Với tất cả tấm lòng yêu quý và tôn trọng tài năng văn chương bậc thầy của Hemingway, hai tác giả người Anh là nhà văn, nhà biên kịch Michael Palin và nhiếp ảnh gia nổi tiếng Basil Pao, đã bỏ ra nhiều năm trời để lần theo dấu chân xưa của Hemingway đặng tìm gặp những nhân chứng, nghe kể về những kỷ niệm, thu thập những sự kiện, chứng tích… nhằm tái hiện cho độc giả trọn vẹn “Cuộc phiêu lưu của đời Hemingway” bằng chuyện kể và hình ảnh minh họa sống động. Họ đã phải thuê máy bay bay khắp các vùng thuộc Hoa Kỳ, châu Âu, vùng biển Caribé, rồi cả vùng rừng rậm Đông Phi. Các tác giả cứ lần theo dấu chân của Hemingway mà đi, lúc lội bộ, lúc đi xe đạp, lúc lái xe hơi, lúc chèo thuyền và thậm chí thuê cả xe thiết giáp để tiến vào trung tâm thủ đô Paris như phóng viên chiến trường Hemingway từng trải nghiệm. 


TÁC PHẨM LỚN TỪ TÂM HỒN ĐỒNG ĐIỆU

ĐINH KỲ THANH

   ERNEST MILLER HEMINGWAY (21-7-1889 – 2-7-1961) là một nhà văn Mỹ nổi tiếng thế giới sau Đại chiến thế giới I và II. Ông đã từng được nhận Giải thưởng Báo chí Pulitzer cao quý của Hoa kỳ vào năm 1953 và vào tháng Mười năm 1954 ông lại được trao Giải Nobel Văn chương, một giải thưởng cao quý xác nhận ông là một nhà văn hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ XX đầy biến động.
    Sinh ra trong một gia đình trí thức trung lưu, con trai của một người thầy thuốc ở Oak Park, vùng ngoại ô thành phố Chicago thuộc miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Thời nhỏ Ernest Miller Hemingway học tại trường Trung học Oak Park và là một học sinh hiếu động rất ham thích bơi lội, chạy bộ đường dài, đi câu cá hồi, thi đấu quyền Anh và đá bóng. Cũng tại quê hương, cậu thiếu niên Hemingway đã rất sớm tham gia viết báo của trường.
     Năm 1917, tốt nghiệp trường Trung học, cậu bắt đầu nghề viết với tư cách một phóng viên tập sự của tờ báo Ngôi sao thành phố Kansas. Năm 1918, Hemingway tình nguyện làm lái xe cứu thương cho Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ để rồi sang nước Ý của Châu Âu tham gia Đại chiến thế giới lần thứ I. Chàng trai Mỹ 19 tuổi này đã mặc quân phục và từng lái xe đi xuyên suốt vùng núi biên giới của nước Áo và nước Ý. Hemingway cũng đã phục vụ tại Bệnh viện Trung tâm thành phố Milan và chàng trai cao to lực lưỡng này đã vướng vào tiếng sét ái tình với nữ y tá Agnes Von Kurowsky cũng là công dân Mỹ.
      Năm 1919, chiến tranh kết thúc,  Hemingway trở về Hoa Kỳ và đón bà mẹ chuyển về sống ở thành phố Michigan. Từ năm 1920, Hemingway trở thành phóng viên của Tuần báo Ngôi sao Toronto. Năm 1921 ông cưới bà vợ đầu Hadley Richardson rồi chuyển qua sống tại Paris với tư cách một phóng viên nước ngoài của tờ Ngôi sao Toronto.
     Từ năm 1922 ông bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên của mình song song với việc mải miết đi khắp nơi tìm hiểu, điều tra, lấy tư liệu…hành nghề báo chí.
      Cũng từ đây độc giả bắt đầu được thưởng thức những tác phẩm của một nhà văn Hoa Kỳ có bút hiệu Ernest Hmingway đang sống tại Paris và trải bước phiêu lưu khắp Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Pháp và Ý…
       Những tác phẩm đầu tay của ông được xuất bản tại Paris như “Ba truyện ngắn và Mười bài thơ” (1923) “Trong thời đại chúng ta” (1924)  đã hé lộ một tài năng và một văn phong  độc đáo. Thế nhưng phải đến khi các tiểu thuyết “Mặt trời vẫn mọc” (1926) và “Giã từ vũ khí” (1928) ra đời thì Hemingway mới thực sự nổi tiếng là một “nhà tiên tri của thời đại” đã dũng cảm nói lên tâm trạng thực của lớp trẻ phương Tây từng tìm mọi phương cách để sống và tồn tại trong lò lửa chiến tranh cũng như đang vất vả mưu sinh vào thời hậu chiến.
   Năm 1927, Hemingway ly dị bà vợ đầu Hadley Richardson để chung sống với bà vợ thứ hai là Pauline Pfeiffer. Ông cũng cho xuất bản tuyển tập truyện ngắn mang tên “Những ngưới đàn ông không sống với đàn bà”.
   Năm 1928, Hemingway rời Paris và trở về Hoa Kỳ sinh sống tại Key West. Trong những năm tiếp theo đó ông đã thường xuyên đi thăm châu Âu, các nước vùng Đông Phi châu để thu thập tư liệu rồi mài miệt viết và cho xuất bản những tập truyện ký “Chết vào buổi chiều” (1932); “Những ngọn đồi xanh châu Phi” (1935). Các tập truyện ký này kể về những chuyện đấu bò ở Tây Ban Nha, chuyện đi săn ở châu Phi… song không được người đọc hoan nghênh lắm, trong lúc các truyện ngắn khác do ông viết như “Hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macombe”, “Tuyết”, “Killimanjaro”… lại được tôn vinh là những kiệt tác văn chương. 
    Năm 1936 ông bắt đầu viết những vở kịch nói và truyện phim về đề tài chiến tranh ở Tây Ban Nha như “Có và Không Có” và “Cột thứ Năm”. Năm 1938, ông cho xuất bản tập “49 truyện ngắn đầu tiên”.
    Năm 1939 ông lại chia tay với bà vợ Pauline và chuyển qua sống tại Cuba cũng như thường xuyên qua lại thủ đô Paris, các thành phố ở Hoa Kỳ để hoàn thành tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” bất hủ, được xuất bản vào năm 1940. Tác phẩm này sau đó đã được chuyển ngữ và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.
    Năm 1940 Hemingway cưới bà vợ thứ ba là Martha Gellhorn và chuyển về cư ngụ tại vùng Finca Vigia thuộc đảo quốc Cuba. 
    Những năm sau này Hemingway đã thường xuyên đi qua châu Âu, châu Phi, các đảo ở Thái Bình Dương và thậm chí đã cùng bà Martha tới thăm Trung Hoa và vùng Viễn Đông với tư cách một phóng viên ở nước ngoài.
     Năm 1942 ông đã mua chiếc tàu đánh cá Pilar và cùng nó tham gia khám phá các vùng biển sâu thuộc Vịnh Caribé của Cuba. Năm 1944 Hemingway làm phóng viên chiến tranh cho Tạp chí Collier’s và từng bay trên khắp các nẻo đường chiến tranh của châu Âu để viết những phóng sự chiến trường nóng bỏng làm rung động dư luận khắp nơi.
     Năm 1945 ông lại tiếp tục chia tay với bà vợ thứ ba Martha và tới năm 1946 ông cưới bà vợ thứ tư là Mary Welsh và cùng nhau chung sống tại Cuba.
     Thời gian này ông đã viết thật nhiều bài báo và cho xuất bản tập truyện “Dưới bóng cây bên kia sông”, khởi thảo tập truyện “Vườn Eden” (xuất bản năm 1986, sau khi ông đã mất được 25 năm trời), cũng như đã hoàn thành và cho xuất bản và truyện vừa “Ông già và biển cả”, năm 1952.
      Chính truyện vừa “Ông già và biển cả” đã giúp đưa ông vượt lên hàng đầu đội ngũ nhà văn phương Tây cũng như đội ngũ các nhà văn xuất sắc toàn thế giới trong thế kỷ XX bởi tính nhân văn sâu sắc trong ý tưởng và văn phong độc đáo của tác phẩm.
    Năm 1961 ông trở về Hoa Kỳ chữa bệnh và đã tự sát bằng súng săn trong chính ngôi nhà của mình, kết thúc một cuộc đời phiêu lưu qua nhiều vùng trên hành tinh cũng như trải qua biết bao cuộc tình cháy bỏng bên mấy bà vợ kế tiếp nhau qua hơn nửa thế kỷ.
   Cuộc đời và văn nghiệp của Hemingway thực sự phong phú, phức tạp và đã gắn bó với nhiều miền đất, nhiều con người của nhiều dân tộc khác nhau. Dấu chân Hemingway đã in hằn trên nhiều ngả đường từ Bắc Mỹ qua Tây Âu, Đông Phi và châu Á. Những kỷ niệm về nhà văn, nhà báo Hemingway cũng còn ghi đậm trong tâm trí nhiều đồng nghiệp, nhiều bạn bè của ông đang sống khắp nơi.
    Với tất cả tấm lòng yêu quý và tôn trọng tài năng văn chương bậc thầy của Hemingway, hai tác giả người Anh là nhà văn, nhà biên kịch Michael Palin và nhiếp ảnh gia nổi tiếng Basil Pao, đã bỏ ra nhiều năm trời để lần theo dấu chân xưa của Hemingway đặng tìm gặp những nhân chứng, nghe kể về những kỷ niệm, thu thập những sự kiện, chứng tích… nhằm tái hiện cho độc giả trọn vẹn “Cuộc phiêu lưu của đời Hemingway” bằng chuyện kể và hình ảnh minh họa sống động. Họ đã phải thuê máy bay bay khắp các vùng thuộc Hoa Kỳ, châu Âu, vùng biển Caribé, rồi cả vùng rừng rậm Đông Phi. Các tác giả cứ lần theo dấu chân của Hemingway mà đi, lúc lội bộ, lúc đi xe đạp, lúc lái xe hơi, lúc chèo thuyền và thậm chí thuê cả xe thiết giáp để tiến vào trung tâm thủ đô Paris như phóng viên chiến trường Hemingway từng trải nghiệm. Cũng các tác giả này đã đến từng ngôi nhà Hemingway từng sống, ngồi uống cà phê và thưởng thức rượu tại các quán tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha… cũng như tham gia cuộc chơi để bò rừng rượt chạy tại lễ hội truyền thống tưng bừng của vùng Pamplona, Tây Ban Nha. Chỉ riêng tại Tây Ban Nha, các tác giả đã phải mất hàng tháng trời để đặt chân lên được các vùng đất ngang dọc xứ này mà Hemingway đã từng in dấu chân phiêu lãng.
    Đúng vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà văn Ernest Miller Hemingway, cuốn sách “Cuộc phiêu lưu của đời Hemingway” dày 256 trang khổ lớn 19x26.5cm đã được Nhà xuất bản Weidenfeld & Nicolson tại London, Anh quốc cho trình làng với 12 chương viết của Michael Palin cùng một bộ phóng sự đồ sộ với hàng trăm bức ảnh nghệ thuật đen trắng và màu quý báu (lựa chọn được trong hàng ngàn bức ảnh) mà Basil Pao đã sưu tập được cũng như chụp được ở khắp các vùng của thế giới mà Ernest Miller Hemingway đã từng đi qua.
   Cuốn sách đã hình thành từ chuyện kể của hàng trăm con người với những kỷ niệm xúc động cùng các giai thoại về nhà văn lớn đang còn hằn in sinh động trong tim óc họ. Cuốn sách cũng giúp ta được sống lại với không khí chiến tranh của hai kỳ Thế chiến cùng biết bao cảnh trạng sống, những phong tục, tập quán đặc thù của các dân tộc khác nhau với đủ mọi chủng tộc từ da đen, da trắng tới da vàng, da đỏ… trên các lục địa khác nhau.
   Cuốn sách kể lại cho chúng ta hầu như toàn bộ cuộc đời hoạt động hăng say, bận rộn của nhà văn, những cuộc phiêu lưu trên biển và trong rừng của một người ham đấu bò, câu cá và săn bắn thú rừng, thích phiêu lưu khám phá thiên nhiên cùng thổ dân châu Phi, dân da đỏ Idaho – My. Cuốn sách cũng cho ta trải nghiệm biết bao cuộc phiêu lưu trong tình trường của một người đàn ông đầy sức sống bản năng đồng thời cũng là một “gã phiêu lưu bạt mạng” đại diện tiêu biểu của tuổi trẻ Âu Mỹ trong suốt nửa đầu thế kỷ thứ XX.
    Tác phẩm lớn của những tâm hồn đồng điệu với Hemingway này là kết tinh của biết bao công phu sưu tầm, khám phá, sáng tạo của hai nghệ sĩ  lớn. Cuốn sách “Cuộc phiêu lưu của đời Hemingway” rất đáng được dịch ra tiếng Việt cũng như cần được giới thiệu rộng rãi cho độc giả nước ta để hiểu biết kỹ càng hơn về Hemingway, một thiên tài văn chương của Hoa Kỳ và thế giới, một tác giả lừng danh đã được trao giải thưởng Nobel văn chương cao quý nhất của nhân loại trong thế kỷ vừa qua./.