Hãy hệ thống lại "đời phim" của Nguyễn Quang Dũng chúng ta sẽ hiểu. Ngoại trừ phim tốt nghiệp có tên "Con Gà Trống" mà chẳng mấy ai được xem nhưng ai cũng nghe báo chí khen, mà chủ yếu là khen vì Dũng là con ông Năm Sáng (nhà văn Nguyễn Quang Sáng), đời phim của Dũng gắn với một xương sống chính "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Nụ hôn Thần chết", "Những nụ hôn rực rỡ", "Mỹ nhân kế", "Siêu nhân X". Cái xương sống ấy thể hiện đúng tinh thần của Nguyễn Quang Dũng: Chạy theo và copy lại cái trào lưu đang thắng trên thị trường. Với "Hồn Trương Ba da hàng thịt", Dũng bắt đúng trào lưu Spoof, trào lưu mà ngay thời điểm Dũng nghĩ đến kịch bản thì "Kungfu Hustle" của Châu Tinh Trì làm mưa làm gió. Rồi khi thị trường sốt lên với musical "Mama Mia", Dũng cũng làm musical với "Nụ hôn thần chết" và "Những nụ hôn rực rỡ".




LỖ HỔNG ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH VIỆT

VĂN ĐOÀN

Nếu bây giờ phải đặt ra một câu hỏi "Thế hệ đạo diễn trẻ (tạm tính là dưới 40 tuổi) của Việt Nam thực sự có những ai tiêu biểu?", chắc nhiều người sẽ nói tới Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng… Họ nổi danh, họ giàu có từ sự nổi danh ấy, họ là những "ngôi sao" đạo diễn mà những nhà sản xuất luôn trông đợi. Tất nhiên, họ cũng chịu đầy rẫy những áp lực. Cụ thể là áp lực doanh thu. Phim làm ra mà lỗ, coi như đạo diễn mất điểm rất nhiều. Phim thắng, nghiễm nhiên đạo diễn được coi là vua Midas, đụng đâu cũng thành vàng. 
Nhưng thực sự, nếu nghiêm túc đặt câu hỏi khác: "Họ đóng góp được gì cho nghệ thuật thứ bảy nước nhà?" thì chúng ta sẽ phải nghiêm túc nghĩ kỹ về câu trả lời. Nghệ thuật thực tế không thể đánh giá bằng thước đo bán chạy hay không, cũng không thể đánh giá bằng thước đo của giải thưởng. Nó cần được đo bằng thời gian, và một trong vài thứ để giúp thời gian kiểm định tác phẩm chính là mức độ sáng tạo của người đạo diễn. Cái đó, thế hệ Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng dường như rất thiếu.
Hãy hệ thống lại "đời phim" của Nguyễn Quang Dũng chúng ta sẽ hiểu. Ngoại trừ phim tốt nghiệp có tên "Con Gà Trống" mà chẳng mấy ai được xem nhưng ai cũng nghe báo chí khen, mà chủ yếu là khen vì Dũng là con ông Năm Sáng (nhà văn Nguyễn Quang Sáng), đời phim của Dũng gắn với một xương sống chính "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Nụ hôn Thần chết", "Những nụ hôn rực rỡ", "Mỹ nhân kế", "Siêu nhân X". Cái xương sống ấy thể hiện đúng tinh thần của Nguyễn Quang Dũng: Chạy theo và copy lại cái trào lưu đang thắng trên thị trường.
Với "Hồn Trương Ba da hàng thịt", Dũng bắt đúng trào lưu Spoof, trào lưu mà ngay thời điểm Dũng nghĩ đến kịch bản thì "Kungfu Hustle" của Châu Tinh Trì làm mưa làm gió. Rồi khi thị trường sốt lên với musical "Mama Mia", Dũng cũng làm musical với "Nụ hôn thần chết" và "Những nụ hôn rực rỡ".
Thị trường rộn lên với dòng phim chick-flick, Dũng bắt tay vào viết "Mỹ nhân kế" và tất nhiên, "Siêu nhân X" là một phiên bản lỗi của siêu anh hùng pha chút hài hước mà "Iron Man" và một số phim tương tự đã tạo nên cơn sốt mấy năm qua. Và nhìn vào hệ thống ấy, chúng ta nhận ra sức sáng tạo của một đạo diễn ăn khách tiêu biểu của một thế hệ là như thế nào?
Còn với Vũ Ngọc Đãng thì chúng ta không cần phải nói thêm. Đãng khởi đi từ "Những cô gái chân dài", rồi "Đẹp từng centimet" và cuối cùng kết lại ở một lối mòn là luôn cố vuốt ve giới LGBT để nhằm tạo sức hút cho phim. Sự cùn mòn sáng tạo của Đãng có khi còn ghê gớm hơn cả Nguyễn Quang Dũng, người bạn thân của Đãng.
Vậy còn thế hệ kế tiếp họ thì sao? Câu hỏi này khiến chúng ta lo lắng hơn. Đó là một thế hệ dễ dãi còn hơn thế hệ đi trước, với nhiều đạo diễn tay ngang vốn dĩ chỉ thành danh với vài video ca nhạc và nhảy sang tạo nên những sản phẩm điện ảnh nghèo nàn, đôi khi đến mức ngốc nghếch.
Nhìn lại thế hệ trước, chúng ta từng có những đạo diễn rất giỏi làm phim nghệ thuật và khi làm phim thị trường, họ cũng vẫn tồn tại vững vàng suốt thập niên 90 và thời kỳ đầu thế kỷ 21. Thế hệ ấy, nay đã già, đã không còn cập nhật nữa và họ nhường sân cho những người trẻ. Song, những người trẻ có thể giỏi hơn họ về kỹ nghệ, thương mại, PR nhưng thua xa họ về sáng tạo. Điều đó khiến chúng ta không khỏi hốt hoảng khi ngẫm đến tương lai điện ảnh nước nhà, nền điện ảnh đang trong tay một số đông thiếu sáng tạo.
Tất nhiên, chúng ta vẫn có Nguyễn Hoàng Điệp, Phan Đăng Di… Song họ quá khiêm tốn trên "bản đồ truyền thông" và các nhà sản xuất lại không cần "nghệ thuật, sáng tạo" của họ. Nhà sản xuất chỉ cần tiền.