Ngày 8 tháng 11 năm 2015 vừa qua, người yêu văn chương trên toàn thế giới không thể quên kỷ niệm sinh nhật lần thứ 125 nữ văn hào Mỹ nổi tiếng Margaret Mitchell (8/11/1900-16/8/1949 ), tác giả của cuốn tiểu thuyết huyền thoại “Cuốn theo chiều gió”. Ra mắt bạn đọc vào năm 1936, tác phẩm đã gây một tiếng vang  chưa từng có: từ một người vợ chỉ biết quán xuyến, lo toan công việc nội trợ, phu nhân John Marsh đã trở thành một ngôi sao văn chương hàng đầu. Nhưng cả tiếng tăm lẫn tiền bạc đều không mang lại cho người đàn bà này hạnh phúc. Và cuộc đời của Margaret Mitchell có thể chia làm hai thời kỳ: Trước và sau khi “Cuốn theo chiều gió” ra đời …



SỰ BẤT HẠNH CỦA MỘT NỮ SĨ KHÔNG THỂ CUỐN THEO CHIỀU GIÓ

TÔ HOÀNG  
( Theo báo “Luận chứng và sự kiện”- Nga )


Không chịu thua kém cánh mày râu
Gia phả của nữ văn sỹ Margaret từa tựa như hoàn cảnh gia đình của  Scarlett- nữ nhân vật chính trong “Cuốn theo chiều gió”. Tằng tổ về phía nội của nữ nhà văn là người Irland; phía ngoại là người Pháp. Cả hai người ông nội và ông ngoại của bà đều tham gia chiến trận trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ, tức những sự kiện làm nền cho cuốn tiểu thuyết “ Cuốn theo chiều gió”. Scarlett, cô gái tóc đen, mắt xanh biếc được tác giả mô tả với nguyên dạng như chính bà. Nhưng với sự khiêm nhường, nữ nhà văn bắt đầu cuốn sách bằng những dòng như sau: “Scarlett O Hara không đẹp”- tuy bản thân Margaret rất đẹp và luôn luôn như hòn nam châm hút chặt lấy các chàng trai hâm mộ.
Quyến rũ, có học vấn, sâu sắc, thông minh, gia cảnh lại khá giả -những điểm này khiến đám thanh niên ngỏ ý muốn cầu hôn với nàng Margaret xinh tươi, duyên dáng xếp hàng rồng rắn.Ấy vậy nhưng sự lựa chọn của cô gái trẻ đã dừng lại ở Red Upshaw, một chàng trai nổi tiếng vì tính phiêu lưu. Rất chóng vánh Margaret hiểu ngay ra cuộc hôn nhân với chàng trai vai rộng, tóc hung kia là một sai lầm.Chỉ sau đám cưới vỏn vẹn 10 tuần lễ hai người đã chia tay. Mà việc này đối với một người con gái thuộc giới thượng lưu, vào những năm tháng đó, là một sự bẽ bàng bị miệng thế chê cười, phỉ nhổ.
Giống như nhân vật nữ trong cuốn tiểu thuyết của mình, Margaret mang tính cách đàn ông trong mọi cách khu xử. Trong cuốn nhật ký thời còn là một thiếu nữ, Margaret ghi lại ước muốn được học tại một trường võ bị, nhưng cô gái đã vỡ mộng vì ở đầu thế kỷ 20 người ta không tuyển phụ nữ vào quân đội. Dẫu vậy việc lựa chọn nghề nghiệp của nữ nhà văn tương lai này vẫn không giống ai. Sau ước mơ ban đầu không thành, Margaret cương quyết xây dựng công danh của mình bằng nghề viết báo-một nghề nghiệp mà vào thuở đó bị xem chỉ nên giành riêng cho đàn ông.
Khi Margaret đến nhận làm phóng viên tại tờ báo “ Atlanta Journal “chính ông Tổng biên tập của báo này cũng phải thốt lên: “Một thiếu nữ xuất thân từ gia đình danh giá như cô mà lại có thể cho phép mình sục sạo vào những khu ổ chuột ở thành phố để trò chuyện với đủ loại người du thủ du thực hay sao?”. Nhưng chỉ ít lâu sau vị Tổng biên tập đã  nhìn nhận khác đi về cô phóng viên trẻ. Nữ nhà văn tương lai đã cho in trên mặt báo những bài viết đánh động dư luận, gây cuốn hút ở bạn đọc và xứng đáng là cây viết phóng sự số 1 của tờ báo. Tính ra trong thời gian công tác tại báo này Margaret đã viết trên hai trăm bài phóng sự, bút ký, bình luận.và khi đã chứng tỏ rằng, với nghề nghiệp đã chọn nữ nhà báo không thua kém bất cứ đấng nam nhi nào, Margaret quyết định bỏ nghề làm báo, giành công sức và thời gian để chăm lo công việc gia đình.
“Người đàn bà đã lấy chồng trước hết phải là một người vợ. Tôi, Margaret tuyên bố như vậy!”- Nữ nhà văn tương lai đã nói câu này sau khi bước qua cuộc hôn nhân lần thứ hai. John Marsh, đức lang quân lần này là một con người điềm đạm, kín đáo, một người đàn ông mà phụ nữ có thể tin cậy được.  Ông chồng lần thứ 2 hoàn toàn khác hẳng ông chồng lần đầu. Ấy thế nhưng cái mơ ước được làm một bà nội trợ bình thường, vun quén thứ hạnh phúc gia đình ngọt ngào như nhiều phụ nữ khác-hóa ra đối với nữ văn sỹ tương lai không dễ gì đạt được. Chính vào những năm tháng Margaret Mitchell đặt bút viết cuốn tiểu thuyết ‘ Cuốn theo chiều gió” cuộc sống của bà đã thay đổi hoàn toàn…
Người đàn bà bước ra từ huyền thoại
            Từ năm 1926 đến năm 1933 Margaret miệt mài viết tiểu thuyết. Công việc này ngoài ông chồng ra, nữ văn sỹ tương lai không hé lộ với bất cứ ai cả. Mãi tới năm 1935, một người biên tập viên của nhà xuất bản Macmillan có uy tín ở Mỹ, trong cuộc lang thang đi khắp xứ sở để sục tìm những tài năng văn học mới được tiếp xúc với những trang bản thảo của Margaret Mitchell.
            Tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” ra mắt độc giả vào năm 1936. Ngay lập tức sách gây nên một niềm phấn khích hân hoan mà chính người viết cũng không giải thích nổi vì sao. Về sáng tác phẩm của mình nữ nhà văn thường nhận xét khiêm nhường: “Về thực chất, đây là một câu chuyện giản dị, kể về những con người hết sức bình thường. Sách không mang văn phong gì đặc biệt, không chứa đựng những vấn đề triết học, hạn chế tối đa sự miêu tả , không hề có những tư tưởng lớn, những ẩn ý, những biểu trưng, không có điều gì đặc biệt-nói tóm lại sách của tôi không mang những điểm mạnh mà những cuốn sách bán chạy thường có”.
            Lẽ đương nhiên sau khi sách tới tay người đọc có cả hàng núi những lời đề nghị được phỏng vần nữ văn sỹ, Và trong những bài phỏng vấn đó không tránh khỏi câu hỏi nhà văn đánh giá ra sao về nữ nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết. Margaret Mitchell luôn kiên nhẫn giải thích với cánh nhà báo: “Tôi cố gắng không dựng lên một người đàn bà tuyệt hảo. Để người ta kiệm lời khen ngợi nhân vật này.Tôi cố tìm ra ở nàng O Hara những nét ngớ ngẩn, kệch cỡm để nhân vật của tôi không trở thành một người anh hùng dân tộc. Bởi nếu tôi khiến người đọc nghĩ rằng nàng là một người hùng tức là tôi đã làm một điều xấu đối với trạng thái đạo đức và tinh thần của dân tộc chúng ta. Không, không nên vỗ tay hoan hô và sủng ái những người phụ nữ coi nhân vật của tôi là mẫu hình lý tưởng”.
            Trớ trêu sao, người đàn bà “sa đọa” từ cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” cứ tự nhiên trở thành một tấm gương để người đời bắt chước và cuốn sách bán với số ấn bản khổng lồ này đã mang tới cho tác giả của nó Giải thưởng Pulitze. Nhưng gạt tiếng tăm, niềm vinh quang do cuốn tiểu thuyết mang lại sang một bên, nữ văn sỹ vẫn phải chường mặt với những nợ nần tiền bạc tựa như không bao giờ chấm dứt. Điều này khiến sức khỏe của Margaret Mitchell suy giảm rất nhanh. Thế giới cũng không phải chứng kiến lâu nữa một nữ văn sỹ lừng danh trở nên bệnh hoạn, già nua như thế nào. Bà đã từ bỏ cõi đời một cách đột ngột ở tuổi 48, trong một tai nạn xe cộ, khi cùng chồng trên đường tới một rạp chiếu phim.
            Không một ai dám nghĩ rằng nếu nữ văn sỹ sống lâu hơn, bà sẽ cho ra đời một “Cuốn theo chiều gió” thứ hai, thứ ba nữa. Chả nên mong đợi vậy. Chỉ cần một tác phẩm nhà văn đã đủ nổi tiếng lắm rồi. Còn việc chuyển thể “Cuốn theo chiều gió”  lên màn ảnh khiến tên tuổi của bà truyền lan khắp thế giới- lại là điều mà cho đến tận những ngày cuối đời, bà vẫn coi như một sự hành hạ không đáng phải hứng chịu.