Lâu nay, một vấn đề luôn tạo mâu thuẫn, tranh cãi dai dẳng giữa các nhà sản xuất phim và cơ quan kiểm duyệt - đó là cảnh “nóng”. Ngay tại buổi hội thảo, những quy định liên quan đến cảnh khỏa thân, tình dục trong phim cũng đã rất “nóng” trong quan điểm của các đại biểu. Dự thảo lần này quy định, với loại phim C16, C18 chấp nhận phim có hình ảnh khỏa thân, tình dục nhưng mức độ thời lượng và cảnh “nóng” lẫn hình ảnh khỏa thân được cho phép không dài quá 5 giây và thể hiện không quá 3 lần trong phim. Hầu hết các nhà làm phim, các nhà sản xuất và phát hành có mặt tại hội thảo đều cho rằng quy định như vậy là hơi cứng nhắc và khiên cưỡng. Vì sự thực nếu phản cảm thì 1 giây cũng phản cảm còn nghệ thuật thì 5 giây là quá ngắn. Các đạo diễn "kêu" rằng trên thế giới không có quy định về thời gian, việc áp dụng thời gian sẽ khiến sự sáng tạo của các đạo diễn bị bó hẹp và dễ tạo tình trạng lách luật. Có thể các đạo diễn chấp nhận không phân cảnh khỏa thân nào quá 5 giây nhưng nếu trong phim có nhiều cảnh cộng lại thì thời gian có thể vượt lên khá nhiều.


Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim:
Rộng mở hay bó hẹp?
KHÁNH THẢO
Một số bộ phim không được phép ra rạp vì quá nhiều cảnh "nóng" hay các nhà sản xuất phim phải chấp nhận cắt gọt, sửa lên sửa xuống nhiều lần mới hy vọng đứa con tinh thần của mình được ra mắt khán giả là điều thường thấy trong việc cấp phép phổ biến phim thời gian vừa qua. Chính vì thế, Hội thảo góp ý xây dựng "Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim" do Cục Điện ảnh tổ chức cuối tháng 9  đã thu hút được sự quan tâm của dư luận và những người làm phim chuyên nghiệp. Những quy định rõ ràng sẽ tạo hành lang rộng mở cho sáng tạo nghệ thuật hay "làm khó" các nhà làm phim vẫn còn là điều khiến nhiều người băn khoăn.
Phân loại phim theo 4 cấp độ
Có thể coi Hội thảo lần này như cuộc sát hạch cuối cùng trước khi Cục Điện ảnh hoàn thiện và gửi lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Theo đó, phụ lục tiêu chí phân loại theo độ tuổi dành cho phim điện ảnh chiếu ngoài rạp đã được thống nhất sau 2 năm đưa ra thu thập ý kiến của công chúng và các ban, ngành qua các phương tiện truyền thông đại chúng với 10 lần sửa đổi.
Dự thảo mới quy định phim Việt Nam ra rạp sẽ được phân loại theo 4 cấp: Phim dành cho mọi lứa tuổi (dán nhãn P); Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (dán nhãn C13); Phim không dành cho người dưới 16 tuổi (dán nhãn C16) và Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (dán nhãn C18). Việc phân loại phim này dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, kinh dị, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ...có trong phim.
Có thể nói, việc phân loại phim chi tiết theo độ tuổi này là một điểm mới phù hợp thay vì chỉ phân loại trên, dưới 16 tuổi như lâu nay. Thời gian vừa qua, Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ban hành năm 2008 đã bộc lộ sự lỗi thời và không phù hợp với xu thế phát triển của điện ảnh trong tình hình mới. Đặc biệt, tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi duy nhất áp dụng cho độ tuổi trên và dưới 16 đã gây nhiều bất cập. Một số phim như "Bẫy cấp 3", "Rừng xác sống"... đã phải "đóng kho" không được phát hành, không qua được cửa thẩm định khi có quá nhiều cảnh nóng phản cảm. Còn chuyện cắt, sửa đi sửa lại như "Đường đua", "Hương ga", "Cánh đồng bất tận"... mới được công chiếu đã không còn là chuyện lạ. Điều đó cũng bộc lộ mâu thuẫn luôn luôn tồn tại giữa những nhà sản xuất phim và cơ quan kiểm duyệt. Nhà sản xuất thì thường muốn đưa nhiều cảnh nóng để câu khách nhưng vướng quy định ngặt nghèo của cơ quan kiểm duyệt. Thực tế cho thấy, tiêu chí phân loại phim trước đây đã gò bó các nhà làm phim khiến họ ít khi dám thử sức ở những đề tài nhạy cảm.
Chuyện phân loại phim theo độ tuổi không còn là mới ở điện ảnh quốc tế. Hiện nay đã có 124 nước áp dụng tiêu chí phân loại phim. Những nền điện ảnh tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ có sự phân loại phim chi tiết hơn từ 13, 16, 18, 21 tuổi. Trong khi đó lâu nay, quy định ở Việt Nam được coi là quá thô sơ khiến các nhà làm phim cũng loay hoay không biết thế nào để phù hợp tiêu chí ra rạp. Chỉn chu, gọn gàng quá thì sợ không hấp dẫn khán giả. Còn những yếu tố như tình dục, bạo lực, các chất kích thích... quá đà dễ bị cấm chiếu.
Đơn cử như "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu vì cơ quan kiểm duyệt cho là quá nhiều cảnh bạo lực man rợ, "Lửa Phật" bị nhắc nhở vì có nhiều hình ảnh bị cho là quảng cáo trá hình... Hơn nữa, những khác biệt về quy định phổ biến phim cũng khiến cho không ít phim Việt Nam được quốc tế công nhận nhưng về Việt Nam phải chỉnh sửa khá nhiều mới được đưa ra công chiếu như "Bi, đừng sợ".
Rõ ràng, dán nhãn phim là việc làm cần thiết để người làm phim tự biết điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với đối tượng khán giả mà họ muốn hướng đến. Khán giả có cơ sở để tìm được bộ phim thích hợp tuổi mình, riêng các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi đi xem phim cùng con em mình.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, thực tế kiểm duyệt phim lâu nay cho thấy tình trạng nhiều phim khi đem ra hội đồng duyệt chỉ đáng cấm khán giả dưới 13 tuổi nhưng vì chúng ta chưa có quy định chi tiết nên các nhà làm phim phải chấp nhận. Cách phân loại này cũng tạo thuận lợi cho hội đồng kiểm duyệt phim, các nhà sản xuất và cả khán giả không phải băn khoăn trong việc thưởng thức tác phẩm nghệ thuật.
Bà Ngô Phương Lan cũng chia sẻ: "Nhiều ý kiến cho rằng Hội đồng duyệt phim quá khắt khe. Nhưng chúng tôi tham khảo các nước bạn thì thấy họ duyệt phim rất chặt chẽ. Nhiều phim ở Việt Nam không bị cắt nhưng sang đó công chiếu đã bị cắt như "Sống trong sợ hãi", "Cô gái trên sông"... Bà cho rằng, trong quá trình tìm hiểu thì tiêu chí của Singapore rất chặt chẽ, nghiêm và phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn cả nên đã tham khảo tiêu chí phân loại của nước này và tạm thời áp dụng cho điện ảnh Việt Nam.
Cảnh “nóng”: bao nhiêu là đủ?
Lâu nay, một vấn đề luôn tạo mâu thuẫn, tranh cãi dai dẳng giữa các nhà sản xuất phim và cơ quan kiểm duyệt - đó là cảnh “nóng”. Ngay tại buổi hội thảo, những quy định liên quan đến cảnh khỏa thân, tình dục trong phim cũng đã rất “nóng” trong quan điểm của các đại biểu. Dự thảo lần này quy định, với loại phim C16, C18 chấp nhận phim có hình ảnh khỏa thân, tình dục nhưng mức độ thời lượng và cảnh “nóng” lẫn hình ảnh khỏa thân được cho phép không dài quá 5 giây và thể hiện không quá 3 lần trong phim.
Hầu hết các nhà làm phim, các nhà sản xuất và phát hành có mặt tại hội thảo đều cho rằng quy định như vậy là hơi cứng nhắc và khiên cưỡng. Vì sự thực nếu phản cảm thì 1 giây cũng phản cảm còn nghệ thuật thì 5 giây là quá ngắn. Các đạo diễn "kêu" rằng trên thế giới không có quy định về thời gian, việc áp dụng thời gian sẽ khiến sự sáng tạo của các đạo diễn bị bó hẹp và dễ tạo tình trạng lách luật. Có thể các đạo diễn chấp nhận không phân cảnh khỏa thân nào quá 5 giây nhưng nếu trong phim có nhiều cảnh cộng lại thì thời gian có thể vượt lên khá nhiều.
Luật Điện ảnh cũng không cho phép sử dụng ngôn ngữ thô tục. Trong tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi, cấp độ C16 và C18  đã chấp nhận một số từ chửi thề, tiếng lóng, nhưng "không làm tổn thương đến cá nhân, cộng đồng, không sử dụng thường xuyên, không dùng ngôn ngữ để lạm dụng tình dục". Một số ý kiến cũng cho rằng thể loại phim tài liệu trực tiếp quay về đời sống sẽ khó tránh khỏi những ngôn ngữ thô tục đời thường, nếu cắt hết thì sẽ mất đi tính chân thực của phim nên ban soạn thảo cần cân nhắc mở rộng tiêu chí. Ngoài ra, các nhà sản xuất có ý kiến ban soạn thảo cần phải cân nhắc đến nhân vật, bối cảnh khi đưa ra tiêu chí không khuyến khích phim ảnh có cảnh hút thuốc, uống rượu.
Cũng như một số điểm cần làm rõ như "Phần giải thích từ ngữ quy định: "Ngôn ngữ và hình ảnh thô tục" là những từ ngữ, chữ viết, hành vi thể hiện sự thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa" như thế vẫn chưa đủ, cần bổ sung cả âm thanh vì nhiều khi hành động không cần hình ảnh mà âm thanh vẫn được hiểu là thô tục. Và một lo ngại cũng được đặt ra là, việc dán nhãn phim 18+ liệu có dẫn tơi trào lưu làm phim nhạy cảm khi lâu nay các đạo diễn Việt tỏ ra khá ham đưa những cảnh nhạy cảm vào phim. Ngoài ra, khi loại phim này phát hành ra rạp, liệu có kiểm soát được độ tuổi khán giả khi một số lượng lớn khán giả Việt Nam ít có sự tự giác tuân theo quy định.
Ai cũng biết rằng, ranh giới trong nghệ thuật rất mong manh, thật khó có thể áp đặt các tiêu chí một cách rập khuôn, cứng nhắc. Ngay cả quan niệm thế nào là phản cảm, thế nào là thẩm mĩ cũng khác nhau. Cùng một cảnh nóng có thể với người này là phản cảm nhưng có người lại thấy bình thường, đó là điều không khó hiểu. Thế nên, câu chuyện về quy định cảnh nóng bao nhiêu là đủ sẽ mãi mãi gây tranh cãi nếu chỉ căn cứ trên vào những quy định trên giấy. Điện ảnh là một ngành nghệ thuật đặc thù, một bộ phim hay, cảnh nóng phù hợp, thẩm mĩ phụ thuộc rất nhiều vào tài năng, nhân cách của đạo diễn chứ không chỉ những quy định của cơ quan chức năng.

Nguồn: Văn Nghệ Công An