Có lần được đồng nghiệp mời vào quán bia có các cô tiếp viên xinh đẹp phục vụ, Trần Quốc Toàn thích lắm “tưởng bây giờ là bao giờ, rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”. Uống say, cuốn Truyện Kiều từ túi áo Trần Quốc Toàn rơi ra đất. Cô tiếp viên nhặt lên, hỏi: “Sách của anh phải không?”. Dĩ nhiên, Trần Quốc Toàn gật đầu. Cô tiếp viên mở ra, đọc mấy câu: “Khéo là mặt dạn mày dày, kiếp người đã đến thế này thì thôi, thương thay thân phận lạc loài, dẫu sao cũng ở tay người biết sao?”, rồi chớp chớp mắt nhìn Trần Quốc Toàn đắm đuối: “Cái anh Nguyễn Du này, làm thơ hay quá hà!”. Bỗng dưng được biến thành đại thi hào dân tộc, Trần Quốc Toàn chưng hửng “phải tuồng trăng gió hay sao, sự này biết tính thế nào được đây”. Trần Quốc Toàn đang lúng túng, thì cô tiếp viên “dòng thu như xối cơn sầu, dứt lời nàng đã gieo đầu một bên” và nũng nịu: “Bữa nào anh Du làm tặng em một bài thơ nghen, anh Du!”. Trần Quốc Toàn “điều đâu sét đánh lưng trời, thoạt nghe chàng thoắt rụng rời xiết bao”, tỉnh rượu hẳn mà bấm bụng kêu trời “duyên đâu ai dứt tơ đào, nợ đâu ai đã dắt vào tận tay”.



TRUYỆN KIỀU VÀ GIAI THOẠI ĐỜI THƯỜNG

TUY HÒA

Kỷ niệm 250 năm thi hào Nguyễn Du được sinh ra trên đất Việt, rất nhiều hoạt động văn hóa đươc tổ chức để chào mừng. Đồng thời, Truyện Kiều cũng được in lại bằng các ấn bản công phu. Giá trị của Truyện Kiều đã được khẳng định, và sức lan tỏa của Truyện Kiều vào đời sống cũng có những màu sắc khác nhau.
Không ít nhà nghiên cứu đã bỏ công chú giải Truyện Kiều. Điều này hữu ích đối với người học thơ, nhưng lại dễ làm cụt hứng người đọc thơ. Khi biết Thôi Hiệu đã từng viết “Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong” thì lại thấy câu thơ “Trước sau nào thấy bóng người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” bớt thi vị một chút!

Thuở ban đầu tiếp xúc Truyện Kiều, tôi đã hứng thú với “Mịt mù dặm cát đồi cây. Tiếng gà điếm cỏ dấu giày cầu sương” vì sức gợi tả, vừa hư vừa thực. Vậy mà khi các nhà văn bản học chỉ ra Nguyễn Du kế thừa Ôn Đình Quân ở ý “Kê thanh mao điểm nguyệt. Nhân tích bản kiều sương” (tiếng gà gáy ở căn nhà cỏ dưới trăng, dấu giày của người khách in trên cầu sương), thì tôi cảm nhận câu thơ ấy không hay như trước nữa. Lý do, sự xuất hiện của Ôn Đình Quân đã lấy đi cái hư, và câu thơ ấy chỉ còn lại cái thực!

Năm 2011, Hội Kiều học VN được thành lập, do Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn làm Chủ tịch. Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn là con rể của Giáo sư Đặng Thai Mai, và cũng là người đã tham gia vào Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du. Cứ ngỡ Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn tiếp tục có mặt trong Lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, thì ông đột ngột qua đời vào tháng 6-2015, hưởng thọ 83 tuổi.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn tâm huyết cả đời với Nguyễn Du và Truyện Kiều “một niềm vì nước vì dân, âm công cất một đồng cân đã già”. Ngày Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn mất, nhà thơ Vũ Quần Phương đang ở Sài Gòn, gặp tôi thổ lộ rằng: Muốn tìm người thay thế Chủ tịch Hội Kiều học VN cũng nan giải, “chung quanh lặng ngắt như tờ, nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?”. Tôi nửa đùa nửa thật đề xuất với nhà thơ Vũ Quần Phương: Nhà thơ Trần Quốc Toàn mới 66 tuổi, có thể làm Chủ tịch Hội Kiều học VN một nhiệm kỳ “trước cờ ai dám tranh cường, năm năm hùng cứ một phương hải tần”.

Nhà thơ Trần Quốc Toàn nhiều năm dạy học ở Đồng Tháp, nổi tiếng là người mê Truyện Kiều nhất vùng Cao Lãnh “phong trần mài một lưỡi gươm, những loài giá áo túi cơm sá gì, nghênh ngang một cõi biên thùy, thiếu gì cô quả thiếu gì bá vương”. Trần Quốc Toàn có truyện ngắn “Hàng sao bên kia sông” viết cho thiếu nhi, khá sinh động. Trớ trêu, trước văn phòng Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng có một hàng sao, nên vài kẻ xỏ xiên rằng Trần Quốc Toàn viết văn châm chọc lãnh đạo địa phương. Chả có án gì, nhưng xì xầm mãi, khiến Trần Quốc Toàn chán nản “áo cơm ràng buộc lấy nhau, vào luồn ra cúi công hầu làm chi”.

Hiểu được sự chật chội ở Đồng Tháp đã bủa vây lấy mình “những là oan khổ lưu ly, chờ cho hết kiếp còn gì là thân”, Trần Quốc Toàn quyết định dứt bỏ chốn cũ để lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề viết báo “một tay gây dựng cơ đồ, bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành”.

Nơi đô hội, Trần Quốc Toàn vẫn giữ thói quen: đi đâu cũng bỏ túi áo một quyển Truyện Kiều in khổ nhỏ, và nảy sinh một giai thoại dở khóc dở cười.

Có lần được đồng nghiệp mời vào quán bia có các cô tiếp viên xinh đẹp phục vụ, Trần Quốc Toàn thích lắm “tưởng bây giờ là bao giờ, rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”. Uống say, cuốn Truyện Kiều từ túi áo Trần Quốc Toàn rơi ra đất. Cô tiếp viên nhặt lên, hỏi: “Sách của anh phải không?”. Dĩ nhiên, Trần Quốc Toàn gật đầu. Cô tiếp viên mở ra, đọc mấy câu: “Khéo là mặt dạn mày dày, kiếp người đã đến thế này thì thôi, thương thay thân phận lạc loài, dẫu sao cũng ở tay người biết sao?”, rồi chớp chớp mắt nhìn Trần Quốc Toàn đắm đuối: “Cái anh Nguyễn Du này, làm thơ hay quá hà!”.

Bỗng dưng được biến thành đại thi hào dân tộc, Trần Quốc Toàn chưng hửng “phải tuồng trăng gió hay sao, sự này biết tính thế nào được đây”. Trần Quốc Toàn đang lúng túng, thì cô tiếp viên “dòng thu như xối cơn sầu, dứt lời nàng đã gieo đầu một bên” và nũng nịu: “Bữa nào anh Du làm tặng em một bài thơ nghen, anh Du!”. Trần Quốc Toàn “điều đâu sét đánh lưng trời, thoạt nghe chàng thoắt rụng rời xiết bao”, tỉnh rượu hẳn mà bấm bụng kêu trời “duyên đâu ai dứt tơ đào, nợ đâu ai đã dắt vào tận tay”.

Sau bận đó, Trần Quốc Toàn không dám mang theo Truyện Kiều bên mình nữa, mà ôm khư khư mấy ảnh “khi ăn ở lúc ra vào, càng sâu duyên mới càng dào tình xưa”.

Bây giờ Trần Quốc nghỉ hưu vui vẻ với con cháu, nên cũng không dám đoái hoài đến cái chức Chủ tịch Hội Kiều học VN, bởi lẽ “dở dang nào có hay gì, đã tu tu trót, qua thì thì thôi”.