Nhà văn Sơn Nam, được mệnh danh là “Ông già Nam Bộ” nổi tiếng với những tác phẩm viết về vùng đất phương Nam. Cả cuộc đời ông dành tâm trí cho mảnh đất này rồi cần mẫn viết ra 10 đầu sách đủ loại từ biên khảo đến văn học. Có một điều thú vị là một người bạn ông vì cơ duyên đã được sống một thời gian dài cùng nhà văn và ghi chép lại những lát cắt trong cuộc đời nhà văn Sơn Nam. Người đó là ông Đào Tăng, năm nay 78 tuổi, một nhà báo tự do, anh ruột của nhà văn Đào Hiếu. Nhà ông Đào Tăng ở quận Gò Vấp, TP HCM. Trên căn gác nhỏ khá tuềnh toàng của ông Đào Tăng, nhà văn Sơn Nam đã tá túc 10 năm trời  và viết ra hai tác phẩm "Tuổi già" và "Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam". Tôi quen ông Đào Tăng cũng đã mấy năm rồi và cũng nhiều lần nghe ông nói ngày xưa nhà văn Sơn Nam từng ở nhà ông một thời gian dài. Nghe xong rồi cũng bỏ, nhưng đến khi ông cho biết về những điều ông viết về nhà văn Nam Bộ Sơn Nam, tôi mới ngỡ ngàng. Ông đã ghi chép rất tỉ mỉ về cuộc đời của nhà văn kỳ lạ này. 


SƠN NAM QUA CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI BẠN

PHẠM VĂN HUY

Mười năm rong ruổi
Buổi trưa trời mưa lất phất ẩm ướt và âm u, tôi ghé thăm nhà ông. Cái hẻm nhỏ xíu, cong quẹo tôi nhiều lần ghé mà bữa nay thấy lạ bởi cái vẻ lạnh lẽo, cô tịch của nó. Trong cái xóm nhỏ bình lặng này đã từng có một nhà văn lớn sinh sống. Ngoài trời mưa vẫn lắc rắc, ông Đào Tăng dẫn tôi lên cái gác nhỏ xíu, nơi Sơn Nam từng đêm cặm cụi gõ máy chữ kỳ cạch viết văn.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm nên trí nhớ và sức khỏe của ông cũng giảm sút, không như gần 10 năm trước, khi tôi mới quen biết ông. Với cái giọng hài hài, ông kể lại nguyên do vì sao nhà văn Sơn Nam lại tá túc ở nhà mình.
"Tôi viết báo tự do và hay cộng tác với các báo nên có quen biết với ông Sơn Nam. Một hôm, tôi và ông Sơn Nam ngồi nhâm nhi vài ly bia ở quán trong sân của cơ quan Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM nơi đường Trần Quốc Thảo,  quận 3, ông Sơn Nam nói: "Nhà tôi có chuyện, có khi tôi phải đến nhà anh ở một thời gian. Mặc dù nhà anh nhỏ, nhưng mà ít người nên cũng rộng rãi". Tôi cứ tưởng ổng nói giỡn chứ ai ngờ ổng làm thiệt. Một buổi sáng năm 1995, tôi vừa mở cửa ra thì thấy ông Sơn Nam lù lù đứng trước cổng. Tôi mời ông vào nhà, rồi ổng ở lại nhà tôi từ đó tới năm 2005, khi ổng bị tai nạn mới chuyển về nhà ổng ở gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Sơn Nam ở nhà đó cho tới khi ổng qua đời vào năm 2008. Hồi đó nhà tôi chưa sửa lại, còn xấu và xập xệ lắm".
Hai con người luống tuổi, không cùng quê hương bản quán (ông Đào Tăng quê Tây Sơn - Bình Định, nhà văn Sơn Nam quê  Rạch Giá - Kiên Giang) nhưng hạp tính nhau nên ở cùng. Vợ ông Tăng hồi đó làm ở bệnh viện, thường đi làm khuya, có khi ở lại trong cơ quan nên khi có nhà văn Sơn Nam ở cùng, bà rất vui. 
Từ những lời kể ngẫu hứng, nhớ đâu nói đó của ông Đào Tăng, tôi chắp nối lại, để phác họa ra chân dung lạ lùng của một nhà văn khá dị kỳ. Sáng sáng, nếu nhà văn Sơn Nam cần đi xa hoặc đi tìm hiểu thực tế ở đâu đó, ông Đào Tăng lại xách xe máy ra chở nhà văn đi. Hai người bạn già rong ruổi khắp nẻo Sài thành rồi lên Bình Dương…
Cứ thế, 10 năm họ rong ruổi trên cõi đời này. Bữa nào không đi xa thì sáng đó ông Sơn Nam lại la cà đến các quán cà phê vỉa hè, vừa nhâm nhi cà phê vừa ngẫm nghĩ và chiêm ngưỡng phố phường, chiêm ngưỡng những bóng giai nhân lướt qua phố. Chiều lại, ông Sơn Nam la cà đến mấy quán bia bình dân trong xóm, trong hẻm, nhấp vài ly bia rồi về. Buổi tối, nhà văn đi ngủ sớm.  Khoảng 3 giờ sáng, Sơn Nam trở dậy, pha một ly cà phê đen và bắt đầu gõ máy chữ lách cách viết văn.
"Ông Sơn Nam ổng viết kỳ lắm. Cứ buổi tối, ổng soạn giấy và máy đánh chữ xong rồi là ngồi vào viết. Ổng viết một mạch, như chữ từ đầu ông chảy ra giấy vậy. Đánh máy xong, ổng coi sơ qua chút rồi đưa đi in liền", ông Đào Tăng nói. 

Nhà văn bình dị
Ngồi trên chiếc ghế trường kỷ, bên khung cửa sổ để mở, mưa bụi bay lắc rắc vào, dòng hồi tưởng lại đưa ông Đào Tăng trở về với những tháng ngày sống cùng Sơn Nam. "Ông Sơn Nam đọc rất nhiều, đọc đủ thứ, nhưng nhiều nhất là sách về văn hóa - xã hội, sách danh nhân, địa chí phong tục… Đọc nhiều vậy, nhưng ổng viết không nhiều. Đều là những chắt lọc. Sơn Nam xuất thân học trường Pháp rồi đi làm thư ký cho hãng buôn của Pháp ở Sài Gòn nên ổng rất giỏi tiếng Pháp. Ổng ăn nói lưu loát, hiểu biết phong phú.
Ai hỏi cái gì về Nam Bộ, ổng cũng trả lời được. Sơn Nam không làm thơ, nhưng có một bài thơ của ổng rất nổi tiếng. Sơn Nam rất trân trọng văn chương, chỉ thích nói chuyện về văn chương, tuyệt đối không nói những chuyện khác, đặc biệt là chuyện đời tư cá nhân của người khác. Ngồi với ông ai mà nói về văn chương thì ổng lắng nghe, còn hễ nói tới chuyện gì khác là ổng kêu lên: "Ôi, hơi đâu"… rồi đứng dậy, bỏ đi liền. Cả đời ổng không khen ai cũng không chê ai bao giờ. Ổng rất ghét những người ba hoa, dối trá”.
Là một nhà văn danh tiếng lẫy lừng, thế nhưng Sơn Nam lại sống rất bình dị. Ông chỉ thích giao du với những người nghèo, những người lao động chân tay. "Hồi sống ở nhà tôi, ổng đi ăn đám giỗ khắp xóm, hễ nhà nào mời là ông đi. Nhưng ổng chỉ đi dự đám nhà nghèo, nhà giàu mời, ổng từ chối. Ông Sơn Nam rất hay mủi lòng, nhẹ dạ lắm. Ổng không say mê những phụ nữ đẹp, không coi trọng nhan sắc. Hễ ai đối xử với ổng tình cảm là ổng thương mến liền. Tiền nhuận bút của ổng cũng khá mà hễ đi ra đường là hết trơn. Gặp ai ổng thấy mến là ổng cho tiền. Sơn Nam ăn uống kham khổ lắm. Có hai món ổng hay ăn là khô cá sặt trộn xoài xanh chấm mắm me và mắm cá linh ăn với cơm nguội. Vậy mà ổng am tường về ẩm thực lắm, từng được mời làm giám khảo chấm thi trong lễ hội ẩm thực. Có trường còn mời ông nói chuyện về ẩm thực", ông Đào Tăng tiết lộ.
Nhà văn Sơn Nam hút thuốc suốt ngày, chỉ trừ lúc ăn và lúc ngủ. Gia tài văn nghiệp của ông có thể cho ông một khoản tiền lớn, nhưng ông vẫn nghèo. Năm 2003, Sơn Nam lúc đó đang ở nhà ông Tăng, cả hai đều hết tiền. May sao vừa lúc biên tập viên Phạm Sỹ Sáu của Nhà xuất bản Trẻ tới tìm nhà văn Sơn Nam để ký hợp đồng mua bản quyền toàn bộ sách của ông. Nhưng đến khi làm thủ tục để ký hợp đồng thì nhà văn không có một mảnh giấy lận lưng. Ông Đào Tăng phải chở nhà văn đi làm lại Chứng minh thư, làm thẻ hội viên  Hội Nhà văn TP HCM.
Với trí nhớ tuyệt vời và kho tri thức đồ sộ, phong phú về văn hóa và phong tục… của vùng đất Nam Bộ, nhà văn Sơn Nam thường được báo chí và các đài truyền hình tìm đến để hỏi chuyện, nhất là những ngày giáp Tết. Các chủ đề mà các nhà đài thường hỏi nhà văn Sơn Nam là: phong tục tập quán ngày Tết, tục lì xì, ông bà mình ngày xưa ăn Tết ra sao, tục múa lân, các lễ hội dân gian… Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV3 từng quay một bộ phim với tựa đề "Một ngày của nhà văn Sơn Nam". Ông Đào Tăng nhớ lại: "Họ quay hai ngày mới xong. Ngày đầu họ quay ở nhà tôi, nơi Sơn Nam làm việc, sau đó đi qua Nhà truyền thống của quận Gò Vấp quay cảnh ông Sơn Nam sinh hoạt đời thường. Họ dặn tôi chỉ mặc một bộ quần áo, không được thay bộ khác”. 

Thượng phải thông, hạ phải tri
Mười năm đi, viết và sống cùng nhà văn Sơn Nam đã cho ông Đào Tăng những chuyện thú vị. Một đôi lần, nhà văn cũng chuyện trò với ông về kinh nghiệm viết lách. Và ông Đào Tăng xem Sơn Nam là thầy mình.
Ông kể: "Sơn Nam thường nói, mình phải la cà chỗ nọ chỗ kia thì mới viết được. Ổng nói, muốn viết văn thì "Thượng phải thông, hạ phải tri". Đặc biệt là ổng không viết báo Xuân bao giờ. Điều đặc biệt nữa là ổng thuận tay trái, làm gì cũng tay trái, chỉ có cầm viết bằng tay phải thôi. Ông Sơn Nam am hiểu phong tục xưa lắm. Ổng nói với tôi vậy nè: Nếu nhà mà còn đủ hai vợ chồng thì cái lư thờ nên để hai cái chân ra trước, còn một người mất rồi thì để một chân ra trước”.
Sau khi nhà văn Sơn Nam mất, từ lời khuyên của bạn bè, ông bắt đầu viết về nhà văn Sơn Nam. Ông thổ lộ: "Ông Sơn Nam với tôi hạp tính nhau, "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu", chứ có bao nhiêu chỗ ổng không ở lại mà ổng lại ở nhà tôi. Khi bạn bè khuyên viết về ông, tôi mới mạnh dạn viết, chứ cũng ngại. Tôi viết nhanh và dễ, vì tôi chỉ viết những chuyện có thật, chuyện xảy ra với ông Sơn Nam mà tôi chứng kiến".
Từ những câu chuyện sống với nhà văn Sơn Nam, ông đã viết và cho xuất bản cuốn "Mười năm, đi sống và viết cùng Sơn Nam" do NXB Trẻ ấn hành. Ông đang dự định sẽ cho ra mặt một cuốn sách ảnh về nhà văn Sơn Nam.