Phạm Sỹ Sáu là một thi sĩ tiêu biểu trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Những năm ở Campuchia, thơ Phạm Sỹ Sáu như sợi dây kết nối giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa quê nhà và những người lính làm nghĩa vụ quốc tế. Khoảng hai thập niên qua, Phạm Sỹ Sáu ít viết, nhưng chất lửa thi ca vẫn còn nguyên. Trước những vấn đề thời sự nóng bỏng thách thức lương tri và trách nhiệm, khi những đồng nghiệp cầm bút phần lớn chọn thái độ thờ ơ, thì Phạm Sỹ Sáu cồn cào “tôi 50, thấy mình ngây dại/ không được quyền yêu nước phải không em? hay đã là cái gì không thể gọi tên/ là một công dân hay… một kẻ hèn/ khi Biển Đông dậy sóng”. Vẫn chất hành quen thuộc của Phạm Sỹ Sáu nhưng đau xót hơn, thấm thía hơn!



LẼ NÀO
PHẠM SỸ SÁU
Năm 1974
Tôi – học sinh chế độ Sài Gòn
thể hiện tình yêu nước Việt
bằng những ngày biểu tình
phản đối Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa
một quần đảo nước mình cách Đà Nẵng không xa
Năm 1988
Tôi – sĩ quan bộ đội Cụ Hồ
đau đớn nhìn hải quân Trung Quốc
đánh chiếm một phần Trường Sa
bức bối trong lòng
tiếc thương những đồng đội hy sinh trên đảo đá Gạc-ma
ngậm ngùi tự hỏi
lẽ nào bạn ta?
Năm 2011
Tôi – cán bộ Đoàn
thấy trên mạng, nghe trên đài
tàu hải giám Trung Hoa
ngang nhiên vào khơi Đại Lãnh nước nhà
cắt cáp thăm dò dầu khí của ta
lại ngang ngược tuyên ngôn quyền giám sát biển nhà
xua ngư dân Việt Nam – không được quyền đánh bắt
lòng đau như cắt
lòng dậy căm thù
mà sao im ru?
Lẽ nào
tôi 18 trẻ người non dạ
không biết thế nào là bè bạn anh em
tôi – tuổi 30 chẳng hiểu gì thêm
dù đã bỏ 10 năm hy sinh tuổi trẻ mình nơi chiến trường xa cho quê hương độc lập
Và tôi 50, thấy mình ngây dại
không được quyền yêu nước phải không em?
hay đã là cái gì không thể gọi tên
là một công dân hay… một kẻ hèn
khi Biển Đông dậy sóng.
Năm 2014
giữa những ngày tháng Năm nồng nắng nóng
giàn khoan HD 981 của Tàu ngang nhiên hạ đặt phía đông đảo Lý Sơn
tàu hải giám, hải cảnh bọn chúng hung hăng
gây náo loạn một vùng biển Đông yên tĩnh
lòng như không còn tịnh
lẽ nào làm ngơ trước hành động đê hèn!
lẽ nào làm ngơ trước hành động đê hèn!
                   Sài Gòn, đầu tháng 6-2011 - đầu tháng 5-2014