Nhận định của nhà văn Trần Đức Tiến: “Văn xuôi Nhật Tuấn là thứ văn xuôi đậm chất "đàn ông", mạnh mẽ, trần trụi và tốc độ. Từ đầu tới cuối cuốn sách “Đi về nơi hoang dã” ngót ba trăm trang, luôn giữ vững một nhịp điệu gấp gáp, lôi cuốn. Phong phú chi tiết gây ấn tượng mà không cường điệu. Ngôn ngữ, hành động thô thiển, tục tĩu của các nhân vật hoà hợp thật tự nhiên với bối cảnh khắc nghiệt của câu chuyện. Hiếm hoi mới bắt gặp một trang sách mềm mại (về tình yêu, kỷ niệm...), nhưng những chỗ tác giả chủ động "giảm ga" ấy chỉ chứng tỏ sự vững vàng trong cách viết của mình. Theo tôi, đây là một thành công, một đóng góp rất đáng kể của Nhật Tuấn. Một “điểm son” không có nhiều trong văn học của chúng ta lâu nay”.


               

CÓ ĐÍCH KHÔNG?

( Đọc “Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn)

         TRẦN ĐỨC TIẾN

Nhân vật: ông toán trưởng, thằng hộ pháp, thằng học giả, thằng cấp dưỡng và tôi. Câu chuyện: khảo sát, mở tuyến giao thông giữa vùng núi cao rừng rậm. Cả 5 tên đàn ông hùng hục phát cây, dọn đá tiến về phía trước, theo sự chỉ đường dẫn lối qua máy vô tuyến điện của một cấp trên nào đó không bao giờ thấy mặt ngồi tít dưới đồng bằng. Đói khát luôn hành hạ - đói ăn, đói tình. Công việc cực nhọc, nguy hiểm. Đã thế còn hoang mang mất phương hướng. Những cơn mơ vật vã trộn lẫn với thực tại toát mồ hôi: mơ được ăn no, được làm tình, mơ có túi tiền đầy, mơ tình yêu trong sáng thánh thiện, và tất nhiên cơn mơ nặng nề dai dẳng nhất là mơ đến đích. Ở đây là cái đích chung của cả bọn - đỉnh Hua Ca xa lắc chìm khuất trong mây. Không đến được cái đích ấy thì đừng nói gì đến chuyện những cơn mơ kia hoá thành hiện thực.Và bên cạnh cái đích chung ấy là đích riêng của từng người - thành tích dâng lên cấp trên của ông toán trưởng; trèo lên đầu đồng đội bằng mọi giá để xây dựng "sự nghiệp hiển hách" của thằng học giả; cuộc chung sống hạnh phúc với ả đàn bà ngoại tình của thằng hộ pháp; căn nhà xây cho mẹ của thằng cấp dưỡng; và mối tình đẹp với nàng Sao của thằng “tôi”. Tất cả nối nhau diễn ra theo từng ngày, theo từng mét chiều dài của tuyến đường. Chen vào đó là những sự cố nho nhỏ: hết gạo, lạc rừng, bệnh tật, rắn độc cắn, chửi bới ẩu đả lẫn nhau... Thỉnh thoảng sống lại đôi ba mẩu hồi ức như những chớp sáng soi rõ hơn những khoảnh khắc thực tại. Sự ngây thơ ngu dại của thằng học giả đẩy bố đẻ đến chỗ chết. Cuộc tình vụng trộm ngậm ngùi đau xót của ông toán trưởng. Những cơn yêu đương cuồng nhiệt của thằng hộ pháp với cô vợ ông xã đội...

Nói tóm lại, tiểu thuyết "Đi về nơi hoang dã" của Nhật Tuấn là câu chuyện khó có thể kể lại một cách mạch lạc. Những tình tiết đan cài rậm rạp, ngổn ngang, đầy vẻ hoang dã như cánh rừng có 5 tên đàn ông kia đang tìm cách xuyên qua. Chỉ có cách duy nhất là bước theo chân họ qua từng dòng chữ.       
    
Lại nói về những cái đích. Trước hết là đích riêng của từng nhân vật. Kết quả: ông toán trưởng nằm lại dọc đường và chết thê thảm. Thằng hộ pháp vỡ mộng vì người tình không thể bỏ nhà trốn theo hắn. Thằng cấp dưỡng hoá rồ vì mất gói tiền. Thằng “tôi” ngơ ngác trước dòng nước đục ngầu bẩn thỉu trên đỉnh Hua Ca, trong lúc thằng học giả cố tự dối mình, vui niềm vui đến đích một cách gượng gạo...     
          
Họ đã lầm đường lạc lối chăng? Không ít người đọc cho rằng họ đã chọn sai đường. Muốn đến được đỉnh Hua Ca có dòng suối thần, lẽ ra họ phải đi theo con đường khác… Ôi thôi! Hiểu như thế là tầm thường hóa cuốn tiểu thuyết, tầm thường hóa Nhật Tuấn. Thực ra thì cuộc đời chả có cái đích quái nào cả! Đỉnh Hua Ca cũng như những cái đích khác chỉ có ở trong đầu những kẻ… thích đến đích, nhiều khi là cố sống cố chết nhoài đến bằng mọi giá. Đến đích rồi lại thấy đích vô nghĩa. Bấy giờ mới bừng tỉnh: hạnh phúc chính là lúc ta đang đi trên đường. Không biết tận hưởng thứ hạnh phúc đó thì phí hoài biết bao nhiêu! Và giống như trong một trận bóng đá, bỏ qua nhiều cơ hội làm bàn, tất sẽ đến lúc bị thủng lưới!

  Văn xuôi Nhật Tuấn là thứ văn xuôi đậm chất "đàn ông", mạnh mẽ, trần trụi và tốc độ. Từ đầu tới cuối cuốn sách ngót ba trăm trang, luôn giữ vững một nhịp điệu gấp gáp, lôi cuốn. Phong phú chi tiết gây ấn tượng mà không cường điệu. Ngôn ngữ, hành động thô thiển, tục tĩu của các nhân vật hoà hợp thật tự nhiên với bối cảnh khắc nghiệt của câu chuyện. Hiếm hoi mới bắt gặp một trang sách mềm mại (về tình yêu, kỷ niệm...), nhưng những chỗ tác giả chủ động "giảm ga" ấy chỉ chứng tỏ sự vững vàng trong cách viết của mình. Theo tôi, đây là một thành công, một đóng góp rất đáng kể của Nhật Tuấn. Một “điểm son” không có nhiều trong văn học của chúng ta lâu nay.     
          
Tác phẩm hay giống như một sinh thể, một con cá còn tươi nguẩy mà nhà văn thả xuống hồ. Mỗi người nhận ra ở con cá ấy một vẻ đẹp khác nhau. Tôi là người ưa sự thật thà, giản dị. Tôi không suy diễn nhiều lắm về ý nghĩa của cuốn sách. Con cá là con cá. Tôi không hoa mắt nhìn cá hóa rồng. Đọc “Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn mà rùng mình ớn lạnh nghĩ sang chuyện chính trị chính em, hay kinh dịch kinh diếc… thì tôi chịu. Kính các bác!