Chúng tôi đã có hỏi một nhà văn thường được mời đi chấm giải rằng: "Liệu ông có nghĩ rằng tác phẩm được giải là tác phẩm hay nhất trong năm (trong cuộc thi) này không?". Vì chỗ thân tình nên nhà văn đàn anh cũng thú thật rằng nó không phải là tác phẩm hay nhất, nhưng ý muốn của nhà tổ chức nó thế, nên mình bỏ phiếu cho nó, nếu bỏ khác đi, lần sau họ không mời nữa, cũng…mất vui và mất….tiền! Khi chúng ta công khai chủ nhân của những lá phiếu, các thành viên trong ban giám khảo mà đa số là các nhà văn, nhà thơ có uy tín, trọng danh dự, họ sẽ phải bảo vệ uy tín, bảo vệ danh dự của mình bằng chính lá phiếu của mình đã bỏ cho tác phẩm văn chương đích thực.



Từ các giải thưởng, nghĩ về quy chế, quy trình chấm giải hiện nay

NGUYỄN THẾ HÙNG

Khoảng mười năm trở lại đây, cứ đến thời điểm cuối năm, khi mà các Hội Văn học Nghệ thuật xét trao giải thưởng hàng năm, trên văn đàn lại nổi lên nhiều ý kiến trái chiều. Kẻ khen, người chê là lẽ đương nhiên nhưng chất lượng của giải thưởng và hiện tượng có nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ…xin rút lại giải thưởng là một việc rất đáng bàn.
Họ xin rút vì nhiều lý do, mà một trong những lý do đó là họ bất phục quy chế, quy trình chấm giải của ban tổ chức và tính công minh của ban giám khảo. Họ xin rút vì tác phẩm của họ khi được trao giải đã dính vào những nghi án như đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo tranh. Vụ việc gần đây nhất đã xảy ra ở Hội Nhà văn Hà Nội. Có nhiều ý kiến chỉ trích sự tắc trách của Hội đồng giám khảo. Nhằm thanh minh và bảo vệ mình, bảo vệ giải thưởng, những người trong ban giám khảo đã đưa ra nhiều lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói: "Không chờ đến khi "Bạch lộ" bị tố đạo thơ, tôi mới thấy tập thơ được giải và tác giả của nó có vấn đề". Còn Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên giải thích: "Từ khi bài thơ ra đời cho đến lúc nhận giải thưởng, chúng tôi không nhận được ý kiến nào phản ảnh là có đạo thơ. Rồi cũng có người hỏi chúng tôi là vì sao những người trao giải như chúng tôi lại không biết vấn đề này, tôi xin khẳng định rằng: không phải ai trong chúng tôi cũng có thể đọc hết thơ của mọi người và nhớ hết được. Nếu mà đọc hết các tác phẩm mà nhớ hết thì lại không xảy chuyện như thế này. Vì thế cho nên, đạo hay không đạo là do chính tác giả mới biết được. Họ phải trung trực với chính mình và độc giả nữa".
Qua hai ý kiến của hai thành viên trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, đồng thời cũng là thành viên ban giám khảo chúng ta thấy rõ rằng, quy chế và quy trình của việc chấm giải thưởng văn học nghệ thuật của chúng ta hiện nay đang có vấn đề. Đành rằng những người trong ban chấp hành có thể đều là những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình có uy tín, nhưng không phải ai cũng giỏi hết các lĩnh vực và bao quát được hết tất cả các mảng của văn học, nghệ thuật. Cuối cùng là mọi quy trình chấm giải của chúng ta đều nằm trong vòng bí mật. Bí mật cũng có cái hay của nó, bí mật sẽ tránh được những cuộc "đi đêm" săn giải nhưng bí mật cũng là cái bẫy chết người khi các thành viên trong ban giám khảo không phải là "Phật bà ngìn mắt nghìn tay" để đọc hết được các tác phẩm văn chương từ đông tây, kim cổ.
Năm 2006, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu tiên tiết lộ một nửa bí mật trong việc chấm giải đó là công bố số phiếu của các tác phẩm tham gia xét giải như: "Pari 11- 8" của nhà văn Thuận nhận được 3 phiếu giải thưởng, 8 phiếu tặng thưởng; "Gia đình bé mọn" của nhà văn Dạ Ngân nhận được 4 phiếu giải thưởng, 3 phiếu tặng thưởng; "Thượng Đức" của nhà văn Nguyễn Bảo nhận được 3 phiếu giải thưởng, 5 phiếu tặng thưởng; "Lô lô" của nhà thơ Ly Hoàng Ly nhận được 1 phiếu giải thưởng, 5 phiếu tặng thưởng; "Cánh đồng bất tận" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận được 10 phiếu giải thưởng; "Thương lượng với thời gian" của nhà thơ Hữu Thỉnh nhận được 10 phiếu giải thưởng, 1 phiếu tặng thưởng. Qua kết quả đó, tiến sỹ, nhà lý luận phê bình Phan Trọng Thưởng đã đi đến kết luận: "Tác phẩm bị dư luận phản đối trao giải là tác phẩm có số phiếu bầu cao nhất và tác giả từ chối tặng thưởng lại là người sở hữu tác phẩm có số phiếu bầu giải thưởng thấp nhất".
Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì quy chế, quy trình chấm giải như thời gian vừa qua thì khó có thể tìm được những tác phẩm đạt được sự đồng thuận cao và sẽ dễ dàng để đưa vào giải những tác phẩm có "vấn đề" như tập thơ "Sẹo độc lập" của Phan Huyền Thư.
Từ ý kiến của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (đây là ý kiến sau khi đã có chuyện lùm xùm nghi án đạo thơ của Phan Huyền Thư và tập thơ của Phan Huyền Thư vẫn được 9/9 phiếu), chúng tôi thấy cần phải công khai số phiếu của các thành viên ban giám khảo, ví dụ như giám khảo A bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý cho tác phẩm A, sau đó tổng hợp lại xem tác phẩm A ấy đạt được bao nhiêu phiếu thuận, bao nhiêu phiếu không thuận và những phiếu ấy là của giám khảo nào chấm. Chỉ có như thế thì các giám khảo sẽ không có chuyện "nói sau" như thời gian qua. Vì nếu khi đọc tác phẩm đã thấy có vấn đề thì anh sẽ bỏ phiếu không đồng ý và đấu tranh đến cùng, nếu không bảo vệ được anh có thể có những kiến nghị, bảo lưu ý kiến, thậm chí là xin ra khỏi ban giám khảo để bảo vệ quan điểm của mình.
Đã không ít trường hợp là khi tác phẩm được dư luận bạn đọc hoan nghênh thì các thành viên ban giám khảo ai cũng nhận là mình đã bỏ phiếu thuận, đã đấu tranh để cho tác phẩm đó được giải, còn khi bị dư luận lên án thì lại nói tôi đã bỏ phiếu chống, nhưng bản thân tôi chỉ có được một phiếu mà thôi nên không thể thay thế được giải thưởng. Từ việc công khai này, có thể áp dụng cho cả việc bỏ phiếu kết nạp vào Hội Nhà văn và các Hội chuyên ngành khác, vì năm nào cũng thế, cứ đến kỳ kết nạp Hội viên Hội nhà văn Việt Nam thì văn đàn và dư luận xã hội lại thêm một lần ồn ào, dậy sóng.
Chúng tôi đã có hỏi một nhà văn thường được mời đi chấm giải rằng: "Liệu ông có nghĩ rằng tác phẩm được giải là tác phẩm hay nhất trong năm (trong cuộc thi) này không?". Vì chỗ thân tình nên nhà văn đàn anh cũng thú thật rằng nó không phải là tác phẩm hay nhất, nhưng ý muốn của nhà tổ chức nó thế, nên mình bỏ phiếu cho nó, nếu bỏ khác đi, lần sau họ không mời nữa, cũng…mất vui và mất….tiền! Khi chúng ta công khai chủ nhân của những lá phiếu, các thành viên trong ban giám khảo mà đa số là các nhà văn, nhà thơ có uy tín, trọng danh dự, họ sẽ phải bảo vệ uy tín, bảo vệ danh dự của mình bằng chính lá phiếu của mình đã bỏ cho tác phẩm văn chương đích thực.
Khi đã chọn được những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, phải có quy định bắt buộc là những tác phẩm đó bằng nhiều hình thức phải đến được tay người đọc và viết rõ rằng: "Đây là tác phẩm đã lọt vào vòng chúng khảo cuộc thi….chúng tôi rất mong nhận được phản hồi của bạn đọc". Có lẽ đây là biện pháp hữu hiệu nhất để nhờ bạn đọc "soi" và phát hiện được liệu tác phẩm đó có phải là sản phẩm đạo văn hay không. Đây không phải là việc đẩy cái khó về phía người đọc mà là tăng thêm phần giám sát. Một người đọc có thể khó phát hiện ra, nhưng mười người đọc thì vấn đề nó sẽ khác. Nếu để minh bạch hơn nữa có thể tổ chức những cuộc bỏ phiếu dành cho người đọc như các chương trình truyền hình dùng tin nhắn để tổng hợp ý kiến của người xem vậy. Từ những căn cứ, tổng hợp ý kiến của nhiều nguồn thông tin, ban chung khảo cân nhắc, lựa chọn và cuối cùng là bỏ phiếu công khai. Công khai tác phẩm, công khai số phiếu, công khai danh tính của thành viên ban giám khảo trên lá phiếu và công khai số phiếu của bạn đọc cho từng tác phẩm được giải.
Khi chọn được những tác phẩm, sắp xếp được thứ hạng xong, ban tổ chức nên có một giấy thông báo đến tác giả được giải với nội dung: "Chúng tôi dự kiến sẽ trao giải…cho tác phẩm A của ông (bà), đề nghị ông (bà) xác nhận đây là sản phẩm của chính mình, không tranh chấp và vi phạm bản quyền với bất cứ ai. Nếu vi phạm, ông (bà) hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Giải thưởng nghiêm túc là một phần thưởng vô cùng quan trọng đối với nhà văn dẫu vẫn biết câu: Giải thưởng không làm nên nhà văn. Nhưng một nhà văn được trao một giải thưởng đúng với tài năng và tâm huyết của mình sẽ là một nguồn động viên rất lớn, một sự khẳng định mình của chính nhà văn đó trên văn đàn, đồng thời cũng là nguồn khích lệ cho những nhà văn chưa được giải có nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy nền văn học của nước nhà phát triển. Còn giải thưởng trao không đúng, giải thưởng có vấn đề thì như chúng ta đã biết, nó làm mất uy tín trước tiên của Hội đồng giám khảo, của Ban tổ chức giải và đặc biệt là đánh mất lòng tin của bạn đọc. Vì xét cho đến cùng, tác phẩm hay giải thưởng nào cũng thế, chính bạn đọc và thời gian là sự thẩm định tốt nhất.


Nguồn: Văn Nghệ Công An