Có người nói: "Gia đình anh Nghĩa (nhà báo Lê Văn Nghĩa - chồng Minh Hạnh) khó mà bình yên. Người tài sắc thế cơ mà." Tôi chưa thấy ai quan niệm về tình yêu nghiêm túc như Minh Hạnh… Có người nói: "Minh Hạnh sẽ hoàn hảo nếu không độc đoán". Một người đã trót làm NTK tiên phong, sứ mệnh riêng chung đều như đá đeo, thì chả nhẽ lại vừa quyền biến vừa thường xuyên thỏa hiệp? Toàn những quyết định phải ra trong chốc nhát, có muốn chùn lại cũng khó… Minh Hạnh với tôi là một ví dụ thú vị giữa đồn đoán và sự thật. Có những đồn đoán đúng và sai. Có những sự thật hôm nay thế này, mai đã khác. Nhưng có một điều chắc chắn, tôi luôn tiếc đã bỏ lỡ ít nhất 10 năm để hiểu hơn về người phụ nữ đặc biệt này.



MINH HẠNH – PHÙ THỦY ÁO ĐEN

DƯƠNG PHƯƠNG VINH

Lần đầu tôi nhìn thấy Minh Hạnh đã lâu lắm rồi, khoảng giữa thập kỷ 80. Minh Hạnh khi ấy mới hai mấy còn tôi - đang đi học, không bao giờ nghĩ sẽ làm báo. Tình cờ quen một số nhà báo miền Nam, tôi đến nhà khách Chu Văn An chơi với mấy ông này. Thấp thoáng trong đoàn một người dáng nghệ sĩ, da trắng như mỡ đông, dân Sài Gòn sao có thể trắng thế? Và gương mặt, đáng ngạc nhiên! Vốn đã quen thấy người đẹp “nhan nhản” quanh mình từ bé, tôi ít khi ngạc nhiên. Bèn hỏi ai mà đẹp thế kia? Nhà báo Nguyễn Trường Xuân, báo Công giáo và Dân tộc, nói: Đó là Minh Hạnh, họa sĩ trình bày báo Phụ nữ Thành phố (HCM).

Lần gặp thực sự, chục năm sau, chị đã thành nhà thiết kế (NTK) thời trang nức tiếng. Vào mùa báo Tết, Minh Hạnh và họa sĩ Nguyễn Văn Vinh còn gây khó khăn cho đồng nghiệp trình bày báo phía Bắc, trong so sánh các ấn phẩm Tết với nhau. Những Sài Gòn Tiếp thị, Tuổi Trẻ, Lao Động… qua thiết kế mỹ thuật cầu kỳ của họ là giai phẩm đúng nghĩa, món quà để bà con Việt kiều mang về bên kia sau khi ăn cái Tết ở quê hương.

Thỉnh thoảng Minh Hạnh gửi giấy mời dự các sự kiện thời trang do chị làm chủ soái. Tôi dự nhát gừng và không có ý định xáp lại bởi ấn tượng rằng: Người “gì cũng có” thế này hẳn bắc bậc kiêu kỳ lắm đây, đàn ông lượn vè vè xung quanh còn phụ nữ phải cố để không ghen tỵ. “Để hiểu nhau, tôi muốn anh hoài nghi tôi để rồi có ngày tin cho chắc chắn. Tôi không muốn anh vội tin tôi để đi đến hoài nghi”. Cho đến tận năm 2008 gặp lại chị ở Hội An trong vai trò giám khảo Hoa hậu Việt Nam, chúng tôi mới thôi lờ lớ lơ. Thực ra buổi đầu ở khách sạn The Nam Hải tráng lệ, tôi cũng chỉ chào lễ phép và tỏ ra có nhớ “từng gặp hơn một lần, từng được chị mời một bữa cơm lam Pắc Bó đường Âu Cơ”. Dần dà, diễn biến, sự cố của cuộc thi này và sự gần cận do công việc - chị trong ban giám khảo, tôi thuộc ban tổ chức - mới làm thay đổi “thế giới quan, nhân sinh quan”.

Có người nói: "Minh Hạnh sẽ hoàn hảo nếu không độc đoán". Một người đã trót làm NTK tiên phong, sứ mệnh riêng chung đều như đá đeo, thì chả nhẽ lại vừa quyền biến vừa thường xuyên thỏa hiệp? Toàn những quyết định phải ra trong chốc nhát, có muốn chùn lại cũng khó.
Có người khuyên: "Nghe bà Hạnh vừa thôi, bản thân bà ấy chung thân chơi hai màu đen trắng, tóc đen sì xõa ngang vai. Thời trang đâu chỉ có thế." Đã soi thì nên soi cho kỹ. Những chiếc sơ mi trắng, quần đen đó chả chiếc nào na ná chiếc nào, quần áo jeans cũng thế. Từng chi tiết trên đó đều đáng chú mục. Dù rằng, cũng tiếc cho một phù thủy màu sắc, lo thiên biến vạn hóa cho người khác trừ mình.

Minh Hạnh nói cảm quan đầu tiên và mạnh nhất của chị khi quan sát người đối diện là màu sắc: Màu trong trang điểm, quần áo. Màu đó trong kiểu dáng đó và sự kết hợp với làn da, với chiếc túi đó cho thấy một người như thế nào. (Châu Âu thì hay đánh giá người đối diện qua phụ kiện - như giày với đàn ông; túi xách + giày với phụ nữ. Nhất là phải da thật - tiêu chuẩn đầu tiên đánh giá một người thanh lịch). "Phù thủy màu sắc", "phù thủy áo đen" là biệt danh các đồng nghiệp trẻ gọi chị.
Có người bảo: "Bây giờ là thời của những NTK trẻ. Minh Hạnh đã ở vị trí hàng đầu lâu quá rồi, xuống được rồi". Toni Morrison, Nobel văn học 1993 nói về nghề viết: “Đó là công việc của sự tự trọng. Có những tác giả mà tác phẩm của họ không ai khác viết được. Không phải chuyện đề tài hay thể loại mà là cách họ viết - với cái tôi độc nhất vô nhị”. Công việc của NTK được hiểu đơn giản hơn nhà văn nhiều, song một người cũng quan niệm nghề nghiệp đầy tự trọng như Minh Hạnh rất có thể có điểm chung với Morrison. Cũng áo dài, jeans, thổ cẩm, đầm dạ hội nhưng tôi khác đấy!

Nhớ lại, cuộc tổng duyệt Lễ hội Áo dài ở Festival Huế tháng 4/2012. Bia Quốc Học 12 giờ đêm, đường phố lặng như tờ, nóng hầm hập. Minh Hạnh thều thào nói không ra hơi do đã hò hét khản giọng vào ban ngày, chỉ vào từng chiếc áo dài người mẫu đang mặc, góp ý nào thêm bông hoa nọ cái kiềng kia, rồi bỏ ngay tua rua tuy đẹp nhưng đã có người làm rồi…Rất nhiều sự không hài lòng trong âm sắc. Mổ xẻ thẳng tưng không khoan nhượng. Các NTK trẻ im lặng không thể nói lại nửa lời vì... quá chính xác. Hôm sau diễn chính thức, những tình tiết của cuộc giải phẫu đêm trước đã được điều chỉnh, Lễ hội Áo dài đọng lại xúc cảm khó quên.

Hôm sau nữa lại bạc mặt duyệt Đêm phương Đông. Một số đoàn nước ngoài cậy trang phục độc đáo, nhạc hay, diễn viên sinh động, cứ kéo rê ra. Minh Hạnh lạnh lùng: "Mỗi đoàn không quá 7 phút! Cắt hết, không ưu tiên ai!" Các đoàn nhăn nhó, kêu ca. Lúc ấy và hôm trước hôm sau nữa, tôi thấy nghề thiết kế nói chung và đạo diễn chương trình khổ chẳng kém đi cày! Minh Hạnh thường đùa: NTK ai cũng tuổi con Trâu hết!

Có người nói: "Gia đình anh Nghĩa (nhà báo Lê Văn Nghĩa - chồng Minh Hạnh) khó mà bình yên. Người tài sắc thế cơ mà." Tôi chưa thấy ai quan niệm về tình yêu nghiêm túc như Minh Hạnh.
Có người bảo: "Ai không chui từ ống tay áo của Minh Hạnh thì dù thực tài cũng không dễ nổi lên và được dự sự kiện thời trang lớn." Tôi chưa gặp những người không thuận nghề đó. Nhưng tôi đã chứng kiến chị chăm chút cho đàn em, học trò từ những tiểu tiết của nghề cho đến món quà mang về từ chuyến đi nước ngoài hoặc nhân dịp vào Nam ra Bắc, năm hết Tết đến.
Sát Tết vừa rồi, tôi hỏi: “Chị có nhu cầu gì em đáp ứng, Tết nhất đến nơi rồi”. Thế rồi chị đòi một món “giết tiền” của người ta, đó là chai mắm tôm thật đặc biệt, gói bọc kỹ lưỡng để qua mắt hải quan. Bún đậu mắm tôm là một trong những món khoái khẩu của Minh Hạnh.
Minh Hạnh là thế. Đòi hỏi cao ở người khác về sự hiểu biết, văn hóa, nghệ tinh, tấm chân tình, còn vật chất thì chị là người cho đi không nhận lại. Điều này có dễ kiếm tìm ở cái thế giới hỗn mang showbiz? Nói chung, chẳng dễ ở bất cứ giới nào, nơi nào.

Khi phóng viên hỏi vị chủ tịch lâu năm của Liên hoan phim Cannes rằng ông chắc có nhiều bạn trong giới nghệ sĩ, ông đáp: "Nghệ sĩ làm gì có bạn, họ chỉ biết mình. Như Gerard Depardieu chẳng hạn, anh ta sẽ nhìn bạn như thể bạn là hạt cát, là vệt nước trên bàn. Trong khi tôi quan niệm bạn bè phải là người chia sẻ tất cả - cuộc đời, tiền bạc…"
Minh Hạnh với tôi là một ví dụ thú vị giữa đồn đoán và sự thật. Có những đồn đoán đúng và sai. Có những sự thật hôm nay thế này, mai đã khác. Nhưng có một điều chắc chắn, tôi luôn tiếc đã bỏ lỡ ít nhất 10 năm để hiểu hơn về người phụ nữ đặc biệt này.