Nhiều người khổ nỗi sợ đọc đến mức cứ nhìn thấy chữ là sợ, đọc còn chữ nọ chuội chữ kia không vào đầu nổi. Tôi cho rằng định hướng đầu tiên phải bắt đầu từ niềm đam mê đọc sách của cha mẹ và những người thầy thuở đầu đời, thì các em mới thấy đó là tấm gương và dần hình thành thói quen. Hồi con tôi học cấp 1, tôi đã từng bỏ tiền túi ra để mua hàng trăm cuốn sách tài trợ cho thư viện của lớp, với mong muốn cô giáo giúp các con đọc sách vì chỉ cô bảo chúng mới nghe. Việc đọc sách theo nhóm trên lớp và sau đó lần lượt các em lên chia sẻ và thuyết trình về cảm nhận sau khi đọc một cuốn sách là rất quan trọng. Nó có lợi cho tư duy phân tích tổng hợp, kỹ năng thuyết trình, khả năng thẩm thấu mỹ học, cải thiện chính tả, tăng thêm vốn hiểu biết và đương nhiên là học giỏi văn. Nhưng mà khoản tài trợ của tôi sau đó mất tích luôn vì sách được để mốc trong tủ giáo viên vì cô giáo còn loay hoay với các bài học trên sách giáo khoa chứ hơi đâu mà mua việc vào mình là hướng dẫn các con đọc sách. 


Nhà văn Di Li: Những điều bí ẩn luôn quyến rũ tôi

@ Chị là tác giả đương đại đầu tiên tiếp nối truyền thống của dòng văn học trinh thám với 2 tiểu thuyết "Trại Hoa đỏ" và "Câu lạc bộ số 7". Điều gì dẫn dụ chị đến với thể loại này?
Di Li: Những truyện ngắn đầu tay của tôi, rất vô thức, đều luôn có yếu tố li kỳ, hồi hộp, kịch tính. Lúc mới sáng tác, tôi không chủ định viết thế mà nó chỉ thoát ra một cách rất tự nhiên thôi. Những tiểu thuyết đầu tiên mà tôi đọc, không hiểu sao dù là dòng văn học kinh điển vẫn phải có chút gì đó gây hồi hộp, gây sợ hãi, và phiêu lưu mạo hiểm. Vậy là đọc và viết vô thức, nhưng vẫn liên quan mật thiết đến nhau: Những điều bí ẩn và những thách thức của việc giải đáp một câu đố luôn quyến rũ tôi.

@ Cuốn tiểu thuyết mới của chị, "Câu lạc bộ số 7" đi vào một địa hạt mới, giới tính thứ 4. Đó là câu chuyện ám ảnh bởi hệ lụy của đức tin mù quáng và tội ác sẽ trở thành bệnh hoạn và thảm họa của cộng đồng. Hẳn câu chuyện bắt đầu từ một đời sống nào đó ám ảnh chị?
Di Li: Viết một cuốn tiểu thuyết tôi thấy cũng tương tự như nhà điêu khắc, khung truyện nảy sinh từ nhiều ý tưởng ghép lại. Một ngày nọ tôi thấy rất kinh ngạc khi phát hiện ra khoa học đã tìm thấy một giới tính mới là giới tính thứ tư (Asexual). Tôi đã mất rất nhiều thời gian để đào xới những tư liệu ít ỏi về chủ đề này, sau đó là bắt đầu đến các tư liệu gốc bằng tiếng Anh. Tôi dành nhiều ngày để truy cập diễn đàn dành cho người vô tính thế giới, đọc từng chia sẻ và hỏi đáp của họ. Trong đó cũng có cả những người Việt nữa. Tôi tìm kiếm thông tin về tất cả những người nổi tiếng được cho là hoặc công khai tự nhận mình là vô tính. Nhưng chỉ tìm hiểu rồi thôi, cứ để đó, đọc để biết thôi chứ không định để làm gì. Rồi tình cờ một lần sang Seoul, tôi đang định bắt taxi thì một đối tác bản địa kịp ngăn lại rằng nên gọi những taxi tử tế vì mới rồi vừa có một vụ tài xế taxi vứt xác 4 cô gái xuống sông Hàn.
Thêm nhiều ý tưởng khác nảy sinh tức thời như khi tôi nhìn thấy những bức ảnh chân dung của những người nghiện Methamphetamine lâu năm, những khuôn mặt ấy khiến tôi ám ảnh và choáng váng. Tôi ghép chúng lại và phác họa thành khung xương cuốn tiểu thuyết này, cũng giống như nhà điêu khắc lần hồi tạc nên một tác phẩm. Ý tưởng thì giản đơn thế thôi, còn linh hồn cuốn tiểu thuyết thì đúng là nỗi ám ảnh về những kẻ cuồng tín mà tôi đã từng gặp trong cuộc đời. Cuồng tín chỉ là tin vào điều gì một cách điên cuồng. Vì thế thời nay có nhiều kẻ cuồng tín vào những điều tưởng chừng rất giản đơn như một loại thực phẩm chức năng chẳng hạn, họ mê muội và nói về nó một cách say mê và cố gắng thuyết phục những người khác nghe theo y như một giáo phái vậy.

@ Những con người không bị hấp dẫn bởi giới tính nào trong tiểu thuyết "Câu lạc bộ số 7" - cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị thứ 2 của Di Li còn tỏ ra nguy hiểm hơn những con người nhiều ham muốn thể xác. Sự vô tính dẫn họ đến những lệch lạc khi đến với một tà giáo hay chính tà giáo đã khiến họ không thể trở lại là những con người bình thường?
Di Li: Những người thuộc giới tính thứ tư là những người rất bình thường, chính dư luận tò mò, cay nghiệt và kỳ thị khiến cho họ trở nên bất thường thì đúng hơn. Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết với đề tài này, tôi đã phải phỏng vấn rất nhiều người mà tôi cho là thuộc đối tượng này. Mỗi cuộc trò chuyện thường diễn ra trong 2-3 tiếng đồng hồ. Câu chuyện mới đầu dè dặt, cảnh giác, sau cởi mở dần. Và tôi đã giúp họ nhận diện được chính bản thể sâu thẳm của mình, điều mà trước giờ thậm chí họ cũng hoang mang nghĩ rằng mình bất bình thường. Họ không hiểu giới tính thứ tư là gì, nhưng sau đó tôi gửi họ một số tài liệu, và hôm sau họ gặp tôi với nụ cười mủm mỉm kín đáo. Thực ra khám phá thế giới tinh thần của những người vô tính cũng là một cách giải câu đố mà thôi. Tâm lý con người chính là câu đố hấp dẫn nhất và bí ẩn nhất đối với tôi.

@ Những câu chuyện hình sự của Di Li luôn ám ảnh người đọc, không chỉ bởi số phận con người, mà còn bởi sự éo le, ly kỳ trong từng chi tiết, tình huống. Chị có chịu ảnh hưởng bởi tác giả trinh thám nào không?
Di Li: Chắn chắn rồi, mỗi người sáng tạo nghệ thuật thường chịu ảnh hưởng từ một hoặc vài người nào đó, dù chỉ là vô thức. Tôi nghĩ có lẽ mình cũng thế. Nhưng trinh thám của tôi thuần Việt bởi đó là cách tư duy của cảnh sát Việt, của tội phạm Việt và bối cảnh Việt. Tất cả chịu sự chi phối của hệ văn hóa Việt, cả tác giả cũng không nằm ngoài điều đó. Nên trinh thám chỉ có một số mô típ và trường phái nhất định thôi, nhưng cách giải câu đố thì chính là cái tôi của tác giả và nhân vật chính cũng phải là đứa con tinh thần có dấu ấn của tác giả.

@ Một phụ nữ đẹp và nữ tính như Di Li nhưng lại dấn thân vào một địa hạt khó nhằn như trinh thám, hình sự. Điều này xem chừng rất mâu thuẫn?
Di Li: Những người tiếp xúc với tôi ở tần suất nhiều thì lại không thấy mâu thuẫn chút nào. Họ luôn nói tôi phù hợp với thể loại này bởi tố chất hơi kỳ dị, thích khám phá, thích độc hành, ưa mạo hiểm, liều lĩnh, dám chấp nhận kết quả, đa nghi, suy luận chính xác, phân bổ và xử lý mọi việc một cách chặt chẽ, khoa học, cẩn thận, tỉnh táo, lý trí và quá lãng mạn. Tôi mà làm thám tử khéo cũng hợp ấy (cười).
@ Chị vẫn là một tác giả trẻ có sách thuộc vào dạng "hot" trên thị trường, những cuốn sách trinh thám, rồi du ký, tản văn của Di Li luôn hấp dẫn giới trẻ. Chị có thể lý giải được điều này, vốn sống, tài năng hay một sự hấp dẫn nào khác?
Di Li: Chỉ đơn giản là một người kể chuyện có duyên thôi. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi cũng hay kể những câu chuyện bình thường nhất bằng một cấu trúc được sắp xếp có chủ ý, nghĩa là chủ định gây kịch tính, hồi hộp, li kỳ để điều mà tôi muốn nói sẽ được người nghe bật cười và kinh ngạc ở phút chót. Tôi định nghĩa nhà văn đơn giản là một người kể chuyện bằng văn bản. Nhà văn thành công là một người biết kể chuyện hấp dẫn, nội dung càng không có gì mà kể được một cách hấp dẫn thì càng chứng tỏ tài năng của người kể chuyện.

@ Chị đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Những chuyến đi mang lại cho chị điều gì? Đó có phải là điều mà các nhà văn trẻ bây giờ đang thiếu, vốn sống, sự trải nghiệm?
Di Li: Tôi đi có lẽ không nhiều bằng nhiều người khác. Nhưng cách thu thập vốn sống không nằm ở việc đi nhiều mà ở việc mình có ý thức quan sát và lưu lại được bao nhiêu trong đầu. Trong các chuyến đi, tôi luôn thấy mình khác những người đồng hành khác. Một số người chỉ chủ yếu chụp ảnh để post lên Facebook, và họ ngạc nhiên khi thấy tôi tỉ mẩn làm những điều không giống ai. Cảm xúc cũng là thứ rất khác nhau. Tôi thường xuyên bật khóc vì một bản nhạc quá xuất sắc, vì một quang cảnh hùng vĩ quá, nên thơ quá, vì tạo hóa ban tặng cho con người nhiều kỳ vĩ đến thế, nhiều trí tuệ đến thế, và tôi cũng hay nổi gai ốc trước những gì quá đẹp, một họa phẩm của Gustav Klimt, một công trình kiến trúc giữa thành Istanbul… Tôi cho rằng trải nghiệm cảm xúc là thứ trải nghiệm lớn nhất đối với một nhà văn. Ngay cả những cảm xúc tiêu cực như ê chề, nhục nhã, bẽ bàng, đau đớn, cay đắng, kinh hãi, hoang mang, lo âu, ghê sợ thì cũng nên trải qua ít nhất một lần trong đời để hiểu được chân diện hỉ, nộ, ái, ố của nhân gian.

@ Người ta vẫn nói mãi câu chuyện về văn hóa đọc, về nỗi buồn của văn hóa đọc ở Việt Nam, có thống kê rằng, mỗi năm một người Việt đọc chưa hết một cuốn sách. Thực tế, theo chị, có bi quan như thế không?
Di Li: Đúng rồi mà, nhiều trí thức Việt cả đời chả đọc cuốn sách văn học nào. Thậm chí có những người đáng lẽ ra đọc nhiều nhất là cô giáo dạy văn, nhà văn, nhà báo thì tôi cũng thấy không phải người nào cũng đọc, chứ đừng nói là đọc nhiều. Bố mẹ mà không đọc sách, cô giáo dạy văn mà cả đời chỉ loanh quanh một mớ kiến thức trong sách giáo khoa, thì các em chán văn là phải rồi. Từ đó càng ngày càng hình thành một thế hệ người lớn không có thói quen đọc sách.

@ Và trong đó có vai trò của những người viết không thưa chị, như một cách định hướng, dẫn dụ giới trẻ về cách lựa chọn sách?
Di Li: Nhiều người khổ nỗi sợ đọc đến mức cứ nhìn thấy chữ là sợ, đọc còn chữ nọ chuội chữ kia không vào đầu nổi. Tôi cho rằng định hướng đầu tiên phải bắt đầu từ niềm đam mê đọc sách của cha mẹ và những người thầy thuở đầu đời, thì các em mới thấy đó là tấm gương và dần hình thành thói quen. Hồi con tôi học cấp 1, tôi đã từng bỏ tiền túi ra để mua hàng trăm cuốn sách tài trợ cho thư viện của lớp, với mong muốn cô giáo giúp các con đọc sách vì chỉ cô bảo chúng mới nghe. Việc đọc sách theo nhóm trên lớp và sau đó lần lượt các em lên chia sẻ và thuyết trình về cảm nhận sau khi đọc một cuốn sách là rất quan trọng. Nó có lợi cho tư duy phân tích tổng hợp, kỹ năng thuyết trình, khả năng thẩm thấu mỹ học, cải thiện chính tả, tăng thêm vốn hiểu biết và đương nhiên là học giỏi văn. Nhưng mà khoản tài trợ của tôi sau đó mất tích luôn vì sách được để mốc trong tủ giáo viên vì cô giáo còn loay hoay với các bài học trên sách giáo khoa chứ hơi đâu mà mua việc vào mình là hướng dẫn các con đọc sách.

@ Giới trẻ bây giờ họ chỉ đọc những cuốn sách diễm tình, sướt mướt của Trung Quốc, hay những câu chuyện nhẹ nhàng, dễ hiểu. Nhiều người nói rằng, những cuốn sách kinh điển, sách khoa học đang bị bỏ quên, dù nhìn trên bề mặt về các hoạt động về văn hóa đọc và sách thì ồn ào hơn. Theo chị vì sao giới trẻ lại mải mê với những cuốn sách đó?
Di Li: Sách ngôn tình, phim giải trí, báo lá cải, nhạc sến là những thứ cơm bình dân ăn nhanh cho đại đa số dân chúng. Quốc gia nào cũng vậy, loại hình nghệ thuật giải trí thuần túy luôn lấn át những tác phẩm hàn lâm, nhưng lấn át đến mức mà hàn lâm đứng rúm vào một vị trí khiêm tốn đến mốc meo thì dân trí của dân tộc đó có vấn đề. Vấn đề dân trí và văn hóa thôi, không phải cứ tốt nghiệp đại học đã tự hào là ở mức dân trí cao.

@ Tôi nghĩ văn hóa đọc phải là một hành trình dài và bền bỉ, chứ không phải câu chuyện của một ngày, một tháng?
Di Li: Tôi mừng vì bây giờ có nhiều câu lạc bộ đọc sách cho trẻ em xuất hiện. Tôi đã từng đến giao lưu một lần với các em, thấy các em thuộc hết các đầu sách kinh điển dành cho lứa tuổi. Tôi kinh ngạc lắm, và vui mừng nữa. Mong rằng ngày càng có thêm nhiều cha mẹ nhận thức được việc đọc sách là rất quan trọng để đầu tư thời gian đưa con em mình đến các câu lạc bộ.
@ Chị có quan tâm đến việc đọc của con gái, và định hướng đọc cho con hay không?
Di Li: Con tôi thuộc loại đọc nhiều so với lứa tuổi, nhưng vẫn chưa như tôi kỳ vọng. Hồi ở vào tuổi cháu, tôi đã đọc hết năm bảy trăm cuốn sách, trong đó có nhiều tiểu thuyết người lớn, và sách hồi đó ngoài cổ tích thì cũng toàn là loại kinh điển bổ ích chứ không phải toàn Manga và ngôn tình như bây giờ. Thậm chí tôi còn giao nhiệm vụ cho cháu đọc xong phải viết bài bình luận, nhưng nhìn chung mức độ khả quan còn thấp, vì chất lượng đọc không cao. Trẻ con bây giờ cứ từ chối đọc những loại kinh điển như "Không gia đình" mà phải truyện Nhật Bản hiện đại kia. Có lẽ bây giờ thời thế khác rồi.
@ Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.
                                                        VIỆT HÀ ( thực hiện)