Tình cờ, đọc được cuốn sách dạy về Phật pháp quá thú vị. Lại thấy nhiều người bạn muốn tìm hiểu mà không biết nên đọc ở đâu cho hay, cho đúng nên ông quyết định mở tiệm sách đọc miễn phí. Ông về nói với má, bàn với vợ, mở tiệm sách. Má ông lo, thằng con trai hiền lành như đất, trước giờ có biết tính toán, làm ăn gì mà buôn với bán. Vả lại, đồng lương công chức eo hẹp, dành dụm được bao nhiêu, từ trước giờ, ông toàn dồn mua sách. Bà không cản nhưng cũng không ủng hộ. Vợ ông nắm tay chồng, ông làm gì thấy vui là được. Năm 2009, tiệm sách ước mơ của ông ra đời phía trước mặt tiền ngôi nhà ông đang ở, nhờ vào số vốn 300 USD của người em gái. Đó là một tiệm sách nhỏ, bề ngang áng chừng 3m, nằm ở số 21 Nguyễn Hữu Cảnh, P.19, Q. Bình Thạnh, có tấm bảng ghi dòng chữ “đọc sách miễn phí, cho mượn đĩa, kinh sách, bán sách giá gốc, mua rồi được quyền đổi và trả lại”. Chủ tiệm là ông Nguyễn Ngọc Cần, năm nay 63 tuổi, hiếu khách, nhiệt tình và có gương mặt rất đỗi an nhiên.


TIỆM SÁCH SÀI GÒN

HOÀNG LINH LAN

Sài Gòn, cũng như bất cứ thành phố nào trên thế giới, đâu chỉ có hào sảng, bao dung. Vậy mà, nhắc Sài Gòn, tự khắc người ta cứ nhớ đến những đặc tính đã trở thành một phần hồn cốt của mảnh đất phương Nam này. Như cái gió cuối chạp, lồng lộng ngoài phố, hanh hao mây trời. Câu chuyện về hiệu sách và ông chủ hiệu sách tôi kể hầu bạn đọc dưới đây, hy vọng sẽ là lát cắt tươi đẹp của những ngày đầu năm, thênh thang, yên bình và sực nức tin yêu.
Paris Je T’aime (tạm dịch: Paris, tôi yêu em), một trong năm bộ phim được bình chọn là đáng xem nhất về Paris mà bất cứ ai, dẫu đã trót yêu thành phố này hoặc mang trong lòng nỗi tò mò vì sao nhiều người say đắm Paris như thế, đều có thể xem. Không là một câu chuyện dài xuyên suốt, không chứa đựng một chuyện tình lãng mạn nhưng Paris Je T’aime vẫn cứ khiến người xem mê đắm bởi cách kể dịu ngọt, tinh tế và đầy quyến rũ. 
18 câu chuyện nhỏ như 18 miếng ghép muôn màu muôn sắc của 22 đạo diễn kể cho người xem đủ thứ chuyện xảy ra ở thành phố này. Có thơ mộng, sự mãnh liệt của mối tình đầu, có nỗi cô đơn và trống trải của cặp vợ chồng già đang chờ phân chia tài sản, có tất bật mưu sinh, có người nhập cư, có bà mẹ chăm con chẳng còn thời gian cho bản thân, có tiếng cười và cả những giọt nước mắt,… cả những người lần đầu đặt chân đến Paris với một vài kỷ niệm hoặc tẻ nhạt hoặc chẳng đẹp đẽ gì thì Paris vẫn cứ đẹp, cứ thơ. Và tất cả họ, đều yêu Paris, và tình yêu của họ, càng làm Paris thêm hoa lệ, diễm tình.

Điều kỳ lạ nhất khi xem Paris Je T’aime, tôi lại thấy phảng phất đâu đó một Sài Gòn cũng gần gụi, cũng đẹp và cũng thơ như thế. Với những người quen và chưa quen, bất chợt giao nhau giữa dòng đời, bên ly trà đá miễn phí, tiệm bánh mỳ miễn phí, chỗ sửa giày dép, rồi cắt tóc miễn phí, hỏi thăm vài câu hay chuyện trò bâng quơ... mà đôi chân quên mỏi mệt, lòng thêm ấm trong một tối đầy gió.
Đó là một tiệm sách nhỏ, bề ngang áng chừng 3m, nằm ở số 21 Nguyễn Hữu Cảnh, P.19, Q. Bình Thạnh, có tấm bảng ghi dòng chữ “đọc sách miễn phí, cho mượn đĩa, kinh sách, bán sách giá gốc, mua rồi được quyền đổi và trả lại”. Chủ tiệm là ông Nguyễn Ngọc Cần, năm nay 63 tuổi, hiếu khách, nhiệt tình và có gương mặt rất đỗi an nhiên.

Ông thong thả tâm sự chuyện đời, trong một chiều cuối chạp lâm râm nắng và thênh thang gió. Thuở nhỏ, ông rất mê đọc sách nhưng nhà nghèo quá, thành ra, cứ thấy mảnh giấy nào có chữ là ông đọc ngấu nghiến. Là con thứ 8 trong nhà có hết thảy 15 người con, cái ăn, cái mặc đã khó thì lấy đâu ra tiền mua sách mà đọc. Má ông tiện tằn, chắt chiu lắm mới cho mấy anh chị em ông được đến trường. Để thỏa cơn thèm chữ, ông thường tạt qua mấy hiệu sách, giả bộ ngó nghiêng đặng coi cọp.
Cũng nhờ con chữ, ông xin được chân công chức, nhưng do khái tính, được ít lâu, ông xin thôi. Làm đủ thứ nghề, con cái cũng đã an cư lạc nghiệp, ông về trông hoạt động giúp Hội người mù quận Bình Thạnh. Một hôm, ông nảy sinh ý định muốn làm một cái gì đó, vẫn giúp được nhiều người mà được tự tại, an nhiên lúc tuổi xế chiều. 
Tình cờ, đọc được cuốn sách dạy về Phật pháp quá thú vị. Lại thấy nhiều người bạn muốn tìm hiểu mà không biết nên đọc ở đâu cho hay, cho đúng nên ông quyết định mở tiệm sách đọc miễn phí. Ông về nói với má, bàn với vợ, mở tiệm sách. Má ông lo, thằng con trai hiền lành như đất, trước giờ có biết tính toán, làm ăn gì mà buôn với bán. Vả lại, đồng lương công chức eo hẹp, dành dụm được bao nhiêu, từ trước giờ, ông toàn dồn mua sách. Bà không cản nhưng cũng không ủng hộ. Vợ ông nắm tay chồng, ông làm gì thấy vui là được. Năm 2009, tiệm sách ước mơ của ông ra đời phía trước mặt tiền ngôi nhà ông đang ở, nhờ vào số vốn 300 USD của người em gái. 

Hiện, tiệm đã có hơn 5.000 đầu sách các loại, được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp trên những chiếc kệ cao vút, phân chia thành từng mục. Phía ngoài tiệm, chủ tiệm chừa một khoảng sân trước đặt cái bàn trà, vài chiếc ghế gỗ và một chiếc ghế đá để khách khứa thoải mái chuyện trò. Công việc hằng ngày của chủ tiệm là mỗi sáng chạy cái xe cà tàng đi khắp các hiệu sách. Nơi nào có sách phù hợp là ông tìm đến, không quản nắng nôi, mưa gió. Với ông, chỉ cần được nhìn thấy khách tìm được cuốn sách họ thích và ngấu nghiến đọc là mãn nguyện. 
Đều đặn mỗi chiều, đúng 3 giờ, ông lục tục pha trà, nấu thêm nước sôi, bưng hũ kẹo bánh và mở cửa. Ông cho biết, khoảng 80% sách ở tiệm là sách rèn dạy con người sống đúng, sống tốt, biết tu tâm dưỡng tánh, buông bỏ, sách Phật pháp; 20% còn lại là sách văn học, khoa học và các loại khác. Bất kể ngày lễ tết, tiệm sách của ông lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Học sinh, sinh viên đến tìm sách kỹ năng sống, sách học làm người hoặc văn học, người đi làm và người lớn tuổi đa phần tìm hiểu về Phật pháp. 
Khách đến tiệm, thuộc nhiều độ tuổi, bất kể là ai, đều được ông niềm nở đón tiếp: “Coi lựa gì thì cứ tự nhiên nhen”, rồi ông để khách tự nhiên, quay sang tiếp câu chuyện đang dở với bạn bè hoặc một khách thân thiết nào đó. Họ nói với nhau đủ thứ, về những cuốn sách hay, gợi ý, chia sẻ những thắc mắc về sức khỏe. 
Chị Diệu Lan, một trong những khách hàng ruột gắn bó với tiệm sách từ những ngày đầu, cho biết: “Chú Cần tốt và hiền lắm. Ở đây, mọi thứ đều miễn phí hết, trừ phi khách cần in kinh sách số lượng lớn. Ai cũng yêu quý chú”. 
Chính cái tâm thế đến để được sẻ chia, tìm sự chia sẻ nên nét mặt ai ghé qua đây cũng an nhiên. Phút trước có thể khách còn lạ mặt, phút sau đã trở nên quen thuộc rồi dần dà thân mật. Chủ tiệm, thậm chí trở thành nơi trút bầu tâm sự đáng tin cậy, gỡ rối tơ lòng cho nhiều vướng bận của khách.
Khách cần cuốn sách nào, có thể nhờ chủ tiệm tìm giúp. Nếu tiệm không có, ông sẽ cẩn thận ghi chú vào một quyển sổ nhỏ, nói sẽ tìm giúp đó đây, dặn bữa nào quỡn cứ ghé lại. Khách, chọn sách xong có thể thoải mái ngồi đọc, khát có thể uống trà, pha một cốc café, nhâm nhi bánh kẹo. Lỡ khách thích mà đang đọc dở, muốn mượn về, chủ tiệm cười phóng khoáng: “Ờ, cứ lấy!”, không cần thế chấp tiền cọc hay biên nhận, không giới hạn thời gian. Chủ tiệm nở nụ cười móm mém: “Không sao! Số sách này chú đã chọn lọc rất kĩ rồi, nếu lỡ có mượn mà quên trả cũng hy vọng họ sẽ chuyển cho càng nhiều người mượn nữa thì càng tốt”. 
“Trước giờ chú bị mất nhiều sách không?” – tôi hỏi. Chủ tiệm cười: “Chú không có để ý nữa!”, rồi tiếp lời: “Mà nếu mất thì cũng sẽ tìm lại được thôi. Thể nào cũng có người này người kia mang tặng sách cũ”. Khách, lỡ yêu cuốn sách nào quá, ngỏ ý mua, ông để lại với giá chỉ nhỉnh hơn phân nửa giá bìa một ít. Mà mua rồi, về nhà đọc không thấy thích, có thể đem đổi hoặc trả lại. “Tiệm cũng có bán sách nhưng chủ yếu là để phục vụ những ai có nhu cầu cần sách giá rẻ. Hồi xưa, mình cũng như vậy nên mình hiểu. Nhà nghèo quá, cắt củm để dành mãi mới được ít tiền mua sách mà lỡ mua nhầm cuốn đọc sơ qua thì thấy thích, nhưng về nhà đọc không thích nữa, buồn lắm!” – ông bộc bạch. 
Khách hỏi về các sách, tài liệu chăm sóc sức khỏe từ những bài thuốc đông y, ông sẵn sàng biếu không. Ai nghe chuyện cũng giật mình. Kinh phí đâu mà bù vào cho đủ? Chủ tiệm an nhiên: “Coi vậy chớ người này biết, người kia biết chú mua không phải để kinh doanh nên mấy hiệu sách toàn để giá sỉ cho chú không hà. Một cuốn cũng tính giá sỉ nữa, mặt bằng mình cũng đâu phải thuê đâu”. Rồi, chủ tiệm chỉ qua bàn trà: “Đây, như trà, café rồi bánh kẹo này là do mọi người đem tới không đó chứ chú không mua. Nhiều khách quý tiệm, giúp tiệm ý tứ lắm. Giả dụ người ta mua cuốn sách, giá chừng đó người ta cố tình trả cao hơn. Có người thì đem sách qua biếu”.
Những ngày này, nhiều người biết đến hiệu sách, phương tiện truyền thông, các em sinh viên khoa báo chí đều tìm đến gặp cho kỳ được ông chủ hiệu sách kỳ lạ. Ông cười vui vẻ: “Giúp được gì cho mấy em nó thì giúp vậy”. Ông bảo, ông không cần nổi tiếng. “Bây giờ người ta dễ nổi nóng và sẵn sàng dùng bạo lực để gây khổ người, khổ mình nhiều quá. Nếu ai cũng biết đọc sách để mà tĩnh tâm, để mà ứng dụng vào đời sống thì hay quá!”. 
Rất nhiều lần, ông nhấn mạnh việc phải ứng dụng những gì trong sách vào cuộc sống. Và, với bản thân ông, đó chính là cách sống buông bỏ, luôn lạc quan, hướng về phía trước. Ông ao ước: “Chỉ mong nhiều người thấy việc này có ích mà nhân rộng mô hình lên. Còn chú, còn sức, còn duyên thì cứ làm”.
Một cánh én không làm nên mùa xuân, một con sao biển không điểm tô bãi cát. Vậy mà vẫn có những cá nhân thầm lặng làm công việc họ tin yêu, theo đuổi, không vì mục đích tiền bạc, cũng chẳng màng địa vị xã hội, danh tiếng. Sài Gòn, nơi tôi sống, bao giờ cũng lấp lánh vô vàn câu chuyện đẹp giữa tạp âm đông nghịt của phố xá, khiến lòng ai cũng thênh thang cởi mở. Sài Gòn, muôn đời vẫn cứ đẹp, cứ thơ, vẫn cứ hồn nhiên cốt cách, dẫu đã qua bao thăng trầm, thay đổi.