Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, tác giả Hoài Thanh- Hoài Chân đã ghi nhận: "Từ hai tháng trước, hôm 26-7-1933 một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm đã lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bây giờ đã 25 năm. Thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng lần thứ nhất một cuộc diễn thuyết có đông người nghe như thế". Tại diễn đàn, bà mạnh dạn trình bày quan điểm; "Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị đẹt mất (không lớn lên tuổi) thì rất cần phải có một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thời này khác hẳn lối thơ xưa nên gọi là thơ mới". Qua các bài thơ minh họa "Hai cô thiếu nữ", "Viếng phòng vắng", bà đã làm dậy sóng văn đàn, báo chí với nhiều tranh luận, nhiều ý kiến trái ngược nhau từ Bắc vào Nam...”



XỨ GÒ CÔNG CÓ NỮ SĨ MANH MANH

HOÀNG CHÂU

Đất Gò Công xưa thuộc Gia Định, Định Tường được người đời xem như vùng đất "địa linh nhân kiệt", có hai bà Hoàng là Từ Dụ Thái hậu và Nam Phương Hoàng hậu. Thời phong trào Thơ mới, vùng đất này cũng góp một tài danh: nữ sĩ Manh Manh.
Nữ sĩ, ký giả Manh Manh tên thật là Nguyễn Thị Kiêm (1914-2005) là con gái thứ của Tri huyện Gò Công Nguyễn Đình Trị (Huyện Trị), một người nổi tiếng chốn quan trường và cũng từng là ông bầu của đội bóng đá Ngôi sao Gia Định một thời lừng lẫy. Thuở nhỏ, bà theo học trường nữ sinh Áo Tím (Trường nữ Gia Long, Sài Gòn), nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Tốt nghiệp bằng Thành Chung, bà đã dấn thân vào nghề báo, một nghề khá mới mẻ, nữ giới rất hiếm hoi. Thời kỳ 1932, ông Phan Khôi đã bắt đầu khai sơn phá thạch của phong trào thơ mới, bà đã có khuynh hướng cổ vũ cho thơ mới, phá cách, phá thể trong sáng tác và gây dựng phong trào nữ lưu và văn học phá vỡ truyền thống áp đặt nặng nề của quan niệm phong kiến, kêu gọi phụ nữ đứng lên đấu tranh đòi quyền bình đẳng trong xã hội.
Năm 1931, tờ báo Phụ nữ Tân văn bị tạm đình bản, cô gái 19 tuổi Nguyễn Thị Kiêm bắt đầu dấn thân vào một cuộc phiêu  lưu mới, đó là đi diễn thuyết khắp nơi từ Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… với các chủ đề về bình đẳng giới và ủng hộ thơ mới song song với các bài viết trên báo.
Tại Hà Nội, bà đăng đàn tại Hội Khai trí Tiến Đức với chủ đề "Một ngày của một người đàn bà tân tiến", tại Nam Định chủ đề "Có nên tự do kết hôn chăng?", tại Hải Phòng "Nên bỏ chế độ đa thê không?"… bà giống như một nữ anh hùng phá vỡ xiềng xích phong kiến trói buộc phụ nữ đã ngàn năm qua và phá vỡ "tam tòng tứ đức" lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp với thế giới văn minh.
Trong cuốn thi nhân Việt Nam, tác giả Hoài Thanh- Hoài Chân đã ghi nhận: "Từ hai tháng trước, hôm 26-7-1933 một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm đã lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bây giờ đã 25 năm. Thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng lần thứ nhất một cuộc diễn thuyết có đông người nghe như thế". Tại diễn đàn, bà mạnh dạn trình bày quan điểm; "Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị đẹt mất (không lớn lên tuổi) thì rất cần phải có một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thời này khác hẳn lối thơ xưa nên gọi là thơ mới". Qua các bài thơ minh họa "Hai cô thiếu nữ", "Viếng phòng vắng", bà đã làm dậy sóng văn đàn, báo chí với nhiều tranh luận, nhiều ý kiến trái ngược nhau từ Bắc vào Nam. Tại buổi nói chuyện với Hội chợ Phụ nữ ngày 26-5-1932 tại Vườn hoa Tao Đàn (Vườn Ông Thượng, Sài Gòn) bà cho rằng: "đối với những người như chúng tôi đây, ngu mà muốn học cho khôn, dốt mà muốn học cho giỏi, không biết mỹ thuật mà biết yêu mến mỹ thuật, không biết văn chương mà muốn cảm mến văn chương thì nữ lưu học hội thiệt là cần ích cho chúng tôi lắm. Nữ lưu của thế kỷ 20 vượt ra khỏi buồng the, đi học đi làm như đàn ông, tự do đi đứng, nói cười, đá cầu, vợt banh, lập hội hè, tranh cãi… Ngang hàng với đàn ông, bình đẳng phẩm giá trong xã hội".
Năm 1936, nữ sĩ Manh Manh còn tham gia phong trào Đông Dương đại hội, được cử vào Ủy ban lâm thời tổ chức Đại hội tại Sài Gòn bên cạnh những tên tuổi lớn như: Nguyễn An Ninh, Trịnh Đình Thảo, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Tạo, Phan Văn Hùm… Đáng tiếc, cuối năm 1934, tờ báo Phụ nữ Tân văn đã bị chính quyền đóng cửa, chỗ dựa cho phong trào thơ mới và nữ quyền của bà đã mất hậu cứ vững chắc nên hoạt động chìm lắng dần.
 Bà lập gia đình với nhà giáo, nhà báo Lư Khê - Trương Văn Em quê Hà Tiên (Kiên Giang) vào năm 1937, nhưng hạnh phúc kéo dài không lâu do đứa con đầu lòng mất sau khi chào đời nên hai người chia tay. Năm 1950 bà lấy chồng người Pháp và định cư theo chồng tại Paris cho đến ngày mất.
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt, em út nhà báo Trương Văn Em kể về chị dâu: "Chị Manh Manh cư xử với nhà chồng rất tốt, được bên chồng yêu quý. Chị là thứ nữ của ông Huyện Trị, còn anh Lư Khê là con nhà nghèo ở Hà Tiên… song chị không hợm mình, lúc nào chị cũng quý trọng người nghèo rất thiệt tình, không màu mè, không phân biệt giai cấp.
Chị thường viết báo hoặc diễn thuyết bênh vực cho phụ nữ, cho những người nghèo. Khi sinh bé Mi Nu chị Kiêm gặp sự cố không may, mất khả năng sinh sản. Năm sau bé Mi Nu mất, chị vô cùng buồn và đã thỏa thuận cho anh lấy người khác để sanh con…
Tuy chỉ vụt sáng như ánh sao trên văn đàn thuở xưa không lâu, nhưng hiện tượng nữ sĩ Manh Manh đã để lại cho xã hội nữ quyền và thi đàn những dấu ấn đặc biệt. Phụ nữ Tân văn là tuần báo xuất bản vào ngày thứ năm, với tôn chỉ rõ ràng : "Phấn son tô điểm sơn hà/ Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam". Chất men mới, tạo ra cơn say mới ngay từ đầu bài thơ: "Canh tàn/ Em ơi lóng nghe/ Gió đêm thoáng qua cửa/ Lụn tàn một góc lửa/ Lạng ngắt chốn buồng the/ Gió đêm thoáng qua cửa…" không niêm luật, không tu từ, không theo những lề lối, qui củ của Đường Luật hay thất ngôn, tứ tuyệt hay bát cú…
Những mầm non mới nhú lên luôn vấp phải sự phản kháng rất dữ dội của những thành trì cổ lổ, lề lối xưa hoàn toàn không đơn giản chút nào. Bài thơ "Viếng phòng vắng" của nữ sĩ Manh Manh được ví như cây gai nhọn của loài hoa hồng cực đẹp đâm thẳng vào những cặp mắt dè bỉu, phản ứng gay gắt về phong trào thơ mới khiến người củ thường lồng lộn, điên tiết lên không chịu nổi, nhất là tác giả là một phụ nữ.
Thơ có câu: "Gió lọt phòng không/ Tạt hơi Đông/Lạnh như đồng/ Ngồi mơ tưởng/ Ngày xưa phất phưởng/ Dấy động tơ lòng"…và gió Đông lạnh lẽo ấy lại "lọt phòng không" nhưng làm "ấm dịu cõi lòng" như một cái tát cực mạnh vào quan niệm ấu trĩ, phong kiến khắt khe giam cầm người phụ nữ chôn chặt cuộc đời trong phòng the bởi những lề thói, quan niệm. Thơ bà không chỉ phá vỡ những khuôn sáo của thời xưa mà còn gieo vào lòng người những tư tưởng lãng mạn, hiện thực, đặc biệt là vùng trời khao khát yêu đương của tình yêu đôi lứa…
Bà là người dũng khí, hiên ngang, dám nói, dám làm. Việc bà ra đất Bắc Hà để diễn thuyết "mang chuông đi đấm xứ người" giống như bà Nguyễn Thị Tồn, người vợ chung tình của tri huyện Bùi Hữu Nghĩa dám vượt khuê môn ra tận cửa triều đình Huế đánh trống kêu oan cho chồng. Bên cạnh số đông người bảo vệ, ủng hộ, bà cũng vấp phải rất nhiều sự chống đối, công kích rất kịch liệt trong giới văn nhân lúc bấy giờ.
Nhưng điều đó, không thể làm thay đổi được những tư tưởng nhân văn và tiến bộ của nữ sĩ trẻ ở đất Nam kỳ. Năm 1932 tại đất Nam kỳ đã có ông Phan Khắc Sửu thành lập đội đá banh nữ Cái Vồn (Vĩnh Long). Những cầu thủ phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân đã đá banh giao lưu với đàn ông rất bình thường, nên với nữ sĩ Manh Manh, việc diễn thuyết kêu gọi bình đẳng giới cũng không có gì quá lạ.
Khoảng đầu năm 1945 nhà giáo Lư Khê lấy vợ hai. Năm 1950, bà lấy chồng người Pháp theo chồng sang Paris sinh sống bặt vô âm tín. Cho đến đầu năm 1999, hai nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan và Thanh Việt Thanh cho xuất bản cuốn sách viết về Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, một người bạn của nữ sĩ là bà Bourbon Thi Hương - Việt kiều sống tại Paris về nước đã tình cờ đọc cuốn sách và kết nối liên lạc.
Khi nhận cuốn sách có lời đề tặng của hai tác giả quê nhà, bà đã 85 tuổi rất xúc động: "không ngờ nửa thế kỷ rồi mà những người bạn văn ở trong nước vẫn còn nhớ và viết về tôi…". Sáu năm sau, trong một buổi chiều đông Paris lạnh giá, nữ thi sĩ Manh Manh đã trút hơi thở sau cùng trong một viện dưỡng lão của thủ đô ánh sáng thế giới…
Thơ mới, ngày nay đến với mọi người với những tác giả tên tuổi như: Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Thông, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương…nhưng hình như đã thiếu một nữ sĩ Manh Manh, vì bà cũng chưa từng in một tập thơ nào riêng.


Nguồn: Văn Nghệ Công An