Ngày 15-5-2016 vừa qua, kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh của nhà văn Nga nổi tiếng Mikhail Bulgakov. Cùng với B. Pasternak và muộn hơn là A. Solzhnitsyn, ông đã cất tiếng nói lên án chế độ chuyên quyền, những điều trái logic cùng nhiều tệ nạn khác của đất nước mình dưới thời Xô Viết.  Người đọc Việt nam đã may mắn làm quen với hầu hết gia tài văn xuôi của M.Bulgakov như “Thợ cả và Margarit”, “Trái tim Chó”, “Những quả trứng định mệnh”, “Tuyển tập văn xuôi của M. Bulgakov” qua phần chuyển ngữ kỹ càng, công phu của dịch giả Đoàn Tử Huyến…  Mikhail Bulgakov đã lựa chọn cho mình một con đường nguy hiểm nhất: con đường của việc trào lộng, phê phán một cách sâu cay, độc địa mà hết sức thẳng thắn, dũng cảm trong việc mô tả hiện thực của xã hội Xô Viết. Vào giữa những năm 1920 mà nhà văn đã dám viết ra những tác phẩm “gây sóng gió” như  “Đảo rực đỏ”, “Những quả trứng định mệnh”, “Trái tim chó”. Trên báo chí bắt đầu nổi lên một chiến dịch “Đả đảo Bulgakov”…


SỰ BẤT TỬ CỦA MỘT NHÀ VĂN TỪNG BỊ ĐẢ ĐẢO Ở NGA

TÔ HOÀNG   

NHỮNG TẬP BẢN THẢO KHÔNG BỊ ĐỐT
            Bungakov tự gọi mình là “con sói bị săn đuổi” trong văn học ( theo sự tính toán của ông có tới 301 bài phê bình, đả kích sáng tác của ông; trong số đó chỉ có 3 bài đọc tạm được). Không giống nhiều nhà văn khác, chính ông cũng là người lên án mình không xót thương. Từ những trang ghi chép của nhà văn, chúng ta đọc được những dòng như thế này: “Bỏ sọt rác ráo trọi..”, “Mình đang làm những điều vô bổ”, “Một nỗi buồn âm ỉ trong tôi”, “Xé, đốt hết cho khuất mắt thiên hạ. Nhưng không bao giờ được xé, đốt với chính mình!”. Luôn luôn nghiêm khắc phán xét bản thân và những gì viết ra từ đỉnh cao của lương tâm, của đòi hỏi sức sống lâu bền cho tác phẩm, không phải tình cờ M.Bulgakov tự coi mình là “nhà văn kỳ bí”. Chuyện kể rằng vào năm 1926, trong một lần khám xét, người ta đã tìm thấy trong căn phòng của M.Bulgakov những trang nhật ký và truyện vừa “ Trái tim chó” viết chung trong một cuốn tập. Những tranh nhật kỳ thì biến mất vĩnh viễn. Còn “ Trái tim chó “ hai năm sau được hoàn trả cho chủ nhân. Có ức thuyết cho rằng văn hào Macxim Gorki đã trợ giúp vào việc này.
            Thế còn tiểu thuyết “Thợ cả và Margarit”? Vào năm 1928, M.Bulgakov đã đốt bản thảo đầu tiên. Hệt như Gogol, nhà văn mà M.Bulgakov rất mực yêu quý đã thiêu ra tro tập 2 của bộ tiểu thuyết “Những linh hồn chết” của ông. Thiêu hủy, để suốt 10 năm kế tiếp dằn vặt, trăn trở vì cuốn sách này: “Đúng là Quỷ đã mê hoặc mình”, “Mình đã bị chôn sống bởi cuốn tiểu thuyết này”. Nếu nói cuốn “Tiểu thuyết của Thế kỷ” đã hành hạ, dày vò nhà văn thì sự ví von này chưa nói lên điều gì cả. Phải nói rằng M. Bulgakov đã dở sống dở chết vì tác phẩm mới đúng. Chống lại những cơn đau đớn khủng khiếp, vượt qua trạng thái tinh thần sắp điên loạn, nhà văn viết từng trang bằng thứ mật mã chỉ riêng ông biết, rồi lại đem dấu những trang đã viết đi, rồi lấy ra đọc to lên như một người khùng.Và thật sự ông đã từ trần với lời thều thào: “Mọi người rồi sẽ biết…Mọi người rồi sẽ biết…” Thể theo một lời hứa với chồng, bà Elena Sergeevna đã dấu tập bản thảo và nhờ đó nó mới được nhìn thấy ánh sáng trời…
            Tiểu thuyết “Thợ cả và Margarit” được in trên tạp chí “Moskva” vào năm 1966, nghĩa là 50 năm sau khi M.Bulgakov viết xong và sau 26 năm tính từ ngày nhà văn từ trần. Kề từ ngày đó cuốn tiểu thuyết được tái bản nhiều lần, được dịch ra ngôn ngữ của hàng trăm nước. “Thợ cả và Margarit” đã sống, đã được các nhà khoa học và  người vô thần, các nhà triết học và các linh mục bàn bạc, tranh cãi.
Ở phương Tây, tiểu thuyết “Thợ cả và Margarit” được đánh giá như tác phẩm đỉnh cao của văn chương Nga ở thế kỷ 20. 

CHẮN CHẮN “TÔI KHÔNG CHẾT"
            Trong một cuộc trò chuyện về M.Bulgakov, nhà văn Boris Pasternak đã nói các hiện tương trong văn học nói chung ra thường hợp quy luật , “riêng Bulgakov vượt ra khỏi những quy luật “ đó.
            Điều “vượt quy luật”nhất, cái không thể giải thích nổi và kỳ bí, khó hiểu nhất-đó chính là cuộc đời của nhà văn. Bằng những phép màu nào đó, M.Bulgakov không gục ngã nơi chiến trường trong các cuộc chiến tranh; không bị bẻ gẫy trong những nỗi sợ hãi và những cuộc xáo trộn đẫm máu của các cuộc cách mạng.Vào năm 1926, nhà văn bị gọi lên thẩm vấn khi người ta lục soát phòng làm việc của ông vì ông đã đọc bản thảo “Trái tim chó” giữa một nhóm bạn bè thân tình. Những kẻ trình bẩm, lũ mật vụ trá hình như vậy, tiếc sao vây quanh ông rất đông đúc. ( Cũng có ức thuyết, ngay cả bà Elena Serghevna, người vợ thứ 3 của nhà văn, người bạn thủy chung, người được ông tin tưởng giao coi giữ những bản thảo lưu trữ của ông có thể cũng là “ một con mắt” để theo dõi và gửi báo cáo mật đi đâu đó ). Nhưng chuyện nhà văn bị gọi lên thẩm vấn cũng chỉ diễn ra duy nhất một lần.
            Có cảm tưởng M.Bulgakov chính là cái bia ngắm lý tưởng của chính quyền nếu xét tới gia hệ.
            M.Bulgakov hiểu biết thấu đáo lịch sử, văn học và rất say mê hai lĩnh vực này. Ông đã có bằng tốt nghiệp đại học y, đã trở thành bác sỹ, hành nghề tại tỉnh  Xmolensk.Bà vợ đầu của ông bỏ ngang việc học tại một trường đại học để đi theo ông. Người đàn bà này đã ở bên cạnh ông, xông pha lửa đạn cùng M.Bulgakov hết Đại chiến I, tiếp nối bước qua cuộc Nội chiến.Bà trở thành trợ thủ đắc lực của ông trong các ca phẫu thuật.
            Là người nghiện moocphin, trong những lúc nổi cơn nóng giận, nhà văn hất cả cái bếp dầu đang cháy vào người bà vợ, lại có lúc rút súng dọa bắn bà. Dù rất khó gom được chất kích thích này bà Elena Sergheevna cố tìm cho nhà văn, có điều liều lượng mỗi ngày một giảm nhẹ.
Bà gắng gỏi tách ông chồng khỏi thói quen bệnh hoạn này.
Những năm sau hai người sống ở Kavka, cuộc sống càng trở nên túng quẫn hơn. M.Bulgakov đã nhớ lại thời kỳ này như sau: “Chữ “ CHẾT” treo lơ lửng trước mặt tôi. May sao tôi không chết”. 

CHIẾN DỊCH ĐẢ ĐẢO BULGAKOV!
            Nghèo đói, túi rỗng, không có một mối quan hệ có thể cậy nhờ nào, vào mùa thu năm 1921 M.Bulgakov đáp tầu lên Moskva. Ấy thế nhưng ông vẫn đoan chắc một niềm tin, ông sẽ trở thành một nhà văn. Ông tìm tới tá túc tại căn phòng của người em gái tại nhà số 10, phố Sadovaia. Tại chính căn hộ tồi tàn, cũ rich, hôi hám thuộc khu tập thể ấy nhân vật Annuska đã cùng “ Thợ cả” bước vào nền văn học thế giới.Nguyên mẫu của nhân vật này chính là cô láng giềng ở căn hộ kề bên, tên là Anna Goritseva.
            Và hầu hết các nhân vật của M.Bulgakov đều trú ngụ tại khu tập thể ấy. Vốn bản tính luôn thích châm biếm, phê phán một cách cay độc, M.Bulgakov hết sức căm ghét và ghê sợ lối sống mới của xã hội thời Xô Viết.Stalin đã nhận ra vì sao người ta cấm không cho diễn vớ kịch “Người tự vẫn” của nhà văn như sau: “Chấp nhặt, lướt trên bề mặt! Bulgakov là như vậy mà ! Nhưng phải nói là rất tài! Tôi thích ông ta!”. Stalin yêu mến, tôn trọng tài năng và tính thẳng thắn, dám nói sự thật của nhà văn. Là người cổ súy cho vở kịch “ Những tháng ngày của anh em nhà Turbin” Stalin đã nói: “Nếu những người như anh em nhà Turbin giơ tay đầu hàng những người bolsevich có nghĩa là người bolsevich bất khả chiến thắng. Và cũng có nghĩa là vở kịch của Bulgakov mang lại lợi lộc cho chúng ta nhiều hơn hẳn sự độc hại”.
            Có thể nói, trong văn học, M.Bulgakov đã lựa chọn cho mình một con đường nguy hiểm nhất: con đường của việc trào lộng, phê phán một cách sâu cay, độc địa mà hết sức thẳng thắn, dũng cảm trong việc mô tả hiện thực của xã hội Xô Viết. Vào giữa những năm 1920 mà nhà văn đã dám viết ra những tác phẩm “gây sóng gió” như  “Đảo rực đỏ”, “Những quả trứng định mệnh”, “Trái tim chó”. Trên báo chí bắt đầu nổi lên một chiến dịch “Đả đảo Bulgakov. “Quả trứng định mệnh” đã bị dán nhãn mác “ bôi nhọ, xuyên tạc Chính quyền Đỏ”. Nhiều vở kịch khác, ngay cả vở” Những tháng ngày của anh em Turbin” mà Stalin lên tiếng ủng hộ cũng bị cấm diễn tại các nhà hát…
            Nói chung là người ta ngừng in, ngừng diễn văn và kịch của ông. Từ năm 1928 đến năm 1938 M.Bulgakov đã viết gửi cho lãnh đạo Xô Viết, trong đó 5 bức gửi thẳng tới Stalin. Sau một trong 5 bức thư kia, Stalin gọi điện nói chuyện với nhà văn bị thất sủng. Cuộc điện đàm này khiến cả Moskva chộn rộn lên. Stalin giới thiệu M.Bulgakov tới nhận chân trợ lý đạo diễn tại Nhà hát MKHAT. Vở “Những tháng ngày của anh em nhà Turbin” được xuất hiện lại trên sân khấu. Có cả gợi ý việc M.Bulgakov viết một vở kịch về chàng thanh niên Stalin trong thời kỳ đầu cách mạng. Nhà văn bị xúc phạm vì gợi ý kia. Và Stalin cũng ngưng không gọi điện, không trả lời bất cứ bức thư nào khác của nhà văn. Rồi vở kịch “ Batum” của ông bị cấm diễn tiếp. Bước qua năm 1939 nhà văn bị ốm nặng. Tới ngày 10 tháng Ba năm 1940 ông đột ngột từ trần trong những giằng sé, đớn đau nhất; những hy vọng, thất vọng ngổn ngang…
( Theo “ Nhân chứng và Sự kiện” LB Nga )