Ảnh hưởng của Wajda đối với điện ảnh thế giới vượt lên trên những gì người ta thường nghĩ. Ví như, bộ phim “Tro tàn và Kim cương” (1958) đã trở thành mối kích thích sự ra đời làn sóng làm những bô phim lớn về Cuộc chiến tranh Vệ quốc 1941-1945 tại liên bang Xô Viết. Còn bộ phim “Kortsak” đã khơi gợi cho đạo diễn Mỹ- Steven Spielberg làm ra bộ phim nổi tiếng “Bản danh sách Schindler”. Nhiều người cộng tác với Wajda từ Allan Stasky- họa sỹ thiết kế cánh tay phải của ông đến nhà soạn nhạc Voisek Kilar sau này đều đạt tới đỉnh vinh quang tại Hollywood. Riêng Wajda, dù làm việc ở châu Âu (năm 1988 ông đã dàn dựng tại Pháp bộ phim “Con quỷ” chuyển thể tác phẩm của văn hào Nga - Dostoievsky) ông vẫn luôn luôn quay về Ba Lan, nơi ông đã thực hiện những kiệt tác chủ yếu của đời mình như “Những thế hệ”, “Cống ngầm”…- những bộ phim đã giúp ông tìm được sự đồng cảm của những người cùng thời với mình trên tổ quốc thương yêu.


CHỨNG NHÂN THẾ KỶ CỦA ĐIỆN ẢNH THẾ GIỚI

Ngày 9- 10-2016 vừa qua, đạo diễn điện ảnh thuộc hàng kinh điển thế giới, gốc Ba Lan Andrzej Wajda đã từ trần ở tuổi 90. Ông là tác giả của gần 50 bộ phim, bậc “lão trưởng” của điện ảnh Ba Lan, được coi là một trong những đạo diễn cự phách nhất của điện ảnh châu Âu. Đạo diễn Wajda từng nhận giải “Cành cọ vàng” của Liên hoan Phim Cannes (Pháp), giải thưởng OSCAR và nhiều giải thưởng của hầu hết các liên hoan phim quan trọng trên thế giới từ Berlin (Đức) đến Venise (Italy). Cũng cần nói ngay, ông tiếp tục làm phim cho tận đến ngày cuối cùng của đời mình. Một trong những bộ phim những năm gần đây của ông, phim “Air” trình chiếu tại Liên hoan phim Berlin, đã được trao tặng giải thưởng vì sự độc đáo, tươi mới- một giải thưởng thường dành cho những đạo diễn trẻ, mới bước vào nghề. Wajda không kịp sống thêm vài ngày nữa để chứng kiến buổi công chiếu bộ phim “Bức tranh để lại” (Afterimage), tác phẩm cuối cùng của ông trong chương trình “Phim của các bậc thầy” tại Liên hoan phim Toronto (Canada) cũng như tại Liên hoan phim Roma (Italy) sẽ diễn ra không lâu sau đó. Bộ phim “Bức tranh để lại” đề cập tới cuộc đời của nhà danh họa theo trường phái tiền phong của Ba Lan mà số phận có điều gì đó tương đồng với bản thân nhà đạo diễn.

            Ảnh hưởng của Wajda đối với điện ảnh thế giới vượt lên trên những gì người ta thường nghĩ. Ví như, bộ phim “Tro tàn và Kim cương” (1958) đã trở thành mối kích thích sự ra đời làn sóng làm những bô phim lớn về Cuộc chiến tranh Vệ quốc 1941-1945 tại liên bang Xô Viết. Còn bộ phim “Kortsak” đã khơi gợi cho đạo diễn Mỹ- Steven Spielberg làm ra bộ phim nổi tiếng “Bản danh sách Schindler”. Nhiều người cộng tác với Wajda từ Allan Stasky- họa sỹ thiết kế cánh tay phải của ông đến nhà soạn nhạc Voisek Kilar sau này đều đạt tới đỉnh vinh quang tại Hollywood. Riêng Wajda, dù làm việc ở châu Âu (năm 1988 ông đã dàn dựng tại Pháp bộ phim “Con quỷ” chuyển thể tác phẩm của văn hào Nga - Dostoievsky) ông vẫn luôn luôn quay về Ba Lan, nơi ông đã thực hiện những kiệt tác chủ yếu của đời mình như “Những thế hệ”, “Cống ngầm”…- những bộ phim đã giúp ông tìm được sự đồng cảm của những người cùng thời với mình trên tổ quốc thương yêu.

            Có thể nói Wajda thông qua những bộ phim trở thành nhà viết sử về những số phận không hề đơn giản của quê hương, đồng bào mình trong suốt chiều dài lịch sử từ bộ phim “Tro tàn” (1965) đến bộ phim miêu tả cuộc đời của vị Tổng thống đầu tiên của nhà nước Ba Lan- Lek Valensa được dàn dựng vào năm 2013. Số phận của Ba Lan đã như bị cột chặt vào nước Nga và Liên bang Xô Viết, điều này giải thích thái độ của Wajda đối với Nga - Xô Viết và ngược lại là rất nhiều ưu tư.Bộ phim “Tro tàn và kim cương” của ông đã một thời rất được đề cao tại nước Nga- Xô Viết; nhưng tới phim “Người sắt”  (chống lại ý tưởng bành trướng và ủng hộ phong trào “Công đoàn Vàng”) thì lại bị lên án gay gắt.
                                  
Đạo diễn Wajda và nữ diễn viên Ba Lan nổi tiếng Barbara Bruylska   


            Wajda và phim của ông không thể không ghi dấu vết của những sự biến lịch sử và mang hơi thở của những biến cố xảy ra trên xứ sở của mình. Khi nước Ba Lan còn nằm trong cộng đồng các nước của Hiệp ước Vasovi, Wajda cũng là một trong những người chủ trương văn nghệ nên được tự do sáng tạo, thoát ra khỏi yêu cầu biến thành công cụ tuyên truyền nhất thời. Ông không được nhà cầm quyền Ba Lan thuở đó có thiện cảm.
Nhưng sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của nhà đạo diễn tài ba này vẫn là lý tưởng nhân văn, nhân đạo, lòng xót xa và đồng cảm với sự hy sinh, mất mát vô bờ mà con người Ba Lan và nhân loại phải hứng chịu; khát vọng vươn tới những giá trị bình đẳng, bác ái. Ngay khi bước qua tuổi 81, đạo diễn Wajda vẫn đặt lên vai gánh nặng dàn dựng bộ phim “Katyn” kể lại vụ người Nga theo thế lực cầm quyền đen tối đã thảm sát tập thể 15.000 sỹ quan và trí thức Ba Lan. Trả lời trong một cuộc họp báo Wajda đã khẳng định rằng, ông không có ý định đào xới lại quá khứ để nhắm cái đích phe này chống phe kia, nước này chống nước khác. Khôi phục lại sự kiện Katyn bằng hình ảnh, ông gửi gắm tâm nguyện lên án nạn hủy diệt, tưởng niệm các thế hệ cha anh đã hy sinh và mong sao để máu người mãi mãi sẽ ngừng chảy.

            Những người quen biết, những đồng nghiệp của Wajda ở nước Nga-Xô Viết  kể lại, Wajda rất trân trọng và đánh giá cao văn hóa Nga, nhiều lần đã đưa các tác phẩm kinh điển của văn học Nga lên màn ảnh và sân khấu. Wajda cũng đã từng đánh giá cao những bộ phim Nga-Xô Viết vượt qua bệnh giáo điều, công thức như “Người thứ 41”, “Đàn sếu bay qua”, “Tuổi thơ Ivan”, “Gắng sống tới ngày thứ hai”, “Hãy đến mà nhìn”…

            Andrje Wajda đã có câu nói để đời, phản ánh đúng tâm tư, tình cảm của ông: “Chúng tôi không bao giờ hy vọng sẽ sống để nhìn thấy sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết; chúng tôi sẽ sống để thấy Ba Lan là một đất nước tự do”.

TÔ HOÀNG ( theo “Nhân chứng và Sự Kiện” )