Thử hỏi ai trong chúng sinh biết buông bỏ như Phật? Có phải lòng tham con người không có giới hạn, chẳng biết bao nhiêu mới gọi là đủ? Cuộc sống hữu hạn vô thường, tuổi già và bệnh tật đuổi theo sau lưng sòng sọc vậy mà vẫn không bỏ tính tham. Biết những gì mình có là quả từ kiếp trước, đồng thời nó cũng là nhân cho kiếp sau. Vậy mà vẫn tham không lo tu nhân tích đức. Hình như cuộc đời thiên về lối sống vật chất, qua các phương tiện truyền thông ta thấy nhiều hình ảnh những đám cưới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng ngôi biệt thự dát vàng. Lối sống nghiêng về vật chất đẻ ra quan niệm thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, làm bất cứ điều gì để có tiền. Nhiều cô nàng, nhiều anh chàng chụp ảnh khoe hàng trăm đôi giày, hàng trăm bộ quần áo chỉ mặc một lần, đứng bên những siêu xe bóng lộng mấy trăm tỷ đồng nhe răng cười. Làm bất cứ điều gì để có tiền, bất chấp tội lỗi để rồi sử dụng nó như thế, những cô nàng, anh chàng đại gia đó không thấy mình lố bịch, lố lăng giống như những gã hề



Trước Phật, nhìn lại cõi người

NGÔ KHẮC TÀI

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng năm 1990 ra cuốn sách dày 500 trang với tựa “Nhật ký của im lặng” như là quyển sách cuối cùng, rồi gác bút. Cái tựa sách làm cho tôi tò mò. Hơn nữa khi mở sách ra đập vô mắt những câu đầu tiên. Buổi sáng đức Phật đi kinh hành – Tình cờ tác giả bắt gặp một hình ảnh giữa phố đông người Phật với từng bước chân ung dung toát ra vẻ gì đó uy nghi. Tác giả đuổi theo sau lưng, Phật đi chậm rãi mà vẫn không bắt kịp để rồi Phật như biến mất giữa phố đông người. Vì sao cho đó là Phật? Đã đành Phật hiện ra bất cứ nơi đâu chẳng cho ai biết. Chỉ có Phật mới biết đâu là Phật người trần gian với đôi mắt thịt nhận ra Phật, đúng là bà thuộc hạng…siêu.
Tôi mua sách vì vậy, nhưng sau những câu chữ đầu tiên, nó lại đưa người đọc lạc vào mê cung chữ nghĩa dồn dập tuôn trào. Đúng là cuốn sách lạ, chẳng dễ đọc, không biết xếp nó vô loại nào tiểu thuyết, tự truyện hay tiểu luận của một người có tìm hiểu triết học. Tôi thú nhật đọc chỉ hiểu lờ mờ. Có những điều nói ra, viết ra mình hiểu liền. Nhưng cũng có những thứ “biết chết liền” lại theo đeo đẳng ám ảnh mình nhiều năm. Nhất là ngày nay đạo Phật phát triển mạnh, ở trong nước, ngoài nước cũng vậy xuất hiện nhiều bậc thuyết giảng. Ngay cả kinh Phật, đâu phải kinh nào cũng thấm thía lòng trần, phải nghiền ngẫm nhiều khi đến già mới ngộ ra. Thôi thì xếp sách, xếp lại những điều trông thấy chờ nhân duyên những trải nghiệm của mình, nhất là thời gian nhìn lại. Thời gian sẽ trả lời hết mọi điều.
Giờ tới câu chuyện nhà sư Ajah Siripapo- con của tỷ phú Ananda Kirishnan. Là đứa con độc nhất kế nghiệp, thừa hưởng tài sản của cha, lại bỏ nhà đi tu. Mười năm sau người cha tình cờ bắt gặp con mình vừa mừng vừa sững sờ. Con mình giờ là nhà sư với mảnh y màu nâu vắt một bên vai, một bên để hở. Bao nhiêu năm không gặp, người cha tỷ phú chạy tới bên sư, nắm tay rủ con về thăm nhà rồi ăn bữa cơm. Nhà sư từ chối, lý do vì đang đi khất thực cùng bạn đồng tu không thể bỏ đoàn, trái quy luật. Chuyện ở đây có điều gì đó giống đức Phật. Là người kế vị ngai vàng.
Đức Phật - Thái tử Tất Đạt Đa được vua cha Tịnh Phạn cất cho ba cung điện theo ba mùa mưa, nắng, lạnh. Xung quanh là thầy dạy, kẻ hầu người hạ, vợ đẹp con ngoan. Vậy mà vào một đêm rằm thái tử cởi ngựa Kiền Trắc lặng lẽ bỏ hoàng cung ra đi. Mười năm sau, đức Phật nhân chuyến đi du hóa gần kinh thành Ca Tỳ La Vệ cùng với tăng đoàn, đức Phật trở về thăm hoàng cung, đồng thời cũng để độ cho người trong hoàng tộc. Qua ngày thứ ba, mặc cho vua cha, kế mẫu và vợ con thỉnh cầu, Đức Phật từ chối lý do đang lãnh đạo tăng chúng, họ đang chờ Phật ở ngoài thành.
Vụ tỷ phú kia với vua Tịnh Phạn là hai người giàu có, quyền lực bậc nhất xã hội vậy mà không thuyết phục được con. Ta thử hình dung, thử đặt cảm giác mình vào hai người lúc đó. Có phải đó là sự bỡ ngỡ, hụt hẫng… nhận ra cái gọi là cuộc đời mình có mọi thứ lại không theo ý mình, nghĩa là nó không bền vững. Vậy đâu là bền vững, tài sản, quyền lực hay là lý tưởng của con? Người tìm ra nó chính là thái tử Tất Đạt Đa để rồi giác ngộ thành Phật hào quang chiếu sáng nhân loại.
Lại thêm một mùa Phật Đản mừng đức Phật ra đời. Hơn 2600 năm trôi qua mừng ngày này cũng là dịp để mọi người sống lại với truyền thuyết huyền thoại. Trước hết Hoàng Hậu nằm mơ thấy voi trắng 6 ngà chui vô bụng. Trên bầu trời một ngôi sao xuất hiện chiếu sáng rực góc trời phương đông. Các nhà tiên tri theo đó tìm tới dự báo Hoàng Hậu sẽ sinh ra một bậc thầy đứng đầu các bậc thầy. Trước khi sinh, Hoàng Hậu theo tục lệ trở về quê, trên đường bà ghé vô một vườn hoa vô ưu đang nở rộ. Thấy hoa đẹp bà vội đưa tay kéo cành hoa xuống, thái tử từ nách của mẹ chui ra. Lập tức trời đất rung chuyển rắc xuống một trận mưa hoa thơm lừng. Vừa chào đời, Phật sơ sinh đã bước đi bảy bước chân rồi một tay chỉ trời một tay chỉ đất nói “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Huyền thoại hoặc truyền thuyết, thực chất từ sự thật mà ra. Chúng sinh không thể nghĩ tới, nên người phi thường đều được sinh ra từ những sự phi thường. Tỉ như chúa Jêsu cũng sinh ra trong huyền thoại. Ngay cả lịch sử dân tộc cũng vậy. Người Nhật cho mình là con cháu thần thái dương. Người Việt là con rồng cháu tiên. Bên cạnh có cái nhìn, việc nào phải đúng với việc đó, nhất là cái nhìn của người ngày nay. Một đứa trẻ mới sinh ra mà đã có sứ mệnh thiêng liêng cao cả trao cho nó không bằng…nhìn đức Phật là một con người bình thường, nhưng hơn chúng sinh ở chỗ Phật là người tự thắng mình để trở nên vĩ đại, thầy của các bậc thầy trên thế gian. Qua đó học theo Phật, hiểu vì sao Phật dạy “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành.” Vì vậy khi đến với Phật ta hãy nghiệm, hãy xét lại bản thân. Tự mình giải đáp thắc mắc, uẩn khúc của cuộc đời mình nếu có trước, sau đó mới cầu xin Phật để rồi sẽ thấy được Phật. Phải thẳng thắn nói Phật không thể cứu độ hết chúng sinh vì giữa Phật và người hai bên chưa có mối giao cảm liên thông.
 Trở lại với tiểu sử đức Phật. Hành trình của thái tử Tất Đạt Đa khởi đầu từ buổi người dạo chơi ra bốn cửa thành tình cờ bắt gặp bốn hình ảnh sinh, bệnh, lão, tử. Với ta, bốn hình ảnh đó là bình thường quy luật đời sống ai cũng phải qua. Phải chấp nhận nó. Nhưng thái tử qua những hình ảnh đó lại nổi lên những câu hỏi tiêu cực để rồi sau đó lại mở ra con đường sáng tích cực. Con người sinh ra với bao nhiêu đẹp đẽ, để rồi nó kết thúc như vậy sao? Tất nhiên chấp nhận nó nhưng trong lòng có nỗi khổ tâm lo lắng không? Nỗi khổ người đời xuất phát từ đâu? Có phải thể xác bên ngoài, bên trong còn có tâm hồn? Vì tâm sinh mà cuộc sống con người nặng nề hay nhẹ nhàng. Làm sao bắt cái tâm ngừng những xao động để thấy đâu là hạnh phúc, an lạc thật sự, hơn là thủ tâm nổi trôi theo sáu mươi năm cuộc đời “hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu”. Những câi hỏi theo đeo đẳng thái tử, sau nhiều đêm thao thức Thái tử lặng lẻ rời hoàng cung ra đi tìm câu trả lời. Ban đầu Thái tử hội kiến nhiều bậc đạo sư các hệ phái. Sau đó người cùng với 5 anh em Kiều Trần như họp thành nhóm đồng tu. Thái tử khao khát nắm bắt cái vô hạn trong cái hữu hạn, nhưng không ai đưa ra được lời giải. Lặng lẽ thái tử tách ra tìm một nơi thanh vắng tự tìm câu trả lời. Dằng dặc 6 năm trời, do ảnh hưởng trường phái khắc kỷ phải hành xác, ép xác tinh thần con người mới mạnh mẽ, nghị lực. Thái tử chỉ còn da bọc xương. Tình cờ một cô gái chăn bò đi ngang qua thấy vậy thương tình cho chén sữa bò. Nhờ chén sữa của cô gái tốt bụng, thái tử hồi tỉnh rồi ngộ ra. Quan điểm của các vị đạo sư từ cực đoan này dẫn qua cực đoan khác. Trí tuệ chỉ có trong cơ thể khỏe mạnh, lối sống điều độ. Qua đó mới hiểu được đâu là sự khổ, nguyên nhân sự khổ, con đường đi tới diệt khổ. Thái tử tìm ra lời giải đó là 4 mệnh đề Tứ Diệu Đế. Bốn mệnh đề này giúp người sống cùng với nổi khổ mà vẫn thấy an lạc. Để hỗ trợ giúp người thêm nhiều nghị lực là bát chánh đạo. Rồi từ đây người mới nhìn lại cải đời với sự ảo hóa không mà có, từ có bỗng trở thành kẻ trắng tay là do nhân quả, do nghiệp của người mà ra. Nhưng sâu xa là sự cộng nghiệp, nghiệp của mọi người lại. Và chìa khóa để đưa người qua sông là Thiền Định.
Sau khi tìm ra những lời giải cơ bản, thái tử ngồi dưới gốc cây bồ đề lặng lẽ nhập thiền 49 ngày đêm. Trải qua các giai đoạn sơ thiền, nhị thiền, bước vào cửa không vô ngã tất cả rồi chẳng có gì hết không buồn không vui. Qua tam thiền, tứ thiền cái không có gì hết lại hiện ra thế giới cảnh vật đẹp rực rỡ hơn bao giờ … và người thành chánh quả. Trời đất rung chuyển rắc xuống trận mưa hoa mừng đức Phật xuất hiện.

Đạo Phật là đạo nhiều triết lý cao siêu thâm diệu nhưng nó bắt đầu từ những cái giản dị để người có căn cơ nào cũng hiểu được. Vào ngày mừng Phật ra đời, theo tôi đứng trước Phật nên quay về từ chỗ bắt đầu…Phật là một người như mọi người như ở chỗ tự thấy, tự thắng mình Phật trở thành nhân vật cho ta chấp tay cúi đầu. Như vậy mới thấy ý nghĩa sâu sắc, bài học từ đức Phật trong ngày này đó là sự bỏ đi và lòng kiên trì, quyết tâm. Nghi thức tắm Phật, lễ mộc dục ngoài ý nghĩa lau rửa thân tâm còn chứa đựng biểu tượng cao hơn đó là sự bỏ đi. Lòng tham của người để rồi lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Tham lam là nguồn gốc của tội lỗi. Thử hỏi ai trong chúng sinh biết buông bỏ như Phật? Có phải lòng tham con người không có giới hạn, chẳng biết bao nhiêu mới gọi là đủ? Cuộc sống hữu hạn vô thường, tuổi già và bệnh tật đuổi theo sau lưng sòng sọc vậy mà vẫn không bỏ tính tham. Biết những gì mình có là quả từ kiếp trước, đồng thời nó cũng là nhân cho kiếp sau. Vậy mà vẫn tham không lo tu nhân tích đức. Hình như cuộc đời thiên về lối sống vật chất, qua các phương tiện truyền thông ta thấy nhiều hình ảnh những đám cưới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng ngôi biệt thự dát vàng. Lối sống nghiêng về vật chất đẻ ra quan niệm thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, làm bất cứ điều gì để có tiền. Nhiều cô nàng, nhiều anh chàng chụp ảnh khoe hàng trăm đôi giày, hàng trăm bộ quần áo chỉ mặc một lần, đứng bên những siêu xe bóng lộng mấy trăm tỷ đồng nhe răng cười. Làm bất cứ điều gì để có tiền, bất chấp tội lỗi để rồi sử dụng nó như thế, những cô nàng, anh chàng đại gia đó không thấy mình lố bịch, lố lăng giống như những gã hề. Nó cho ta thấy một xã hội bát nháo, bon chen. Và từ những điều nhìn thấy làm cho chúng ta bi quan về cuộc đời. Tuy nhiên phải nói, nhờ ở tôn giáo nhất là đạo Phật, xã hội bát nháo vậy nhưng nó lại giống cái cân luôn giữ thăng bằng. Từ chỗ bi quan con người lại được Phật hướng về con đường lạc quan. Bên cạnh những bát nháo cũng có rất nhiều người nhìn cuộc đời khác đi, đâu thật sự là sự bền vững, hạnh phúc an lạc. Đó là những người mặc dù không bỏ đi như đức Phật, họ vẫn ở lại với cuộc đời nhưng bỏ đi lòng tham, tham vọng thay vào đó tâm từ bi thương người như thể thương thân. Đặt niềm tin vào Phật, biến lời Phật dạy qua những việc làm từ thiện lặng lẽ. Tài sản, của cải kiếm được đem phân phối, chia sẻ cho xung quanh, cho cộng đồng (lại có những lòng hảo tâm không cần ghi tên tuổi trong những quyển sổ vàng) và có nhiều vị tỷ phú trên thế giới lại sống cuộc đời bình dị. Dùng tiền lập ra các bệnh viện miễn phí, hỗ trợ dân nghèo, lập ra các tổ chức thiện nguyện giúp các nước nghèo đói, hỗ trợ các dự án nghiên cứu khoa học để nhân loại có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ta có thể gọi họ là ân nhân của nhân loại. Hay đó là Phật hiện ra giữa đời thường? Kinh Phật có viết Phật hiện ra với nhiều pháp thân. Có lẽ vì vậy trong “Nhật ký của im lặng”, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng mở đầu bằng câu “Buổi sáng gặp Phật đi kình hành”. Và thi sĩ Vũ Hoàng Chương cảm ở Phật đâu là sự bền vững hạnh phúc an lạc qua việc bỏ đi. Thi sĩ viết bài thơ “Nguyện Cầu” có mất câu “Ta còn để lại gì không – Kìa non đã lỡ, này sông cát bồi – Lang thang mấy độ luân hồi – U minh nẻo trước xa xôi dặm dề – Trong ra bến hoặc bờ mê – Nghìn thu chớp mắt bốn bề một phương- Ta van cát bụi bên đường – Dù dơ, dù sạch đừng vương gót này”