Trên tờ Ngày Nay, Thế Lữ và Tú Mỡ từng có mục “Minh niên giáng bút”, viết về  Lưu Trọng Lư: “Cái tên này cũng đáng ngờ. Ấy bình hương khói hay lừa nặng cân. Làm thơ giàu điệu nghèo vần. Ra đời với bác sơn nhân độ nào”, viết về Lê Văn Trương: “Nói năng hùng dũng hơn người. Khôn vì xuôi ngược đã mười năm xưa. Đầu làng sức mạnh có thừa. Vỗ vào ngực thét: tôi thờ trái tim”. Hoặc viết về Lan Khai hai bài, bài thứ nhất: “Tên đâu trái ngược lạ đời. Là hoa mà lại có mùi... chẳng thơm. Tài trông anh Mán phi gươm. Chú Mèo lãng mạn, cô Mường ngâm thơ”, bài thứ hai “Tên là Lan ở trên đời. Chẳng thơm hẳn đã có mùi khai khai. Viết văn kể chuyện dông dài. Ở trên mạn ngược làm vui đường rừng!”.



XUÂN SÁCH VÀ CHÂN DUNG CÁC ĐỒNG NGHIỆP

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Kỳ 1:

Những nét sinh hoạt của những người cầm bút thời nay đã được nhiều người trình bày lại một cách tự nhiên, trong số này giỏi nhất phải kể Tô Hoài. Ông biết gỡ đi phần hào quang chói lọi mà người ta hay lấy ra để lãng mạn hóa các nhà văn. Ông làm cho cái nghề gọi là sáng tạo này gần gũi với đời thường. Chỉ ông mới dám đưa Nguyễn Tuân vượt ra ngoài cái thiêng liêng giả tạo ngả sang làm dáng, để trở về với những chuyện mè nheo hàng ngày, dù vẫn không vì thế mà làm mất đi vẻ đáng yêu đáng kính của cụ Nguyễn. Từ trường hợp Nguyễn Văn Bổng, Tô Hoài làm nổi tính chất nghiệp dư của một nền văn học. Chút thoáng điên điên khùng khùng của Võ Huy Tâm mà ông nói tới được người ta tin, vì bắt nguồn từ những quan sát thực và mở đường cho sự cắt nghĩa vận mệnh ngắn ngủi của nhà văn này. Những trang chân dung Trọng Hứa cho ta thấy trong mỗi con người còn bao nhiêu mày nét khía cạnh vừa chân thành đáng yêu vừa nhởn nhơ phù phiếm.
Tôi học theo cách làm của Tô Hoài khi viết về một người thầy như Nhị Ca, một người bạn như Nghiêm Đa Văn.
Ở buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi lại nghĩ nhiều về Xuân Sách.

Xuân Sách là một đặc sản kỳ lạ của giới cầm bút Hà Nội những năm chống Mỹ và vài chục năm tiếp sau. Người nổi tiếng trong giới xưa nay là người có tác phẩm, hoặc các quan chức. Xuân Sách không có cả hai cái đó, chỉ có một ít bài thơ chân dung, bằng giọng đùa bỡn trêu chọc nói về hàng loạt nhà văn đương thời.Vậy mà người ta luôn phải nhớ đến ông. Chỉ vì ông biết gây cười ? Không hẳn, những giai thoại mua vui một cách nông nổi, không thể có sức sống dai dẳng như vậy. Giữa đám đông chúng sinh, chỉ cần đọc lên vài dòng chân dung ông viết là không thiếu kẻ bị hút hồn. Các nhà văn vốn có thói quen ích kỷ tự nhiên bị chạm nọc. Người ngoài cuộc nghe rồi vẫn muốn nghe lại.
Nhiều khi nói tới một người cụ thể nào đó, thực ra Xuân Sách đang nói tới cả giới, nói tới những kiếp người khác nhau trong giới.Và từ những người cầm bút, trong một mức độ nào đó, nhà thơ gợi ra cho ta liên tưởng tới những người ở các giới khác.
Không phải tất cả mà chỉ một số nhỏ coi như thành công. Nhưng trong trường hợp thành công, các chân dung ấy đã vẽ ra một hình ảnh khắc hoạ được một tính cách, ghi nhận một lẽ đời, từ đó nhắc nhở người ta một vấn đề nào đó của cuộc sống.
Thay cho hai chữ tài năng, ta nên nói tới khái niệm: những cách tồn tại trong văn học.
Theo tiêu chuẩn này thì Xuân Sách đã tìm thấy mình thật: Tồn tại như một người viết về đồng nghiệp, thấy mỗi đồng nghiệp là một kiếp người “nghiêm chỉnh một cách rầu rĩ”.
Những năm chiến tranh, tôi đã sống với con người này trong một cơ quan theo cái nghĩa 24/24. Tức là làm việc và nghỉ ngơi trong cùng một doanh trại. Có thể ghé vào phòng nhau bất cứ lúc nào. Gần như suốt ngày trông thấy mặt nhau. Từ sau 1975, tuy Bắc Nam mỗi người một nơi, song vẫn hay nghĩ tới nhau. Trước nhiều hiện tượng của đời sống văn nghệ, tôi vẫn thường tự hỏi trong trường hợp này Xuân Sách nghĩ như thế nào nhỉ.
Đúng là ba chục năm cuối đời ông đã thay đổi, không còn nguyên vẹn Xuân Sách mà tôi từng biết ngày xưa. Nhưng những tư tưởng chính của ông thì đã hình thành từ những năm chiến tranh, cái đường cái mạch phát triển của ông vẫn có sự tiếp nối với thuở ban đầu mà tôi biết.
Qua ông, tôi muốn ít chuyện đời thường của giới văn chương.

Từ truyền khẩu đến truyền thần
Tất cả những bài viết về Xuân Sách mươi năm gần đây đều nhắc tới những bài thơ được in trong tập “Chân dung nhà văn”. Đến nỗi khi thấy một tờ báo nọ trong thông báo về cái chết của ông mà bỏ qua chi tiết này, một tờ báo khác đã phải lên tiếng thắc mắc.
Vậy thơ chân dung là gì? Và đóng góp của Xuân Sách trong thơ chân dung là gì ?
Việc mang tên tuổi, tính nết và công việc của các đồng nghiệp ra mà chế giễu vốn là một thú vui có ở mọi nghề. Sự đời lắm vẻ, mỗi chúng ta dù có cố gắng đến mấy cũng chẳng bao giờ vừa lòng với nó. Huống chi lại còn bao nhiêu bực bội khó chịu nảy sinh hàng ngày, nếu như không có nụ cười thì sống sao nổi!
Mà các đối tượng mình hiểu sâu nhất để rồi dễ mang ra cười cợt nhất, và giá có cười quá to, cười sỗ sàng một chút, cũng dễ được tha thứ nhất, ấy vẫn là các đồng nghiệp. Giá như ai có để công sưu tầm, chắc sẽ làm thành những bộ sách lý thú, đại loại nụ cười viên chức, nụ cười nghề y, nụ cười nhà giáo.
Thế nhưng nói chung nhiều người vẫn thường có cảm giác rằng sự đùa bỡn chế giễu nhau trong giới cầm bút là phổ biến hơn. Tại sao? Một là ở đây người ta dễ nhận xét nhau đau hơn, ác hơn, điểm huyệt đích đáng hơn; và hai là một đôi khi, nó lại được đưa lên mặt giấy, và dù in chữ nhỏ, in vào chỗ khuất đến mấy, mọi người đều tìm đọc - báo ngày hôm nay đã vậy mà báo ngày xưa cũng vậy. Có lần tôi đã chép được một loạt thơ chân dung kiểu này trên báo Ngày Nay xuân 1940.
Vào thuở đang thịnh, Tự lực Văn đoàn của các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng... nổi lên như một tổ chức văn học đầy uy tín tới mức họ thường xuyên đùa giỡn trước mặt mọi người, “xoa đầu’ anh em trong giới. Nhân một số báo xuân, Lê Ta (Thế Lữ) cùng Tú Mỡ mở mục “Minh niên giáng bút”, mượn lời một bà già khăn chầu áo ngự để “phán” về các đồng nghiệp... Theo chính Lê Ta và Tú Mỡ nhấn mạnh thì trong “lời phán” này” có những chữ, hoặc những nghĩa, hoặc những ý tứ có liên quan đến tên tuổi, đến tâm tính hay công việc của từng người”. Bởi vậy, mặc dù không chỉ đích danh, song đọc lời “phán”, mọi người ai cũng đoán ra ngay người được “phán”.
Dưới đây là một ít câu “Minh niên giáng bút”.
Tam Lang
Tưởng người cùng xóm văn chương
Học đòi lại muốn theo phường kéo xe
Nhưng thân phục phịch nặng nề
Kéo xe chẳng nổi quay về kéo... văn


Lê Văn Trương
Nói năng hùng dũng hơn người
Khôn vì xuôi ngược đã mười năm xưa
Đầu làng sức mạnh có thừa
Vỗ vào ngực thét: tôi thờ trái tim


Lưu Trọng Lư
Cái tên này cũng đáng ngờ
Ấy bình hương khói hay lừa nặng cân
Làm thơ giàu điệu nghèo vần
Ra đời với bác sơn nhân độ nào


Lan Khai
Tên đâu trái ngược lạ đời
Là hoa mà lại có mùi... chẳng thơm
Tài trông anh Mán phi gươm
Chú Mèo lãng mạn, cô Mường ngâm thơ
( Bài khác cũng về Lan Khai: Tên là Lan ở trên đời. Chẳng thơm hẳn đã có mùi khai khai. Viết văn kể chuyện dông dài. Ở trên mạn ngược làm vui đường rừng!”
Các vần thơ này đã sử dụng được những gì liên quan đến tên tuổi và tên các tác phẩm của người được nói tới. Tuy nhiên đó mới là điều kiện tối thiểu. Nếu chỉ dừng lại ở một vài chi tiết hóm hỉnh đọc lên nghe cũng vui vui thì chúng ta chưa thể thích được hoặc chỉ là cái thích nông nổi. Đây cũng là chỗ dừng của “Minh niên giáng bút”.

Trong đời sống văn học Hà Nội nửa sau thế kỷ XX, số chân dung viết linh tinh cũng nhiều vô kể. Trên nguyên tắc thì thời nay ai cũng bảo là hoan nghênh người khác phê bình góp ý kiến cho mình. Nhưng trong thực tế mỗi người là một khối cá nhân thô cứng không gì thâm nhập nổi. Có thể là tôi cũng biết khuyết điểm của tôi đấy. Nhưng xin các anh kệ tôi, mặc cho tôi lừa cấp trên và lừa mọi người.
Không được đưa ra công khai, những nhận xét về nhau biến thành những lời xầm xì ở chỗ riêng tư, thành những giai thoại đồn thổi rộng rãi, rồi đúc lại thành thơ chân dung. Trong số này, có nhiều cái là do nhân tiện mà viết, làm cho vui, chả ai coi là việc nghiêm chỉnh. Tuy nhiên cũng có một số ít đạt tới mức sâu sắc với nghĩa truyền thần được đối tượng, điểm trúng huyệt họ, bóc mẽ lật tẩy được cái gì mà họ muốn che giấu.
Lấy một ví dụ. Khi người lẫn với ma - nói như chữ của Tô Hoài - thì việc gọi ra chất ma ở kẻ khác là cả một điều an ủi. Viết về Nguyễn Tuân
Một mắt lư đồng một mắt cua
Chém treo ngành toàn chém a dua
Hà Nội đánh Mỹ giỏi, thua bác
Cả đời ăn phở chẳng cần mua...

Hay đấy chứ! Và không hiếm đâu! Nhưng chưa ai làm công việc thu thập đánh giá các bài thơ chân dung này cả.
So với những người đương thời có thể nói Xuân Sách đi xa hơn cả với nghĩa làm được nhiều và nhất là có những chân dung có ý nghĩa xã hội rộng rãi.
Thử làm một so sánh. Cùng viết về Nguyễn Tuân, của Lê Ta và Tú Mỡ
Nghe vang theo bóng một thời
Tên này thực biết vâng lời người trên
Bây giờ gần gụi ả phiền
Hỏi han câu chuyện ngọn đèn dầu ta.

của Xuân Sách
Vang bóng một thời đâu dễ quên
Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
Chén rượu tình rừng cay đắng lắm
Tờ hoa lại chuốc lệ ưu phiền

Cùng viết về Nguyễn Công Hoan, của Lê Ta và Tú Mỡ
Rằng tên thì thực là vui
Nụ cười thoang thoảng có mùi ngang ngang
Vai hề to tiếng hý trường
Ở trong động quỷ là phường ranh ma

Của Xuân Sách
Bác kép Tư Bền rõ khéo vui
Trời còn chưa sáng bác nhầm thôi
Bới tung đống rác nên trời phạt
Trời phạt chưa xong bác đã cười


                   (còn nữa)