệu treo trên phông chính Đại hội 12: “Đoàn kết, Sáng tạo, Tỏa sáng văn hiến Thăng Long - Hà Nội”.Anh còn vận động được doanh nghiệp tài trợ để Đại hội có tiệc buffet trưa 8/8.Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc xin được Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) tài trợ 1.500 hộp sữa và sữa đậu nành, Công ty Bia Hà Nội (Habeco) tài trợ 1.200 lon (50 thùng) để các hội viên, phóng viên, khách mời dùng đồ uống thoải mái trong suốt quá trình Đại hội.
Nhìn lại lịch sử, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây gồm 55 người do nhà thơ Dương Kiều Minh là Chủ tịch, họa sĩ Nguyễn Văn Chuốt là Phó chủ tịch, Sáp nhập Hội Nhà văn Hà Nội, tháng 8/2008. Nhà thơ Dương Kiều Minh (1960-2012) được bầu làm Phó Chủ tịch Hội LH Hội VHNT HN. “Vết nhơ” của BCH nhiệm kì 11 chính là tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư - kẻ đã đạo thơ nhiều lần mà vẫn có chân trong Hội đồng Thơ. Loanh quanh chối để “câu giờ”, nghĩ mưu nhằm quanh co chối tội, nhưng làn sóng phẫn nộ của dư luận, giới văn chương, báo chí đã làm rõ trắng đen. Một vụ đạo văn gây bão từ mạng xã hội đến báo chí chính thống khiến công chúng thất vọng. Riêng báo Tiền phong đã có bài 5 kì liên tiếp. Hiện Hội Nhà văn HN không có một “bàn tay trẻ”, tức là không có nổi 5 hội viên dưới tuổi 40. Và thực tế này không có dấu hiệu khả quan. Đại hội khóa 12 tiến hành chậm hơn 1,5 năm so với thời hạn, trong khi 8 Hội thành viên khác của Liên hiệp VHNT Thủ đô đã họp Đại hội và hoạt động nhiệm kì mới từ 2016. Cứ tưởng Đại hội diễn ra năm ngoái sau khi đã tổ chức sôi nổi 2 Đại hội cơ sở: Đại hội chuyên ngành Thơ (29/10/2016), Đại hội chuyên ngành Văn - Dịch thuật - Lý luận phê bình (30/10/2016) tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Nào ngờ hơn 8 tháng sau mới tiến hành Đại hội toàn thể. Hà Nội là địa phương đặc biệt, bởi là Thủ đô, thành phố văn hiến, địa giới hành chính của Hà Nội mở rộng từ tháng 8/2008, một Thủ đô “bao la” mà khó công dân, nghệ sĩ nào đi hết, hiểu kĩ toàn vẹn các quận, huyện. May ra chỉ tìm hiểu được nền tảng văn hóa Thăng Long địa linh nhân kiệt ngàn năm. Tuy nhiên, việc kết nạp hội viên trong nhiệm kì 11, có phần lỏng tay, phong trào, bởi chất lượng và tiêu chuẩn kết nạp của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (trên 440 hội viên). Cho nên con số 644 hội viên Hội Nhà văn HN - đông nhất trong các Hội Nhà văn địa phương ở Việt Nam cũng không hẳn là cái nhất đáng hãnh diện. Những vấn đề như: chất lượng giải thưởng, cơ cấu giải, hiệu quả thấp khi kêu gọi, hội tụ đội ngũ viết trẻ. Đòi hỏi bức thiết: hiện diện nhân tố trẻ trong các ban chuyên môn, có nhà văn nữ trong BCH được đặt ra. Một điều hơi không công bằng là nhiệm kì 11 của Hội Nhà văn Hà Nội cũng giống như BCH của Hội Nhà văn VN đương nhiệm: không có ủy viên nữ nào. Sự bình đẳng giới xem ra là bất khả, dù cá nhân tôi chưa bao giờ sáng tác chỉ bằng tâm thế nữ giới và đòi sự châm chước ưu tiên. “Tôi trẻ nhất (cả ở tư thế người được kết nạp lẫn hội viên) khi vào Hội Nhà văn HN năm 2000 và Hội Nhà văn VN năm 2007. Bằng ấy năm, tôi đã thấy, người trẻ gần như không có chân trong ban, hội đồng chuyên môn, hình như chẳng bao giờ được nghĩ đến việc bầu cử vào BCH.” - Nhà thơ  Vi Thùy Linh, người trẻ tuổi nhất trong BTC (thành viên Tiểu ban Văn kiện và Truyền thông) Đại hội nhiệm kì 12 chia sẻ.
Nhiệm kỳ 11 của Hội Nhà văn Hà Nội bắt đầu cùng sự kiện đặc biệt Thủ đô và cả nước long trọng  kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XI đã có một mùa bội thu về tác phẩm, bội thu về giải thưởng; một mùa hoạt động sôi nổi. Nhìn lại nhiệm kì vừa qua, hội viên có thẻ mới, hoạt động Hội được thông báo qua email nhavanhanoi@gmail.com. Đến nay đã có một nửa hội viên liên lạc qua hòm thư này. BCH giao cho Phó Chủ tịch xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử nhavanhanoi.net làm cơ quan ngôn luận chính thức của Hội, hàng vạn lượt truy cập. Đồng thời, Hội quan tâm nhiều hơn các CLB văn học trên địa bàn Hà Nội. Tăng thêm 161 hội viên, là nhiệm kỳ có số hội viên được kết nạp đông nhất; trong đó có nhiều tác giả là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đưa tổng số Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội tính đến tháng 12-2016 là 644 người.
Thành tựu nổi bật nhất trong công tác hội là sau 22 năm gián cách, Hội đã tổ chức thành công Hội nghị Những người viết văn trẻ Thủ đô lần thứ hai trong ba ngày 24,25,26/9/2015 tại hai địa điểm Hà Nội và Yên Bái gồm 100 đại biểu là cây bút trẻ sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội. (Hội nghị lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1993).
Các nhà văn Hà Nội mọi lứa tuổi, từ các bậc cao niên như Nguyễn Xuân Khánh, Trần Nhật Lam, Vũ Quần Phương, Hoàng Quốc Hải, Thúy Toàn, Vân Long, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn… đến thế hệ chủ lực ở độ tuổi 50, 60 vắt từ kháng chiến chống Mỹ, sang Đổi mới như: Hoàng Nhuận Cầm, Bảo Ninh, Trương Đăng Dung, Nguyễn Thị Minh Thái, Hồ Anh Thái, Dương Kiều Minh, Nguyễn Ngọc Tiến, Giáng Vân, Nguyễn Việt Chiến, Trần Chiến, Tạ Duy Anh, Hoàng Việt Hằng, Lê Cảnh Nhạc, Trần Thị Trường, Tôn Phương Lan, Bùi Việt Thắng, Nguyên An, Bùi Kim Anh…; cùng một thế hệ trẻ sung sức ra đời và trưởng thành trong Đổi mới với những tên tuổi rất ấn tượng như: Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Vi Thùy Linh, Thụy Anh… đã tạo nên một dàn hợp xướng đa thanh, phong phú về cung bậc, các nhà văn đã bám sát hiện thực, kể cả những hiện thực gai góc mà trước đây ít được đề cập để tái tạo một cách sâu sắc hơn, chân thực hơn con người và cuộc sống; tự tin hơn khi viết về cái ẩn khuất của lòng người, của “cái tôi” ; dũng cảm hơn khi đối diện với cái ác. Chất liệu văn học, cách thức biểu hiện đã được đổi mới rất nhiều so với trước, những từ ngữ, những biểu tượng mang tính toàn cầu. Một hệ ngôn từ mới mẻ  được đưa vào tác phẩm làm cho diện mạo văn chương trở nên đa thanh hơn, hiện đại hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung  bình trong cả nhiệm kỳ, mỗi nhà văn Hà Nội xuất bản được 2 tác phẩm; trong đó nhiều tác phẩm giành được giải thưởng cao, có tiếng vang trong cả nước như Tuyển tập thơ Dương Kiều Minh, Tuyển tập thơ Trúc Thông,  tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” , của Trương Đăng Dung, "Tổ quốc nhìn từ biển" của Nguyễn Việt Chiến, “Đường gió” của Giáng Vân, “Những bông hoa đang thiền” của Bình Nguyên Trang….Các tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, “Phim đôi- Tình tự chậm” củaVi Thuỳ Linh, “Dằng dặc triền sông mưa” của Đỗ Phấn, “Cửa hiệu giặt là” của Đỗ Bích Thúy, “Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ,  truyện ngắn “I am đàn bà” của Y Ban ...Các tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình như “Trên đường biên của lý luận văn học” của Trần Đình Sử, “Văn học cổ cận Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” của Nguyễn Huệ Chi, “Bình thơ” của Vũ Quần Phương, “Đánh đường tìm hoa” của Nguyễn Thị Minh Thái, “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” của Phạm Khải. Các tác phẩm dịch thuật: “Olga Berggolts của tôi” của Thụy Anh, “Hy vọng” của Lê Bá Thự…
Các cuộc hội thảo là hoạt động mang tính văn chương học thuật thường được tổ chức vào các dịp kỷ niệm (ngày sinh, ngày mất) của những nhà văn nhà thơ, học giả nổi tiếng, sinh sống tại Hà Nội hoặc có nhiều gắn bó với Thủ đô. Ngay sau đại hội nhiệm kỳ XI, cuộc hội thảo đầu tiên được tổ chức là về nhà thơ Xuân Diệu nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông (12/2010). Tiếp đó năm 2011 có 5 cuộc về Hoàng Cầm (22/4), Nguyễn Xuân Khánh (21/6), Vũ Đình Long (21/8), Lê Văn Hòe (1/11), Quang Dũng (11/11). Năm 2012 có 6 cuộc về giao lưu thơ văn cựu binh Mỹ (30/1), Nguyễn Huy Tưởng (3/5), Nguyễn Triệu Luật (16/8), Xuân Quỳnh (23/10), Tô Hoài (20/11), Hoàng Công Khanh (20/12). Năm 2013 có 8 cuộc về Vân Long (21/2), Văn học Áo ở Việt Nam (2/7), Trần Huyền Trân (14/9), Quang Dũng (6/10), Sách trẻ với Thủ đô (7/10), Băng Sơn (10/10), Sáng tác của các nhà văn nữ (17/10), Trương Tửu (11/12). Năm 2014 có 2 cuộc về Đoàn Phú Tứ (20/9), Thơ Hà Nội đổi mới và phát triển (30/9). Năm 2015 có 2 cuộc về Trúc Thông (18/3), Tô Hoài (22/7).
Xem nghệ thuật là hoạt động giúp các hội viên thấy được mối liên hệ giữa các loại hình nghệ thuật và văn chương. Trong nhiệm kỳ XI Hội đã tổ chức cho các hội viên xem được 7 vở diễn sân khấu (5 kịch nói, 2 chèo) và 3 bộ phim. Ngoài ra Hội còn phối hợp với Hội điện ảnh HN và Việt Nam để cho các hội viên được xem các bộ phim trong những đợt chiếu học tập của giới điện ảnh.
Tham quan thực tế -hoạt động để các hội viên có dịp đến những vùng đất nổi tiếng về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, cả trong nước và ngoài nước, được tiếp xúc với thực tế ở các địa phương, nâng cao vốn hiểu biết của mình cũng như sự quan tâm đến đời sống chung. Năm 2011, Hội đã tổ chức chuyến đi Hà Giang và có cuộc giao lưu với Bộ đội Biên phòng của tỉnh. Năm 2012 đi Cao Bằng. Năm 2013 đi Campuchia. Năm 2014 đi Điện Biên Phủ, Cát Bà. Năm 2015 đi Tây Nguyên. Năm 2016 đi Lào. Hội cũng đã tổ chức cho các hội viên nữ một chuyến đi Thung Nai (Hòa Bình) vào ngày 8/3/2016. Trong nhiệm kỳ, các ủy viên BCH cũng đã được cử tham gia đoàn đại biểu thành phố Hà Nội ra thăm quần đảo Trường Sa (Phạm Xuân Nguyên 2012, Bằng Việt 2013, Nguyễn Sĩ Đại 2014, Nguyễn Việt Chiến 2016).
BCH Hội Nhà văn Hà Nội làm việc không lương. Vì vậy, việc lựa chọn những người tham gia BCH và các thành viên các hội đồng chuyên môn phải là những người không chỉ có uy tín chuyên môn mà còn cần sức khỏe, sự tận tụy với phong trào và điều kiện thời gian.
Cần một BCH khóa mới có số lượng đông hơn để nâng cao tính dân chủ, tăng thêm người lo cho công tác hội. Cần đề phòng và loại bỏ tư tưởng cá nhân; sự đề cao bản thân. Cần loại bỏ những biểu hiện chuyên quyền, độc đoán hoặc xuê xoa, buông lỏng đấu tranh. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm cá nhân phục tùng tập thể; bảo đảm hoạt động Hội Nhà văn Hà Nội theo đúng tôn chỉ, mục đích của Điều lệ.
Phát huy hơn nữa vai trò của các hội đồng và các ban chuyên môn; tạo điều kiện để mỗi hội viên được tham gia đóng góp cho công tác hội chứ không chỉ hưởng thụ thụ động. Nhiệm kì 12 tuy chỉ có hơn 3 năm, nhưng đặt ra nhiều mục tiêu:
Duy trì, nâng cao sinh hoạt định kỳ tổ chức vào ngày 10-10 hàng tháng.
Duy trì, điều chỉnh, nâng cao chất lượng giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Khuyến khích các sáng tác của hội viên trong việc xét và trao thưởng.
 Tổ chức các cuộc thi thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký viết về đề tài Hà Nội và các đề tài khác. Lập Quỹ Sáng tác Hà Nội.
Thành lập Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Hà Nội và tổ chức hoạt động của trung tâm có hiệu quả.
Đầu tư thích đáng, nâng cao chất lượng website nhavanhanoi.net
Đầu tư thích đáng, có trọng điểm cho những nhà văn có tác phẩm tốt.
Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Hội những người viết trẻ có năng lực, triển vọng; trẻ hóa mạnh mẽ Hội Nhà văn Hà Nội.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa - Thể thao, Nhà xuất bản Hà Nội xây dựng bộ sách Người Hà Nội nhiều tập viết về những gương điển hình, cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, hào hoa, khoáng đạt, bao dung của người Hà Nội; truyền thống yêu nước, hiếu thảo, lễ nghĩa, phong nhã của các gia đình, dòng họ trên địa bàn Hà Nội nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng con người mới Thủ đô. Biên soạn, xuất bản Tuyển tập văn học Hà Nội thời kỳ Đổi mới. Xây dựng Kỷ yếu Hội Nhà văn Hà Nội.
Phối hợp với các ngành, các địa phương để tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác, tuyên truyền cho các chương trình hành động của thành phố, các phong trào thi đua yêu nước. Đề xuất chủ trì và tham gia một số Dự án về văn hóa, VHNT của thành phố.
Thực hiện tốt chức năng phản biện.
 Củng cố quan hệ hợp tác truyền thống với các Hội VHNT cố đô, mở rộng quan hệ với Hội VHNT các thành phố lớn và các địa phương khác.
Đề xuất với Thành phố về việc kết nghĩa và tổ chức liên hoan văn học giữa ba hội nhà văn của ba thủ đô Hà Nội - Viên Chăn - Phnôm Pênh. Mở rộng giao lưu với các tổ chức văn học các nước tiên tiến và các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống.
Từng bước dịch, giới thiệu, quảng bá thành tựu văn học của Thủ đô Hà Nội ra thế giới.
Đại hội XII Hội Nhà văn Hà Nội là ĐH Đoàn kết -  Sáng tạo; ĐH củng cố Niềm tin, ĐH Lao động, ĐH xây dựng phong cách Nói đi đôi với Làm.
BCH Khóa XII cần có tinh thần cống hiến hết mình, lãnh đạo toàn Hội quyết tâm thực hiện, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà ĐH đã đề ra.  Mỗi hội viên, bên cạnh việc yêu cầu Hội, phải tự đặt ra câu hỏi, mình sẽ làm gì cho Hội.