Khi mới bắt đầu làm thơ, khoảng 24 tuổi, tôi đã viết một bài thơ có tên "Nhớ con đò quê mẹ". Trong bài thơ ấy có những câu : “Tôi đi xa quê nhớ tiếng gọi đò. Tiếng gọi đò bao đời vẫn thế. Nghe khắc khoải, mênh mang, bồn chồn, văng vắng. Trên sông làng mùa đục, mùa trong. "Đò ơi đò, cho tôi sang sông”. Tôi nhớ đò tối, đò trưa. Tôi thương đò mưa, đò nắng. Cây sào chống đò gầy khô như cô ruột tôi. Cô tôi bỏ chồng từ năm mười sáu. Nhưng rồi tôi đã xóa hai câu thơ "Cây sào chống đò gầy khô như cô ruột tôi/ Cô tôi góa chồng từ năm mười sáu". Vì sao tôi lại xóa, vì tôi nghĩ rằng tự nhiên mình viết ra hai câu thơ đó mà lại liên quan đến một người không có thật trong gia đình mình. Thơ ca vô cùng cần sự tưởng tượng nhưng không thể tưởng tượng ra một người cô ruột mà mình không có. 




CHUYỆN KỂ SAU THÁNG CÔ HỒN

NGUYỄN QUANG THIỀU

Thế nhưng một thời gian sau đọc lại bài thơ, tôi vẫn lấy lại hai câu thơ đó vì tôi cứ thấy một điều gì đó day dứt và ám ảnh. Chính thế mà bài thơ đó tôi đã không hề gửi in báo sau này hay đưa vào một tập thơ nào đó. 

Cho đến một ngày, bố tôi đi công tác về và sắp một mâm cơm cúng. Bố tôi nói: “Gia đình mình có một người cô mất sớm nhưng lâu quá rồi không làm gỗ riêng mà chỉ làm giỗ chung vào rằm tháng Bảy. Nay bố làm giỗ riêng cho cô kẻo mang tội”.
Và sau khi thắp hương khấn cô tôi xong, bố tôi đã kể câu chuyện về cô tôi. Gọi là cô nhưng đó là chị ruột bố tôi. Ở quê tôi trước kia chị hay em gái của bố đều gọi là cô và anh hay em trai của mẹ đều gọi là cậu và bà ngoại thì gọi là bà cậu. 
Năm cô tôi mười sáu tuổi, vào một chiều mùa đông, cô tôi ra sông mò hến. Sông Đáy là con sông nhiều hến nhất miền Bắc. Những năm tháng đói nghèo, sông Đáy đã cứu cả làng tôi. Người làng tôi nấu cháo khoai, cháo sắn với hến quanh năm.
Mò hến cả chiều trong nước sông giá lạnh, cô tôi bị cảm và mất trước ngày cưới chỉ mấy tháng. Hồi đó, một người con trai trong làng đã ăn hỏi cô tôi và như vậy cô tôi được coi là người đã có chồng. Cô tôi đã bỏ người chồng chưa cưới ra đi bởi trận cảm lạnh.  

Khi nghe chuyện đó, tôi giật mình kinh hãi. Tôi đã kể chuyện bài thơ và người cô ruột cho một người già nghe. Ông nói hồn cô tôi đã mượn tôi viết những câu thơ đó như là sự nhắc nhở những người sống trong gia đình về cô. Có phải vì lẽ đó mà tôi đã viết ra những câu thơ như thế, đã xóa đi và viết lại và xóa đi rồi lại viết lại. 
Sau này mẹ tôi kể, trước khi mất, cô tôi thường nói với bà nội tôi: “Khi nào con cưới, u bán thúng thóc mua cho con chiếc áo mới”. Mẹ tôi nói rằng, cả đời mình cô tôi chưa bao giờ có được một chiếc áo mới. Sau khi cô tôi mất, bà nội tôi vẫn khóc vì chưa kịp may một chiếc áo cho cô. 

Thi thoảng bà nội tôi thấy cô hiện về đứng trước cửa, quần áo ướt vì nước sông, cả người run bần bật  và xin bà nội tôi bán thúng thóc mua cho cô chiếc áo mới. Bà tôi đã may một chiếc áo mới bằng vải chứ không phải mua áo vàng mã và chôn xuống cạnh mộ cô tôi trong một ngày rằm tháng Bảy. Và từ đó cô tôi không thấy hiện về nữa.

Sau này, tôi chứng kiến một số nhà văn, nhà thơ viết những câu thơ, đoạn văn rất lạ và câu thơ, đoạn văn đó đã vận vào cuộc đời họ. Có những người đã viết những lời như là lời cuối cùng và mấy tháng sau họ đã ra đi. Một trong nhưng khả năng kỳ lạ của những người sáng tác đặc biệt là nhà thơ là khả năng trực giác. Họ như một cỗ máy vô cùng tinh vi có thể nhận và phát những thông điệp của tương lai hoặc của quá khứ hàng trăm, hàng ngàn năm trước. 

Nguồn: Tâm sự gia đình