Nhà văn Châu La Việt viết về người thầy giáo cũ: “Tôi không nhớ ngày thầy dạy ở Chu Văn An, thầy đã viết văn hay chưa, nhưng từ ngày vào giảng dạy ở TPHCM, tôi thấy tên thầy Trần Đồng Minh xuất hiện khá nhiều trên các bìa sách. Tìm hiểu thì được hay cùng công việc giảng dạy , thầy còn san sẻ tình yêu văn học của mình bằng việc sáng tác văn học cho các em. Như tâm sự của thầy: “Tôi viết truyện vì yêu tuổi thơ trẻ, yêu nghề dạy học, và say mê văn chương. Từ lâu rồi tôi chỉ sáng tác cho thiếu niên nhi đồng, và mãi mãi sau này cũng vậy.” Có thể kể đến những tác phẩm văn học của thầy làm say mê tuổi nhỏ: Chuyện trường tôi (NXB Trẻ), Hoàng tử ham đọc sách (NXB Hội Nhà văn), Học trò không học buổi nào ( NXB VH-VN), Hoa hàm tiếu (NXB Kim Đồng) và bộ ba tác phẩm xuất bản ở NXB Trẻ gần đây: Hoàng tử không nối ngôi vua, Chàng hoàng tử và nàng tiên cá, Chuyện @ và…. “




TRẦN ĐỒNG MINH TRÁI TIM VẪN THỔN THỨC BÊN GIÁO ÁN

CHÂU LA VIỆT

Nhớ cách đây cũng đã 45 năm, tôi từ mặt trận chuyển về học tại khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Ở năm học cuối đại học, chúng tôi được đi thực tập hai tháng giảng dạy tại Trường cấp 3 Chu Văn An - một trường nổi tiếng rất giàu truyền thống của Hà Nội, ngày xưa mang tên Trường Bưởi. Người hướng dẫn cho tôi là thầy Trần Đồng Minh, cũng còn trẻ, tốt nghiệp trước tôi ít khóa, người mà lẽ ra sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, nhưng lại đã xung phong tình nguyện đi Tây Bắc (bấy giờ gọi là Khu tự trị Thái Mèo âm u và xa xôi vô kể với Thủ đô), đến gieo những con chữ ở trường cấp 3 đầu tiên của huyện Điện Biên lịch sử với những gian nan thiếu thốn không thể kể hết, và rồi sau khi hòan thành sứ mệnh, thầy được về lại Thủ đô và dạy ở mái trường Chu Văn An này….

Đó cũng là những ngày thu rất đẹp của Hà Nội. Đất nước cũng vừa thống nhất, yên bình, lòng người nhiều xao xuyến nên mùa thu cũng chừng như thêm nhiều ý vị. Có những đêm tôi lên nhà thầy ở một phố cổ Hà nội để nghe thầy hướng dẫn giáo án sáng mai đứng lớp, bất chợt từ đâu một mùi hoa, mùa cốm, mùi hồng thơm…thoảng bay vào, hai thầy trò cũng sững lại trong hương vị mùa thu đang về..Nhất là với tôi, cũng lớn lên ở Hà nội, nhưng khoác ba lô vào mặt trận nhiều năm, sống với mùi đạn mùi bom khét lẹt tưởng chừng như đã quên đi những hương vị của hương, của hoa ,của đất trời xao xuyến Thủ đô… Chính ánh mắt thầy bâng khuâng nhìn ra ô cửa sổ, gương mặt thầy như thẫn thờ khi một làn hương từ dưới phố thoảng bay lên, làm tôi như thêm miên man xúc động …Điều tôi cảm nhận từ thầy, từ người hướng dẫn” làm thầy” cho tôi là, muốn giảng dạy văn học cho hay, trước hết phải biết xúc cảm trước những vẻ đẹp của thiên nhiên, của văn chương và của con người…

Sau đợt thực tập với rất nhiều bài học và nhiều kỷ niệm ấy, tôi về lại trường cũ, sau đó tình nguyện vào Tây nguyên làm công tác giáo dục. Được biết thầy Minh tiếp tục giảng dạy ở trường Chu Văn An ( trường Bưởi ), trường Việt Đức thêm ít năm… rồi sau đó chuyển vào giảng dạy tại TPHCM. Nhớ về thầy, nhiều khi tôi cứ vân vi nghĩ, một người gốc Hà nội, một người yêu vô cùng mùa thu Hà nội, sao lại có thể xa mảnh đất ấy ra đi được nhỉ ? Không những thế, lại có thể ít nhất có 25 năm đứng giảng dạy văn học tại các ngôi trường ở TPHCM như thầy?

Thật đáng khâm phục. Và tôi chỉ có thể cắt nghĩa một điều về thầy: Ấy là tình yêu, một tình yêu, một ý thức rất lớn về sứ mạng giáo dục,về sứ mạng người thầy .Vượt lên mọi tình yêu , là tình yêu với các các em học sinh, dẫu ở bất kỳ miền đất nào, dẫu ở bất kỳ hoàn cảnh nào, yêu các em bằng tất cả trái tim mình, và nhiệt huyết truyền cho các em những tri thức văn học, những kinh nghiệm làm người …
Nhắc nhớ lại những năm tháng này, thầy Trần Đồng Minh tâm niệm hạnh phúc của mình, khi lên Tây bắc thì được dạy trường đầu tiên của huyện Điện biên, khi ở HN được dạy tại các trường phổ thông cấp 3 Chu văn An, lớp chuyên văn trường cấp 3 Việt- Đức… khi chuyển vào TPHCM thì dạy ở trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, đồng thời thỉnh giảng ở trường chuyên Quận 1 TPHCM… Ở những ngôi trường ấy, thầy đã từng bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi đoạt các giải nhất, nhì, ba …trong các cuộc thi học sinh giỏi văn toàn quốc,trong đó có một số học sinh sau này đã theo bước chân thầy, như Nguyễn Thị Nương ( Tiến sĩ, giảng viên trường ĐHSP Hà Nội), Đinh Thị Mỹ Hạnh (Thạc sĩ, hiệu phó trường PTTH Trần Khai Nguyên,TP Hồ Chí Minh), Phạm Ngọc Lan, Bảo Khôi (Thạc sĩ, giảng viên trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh)… Còn một điều thú vị là, có những học sinh không học giờ nào với thầy, nhưng vẫn tự coi là học trò thân tình để học hỏi thêm. Như Triệu Thị Huệ, nhà thơ, thạc sĩ, tổ trưởng tổ Văn trường chuyên Lê Hồng Phong hiện nay…Cuộc đời nhà giáo của thầy sẽ mãi mãi gắn bó với những cái tên thân thuộc đã thành đạt, có nhiều đóng góp cho xã hội như Hòa Bắc, Nguyễn Thị Nương, Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Minh Huệ, Nam An, Nguyễn Thị Châu Giang, Trần Cẩm Thanh, Mỹ Quỳnh, Ngọc Lan … Và cũng gắn bó với hàng trăm, hàng ngàn,hàng chục ngàn học sinh Tây bắc, HN,TPHCM , không chỉ giới hạn ở trường chuyên Lê Hồng Phong 25 năm qua, đã được nghe những bài giảng phong phú, đầy tâm huyết của thầy, được truyền tụng nhau bao câu chuyện hay đẹp về thầy. Thầy là một trong những gương mặt nhà giáo dạy văn xuất sắc, là một trong những gương mặt người thầy mẫu mực của TPHCM. Rất nhiều thế hệ học sinh TPHCM cũng như của cả nước luôn mang ơn và nhớ tới thầy…

…Tôi không nhớ ngày thầy dạy ở Chu Văn An, thầy đã viết văn hay chưa, nhưng từ ngày vào giảng dạy ở TPHCM, tôi thấy tên thầy Trần Đồng Minh xuất hiện khá nhiều trên các bìa sách. Tìm hiểu thì được hay cùng công việc giảng dạy , thầy còn san sẻ tình yêu văn học của mình bằng việc sáng tác văn học cho các em. Như tâm sự của thầy: “Tôi viết truyện vì yêu tuổi thơ trẻ, yêu nghề dạy học, và say mê văn chương. Từ lâu rồi tôi chỉ sáng tác cho thiếu niên nhi đồng, và mãi mãi sau này cũng vậy.” Có thể kể đến những tác phẩm văn học của thầy làm say mê tuổi nhỏ: Chuyện trường tôi (NXB Trẻ),Hoàng tử ham đọc sách (NXB Hội Nhà văn), Học trò không học buổi nào ( NXB VH-VN), Hoa hàm tiếu (NXB Kim Đồng) và bộ ba tác phẩm xuất bản ở NXB Trẻ gần đây: Hoàng tử không nối ngôi vua, Chàng hoàng tử và nàng tiên cá, Chuyện @ và…. Những tác phẫm viết cho thiếu nhi của thầy, như tâm sự , thầy đã “ tha thiết viết để tặng tuổi thơ trẻ mà mãi mãi thầy mến yêu,và tha thiết tặng các học trò cũ của thầy ở cả ba miền đất nước hoặc đang sống tại các xứ xa…” Cũng xin được nói thêm là, tác phẩm Chuyện trường tôi của thầy Trần Đồng Minh đã từng được trao giải văn học”Vì tương lai đất nước” năm 1993.Và đây là một trong ba truyện, là Chuyện trường tôi, Chuyện lớp tôi, Chuyện @ và …mà để có nó,thầy đã lấy nguyên mẫu từ chính trường Chuyên quận 1 TPHCM và trường Lê Hồng Phong mà thầy đã gắn bó giảng dạy nhiều năm …Tôi cũng là người yêu văn học và khá quan tâm đến nền văn học nước nhà, cứ thầm nghĩ về thầy qua bao năm qua cầm bút là,quả giờ đây hiếm thấy cây bút nào bền bỉ, chung thủy với lứa tuổi thơ trẻ như thầy. Ấy chính là điều để tôi có thể nói rằng, thầy Trần Đồng Minh không chỉ có hàng chục ngàn học sinh hàng chục năm qua học thầy,yêu thầy, mà còn có hàng trăm ngàn bạn đọc nhỏ tuổi học thầy qua những trang văn của thầy, cũng cảm xúc và hết mực yêu quý thầy.Thật hạnh phúc thay cho một người thầy hết lòng vì thế hệ trẻ!

Giờ đây, người thầy nho nhã, dịu dàng, tinh tế ấy đã bước sang tuổi 75, cũng đã nghỉ hưu nhiều năm trong nỗi nhớ vô bờ bến giảng đường và các thế hệ học sinh. Thầy cũng đã chuyển về lại Hà nội sau 25 năm gắn bó với những mái trường TPHCM . Thầy về lại với mùa thu Hà Nội, với những trang văn có hương hoa sữa mùa thu, và tất nhiên vẫn có cả những trang văn manh hình ảnh, mang gương mặt các em học sinh yêu quý của TP HCM, những trang văn có dòng sông Sài gòn vẫn đêm đêm thầm thì trong tâm hồn thầy, và con đường nhỏ Thạch thị Thanh hàng chục năm thầy cô hằng gắn bó…
Một cuộc đời nồng nàn tình yêu với mùa thu,với các thế hệ học sinh và với vẻ đẹp của văn chương…Một cuộc đời Nhà giáo - Nhà văn có thể nói là hạnh phúc và mãn nguyện, và làm nhiều thế hệ luôn trân trọng và yêu quý !