Nghe tin nhà thơ Hoàng Trần Cương bị tai biến trong lúc đang cùng cháu nội dạo chơi dưới sân khu chung cư, phải nằm viện mấy tháng nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi ông vốn là một nhà thơ khỏe mạnh, ít khi thấy ông ốm vặt. Sức vóc của ông, như mạch nguồn sông Lam nơi mảnh đất Đặng Sơn, Đô Lương có đập Ba-ra quanh năm nước chảy cuộn trào. Con người ông khảng khái, thô ráp, thậm chí là nóng tính và khó tính, nhưng thơ của ông thường buồn, một nỗi buồn như từ tiền kiếp. Thơ của ông đau đáu về miền Trung bỏng rát gió Lào cát trắng. Thơ của ông đắm đuối về mẹ, về chị, về những người em gái quê chân chất, đầu trần...  Vì thế mà đọc thơ ông, có những khi ứa nước mắt vì thương quê hương, xóm mạc, thương cánh đồng thẳng cánh cò bay, thương cái nghèo, cái khó cứ đeo bám mãi vào ký ức của những đứa con xa quê, dù đó là ai, và dù họ có đang ở vị trí nào trong cuộc đời rộng lớn này…


Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Gắng gượng ngồi canh từng trang giấy

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM

Từ ngày về hưu, rời khỏi chiếc ghế Tổng Biên tập Thời báo Tài chính, nhà thơ Hoàng Trần Cương ít bạn bè hơn. Nói đúng ra, bạn bè của ông chắt lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Họ thỉnh thoảng gặp nhau để hồi ức về một thời lính trận, hồi ức về những câu thơ đắm đuối lòng người. Nhà thơ Hoàng Trần Cương năm nay đã chạm đến tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi không còn sung mãn để ồn ào nữa, bởi vậy mà khác hẳn ngày xưa, cứ ra quán bia là đọc váng trời cả một tập trường ca, đọc đến khản giọng, đọc to đến nỗi, những bàn bia bên cạnh phải dừng lại nghe thơ ông, tán dương và vỗ tay. 
Thời của “Trầm tích” quả thật là một thời kỳ mà thơ ông trở thành tâm điểm của nhiều cuộc luận bàn, người ta yêu thơ ông bởi nó không màu mè, bởi nó xù xì, gai góc như chính con người ông. Nó thô mạc, bởi vậy mà nó lay động lòng người. Những câu thơ mà tôi chắc chắn rằng, nhiều người bây giờ nói về Hoàng Trần Cương là có thể thuộc làu làu nhiều chương trong Trầm tích: "Ôi quê hương. Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước. Gió bão thù chi với mảnh đất này. Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển. Mưa giờ Ngọ chưa qua, gió giờ Mùi đã đến. Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh. Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh. Ngửng mặt nhìn trời xanh nhức mắt. Dằng dặc dải làng quê thưa thắt. Tảng cháy cạy đi rồi. Còn hằn vết móng tay. Cày lên. Sưng cả đáy nồi". Hay: "Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt. Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ. Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ. Không ai gieo mọc trắng mặt người...". Và thương biết mấy: "Để giữ lại dù chỉ vài mụn cám. Mẹ vén vun cưng nựng nụ cười. Trên gương mặt thời gian còn rác rưởi. Củ khoai ri gầy như sợi lạt. Mẹ tha về nhà. Chùm rễ trắng mọc vào đêm. Cái rễ khoai lang thành khúc ruột mềm. Chưa hề đứt. Nên bầy con không ngửa tay ăn mày ngoài chợ" hay: "Cái nón mê mẹ đội nửa đời người. Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút"...
Có những người nghe rồi thuộc thơ Hoàng Trần Cương, mỗi lần ngâm ngợi lại rưng rưng nơi khóe mắt. Họ đồng cảm và chia sẻ với những ký ức của nhà thơ, bởi ông như nói hộ lòng bao người con xa quê hương bằn bặt. Để rồi vẫn cái bóng dáng của quê nhà đau đáu trong trái tim. Nhà thơ Hoàng Cầm đã từng khẳng định trong hội thảo về tập thơ “Trầm tích” đã nói: "Lâu lắm tôi mới được đọc một tập sách dày dặn, chứa đựng sự thực lớn như thế này. Tác giả Trầm tích là một thi sĩ đích thực. Phải yêu quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương đến mức nào thì mới viết được đến thế. Đọc ứa nước mắt. Đây thực phải là con người miền Trung.
Thơ Hoàng Trần Cương đậm đặc chất miền Trung, chất xứ Nghệ. Chúng ta có thể nhặt ra được nhiều câu thơ như những viên kim cương lấp lánh. Tôi đọc ba lần, lần nào cũng phát hiện được những chi tiết đắt giá. Với tôi, Trầm tích là một tác phẩm lớn, một tác phẩm còn lại của văn học Việt Nam sau 50 năm qua".  Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong một bài viết đăng trên Báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam cũng đã nói: "Tôi đã có trường ca Đồng Lộc - Con đường của những vì sao và vẫn ấp ủ một trường ca về đất và người xứ Nghệ, nhưng sau khi đọc trường ca Trầm tích, tôi đã từ bỏ ý định của mình vì không thể viết về xứ Nghệ hay hơn Hoàng Trần Cương"...
Những ngày nghỉ hưu, nhà thơ Hoàng Trần Cương thường đến quán bia một mình, ông không uống bia "ồng ộc" như thuở còn trẻ, mà nhâm nhi như uống từng ngụm ân tình, cầm trên tay cuốn sổ và cây bút, ông sáng tác. Ông thường lẩm nhẩm một mình, đọc lại những câu thơ cho liền mạch. Ông viết đều, những bài thơ đầy tâm trạng vẫn ấp ủ cái hồn cốt quê hương trong từng con chữ. Ông viết rồi in sách đều đặn, nhưng không có những cuộc hội thảo hay tọa đàm. Ông lặng lẽ tặng những người bạn thân thiết để cùng chia sẻ những vui buồn trong thơ ca, trong chặng đường tuổi thất thập của ông.
Ông cho ra đời tập thơ Bầu trời - đất, trường ca Long mạch... Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, một người bạn thơ thân thiết của anh đã nhận xét: "Từ Đường chân trời bay tới Bầu trời - đất, lại chạm xuống Long mạch, thơ Hoàng Trần Cương đã có sự biển đổi chóng mặt về chất. Một nỗi buồn bình thản được tấu lên qua các cung bậc khác thường, gập ghềnh và thô ráp, trào cuốn và dịu dàng. Bầu trời - đất và Long mạch ghi nhận nỗ lực không mệt mỏi của một nhà thơ luôn trăn trở tự đào bới vào chính mình để tìm ra được chính mình từ thẳm sâu. Cứ thế, không khoa trương, không diệu vợi, không làm hàng, thơ Hoàng Trần Cương là bản chất sống, bản chất yêu của chính anh".
Nhà thơ Hoàng Trần Cương được biết đến là dân tài chính thứ thiệt, là chuyên viên cao cấp và có thâm niên trên 15 năm làm Kế toán trưởng Báo Nông nghiệp Việt Nam và Thời báo Tài chính Việt Nam, nguyên là Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Báo chí ngành Tài chính. Dù vậy, ông luôn thừa nhận, thứ giúp ông "sống" được đến ngày hôm nay lại chính là thơ.
Ông đến với văn chương khá sớm và từng đoạt giải A về văn xuôi đề tài lực lượng vũ trang (1970-1972) của Tạp chí Văn nghệ quân đội, giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (1989-1990). Nhưng phải đến trường ca Trầm tích, nhà thơ Hoàng Trần Cương mới thực sự tìm được chính mình. Trầm tích ngay sau đó đã đoạt Giải thưởng Văn học (giải B, không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2000)...
Nhà thơ Hoàng Trần Cương từng chia sẻ: Bảy tuổi đầu ông theo cha ra sống ở mảnh đất Hà thành, rồi nhiều năm sau, ông đắm mình trong miền Kinh Bắc, cái vùng quê ngọt ngào đã mang đến cho ông một người vợ dịu hiền, tần tảo, nhưng cũng cho ông một tâm hồn "liền anh, liền chị". 
Trong ông có cái lãng mạn của chất Bắc, nhưng lại có sự dữ dội của miền Trung. Ông lại là một người thương binh đi qua chiến trận, bàn tay ông từng vuốt mắt đồng đội đã hi sinh. Hiển hiện trong ông là người mẹ, là những người thân, là mảnh đất cá gỗ, là vùng trời miền Trung và trên hết là những "trầm tích" của tổ tiên, dòng họ, là những tháng năm chiến chinh đổ máu, là hi sinh của bạn bè đồng đội, cả nỗi đau tê nhức của mảnh đạn vẫn đang nằm trong cơ thể ông suốt mấy chục năm trời... Tất cả những điều đó, với ông, nó có sức nặng bom tấn để từ trong trái tim ngân lên những khúc ca bi tráng về những gì ông đã trải qua trong cuộc đời này và buộc ông phải cầm bút viết: "Nhiều lúc anh muốn bứt đi dòng hồi tưởng của mình/ Những ký ức từng làm em xây xẩm/ Khi sốt rét quật anh ngã sấp/ Buổi động trời vết thương cũ nghiến răng/ Nhiều lúc một mình ngồi muốn nuốt chửng cả mùa trăng/ Khi rạng lên trong anh những gương mặt đã tản vào năm tháng/ Những chiếc áo của đồng đội anh nếu đem ghép lại/ Chắc cũng đủ căng lên thêm một bầu trời”.
Khi viết một tác phẩm, ông phải huy động vốn sống cả cuộc đời tích cóp được. Cuộc đời ông đã được đào luyện qua nhiều thử thách, khổ ải và nỗ lực, chính những điều đó đã làm nên số phận ông và tác phẩm của ông.  Ông nói: "Tôi gốc Nghệ, chôn rau cắt rốn ở mảnh đất nhiều thương khó này nhưng tôi lại trưởng thành ở Bắc Hà và đổ máu ở chiến trường miền Nam, tôi nghĩ, viết về miền nào cũng là điều không quan trọng vì cũng chính là Việt Nam đấy thôi. Tôi chỉ viết khi những con chữ được lắng tụ, khi những va đập với cuộc đời đã đến tận cùng. Thường trực trong tôi khi cất bút thành lời thơ, chính là những lúc cảm xúc hoặc là dâng đến tận cùng, hoặc rơi xuống đáy. Không có khoảng giữa".
Gần đây, thơ của ông hướng về gia đình, ông có thơ tặng vợ, tặng cháu nội... Trong bài thơ viết cho cháu nội, ông đã tâm sự với cháu như trút cả ruột gan mình: ...Ngắm Nghé con ngọ nguậy quậy lòng bà/ Không hiểu sao ông ngỡ ngàng chột dạ/ Thôi mình cứ từ từ cháu ạ/ Vịn tháng ngày thư thả lớn lên/ Rồi cháu sẽ thương hôm nay lắm đấy/ Biết mấy đêm ròng/ Ông gắng gượng ngồi canh từng trang giấy/ Cháu sẽ đọc gì đây/ Cháu sẽ hát gì đây/ (Cái thời ấy hình như nhiều thơ quá)/ Thơ dầy kệ sách/ Thơ đầy mặt báo/ Nhưng sao lại toàn một giọng buồn thiu/ Bài nào cũng hờn/ Câu nào cũng tủi/ Nhỡ chạm vào Nghé còn biết lui không?/ Nào ông cháu mình cứ thủng thỉnh đi rông...".
Điều may mắn của ông là sau tất cả những vinh quang, may rủi ở cuộc đời, bên ông vẫn luôn có bóng dáng người vợ hiền thục là cô Chè, con gái vùng Kinh Bắc, một người phụ nữ giản dị, chu toàn, sinh hai cậu con trai thông minh, giỏi giang và yêu thương ông hết mực. Bà chấp nhận mọi cơn say mềm vì bia rượu của ông, chịu được cái tính nóng như lửa của ông, cả cái tính thất thường của một nhà thơ già về hưu, với một tình yêu tuyệt đối. Dường như biết được những thiệt thòi, hy sinh của vợ, nên ông dành tặng bà những vần thơ tha thiết: "Mưa là trăng của ngày/ Êm đềm bay mềm đá/ Rải lụa là khắp ngả/ Cưng nựng mùa héo hon/ Em là trăng của anh/ Mọc xanh miền xói lở/ Khuyết tròn vương thương nhớ/ Chở hương về đó đây/ Trăng là mưa trắng đêm/ Giăng thu vào cõi lặng/ Em là mưa cuốn nắng/ Đưa anh về trời riêng".
Nhà thơ Hoàng Trần Cương bây giờ đang đối diện với di chứng của cơn tai biến, ông bị liệt nửa người và phải vật lý trị liệu để mong cơ thể được bình thường trở lại. Ông vẫn minh mẫn nhận ra bạn bè, người thân, vẫn lẩm nhẩm đọc những câu thơ mới trên giường bệnh. Ông không khác gì nhiều, vẫn cái vẻ xù xì, gai góc, với bản chất của một người lính, chắc chắn ông vẫn bản lĩnh để vượt qua bạo bệnh để trở về ngồi nhâm nhi li bia cỏ cùng bè bạn, trở về lại sông Lam, đập Ba-ra nước quanh năm cuộn chảy, để lại được đắm mình vào dòng thi ca chưa bao giờ vơi cạn trong ông...