Thơ lục bát của Trần Lê Khánh chủ yếu là những bài hai câu, và không đặt tựa riêng. Đó cũng là một thú chơi, người đọc tự định dạng nhãn mác bao bì sau khi thưởng thức chất lượng sản phẩm. Lục bát càng ngắn càng khó viết, vì không có chỗ cho sự ầu ơ và sự đong đưa. Lục bát gói gọn hai câu, vỏn vẹn 14 chữ, thì thử thách nan giải là làm sao câu lục đừng buông tay câu bát. Nếu câu lục nói một đằng còn câu bát nói một nẻo, thì xem như gió thổi mây bay mịt mù ý tứ. Tính từng đơn vị mỗi bài hai câu, thì một cái khó nữa là tránh dùng lại những chữ hoặc những cụm từ đã quá quen thuộc. Ví dụ, 14 chữ mà vô tình hoặc cố tình đèo bồng “nghìn trùng xa cách” hoặc “một cõi đi về” hoặc “nửa hồn thương đau” thì cầm chắc hỏng cả những chữ còn lại.



CÂU LỤC ĐỪNG BUÔNG TAY CÂU BÁT

LÊ THIẾU NHƠN

Đã có nhiều ý kiến đề xuất công nhận lục bát là quốc thi, không phải không có lý. Ngoài thơ Đường luật, nhiều thể thơ khác của nước ta cũng được du nhập từ Trung Quốc. Thế nhưng, đất nước của Vạn Lý trường thành lại không có thơ lục bát. Có thể nói, thơ lục bát là một sáng tạo độc đáo của người Việt. Vì vậy, người Việt hôm nay ai cũng thích thơ lục bát và ai cũng muốn… làm thơ lục bát.

Trần Lê Khánh là một doanh nhân. Thơ lục bát của anh được viết trên điện thoại di động lúc chờ đối tác kinh tế, hoặc được viết phía sau những trang hợp đồng tư vấn tài chính, cũng không phải vấn đề quan trọng. Tập thơ “Múa” đã được in ở NXB Hội Nhà Văn, chứng tỏ anh đang náo nức đánh đu với lục bát.

Thơ lục bát của Trần Lê Khánh chủ yếu là những bài hai câu, và không đặt tựa riêng. Đó cũng là một thú chơi, người đọc tự định dạng nhãn mác bao bì sau khi thưởng thức chất lượng sản phẩm. Lục bát càng ngắn càng khó viết, vì không có chỗ cho sự ầu ơ và sự đong đưa. Lục bát gói gọn hai câu, vỏn vẹn 14 chữ, thì thử thách nan giải là làm sao câu lục đừng buông tay câu bát. Nếu câu lục nói một đằng còn câu bát nói một nẻo, thì xem như gió thổi mây bay mịt mù ý tứ.

Tính từng đơn vị mỗi bài hai câu, thì một cái khó nữa là tránh dùng lại những chữ hoặc những cụm từ đã quá quen thuộc. Ví dụ, 14 chữ mà vô tình hoặc cố tình đèo bồng “nghìn trùng xa cách” hoặc “một cõi đi về” hoặc “nửa hồn thương đau” thì cầm chắc hỏng cả những chữ còn lại. Trần Lê Khánh đã tránh được điều này, dù đôi lúc anh lặp lại chính mình, như bài nọ đã có “Sương run run, cỏ run run/ Luân hồi ngọn gió trùng trùng nhân duyên” thì bài kia lại có thêm “Sương run run, cỏ run run/ Níu nhau ngọn gió lùng bùng đi qua”.

Cũng là lặp lại chữ của mình, nhưng lắm phen Trần Lê Khánh lại có được cặp lục bát thú vị hơn. Hai câu “Một lần đứng ở chân trời/ Bàng hoàng nhặt được những lời gió bay” hơi mông lung, không thể gây ấn tượng bằng hai câu “Người đi bỏ lại bầu trời/ Ai đem kim chỉ khâu lời gió bay”. Rõ ràng “lời gió bay” trước thì khá vu vơ, còn “lời gió bay” sau thì mang tâm sự!

So với những người có nghề viết lục bát, Trần Lê Khánh vẫn có chút lúng túng ở cách khơi mở sự dan díu giữa câu lục và câu bát. Cho nên cấu trúc bài thơ thường ngắc ngứ nơi câu lục. Chẳng hạn, “Em mang sương khói ra phơi/ Cho ngày thôi quạnh, cho trời thôi mây” không có gì khác biệt so với “Em mang dĩ vãng ra phơi/ Nắng vàng đồi lệ bay hơi về ngàn”. 

Trần Lê Khánh đặt tên tập thơ là “Múa” với dự định cho câu lục và câu bát cùng bước vào một cuộc luân vũ ngôn từ chăng? Múa bằng một cái nhún chân, múa bằng một cái lắc eo, múa bằng một cái nghiêng vai… thì đơn giản, nhưng múa bằng một sự uyển chuyển giữa câu lục và câu bát thì đầy cam go. Cũng may, Trần Lê Khánh có những lần múa thành công, mà có thể kể đến các cặp lục bát: “Người đi mờ tiếng xa xa/ Trăng thu vùng dậy, nhận ra bóng mình” hoặc “Ngày như lá rời khỏi cành/ Đêm xô ngọn gió làm lành với cây”, hoặc “Tách chiếc lá ra khỏi thu/ Mang về cân lại hình như nặng lòng”.

Lục bát đọc xuôi miệng nghe xuôi tai, không cẩn thận thì chỉ viết ra những vần điệu xuôi xuôi. Trần Lê Khánh cũng có nhận thức thay đổi cách ngắt nhịp của lục bát. “Thu trôi ngày tháng mong manh/ Lá phong đỏ tự vỡ lành vết thương”. Ở đây, câu bát chia làm ba nhịp lá phong đỏ - tự vỡ - lành vết thương.

Thơ lục bát trong thế kỷ 21 không ngừng quyến rũ người thưởng thức và không ngừng mê dụ người sáng tạo. Chọn lục bát để đánh cược thi ca là một thái độ can đảm, đúng như Trần Lê Khánh nghĩ: “Cơn lốc đến, cơn lốc đi/ Nếu là tri kỷ cần gì lên gân”./.