Sau khi kết thúc buổi thi môn Ngữ văn - kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sáng 2-7, trên một số tờ báo và mạng xã hội rộ lên thông tin đề thi có sai sót. Cụ thể, theo phản ánh thì câu thơ trích dẫn trong bài “Tiếng Việt’” của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ mà các nhà ra đề yêu cầu học sinh phân tích “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” đúng ra phải là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Đó mới đúng là Lưu Quang Vũ. Đã có ảnh chụp bản in câu thơ này. Gay gắt hơn, có nhà văn còn yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo phải xin lỗi thí sinh cả nước và tổ chức thi lại môn Ngữ văn. Trong khi thực tế, theo tài liệu (bản chép tay) của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ do đại diện gia đình nhà thơ cung cấp thì câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” mới đúng thực là câu thơ “nguyên gốc” của Lưu Quang Vũ. Từ chuyện ồn ào này, làng văn chúng ta cần rút ra bài học gì để không tái diễn sự việc tương tự, phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trao đổi cùng nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải.


Nên ứng xử thế nào với các “dị bản” văn học?

MẠC THANH (thực hiện)


@ Thưa nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải, mãi đến ngày 3-7, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lưu Khánh Thơ - em gái của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ - mới khẳng định nguyên bản câu thơ mà anh trai chị đã viết là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”, còn chữ “như đất cày” là do nhà thơ Phạm Tiến Duật sửa lại, trong khi trước đó, từ tối 2-7, trong đoạn tin nhắn được tải trên Facebook của nhà văn Như Bình, anh đã sớm khẳng định “Theo tôi biết, câu Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa là bản gốc của anh Vũ, ý anh muốn đối lập giữa cái đời thường và cái quyền quý cao sang. Nhưng là người biên tập (báo Văn nghệ), họ không thể để một nhà thơ nói ngôn ngữ dân tộc mình như bùn nên họ đề nghị sửa là “đất cày” và anh Vũ chấp thuận. Sau này anh Vũ lấy lại bản gốc của mình cho in lại ở NXB Giáo dục. Nay Bộ Giáo dục - Đào tạo căn cứ vào bản in ấy để ra đề thi”. Từ đâu anh nắm chắc sự việc như vậy?
Phạm Khải: Thật ra, việc cũng đơn giản thôi. Khi dư luận ồn lên xung quanh đề thi môn Ngữ văn, tôi tra cứu lại một số tài liệu (chủ yếu là các tuyển tập có in bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ) thì thấy, có nơi in là “như bùn”, nơi in là “đất cày”, và sở dĩ có sự khác biệt, có thể gọi là “dị bản” ấy là do một câu là nguyên gốc Lưu Quang Vũ viết, và một câu là do biên tập viên sửa lại. Có thông tin còn nói chắc như đinh đóng cột là thơ Lưu Quang Vũ bị sửa lại khi in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Vậy trong 2 câu thơ trên, đâu là nguyên gốc, đâu là câu bị biên tập viên  sửa lại? Tôi nghiêng về giả thiết câu thơ bị (nói đúng hơn là được) sửa lại là câu “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Tại sao tôi lại tin vậy? Là vì, tôi là một người làm thơ, viết phê bình thơ, lại nhiều năm làm biên tập viên văn nghệ, trong đó có biên tập thơ nên tôi rất hiểu. Chỉ khi tác giả viết Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa mới khiến biên tập viên đề nghị sửa thành “đất cày”. Chứ một khi tác giả viết “đất cày” rồi thì không biên tập viên nào lại “điên khùng” mà chữa ra “như bùn”, nhất là với một tác giả đã thành danh như Lưu Quang Vũ. Chúng ta nên nhớ, bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ ra đời (cả khi viết và in) trong thời bao cấp chứ không phải vào giai đoạn sáng tác thoải mái và có tư duy mở - đến độ “mở” toang hoác, bất chấp lề lối như bây giờ - và với tư duy thời ấy, viết “Ôi tiếng Việt như bùn...” là rất… gai gợn. Như tôi từng phân tích, khi viết “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”, hẳn Lưu Quang Vũ không hề có ý thóa mạ Tiếng Việt “như bùn” mà có ý đối lập, rằng Tiếng Việt có thể đi vào ngóc ngách của đời sống bình dân (người ta vẫn nói là nơi cơ hàn, nơi bùn lầy nước đọng) cũng như có thể tới chốn quyền quý cao sang. Nhưng ở thời bao cấp, thơ ca nói riêng và văn học nói chung đều rất kị dùng những chữ có thể (tôi nhấn mạnh là có thể) khiến độc giả suy diễn theo hướng xấu. Mà như chúng ta đều biết, sự xấu - đẹp là do quy ước của con người. Chữ “bùn” đa phần bị nhìn là không đẹp. Câu thơ “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của Nguyễn Đình Thi; “Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn/ Đã bước dưới mặt trời Cách mạng” của Tố Hữu đều không thuận cho chữ “bùn”. Qua cuộc trao đổi, tranh luận vừa rồi, cũng có ý khen chữ “bùn” hay hơn chữ “đất cày”, tuy nhiên đó vẫn chỉ là số ít, quan điểm chung của mọi người nghiêng về chữ “đất cày” nhiều hơn.
@ Như vậy, chúng ta phải “ghi công” cho nhà thơ Phạm Tiến Duật, người đã sửa câu thơ trên hay hơn, thay vì phê bình ông?
Phạm Khải: Đúng vậy! Và theo quan điểm của riêng tôi, một số chữ khác được sửa trong bài “Tiếng Việt” cũng hay hơn bản gốc. Ví dụ câu “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình” đưa vào đoạn kết, chữ “ân tình” rộng nghĩa và hợp lý, hợp tình hơn là “xót xa tình”. Tại sao lại “xót xa” khi ngay câu trên, tác giả thể hiện tâm trạng xúc động, run rẩy của mình theo hướng háo hức: “Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá”. Tất nhiên, có thể việc cảm thụ thơ mỗi người một cách, nhưng việc đại diện gia đình nhà thơ, cụ thể ở đây là chị Lưu Khánh Thơ - trong các bản in sau này - vẫn dùng bản sửa của nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đáng để bạn đọc tham khảo.
@ Nhưng qua theo dõi, tôi nhận thấy bản thân nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lưu Khánh Thơ cũng có những chỗ “tiền hậu bất nhất”. Như khi trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam, chị nói bản gốc câu thơ Lưu Quang Vũ là “như đất cày”, sau bị nhà thơ Phạm Tiến Duật sửa lại thành “như bùn”. Thế rồi chỉ một ngày sau đó, trên tờ Dân Việt (phụ trương của Báo Nông thôn ngày nay), chị lại khẳng định bản gốc của Lưu Quang Vũ là “như bùn”, còn chữ “như đất cày” là do nhà thơ Phạm Tiến Duật sửa. Bạn đọc không biết nên hiểu sự việc như thế nào?
Phạm Khải: Tôi cho rằng điều quan trọng nhất đối với một nhà nghiên cứu, phê bình là phải tôn trọng sự thật. Chị Lưu Khánh Thơ đã tôn trọng sự thật khi đi kèm với lời khẳng định của chị - rằng nguyên gốc câu thơ của Lưu Quang Vũ là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” - chị đã cung cấp cho độc giả bản viết tay của Lưu Quang Vũ. Còn việc trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam trước đấy, như chị cho biết, đó là do chị nhầm lẫn trong lúc trả lời phóng viên qua điện thoại. Điều này tuy không ai muốn nhưng trong thực tế vẫn có thể xảy ra. Chúng ta đều biết, hiện tốc độ làm báo của chúng ta rất gấp gáp, khẩn trương, phóng viên thậm chí không có thời gian đi gặp người mình cần phỏng vấn mà thường chỉ hỏi vội qua điện thoại. Mà hỏi thì “đòi” trả lời ngay, trong khi người được hỏi lúc đó có thể đang bận việc hoặc đang đi trên đường. Bản thân tôi, trong một trả lời phỏng vấn về vấn đề này cũng từng nhầm lẫn, trên thì rành rành nói là “đất cày”, vậy mà dưới lại cứ “luống cày” mới chết chứ.
Trở lại với chuyện về nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lưu Khánh Thơ, theo tôi được biết, có độc giả còn lên tiếng thắc mắc tại sao trong lời nói đầu của cuốn “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” (tuyển thơ Lưu Quang Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2010), với tư cách người biên soạn, chị Thơ đã viết là “Về mặt văn bản, chúng tôi lấy theo nguyên bản gốc của tác giả”, trong khi với bài thơ “Tiếng Việt” in trong tập, chị Thơ lại giữ nguyên theo bản đã sửa của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tôi thì tôi nhìn nhận việc này đơn giản thế này thôi: Nếu chị Lưu Khánh Thơ chỉ đơn thuần chọn thơ với tư cách là em gái của nhà thơ Lưu Quang Vũ, điều dễ nhất là chị thực hiện theo ý nguyện của anh trai mình, nghĩa là in lại thơ Lưu Quang Vũ theo nguyên bản mà anh Vũ đã viết, song Lưu Khánh Thơ, ngoài vai trò của một người ruột thịt trong gia đình, chị còn là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học, chị còn phải lắng nghe và tôn trọng dư luận độc giả, nhất là phải thận trọng với những câu thơ từ lâu đã đi vào đời sống, ăn sâu trong tâm trí bạn đọc. Vả chăng, Lưu Quang Vũ mất đột ngột, khi ấy anh mới 40 tuổi, chưa làm tuyển tập, vậy chắc gì anh Vũ đã nghĩ đến việc in lại thơ sau này để mà tính dùng bản nào, không dùng bản nào... Nên việc nói “in theo bản gốc” có khi chỉ là nguyện vọng mà Lưu Khánh Thơ và gia đình Lưu Quang Vũ đặt ra.
@ Là một người đọc nhiều và thuộc nhiều thơ, theo anh, việc xảy ra dị bản đối với các nhà thơ Việt Nam có phổ biến lắm không? Nguyên do tại đâu?
Phạm Khải: Thường dị bản xảy ra với các nhà thơ trong 2 trường hợp: Một là ở thời việc in ấn còn sơ khai, tác phẩm tồn tại chủ yếu qua con đường truyền miệng; hai là vào thời kỳ hiện đại, in ấn cẩu thả và hỗn độn như bây giờ. Ngoài ra, có những dị bản do tác giả tạo nên. Điều này cũng dễ hiểu thôi: Trong quá trình tác phẩm đi vào công chúng, tác giả nhận được những phản hồi, hoặc do nhận thức của tác giả thay đổi. Không hiếm nhà thơ nổi tiếng của chúng ta đã làm điều này, kể cả với những thi phẩm nổi tiếng. Ví như trường hợp Trần Đăng Khoa, mặc dù tập thơ “Góc sân và khoảng trời” đã gây được dấu ấn sâu đậm với nhiều thế hệ bạn đọc, nhưng mấy chục năm sau, tác giả vẫn chỉnh sửa lại. Như bài “Chớm thu” vốn rất phổ biến với mấy câu: “Nửa đêm nghe ếch học bài/ Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây/ Nghe trời trở gió heo may/ Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau”, sau này tác giả đã sửa câu đầu thành: “Sân trăng nghe đã dần phai”. Có lẽ tác giả thấy cả bài toát lên hơi hướng trữ tình, theo lối cảm nhận của người lớn, trong khi “nghe ếch học bài” lại mang hơi hướng đồng dao, trẻ con quá chăng? Cũng vậy, bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” của Nguyễn Đức Mậu (từng được đưa vào Sách giáo khoa), sau này tác giả đã bỏ đi mấy câu, đại loại như: “Đồng đội xông lên còn thấy Hùng cười”. Tôi hiểu từ đâu tác giả quyết định cắt đoạn này và tôi tán đồng với quyết định ấy của nhà thơ.
@ Vậy theo anh, trong trường hợp thơ của một tác giả có nhiều dị bản thế, chúng ta nên có quan điểm xử lý thế nào?
Phạm Khải: Theo tôi, nên chia làm 2 cách: Với trường hợp tác giả đã mất, không xác định được đâu là bản chính thì ta nên chọn bản nào được độc giả ưng nhất, phổ biến rộng rãi nhất (ví như trường hợp “Truyện Kiều”, nhà thơ Xuân Diệu đã có thao tác bình luận theo kiểu, bản nào hay hơn thì khẳng định đó là của cụ Nguyễn Du). Với các tác giả còn sống, ta nên tôn trọng bản in sau chót (nếu có sửa chữa) của tác giả. Bởi xét về cả lý và tình, đây không chỉ là vấn đề tôn trọng bản quyền mà hẳn là phải có cái lý nào đó tác giả mới sửa như vậy. Tất nhiên, không phải ai cũng có sự bao quát để biết, để đọc tất tật các tác phẩm của các tác giả để mà biết họ sửa chỗ nào, bởi vậy, khi thấy đây đó có bản không “khớp” với trí nhớ của mình thì điều đầu tiên ta phải tìm hiểu kỹ càng, tránh phát ngôn bộp chộp, đặc biệt là không nên “lu loa” làm rối vấn đề, để rồi rơi vào thế “việt vị” như việc một số nhà văn, nhà thơ bị “hớ” trong vụ liên quan đến đề thi môn Ngữ văn vừa qua.
@ Theo anh, từ vụ lùm xùm quanh đề thi môn Ngữ văn năm nay, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm gì?
Phạm Khải: Ngay khi dư luận ồn ào, tôi đã có quan điểm về vấn đề này và quan điểm ấy đã được đưa lên Facebook của nhà văn Như Bình, trong đó có đoạn: “Bạn yêu thơ có thể toàn quyền tranh luận câu thơ nào hay hơn nhưng không nên vì một chút dích dắc như vậy mà làm căng thẳng vấn đề, gây hoang mang dư luận một cách không cần thiết. Sinh thời, bản thân tác giả bài thơ còn chấp nhận được hai bản in khác nhau thì xin các bậc phụ huynh cũng nên bình tĩnh”. Theo tôi, dù câu thơ được lấy để ra đề thi có dị bản song cả đoạn thơ vẫn toát lên tình yêu quê hương đất nước qua tình yêu ngôn ngữ, nó không làm sai lạc bản chất vấn đề. Vả chăng, trong cuộc sống quá nhiều việc cấp thiết cần giải quyết, chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, đừng làm rối việc, gây hoang mang dư luận. Có một điều tôi rất ngạc nhiên là, có người nói rất nặng, cho rằng viết “như bùn” là thóa mạ tiếng Việt, là làm hỏng óc thẩm mĩ của học sinh, trong khi trước đấy, trên trang web của mình, họ lại từng bênh vực những tác giả, những câu thơ hết sức tục tĩu.
Nhân đây, cũng cần có ý kiến thêm với Bộ Giáo dục - Đào tạo. Việc trích dẫn đề thi như vậy là không sai, nhưng để độc giả phải tranh luận, thấy “gờn gợn” một điều gì đó trong chữ nghĩa thì cũng nên xem lại, rút kinh nghiệm cho lần sau. Trong bài thơ “Tiếng Việt”, ta có thể chọn những đoạn thơ khác hoàn toàn thể hiện được câu hỏi đặt ra mà không khiến độc giả lấn cấn.
@ Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.