Tham luận của nhà thơ Nguyễn Bảo Giang tại Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội: “Trước hết hãy coi thơ như một món ăn bình thường như cơm, phở, bánh mì hàng ngày… tránh tình trạng đề cao hoặc “ thiêng liêng hóa” thơ ca. Bởi suy cho cùng thơ hay một loại hình nghệ thuật nào sinh ra và tồn tại cũng là để phục vụ con người, nói lên niềm vui, nỗi đau của con người. Nói thơ mình hay mà người đọc không thích hoặc không thấy hay thì rõ ràng là thơ mình chưa hay.  Ở đây tôi muốn đề cao sự “ thẩm thơ” của người đọc. Có thể người đọc họ chưa đặc biệt nghiên cứu hay tiếp cận thơ chuyên nghiệp như các nhà thơ, các nhà phê bình văn học nhưng cái “cảm” của họ rất quan trọng, rất chính xác. Mà nếu viết thơ không có người đọc thì thử hỏi cái đươc gọi là “thơ” xa lạ ấy của anh tồn tại được bao lâu?



THƠ LỤC BÁT VỚI NGƯỜI VIẾT TRẺ

NGUYỄN BẢO GIANG

Nhiều người cho rằng thể thơ lục bát là thể thơ già, thơ của người già hoặc độc giả chủ yếu là người già. Tôi thì không nghĩ như vậy. Cá nhân tôi sau khi xuất bản hai tập thơ “ Mùa yêu như thể mùa quên” và “Nỗi nhớ không may tìm đến” với thể thơ chủ yếu là lục bát đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả. Một phần lớn trong số họ dưới 40 tuổi.

Tập “ Nỗi nhớ không may tìm đến” được phân phối qua hệ thống Fahasa, Tiền phong và tiki.vn đã bán được gần 1000 cuốn. Qua phản hồi trên mạng xã hội và email, tôi biết phần lớn người mua là độc giả trẻ. Tôi thỉnh thoảng được mời đi nói chuyện về thơ lục bát và đọc thơ lục bát ở một số trường Đại học, THPT. Tôi nhận thấy các em sinh viên và học sinh phổ thông cũng thích thơ lục bát. Cụ thể là các em ngồi nghe chăm chú từ 90-120 phút. Nhiều em còn ở lại trò chuyện, nhiều em đưa ra những câu hỏi thú vị, một số em còn có ý định tập… làm thơ lục bát.

Thi liệu dành cho lục bát tưởng chừng đã cũ nhưng thật ra vẫn còn khoảng trống để khai thác. Ngoài sự trải nghiệm của người viết để câu thơ sâu và có sức nặng hơn thì sự làm mới về hình ảnh và từ ngữ cũng rất quan trọng. Thể thơ lục bát vốn đã là thể thơ làm đẹp tiếng Việt, nâng đỡ tiếng Việt. Nếu ngày nay những từ ngữ mới, hiện đại, có tính đa nghĩa được đưa vào lục bát một cách khéo léo, tự nhiên, nhuần nhị sẽ tạo ra hiệu ứng tốt về cách diễn đạt, tính độc đáo của ngôn ngữ trong thơ.

Trong một số bài thơ và khổ thơ lục bát của tôi, các từ ngữ như ăn vạ, phu phen, ăn gian… vốn mang ý nghĩa hơi tiêu cực đã được diễn đạt như sau:
Lá rơi ăn vạ phố dài
Nỗi nhớ ăn vạ một vài người dưng
Môi son ăn vạ má hồng
Gió lạnh ăn vạ ngày đông cuối mùa

Niềm tin ăn vạ cửa chùa
Còn tôi ăn vạ người chưa nói gì.
( Ăn vạ -2013)

Tôi phu phen cõng gió chiều
Thổi em về phía có nhiều đam mê
Tôi phu phen đếm hẹn thề
Thắp em cả tối đêm hè đầy trăng
( Trích Phu phen – 2014)

Người về bắt nợ mùa thu
Nuông chiều cả những ước mơ vuông tròn
Biết rằng vu vạ hẹn thề
Là ăn gian những mải mê riêng mình
Người ơi thu của ngày xanh
Có cơn gió lạnh vẫn thành đông xa
( Trích Thu xưa – 2014)

Thơ nói chung và thơ lục bát nói riêng ngày nay chịu sự “cạnh tranh” của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác. Để thơ có “chỗ đứng” thường xuyên trong lòng độc giả đòi hỏi nhà thơ cũng phải có cái nhìn khác hơn, mới hơn đối với thơ ca và cách tiếp cận độc giả.

Trước hết hãy coi thơ như một món ăn bình thường như cơm, phở, bánh mì hàng ngày… tránh tình trạng đề cao hoặc “ thiêng liêng hóa” thơ ca. Bởi suy cho cùng thơ hay một loại hình nghệ thuật nào sinh ra và tồn tại cũng là để phục vụ con người, nói lên niềm vui, nỗi đau của con người. Nói thơ mình hay mà người đọc không thích hoặc không thấy hay thì rõ ràng là thơ mình chưa hay.  Ở đây tôi muốn đề cao sự “ thẩm thơ” của người đọc. Có thể người đọc họ chưa đặc biệt nghiên cứu hay tiếp cận thơ chuyên nghiệp như các nhà thơ, các nhà phê bình văn học nhưng cái “cảm” của họ rất quan trọng, rất chính xác. Mà nếu viết thơ không có người đọc thì thử hỏi cái đươc gọi là “thơ” xa lạ ấy của anh tồn tại được bao lâu?

Nhà thơ hiện nay nhờ các trang mạng xã hội như Facebook đã có điều kiện mang thơ đến với người đọc vượt không gian, thời gian. Viết xong một bài thơ là các nhà thơ có thể “pulic” tác phẩm của mình ngay. Bài thơ hay ngay lập tức có hàng nghìn người đọc, hàng trăm người nhận xét, bình luận…
 Tôi coi đây là một ưu thế của nhà thơ hiện nay so với các nhà thơ ở thời điểm hàng chục năm trước. Nhiều nhà thơ (đặc biệt các nhà thơ trẻ) có những trang thơ riêng trên mạng xã hội thu hút hàng chục nghìn người theo dõi. Một bài thơ, một tập thơ hay một buổi ra mắt thơ lúc này được cập nhật thông tin đến với độc giả nhanh, có sức thu hút, đôi khi tạo thành hiện tượng. Các buổi gặp gỡ độc giả, nói chuyện về thơ, gửi tặng thơ độc giả qua đường chuyển phát nhanh hay tặng thơ cho các thư viện cũng là những cách tiếp cận thơ hiệu quả theo ý kiến cá nhân tôi. Độc giả lúc này được đề cao, trân trọng hơn.

Thơ hay là ở con chữ, bài thơ, tập thơ đã rõ ràng rồi. Trân trọng độc giả, đề cao độc giả, tặng thơ độc giả với chữ ký đề tặng quý trọng không phải là làm giảm giá trị của nhà thơ mà ngược lại sẽ khiến độc giả coi trọng thơ ca, nhà thơ hơn.