Khi tiếng chuông trừ tịch của năm mới Bính Thân chuẩn bị vang lên thì người nhà phát hiện dịch giả Đoàn Tử Huyến bị tai biến nặng ở quê. Chuyến hành trình từ Đức Thọ - Hà Tĩnh ra Hà Nội trong cơn thập tử nhất sinh ấy, người khác có lẽ đã mệnh tận. Nhưng Đoàn Tử Huyến đã làm một cú lừa ngoạn mục với thần chết để trở về. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết, bản dịch tiếng Việt “Nghệ nhân và Margarita” của dịch giả Đoàn Tử Huyến khi mới ra đời là sự kiện văn học. “Trước hết, đây là sự kiện trong giới văn chương, tiếp đó là sự kiện với công chúng để tạo ra sự va đập trong đời sống xã hội. Và cuối cùng, Đoàn Tử Huyến đã đưa Bulgacov đến với công chúng Việt Nam bằng một tác phẩm lớn. Người ta bàng hoàng, sửng sốt, nhất là khi hiểu về Bulgacov”. Bản dịch ngay năm đó đã được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. “Đây là một trong những giải thưởng xứng đáng của Hội. Từ đó, người ta biết đến Đoàn Tử Huyến với tư cách một dịch giả”, ông Nguyên nói.


ĐOÀN TỬ HUYẾN CHƠI CHO LỆCH ĐẤT NGHIÊNG TRỜI

KIỀU MAI SƠN

Cuộc trở về ngoạn mục
Cuộc gặp gỡ nhân dịp tái bản 7 đầu sách do Dịch giả Đoàn Tử Huyến dịch sang tiếng Việt được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây liên kết với Nhà xuất bản Lao động, tổ chức tối 14/5 vừa qua là dịp mừng Dịch giả Đoàn Tử Huyến đã có “một cú lừa thần chết ngoạn mục” để trở về sau cơn tai biến đêm giao thừa Bính Thân, như chữ dùng của NGƯT Vũ Thế Khôi. Ông Đoàn Tử Hoan - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây cho biết: “Bình sinh anh Đoàn Tử Huyến không bao giờ thích có những cuộc giới thiệu như thế này. Đây là cuộc gặp gỡ để anh Đoàn Tử Huyến sống lại không khí như thời trước”. Không khí ấy là những cuộc ra mắt giới thiệu sách mới, những sự kiện văn hóa và văn học, những sự kiện dịch thuật được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây giới thiệu thường kỳ. 

Cá nhân người viết bài này, đã được chứng kiến nhiều cuộc tọa đàm giới thiệu sách do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây dưới thời Dịch giả Đoàn Tử Huyến làm chủ soái chật kín người. Đó là lễ ra mắt tập “Trần Dần thơ”. Đó là Du ký Phạm Quỳnh và Phạm Quỳnh với các tác phẩm Pháp văn. Đó là lễ ra mắt 3 tuyển tập Trương Tửu về Lý luận Phê bình, về Văn xuôi và về Văn hóa. Đó là tuyển tập Hoàng Cầm. Đó là tuyển tập thơ Nguyễn Trọng Tạo - mà chính tác giả gọi đùa là gá những chiếc đinh đầu tiên lên cỗ áo quan để chuẩn bị bước vào tuổi 70... Trong những cuộc vui ấy, Đoàn Tử Huyến lại là người lặng lẽ nhất. Ông đứng sau tất cả. Lặng lẽ quan sát. Mái tóc bạc trắng bồng bềnh như tiên ông. Hoạt động nhiều nhất của ông đó là chụp ảnh cho mọi người. 

Thế rồi, khi tiếng chuông trừ tịch của năm mới Bính Thân chuẩn bị vang lên thì người nhà phát hiện Dịch giả Đoàn Tử Huyến bị tai biến nặng ở quê. Chuyến hành trình từ Đức Thọ - Hà Tĩnh ra Hà Nội trong cơn thập tử nhất sinh ấy, người khác có lẽ đã mệnh tận. Nhưng Đoàn Tử Huyến đã làm một cú lừa ngoạn mục với thần chết để trở về. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết, bản dịch tiếng Việt “Nghệ nhân và Margarita” của Dịch giả Đoàn Tử Huyến khi mới ra đời là sự kiện văn học. “Trước hết, đây là sự kiện trong giới văn chương, tiếp đó là sự kiện với công chúng để tạo ra sự va đập trong đời sống xã hội. Và cuối cùng, Đoàn Tử Huyến đã đưa Bulgacov đến với công chúng Việt Nam bằng một tác phẩm lớn. Người ta bàng hoàng, sửng sốt, nhất là khi hiểu về Bulgacov”. Bản dịch ngay năm đó đã được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. “Đây là một trong những giải thưởng xứng đáng của Hội. Từ đó, người ta biết đến Đoàn Tử Huyến với tư cách một dịch giả”, ông Nguyên nói. Dịch giả Lê Bá Thự chia sẻ rằng: “Đoàn Tử Huyến là một trong những cây đa, cây đề trong làng dịch thuật Việt Nam. Có ngày, đam mê anh dịch 40 - 50 trang liền”. 

Tận tâm và chí thú với nghề nghiệp
 Với Đoàn Tử Huyến, ông quan niệm chỉ dịch những gì ông cảm thấy rung động và yêu mến. Cuộc đời của ông, từ khi ra trường gắn bó với giảng đường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, rồi đến với dịch thuật bằng 3 yếu tố: dịch vì được đào tạo ngoại ngữ, dịch để kiếm sống và dịch do yêu thích. Dù thế nào, những bản dịch của Đoàn Tử Huyến đều rất cẩn trọng.Ông chăm chút và dồn hết trí tuệ của mình vào từng con chữ. Nếu dịch văn học phải có cảm quan văn học và phải có tài năng văn học thì mới chuyển ngữ thành công được, thì Đoàn Tử Huyến có cả hai. Không chỉ giỏi chuyên môn văn chương, Đoàn Tử Huyến còn là người có tài tổ chức các sự kiện. Ở ông, đó là sự tận tâm và chí thú với nghề nghiệp. Vì vậy, ông đã cùng các bạn hữu lập ra Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Đây cũng chính là cái nôi, là bàn đỡ cho nhiều tác phẩm văn hóa, văn học tiêu biểu ra đời.

 PGS.TS Sử học Chương Thâu chia sẻ rằng, nếu không có bậc Mạnh Thường Quân như Đoàn Tử Huyến thì bộ Toàn tập Phan Bội Châu gồm 10 tập (sau này còn in thêm phần Bổ di) với gần vạn trang in khó mà ra nổi. Còn Dịch giả Lê Bá Thự nhắc tới Hội nghị dịch thuật và trại dịch thuật ở Tuy Hòa – Phú Yên năm 2003 do Đoàn Tử Huyến và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức “có thể nói là vô tiền khoáng hậu”. Vì cho đến thời điểm này, dù đã tổ chức nhiều Hội nghị - Trại sáng tác văn xuôi, thơ nhưng Hội Nhà văn Việt Nam chưa từng tổ chức Hội nghị dịch thuật....