Một thương gia ở Saraevo  tâm sự: Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn chăng mà chúng tôi bắn giết nhau và giết chết chính mình? Bosnia và Hercegovina là hai vùng đất nghèo. Họ đứng được là nhờ vào đồng tiền của EU và của Mỹ. Phương Tây tìm mọi cách làm tan rã Nam Tư. Họ nhồi nhét vào đầu chúng tôi rằng, chỉ có phân chia ra thành nhiều nước nhỏ, các người mới có cuộc sống như trên thiên đàng thôi. Bosnia vừa tuyên bố độc lập, ngay tức thì Đức và Mỹ công nhận. Còn khi người Serbia chúng tôi muốn sống riêng, không hiểu vì lý do gì họ lại khuyên chúng tôi không nên? Vì điều gì đây chúng tôi phải chôn cất tới 200 ngàn người? Để bây giờ ông già bà cả nhận được 100 euro tiền hưu trí ; còn gần nửa số dân lưu lạc sang Đức làm nghề rửa chén bát? Vì cuộc sống khốn khó như thế chúng tôi phải tiêu diệt xứ sở Nam Tư sao?



CÂU CHUYỆN NAM TƯ

Kỳ 2: NHỮNG NGÔI MỘ OAN KHUẤT VÀ HOÀI NIỆM TITO

TÔ HOÀNG


            Chúng tôi đáp xe từ thành phố Banhia –Luca tới Saraevo, thủ phủ của Bosnhia và Hercegovina. Trải dọc theo đường là những nghĩa trang. Bắt đầu với bia mộ trắng của người Hồi giáo, sau đó bia mộ đen của những người Chính thống giáo, cuối cùng tới những hàng thập tự của người theo đạo Thiên chúa. Xe chạy với tốc độ cao chừng 5 phút vẫn chưa hết nghĩa trang. Tôi quay sang người bạn đồng hành thậm chí chưa kịp hỏi, anh ta đã gục gặc đầu và nói: “ Nằm kia toàn bộ là đàn bà và trẻ con! “. Những bãi tha ma được thay bằng toàn cảnh hàng chục ngôi nhà cháy rụi. “ Trước kia đấy là làng xóm-anh bạn lái xe giọng lạnh tanh nói- Ai kịp thì bỏ chạy. Xác những ai không chạy kịp bị gom lại quẳng xuống sông”. Ngày 1 tháng 3 năm 1992 tiếng súng nổ trong một đám cưới của người Serbia tại thành phố Saraevo mở đầu cho một cuộc chiến đẫm máu mà số người chết sau này được coi là lớn nhất ở châu Âu, tính từ Thế chiến 2. Trong 3 năm ở một nước cộng hòa dân số 5 triệu đã có tới 200 ngàn người chết; một nửa dân số bỏ chạy khỏi xứ sở.
            Tại Mostr ( thành phố không xa biên giới với xứ Horvat bao cây số )- một nơi mới được trùng tu dành làm điểm đón khách du lịch, ta nhìn thấy những cây cầu xây từ thời quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm nơi này, bị đổ gục xuống lòng sông trong thời kỳ chiến tranh, nay được sửa sang lại bằng đồng tiền của Liên Hiệp quốc. Qua cầu, đi thêm một đoạn nữa bạn sẽ lạc vào khu những ngôi nhà cháy với tấm biển treo trước cửa :” Cẩn thận! Có thể sập đổ!”. Giữa đám cỏ dại nổi lên ngôi nhà thờ của thế kỷ 14 xám đen: cây thánh giá và tháp chuông đổ gục, bên trong nhà thờ ngập ngụa rác rến. Một viên chức của cơ quan quản trị thành phố kể: “Bên này sông là người Hồi giáo, bên kia sông là người Horvat, trên núi là người Serbi.Thành phố bị bao vây 18 tháng, tất cả các đường phố đều nằm trong tầm hỏa lực của pháo binh.” Tôi có một ông láng giềng là người Horvat, bao năm nay sống hòa thuận như trong một gia đình. Khi chiến tranh nổ ra chúng tôi cầm súng nã đạn vào nhau.Tôi bắn gẫy chân hắn, hắn bắn gẫy tay tôi”. “Mà tại sao hai anh lại xử sự như thế? “. Ông viên chức kia nhún vai: “ Xin lỗi, tôi cũng không biết nữa !”.
-Anh cứ đặt cho mọi người câu hỏi này đi: “Tại sao bao nhiêu năm các anh sống hòa thuận, vui vẻ để rồi bỗng nhiên xỉa dao vào lưng nhau? “ anh sẽ không nhận được câu trả lời rành rõ đâu- Danhiel Covatsevist, bình luận viên Đài Vô tuyến truyền hình nước Cộng Hòa Serbia tại Bosnia-Hercegovina giải thích-  Điều này tựa như một cơn điên! Cho đến tận hôm nay nhiều người trong chúng tôi vẫn lo sợ những gì đã xẩy ra sẽ tái diễn. Ít người tin rằng mọi sự đã kết thúc vĩnh viễn.Sự phân rã của nước Nam Tư trước đây đẫn tới sự hoài nghi kỳ quái này: Chẳng lẽ trước kia các dân tộc chúng tôi đã từng sống hòa thuận, tốt đẹp với nhau ư ? Tình thế đóng băng này không biết bao giờ kết thúc. Anh sợ máu đổ, sợ tan hoang đấy, nhưng trong góc nhà anh vẫn dấu kín một khẩu tiểu liên.
            Bosnia và Hercegovina đã tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập vào ngày 29 tháng Hai năm 1992. Serbia khước từ không tham  gia cuộc trưng cầu này.Chỉ vài giờ sau sự kiện ấy đất nước chìm ngập trong đêm tối. 25 năm đã trôi qua tại các thành phố như Saraevo, Mostar, Gorajd cho đến tận hôm nay những dấu tích chiến tranh vẫn in đậm trên bức tường của các ngôi nhà. Nhà cửa có được sửa chữa phần nào đấy nhưng đạn bom và ngọn lửa đỏ đã thiêu cháy, làm đổ nát đến mức phải mất cả một thế hệ nữa mới mong hồi phục lại như cũ. Thành phố Travnhic xưa kia là nơi cư ngụ, làm ăn của cả người Hồi giáo, người theo đạo Chính thống giáo, người theo đạo Thiên chúa. Năm 1993 hàng chục người đã bỏ mạng để đánh nhau chỉ vì..một cửa hàng đồ chơi trẻ em (!). Vì những người cầm súng ai cũng muốn tòa nhà ấy thuộc quyền kiểm soát của họ. Kết quả là ngôi nhà hiền lành đã bằng địa hệt như có cánh mà bay. Vì sao vậy? “ Chính trị là thế đó!”-những người Bosnia buồn bã trả lời. Nước Nam Tư xưa thực sự đã chết, nhưng nỗi buồn nhớ nó thì sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Tôi đã nghe được cùng một câu nói này thốt ra từ cửa miệng người Serbia, người Horva, người Hồi giáo quê hương ở Bosnia: “ Không bao giờ chúng tôi còn được sống quãng đời tốt đẹp như dưới thời Tito nữa! “
-Cách đây không bao lâu, một câu hỏi cứ ám ảnh tôi: Nói đại cục ra chúng tôi đã làm phân rã xứ sở nhắm mục đích gì nhỉ ?- Niiaz Babist, một thương gia ở Saraevo  tâm sự- Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn chăng mà chúng tôi bắn giết nhau và giết chết chính mình? Bosnia và Hercegovina là hai vùng đất nghèo. Họ đứng được là nhờ vào đồng tiền của EU và của Mỹ. Phương Tây tìm mọi cách làm tan rã Nam Tư. Họ nhồi nhét vào đầu chúng tôi rằng, chỉ có phân chia ra thành nhiều nước nhỏ, các người mới có cuộc sống như trên thiên đàng thôi. Bosnia vừa tuyên bố độc lập, ngay tức thì Đức và Mỹ công nhận. Còn khi người Serbia chúng tôi muốn sống riêng, không hiểu vì lý do gì họ lại khuyên chúng tôi không nên? Vì điều gì đây chúng tôi phải chôn cất tới 200 ngàn người? Để bây giờ ông già bà cả nhận được 100 euro tiền hưu trí ; còn gần nửa số dân lưu lạc sang Đức làm nghề rửa chén bát? Vì cuộc sống khốn khó như thế chúng tôi phải tiêu diệt xứ sở Nam Tư sao? Quả là phát điên lên mất!

            Chúng tôi gặp cô bé Leila 12 tuổi đang đứng cầu nguyện tại một nghĩa trang của thành phố Mostar. Có 5 người thân của em nằm ở nghĩa trang này. “ Bọn Horvat khốn kiếp ! –cô bé nói rít qua kẽ răng-Lớn lên cháu sẽ giết hết bọn chúng! “ Một trong những mối xung đột khủng khiếp nhất ở châu Âu như vậy là chưa kết thúc. Nó vẫn âm ỉ cháy. “ Bây giờ ví như muốn giữ nguyên một nước Nam Tư thống nhất, giáu có như xưa hoặc thay đổi điều gì ở cái xứ sở ấy..-một người địa phương dẫn đường ở thành phố Travnhic nói với chúng tôi- Tất cả cũng đã quá muộn! Có lẽ phải đợi 2,3 thế hệ nữa. Còn với chúng tôi à ? Máu hận thù đã ngập tới đầu gối rồi! ”.

            Câu nói “ Không bao giờ chúng tôi còn được sống sung túc, dễ thở như dưới thời Tito” bạn có thể nghe thấy ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất Nam Tư cũ. Người lãnh tụ của một xứ sở không liên kết trong những năm từ 1945 đến 1980, gốc gác là người dân tộc Horvat, nhưng tên tuổi của ông cho đến tận hôm nay vẫn được tất cả các cộng đồng dân tộc thuộc Liên Bang Nam Tư cũ nhắc tới với niềm thương mến, kính phục. Tại bất cứ một nơi nào, ngay cả ở những nước cộng hòa phải tốn nhiều xương máu mới giành được độc lập cho xứ sở mình, đi trên đường phố dễ dàng bắt gặp những tốp thanh niên mặc áo phông với hàng chữ ghi trên ngực: “Đồng chí Tito! Hãy quay về với chúng tôi! “, “Người Hồi giáo, người Serbia, người Horvat –tất cả đều yêu kính đồng chí”. “Đồng chí Tito mang lại cho chúng tôi tất cả mà không lấy đi của chúng tôi bất cứ thứ gì. Còn bây giờ bọn họ không cho chúng tôi mảy may gì mà lại cướp đi từ trên tay chúng tôi ngay cả một bơ lúa kiều mạch!”…Cách đây không lâu, nhân Bosnia tổ chức kỷ niệm lần thứ 25 ngày nổ ra cuộc nội chiến ( khiến hơn 200 ngàn người hy sinh ) đã diễn ra một cuộc trưng cầu ý dân chọn lựa tổng thống. Kết quả thật không ngờ: 60% dân số dồn phiếu cho Jiosip Broz Tito với giả định nếu ông ta sống lại. Còn tại Cosevo, ngay những người gốc Anbani cũng khẳng định như đinh đóng cột: Nếu Tito điều hành đất nước, không một ai muốn chia sẽ Nam Tư cũ thành nhiều mảnh như bây giờ!

            Người ta hồi nhớ lại, khi Tito điều hành đất nước nền kinh tế Nam tư được xem tốt nhất trong “ Cộng đồng XHCN” ở Đông Âu. Vợ chồng trẻ mới thành hôn được chính phủ cấp căn hộ không phải trả tiền. Đồng lương cho công nhân, viên chức nhà nước giữ được ổn định và chỉ có tăng lên, không giảm đi. Tại các rạp chiếu bóng những bộ phim có cảnh sex được chiếu thoải mái. Bất cứ người công dân nào cũng có quyền qua Đức hoặc Pháp mà không cần visa. Cửa hàng, cửa hiệu tư nhân tự do mở cửa. Chỉ những xí nghiệp lớn mới thuộc quyền quản lý của nhà nước.
            Khi biết chúng tôi là những nhà báo đến từ nước Nga, người dân Bosnia, Hercegovia, Montenegro… đều vui vẻ nói: “ Trong Thế chiến I, Tito đã chiến đấu tại mặt trận Áo-Hung. Ông ta bị bắt làm tù binh, bi đưa sang Siberi. Ở Siberi, Tito đã cưới cô vợ người Nga và bằng tất cả tấm lòng ông ấy yêu nước Nga. Sau đó Tito trở về Nam Tư làm cách mạng XHCN. Về những cuộc cãi cọ giữa Stalin và Tito mọi người hãy quên cho nhanh. Việc đó chỉ làm xấu đi mối quan hệ tốt đẹp giữa Liên bang Nam Tư và Liên Xô trước đây.”
            Và họ cũng nói thêm với chúng tôi rằng, trên vùng Balcan này, xưa kia Josip Broz Tito nổi tiếng và được mến yêu không thua gì chúa Giesu !