Cùng một thế giới, cùng một thời gian. Con người ngoài kia mở ra những thách thức và tranh cãi về trí tuệ. Mở ra những lý luận mới về giá trị tinh thần và tương lai. Còn ở nơi đây, Quảng Bình quê chúng ta, người dân đang còn loay hoay và cuống cuồng nghĩ ra cách dùng một sợi dây để treo đầu, cứu sống một con bò. Thật nghiệt ngã. Nước dâng cao ngập mái nhà. Ngập ruộng vườn và cuộc sống, lại khiến người dân nghĩ nhiều hơn về số phận của mình. Không phải thiên tai cố “cực đoan” mà mỗi ngày mưa lũ càng nhiều. Ngay trong các thành phố lớn, mưa chỉ cần kéo dài vài tiếng, nội thành đã không khác gì phố biển. Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lào Cai, Cần Thơ, An Giang... khắp nơi đang đối diện với lũ lụt, sạt lở ào ạt tới như một chuỗi tin dữ. Người dân đang phải trả giá cho những gì mà họ không làm.


TỪ ĐÔI MẮT CỦA BÒ

TUẤN KHANH

Những con số đếm giản đơn cho biết cả ngàn ngôi nhà ngập đến nóc, ruộng vườn, hoa màu chìm trong biển nước. Gà vịt trâu bò chết lặng theo con nước dâng. Những con số đếm nhạt nhẽo nhưng căng phồng hàng ngàn câu chuyện về sống chết và phận người quẫy đạp để sinh tồn.
Trên các trang mạng xã hội. Người ta chuyền tay nhau bức ảnh về một con bò, được chủ nuôi treo đầu cao khỏi mặt nước để không chết chìm, nhưng nước thì đã ngập đến mũi. Đây có thể là bức ảnh bao quát nhất, chỉ có cái đầu và đôi mắt tuyệt vọng, mệt mỏi của con vật, nhưng lại như nói hết, gào thét hết được trong thinh không về con người, về quê nhà, về nỗi đau và tương lai.
Không biết bức ảnh mờ nhạt, hay ánh mắt của con bò đã đục dần trong giờ phút hiu hắt của sự sống. Đôi mắt làm người ta nhớ đến nhân vật phu kéo xe của Nguyễn Công Hoan. Người đàn ông mệt mỏi, kéo xe kiếm cơm qua ngày, thở dốc với từng ngày sống, mà nhà văn xứ Hưng Yên mô tả rằng đôi mắt mờ đục, gượng sống như trái nhãn, không còn nhìn thấy tương lai.
Cũng cùng trong ngày tháng đó, thế giới chứng kiến một giải Nobel Văn học đến lạ, vì giải được trao cho một người trọn một đời hát rong ở Mỹ. Có không biết bao nhiêu là bất bình cũng như hân hoan trước sự kiện này. Thậm chí những người bảo vệ giá trị văn học, coi việc trao giải thưởng này như một sự sỉ nhục đối với giới cầm bút.
Vì sao Viện Hàn lâm Thụy Điển lại có một quyết định bất thường như vậy? Tổng Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển là bà Sara Danius nói rằng, Bob Dylan là người gợi nhớ lại thời kỳ thi ca Hy Lạp cổ, với những cách sáng tác và phổ biến thơ không khác gì các thi sĩ Homer và Sappho từ hơn 2500 năm trước. 
Tạm gác lại các điều tranh cãi về đúng - sai. Điều mà Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định, cho thấy những cái nhìn đột phá và ngẫu hứng. Nó xác định về các giá trị của nghệ thuật trí tuệ không có lằn ranh và định kiến. 
Sự sửng sốt của những người chứng kiến giải Nobel Văn học 2016, không chỉ là kết quả lạ lùng, mà có cả sự phát hiện về quan điểm của ban tuyển chọn giải Nobel, mà tưởng chừng đã quá cũ mòn và bị câu nệ bởi các nguyên tắc, cũng như danh tiếng của chính mình.
Cùng một thế giới, cùng một thời gian. Con người ngoài kia mở ra những thách thức và tranh cãi về trí tuệ. Mở ra những lý luận mới về giá trị tinh thần và tương lai. Còn ở nơi đây, Quảng Bình quê chúng ta, người dân đang còn loay hoay và cuống cuồng nghĩ ra cách dùng một sợi dây để treo đầu, cứu sống một con bò.
Thật nghiệt ngã. Nước dâng cao ngập mái nhà. Ngập ruộng vườn và cuộc sống, lại khiến người dân nghĩ nhiều hơn về số phận của mình.
Không phải thiên tai cố “cực đoan” mà mỗi ngày mưa lũ càng nhiều. Ngay trong các thành phố lớn, mưa chỉ cần kéo dài vài tiếng, nội thành đã không khác gì phố biển. Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lào Cai, Cần Thơ, An Giang... khắp nơi đang đối diện với lũ lụt, sạt lở ào ạt tới như một chuỗi tin dữ.
Người dân đang phải trả giá cho những gì mà họ không làm. Từ năm 1993, người dân xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã kêu cứu khắp nơi về chuyện lâm trường Bố Trạch - do ai đó chống lưng, ban bệ nào bao che để cùng chia chác - đã tàn phá liên tục rừng đầu nguồn. Cả tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 173,75 km², trong đó phần lớn là rừng. 
Người dân đau xót kể lại rằng nơi đây ngày xưa chim muông khắp nơi, cổ thụ thì lớn đến mức 4-5 người ôm mới hết vòng... nhưng lâm trường Bố Trạch hủy diệt tất cả. 
Đến năm 2013 thì đợt lũ dầu tiên quét sạch mọi thứ do rừng không còn đã diễn ra. Thiên nhiên chết dần, mà con người đứng ra bảo vệ rừng cũng bị tấn công, bắt bớ. Tháng 12/2014, đã từng có những cuộc xung đột lớn giữa dân chúng và phía lâm trường Bố Trạch, nhưng tiếng kêu của dân chúng không thấu được đến đâu cả.
Hôm nay lụt tràn về Hà Tĩnh, mà nguyên nhân chính là nhà máy thủy điện xả lũ vô trách nhiệm. Giải trình của chính Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bởi mưa lớn cộng với nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng từ 500m³/s - 1.800m³/s, hồ Bộc Nguyên xả 150 - 200m³/s... đã làm cho địa phương bị ngập lụt.
Chuyện nhà máy thủy điện xả lũ vô trách nhiệm, coi thường tài sản và mạng sống con người không còn là chuyện lạ. Ở Việt Nam, nơi đâu có nhà máy thủy điện là hầu hết những nơi đó có sự cố xả lũ. Lời “trách yêu” của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh với nhà máy thủy điện Hố Hô rằng “Xả lũ hết cỡ như thế dân không kịp trở tay”, cũng thiếu trách nhiệm không kém. 
Sống và chết của hàng ngàn con người ở Hà Tĩnh như vậy đó, chỉ được giải đáp bằng những lời trách nhau lấy lệ. Nỗi đau thì con người vốn đành cam chịu đã lâu. Có thể chôn kín trong lòng đến tận mộ sâu. May ra chỉ còn đôi mắt mờ đục và tuyệt vọng của con bò hôm nay là để minh chứng cho cây độc đã đơm hoa kết trái, mà kẻ gieo xuống, không phải là dân lành.
Đôi mắt tuyệt vọng ấy buộc chúng ta phải nghĩ đến hàng triệu người dân đang đối diện với môi trường trước thảm họa, cần biện pháp hữu hiệu để bảo vệ họ.


Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng