Lời thưa của tác giả: “Thời buổi của Nghe và Nhìn…và của món ăn Fast Food... Có lẽ đến hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, mãi gần đây tôi mới có dịp ghé vào thư viện. Đọc lại những cái đã viết ngày xưa, không tránh khỏi cảm giác buồn buồn vì điều được gọi là hư cấu, tưởng tượng, là truyện ngắn, truyện vừa cũng không cách xa tân văn báo chí là bao! Nhưng cũng không phải tất cả đều như vậy! Ở Nga về nước năm 1986, tôi đã gửi truyện ngắn “Nỗi buồn Levitan” tới nhiều tòa soạn, nhưng đều bị khước từ. Mãi đến mùa hè năm 1989 gửi lại, tờ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội mới nhận đăng.  Sau “cú hích” này tôi ngồi vào bàn viết một mạch tiểu thuyết “Ngửa mặt kêu trời”!”



                                                  NỖI BUỒN LEVITAN
                                                   Truyện ngắn của TÔ HOÀNG

            Trong những bức tranh  Levitan để lại cho hậu thế thật hiếm thấy bóng dáng con người. Ngay trong tác phẩm “Mùa thu ở công viên xakonnisky” có bóng một người con gái đấy, nhưng cô gái kia cũng quay lưng về phía chúng ta, hệt như cô muốn nói:  “Tôi đã quá quen thuộc gương mặt các vị rồi. Tôi đi vào rừng đây!”. Levitan đã đi vào rừng, đã đến với cái yên ả, cô tịch ngay cả trong những năm tháng ông sống tại kinh thành Moskva.
            Dạo ấy khu Kuznhesky-Most chưa trở thành dãy phố ồn ào, đông đúc với những tòa nhà hộp nhiều tầng, những cửa hàng thực phẩm nồng nặc mùi thịt ướp trộn lẫn mùi mồ hôi người như bây giờ. Mà ví thử có rồi thì đã sao? Vì từ ga metro lên vẫn còn phải đi bộ qua ba, bốn dãy phố vắng vẻ, đi men theo bức tường dài dằng dặc của một tu viện cổ, ngược lên một đoạn dốc tuyết đã đóng thành băng, rồi cắt xéo qua một mảnh sân cũng phủ ngập tuyết mới lần ra lối vào ngôi nhà của họa sĩ.
            Quả là Levitan đã tìm được nơi ở ẩn tuyệt vời. Từ hôm dọn ra đây, Duy cảm thấy thơ thới, thanh thản hẳn.
            Gian buồng của Duy nằm ở tầng một. Lớp tuyết đầu mùa bây giờ đã biến thành đống băng cứng chèn lấp một phần ô cửa sổ. Thỉnh thoảng, vào lúc sập tối, sau một ngày vùi đầu trên giá vẽ, Duy nắm lấy cây búa chim, đi vòng qua mảnh sân, đến phá bớt lớp băng cứng để mở cửa sổ thông gió cho căn buồng mươi, mười lăm phút đồng hồ, trước khi một đợt tuyết mới ập xuống. Hẳn ngày xưa cái ông họa sĩ Nga nghèo khổ, ốm o kia cũng đã từng làm như Duy, bởi lẽ người mắc chứng lao thèm khát khí trời tươi mới, trong lành hơn mọi thứ trên đời. Vào giờ ấy các nhiệm sở xung quanh đã hết ca làm việc từ lâu. Đứng đây có thể nghe rõ tiếng xếp dọn thùng gỗ ở cửa hàng rau quả, tiếng rũ thảm trên bao lớn, tiếng rì rầm êm nhẹ của những chuyến xe buýt lăn bánh trên mặt tuyết ẩm ướt. Khi hàng đèn cao áp chạy dọc bức tường tu viện cổ được thắp lên, mọi âm thanh kia chợt tắt lặng hẳn. Đoạn đường dốc sáng xanh, lấp lánh như được phủ ánh trăng đêm, Sự ắng lặng, hiu quạnh ùa ập đến như vào ngày này, tháng này của một trăm năm về trước…
            Có nhiều lý do khiến Duy cần tới sự yên ắng, tĩnh mịch, Duy bị chấn thương trong chiến tranh, sau đó chuyển thành chứng rối loạn tiền đình, Duy lại đang hoàn thành phác thảo bức tranh tốt nghiệp. Nửa tháng trở lại đây Duy bị ngất hai lần. Lần đầu, có thể do cảm lạnh. Lần thứ hai khi Duy nhận được tin dữ: vợ Duy viết thư sang báo tin, thằng con đầu lòng của Duy mắc chứng viêm thận phải đi nằm viện.
            - Nguyện vọng của anh chúng tôi đã nghiên cứu. Quả là những căn buồng trong ngôi nhà của Levitan giành làm chỗ ở cho anh em sinh viên sắp tốt nghiệp thật. Nhưng là sinh viên Xô-viết thôi. Để anh ra ngoài đó không tiện. Lò sưởi làm việc tồi, nhà tắm, nhà xí chung…
            - Bà Tamara Grigoevna, phó khoa, có thói quen vừa tiếp sinh viên vừa trang điểm, thủng thẳng nói với Duy. Mùi son, mùi nước hoa từ phía bên kia bàn thoang thoảng bay sang khiến Duy gây gây cái cảm giác sắp lên cơn sốt.
            - Tôi không cần gì cả, ngoài sự yên tĩnh.
            - Có thật thế không? – bà phó khoa ngước đôi mắt vừa tô xong một lớp phấn xanh nhìn Duy, tủm tỉm – Chỗ người lớn với nhau, xin anh thật thà cho.
            - Tôi… Tôi không còn lý do nào khác.
            - Tất nhiên các bạn Việt Nam bao giờ cũng cần được ưu tiên giúp đỡ rồi. Nhưng nói anh Duy đừng giận, đồng hương của anh mấy năm trở lại đây bỗng trở nên ranh mãnh, quỷ quái quá trời. Tôi mới nghe được câu chuyện này đây: Ở trường đại học kia có một anh chàng Việt Nam thi môn triết học. Anh chàng gặp phải câu hỏi về mấy cặp phạm trù. Quả là anh chàng nói tiếng Nga quá tồi, khiến các vị trong hội đồng thi cử lắc đầu quầy quậy. Nhưng bỗng nhiên anh chàng nói quá sõi: “Tôi rất hiểu, nhưng tôi không thể diễn đạt bằng tiếng Nga được. Xin cho phép tôi mời bạn tôi vào dịch giúp”. Các vị trong hội đồng thi đồng ý. Câu trả lời thật tuyệt vời. Hội đồng thi đã định cho điểm năm. Nhưng rồi có một vị sinh nghi tự hỏi: Tại sao khi anh chàng kia ngỏ ý xin cho bạn vào dịch hộ, anh ta bỗng nhiên nói tiếng Nga chuẩn đến thế? Điều tra, té ra anh chàng đã thuê người bạn trả lời thay bằng năm chiếc nồi áp suất! Ôi, đến cả các cặp phạm trù triết học cũng mua được – tài tình đến thế là cùng.
            Bà Tamara Grigoevna ngửa lưng ra thành ghế cười rũ rượi khiến hai múi thịt bên má rung lên. Bà ta rút khăn tay lau nước mắt, giọng nói vẫn còn nghèn nghẹn trong tiếng cười, bà hỏi Duy:
            - Nghe nói bên nước anh bây giờ một cái tủ lạnh Saratov bán đi gần đủ tiền xây một căn buồng, còn giá một cái nồi áp suất thì bằng cả tháng lương của một ông họa sĩ, có đúng như thế không?
            Hai mạch máu bên thái dương Duy đã bắt đầu chạy rần rật, Duy đáp cụt ngủn:
            - Tôi không rõ.
            - Anh không rõ thì cô Phương, bạn anh hẳn biết rõ. Cô ấy mới sang đây ít lâu, nghe nói đã mua được cả đồ gỗ gửi về nước rồi đấy… Mà đồng lương của một đội trưởng bao nhiêu thì chúng tôi biết chứ.
            Duy thoáng rùng mình. Cái cảm giác gây gây sốt kia đã thực sự nôn nao, cồn cào trong Duy. Thảo nào đám đồng hương trong trường đã mệnh danh cho bà phó khoa là “chuyên gia số một về Việt Nam”.
            - Xin hỏi, anh thực sự cần ra ở ngoài đó hay là do cô Phương xúi giục? Ngoài đó gần metro, gần trung tâm thành phố, lại không có thường trực canh cổng… Tha hồ tụ tập bạn bè, tha hồ khuân hàng về, chở hàng đi…
            Duy thọc tay vào túi áo, những ngón tay run lẩy bẩy chạm ngay vào lọ nước hoa Eau de Parfum Phương mua cho Duy với giá hơn bốn mươi rúp và khuyên nên sử dụng khi cơ sự đã đến nông nỗi này. Lúc Duy sắp cáo lui bà phó khoa ân cần tiễn Duy ra tận cửa, giọng bà trở nên sởi lởi, thân tình:
   -…Anh nhớ đấy nhé: đừng dính vào công việc buôn bán của cô bạn anh. Nguy hiểm lắm đấy! Anh hãy tỉnh táo bảo vệ lấy tài năng của mình…
           
Tôi bật cười khi nghe Duy kể lại những điều bà Tamara Grigoevna đã nói với anh. Bà ta phỏng đoán không sai đâu. Cách đây ba tuần khi Duy đưa tôi tới thăm ngôi nhà của Levitan và nói với tôi anh muốn chuyển ra đấy ở, tôi đã mừng rỡ khiến Duy phải ngạc nhiên. Dạo này mặt hàng son phấn, bút chì kẻ mắt từ trong nước chuyển sang đã khó kiếm khách mua. Ấy thế mà cánh sống tại Moskva vẫn sục đến từng khách sạn, lần mò ra tận sân bay để hớt tay trên dân ngoại ô chúng tôi. Tôi phải nghĩ cách gom nhóp đồng rúp theo kiểu khác. Ở Klin – nơi tôi làm việc có tới hai trăm chị em sang đợt trước đang cần mua hàng cho chuyến về nước nay mai. Tôi có thời gian, có đủ tính nhẫn nại và cũng đã học được cung cách ứng xử với các nhân viên bán hàng người Nga. Chị em sắp về sẵn sàng mua hàng với giá cao, bao nhiêu cũng mua hết. Vấn đề là phải có nơi chứa hàng, trước khi chuyển về chỗ tôi làm việc.
            Tôi toan tính, tôi trù liệu như thế tất cả là vì Duy, giành cho Duy. Mong sao số năm trăm rúp anh gửi tôi cầm hộ sẽ sinh sôi, nảy nở gấp rưỡi, gấp đôi.. Tôi sẽ chiềng mặt ứng phó với mọi điều. Duy chỉ cần giúp tôi cái sức vóc đàn ông của anh để khuân vác, gói buộc….
            Thế mà mọi điều không suôn sẻ như ý tôi mong đợi.
            - … Cô Phương này – Duy bảo tôi – tôi đã dặn bọn ở lại ký túc xá tuyệt nhiên không cho bất cứ ai biết tôi chuyển ra ngoài này. Riêng đối với cô là một ngoại biệt đấy. Nhưng xin cô chấp thuận cho hai điều kiện.
            - Hai… hay ba, bốn? – Tôi hỏi Duy khiêu khích.
            - Thứ nhất là mỗi lần cô tới đây xin cô đừng kể lể những chuyện thiếu thốn, sầu não ở bên nhà nữa.Thứ hai, lần sau tới – Duy ngừng tay vẽ hất mặt về phía những gói hàng tôi vừa mang tới, vứt lăn lóc ở một góc buồng – mong cô đừng tha lôi theo những bọc bị như thế kia…
            - Anh sợ bà Tamara Grigoevna chứ gì? – Tôi hỏi.
            - Tôi không sợ ai cả, nhưng tôi không chịu nổi sự nhục nhã, ê chề. Tôi không muốn ai nghĩ xấu về tôi, về cô. Tôi nén chịu vài ba tháng nữa, về nước tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu...
            Nghe Duy nói tới đó, tôi cười phá lên:
            - Anh định làm lại từ đầu bằng cái gì mới được chứ? Bằng cái tài năng như bà phó khoa rót vào tai anh à? Anh sang bên này lâu rồi, anh chẳng hiểu mảy may gì hiện tình ở bên nhà cả. Mà thôi, việc gì cứ phải về nước mới hiểu nổi. Anh hãy bỏ chút thời gian lên hỏi các chú ở trên Sứ khắc rõ.
            - Cô im đi… Tôi đã bảo tôi không muốn nghe những chuyện như thế nữa-. Duy đỏ mặt, gần như gào lên với tôi:
            - Anh không muốn nghe cũng vẫn phải nghe. Anh táng tận, anh tàn nhẫn với vợ con anh lắm. Anh đừng quên rằng vợ anh đã suy tim độ ba rồi. Ở nhà người ta đang thúc ép cô ấy phải nghỉ hưu non đấy. Cầu trời cho thằng con trai anh qua khỏi… Tôi nói thật, chỉ cần một tháng cô ta vừa phải đi làm để bảo đảm đồng lương, vừa ra vào bệnh viện chăm nom thằng con anh, cô ta sẽ quỵ xuống như một con bò gầy ốm kéo chiếc xe quá nặng cho mà xem…
            Đáng lý ra tôi nên biết dừng lại ở các vạch kẻ cần thiết. Tôi là ai của Duy đây? Cái trường hợp hy hữu mà tôi có thể ghé vai chia sẽ gánh nặng cuộc đời với anh, tôi đã chối bỏ, đã là chuyện của mười năm, hai mươi năm trước rồi. Nếu giả như tôi không ghé thăm vợ con anh trước ngày lên đường sang bên này, giá như tôi không tình cờ gặp lại Duy ở Moskva, có lẽ những kỷ niệm ấm áp, êm đẹp của một thời xa xưa cũng sẽ chỉ hiện về vào những phút giây thư giãn, rỗi rãi hiếm hoi. Nhưng không hiểu sao trong tôi ngấm ngầm ý muốn phải rủa sả, phải hành tội anh, làm cho anh thất điên bát đảo lên. Tôi căm ghét cái thói cao ngạo giả vờ của bà phó khoa kia bao nhiêu thì tôi cũng bực bội, tức tối cái bệnh sĩ diện hão ẩn náu trong con người Duy bấy nhiêu. Việc gì anh phải tủi nhục, xót xa vì sự giễu cợt, bỉ báng của bà Tamara Grigoevna khi chính bà ta đang rất thèm thuồng những thỏi son, hộp phấn ngoại quốc!
            Tôi không biết Duy bỏ giá vẽ ngồi xuống mép giường từ lúc nào. Anh gục đầu vào lòng bàn tay, mái tóc rũ xuống che lấp mặt, dáng gầy guộc, còm cõi. Tôi đứng dậy, lẳng lặng thu dọn căn phòng cho anh. Tôi xếp mấy cái khung đã căng vải vào một góc buồng, những hộp sơn dầu anh vứt lỏng chỏng dưới gầm bàn uống nước tôi nhặt lên xếp trên bậu cửa sổ. Đám áo quần anh thay ra chưa giặt, tôi vơ ráo rạo, ấn cả vào chiếc xô nhựa. Thêm vài nhát chổi, gian phòng nom đã quang quẻ, gọn gàng hẳn. Một cuộc đời nghệ sĩ thiếu bàn tay của đàn bà đây mà! Gần bốn chục tuổi đầu rồi vẫn còn lang thang đi tìm chân lý cái đẹp… và cả miếng cơm ăn cho đàn con thơ dại nơi đồng đất nước ngươi. Ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng…
            Ngoài sân đã nhá nhem tối. Hình như tuyết rơi dày hơn khi tôi mới tới đây. Tối nay, Duy không định ăn uống gì sao? Thôi tôi sẽ đáp chuyến tàu Konakovo chạy qua Klin vào lúc 10 giờ 15 vậy. Có lẽ từ hôm chuyển ra đây Duy chưa được ăn bữa nóng nào? Tôi cúi xuống gầm giường lục tìm đám soong chảo của anh. Tôi kéo một chiếc soong đậy nắp. Mở ra: một nửa chiếc bánh mỳ cứng quèo đặt cạnh một miếng bơ đã ngả vàng. Tôi thoáng thấy xót xa, ân hận trong lòng. Chiều nay tôi đã nói nặng lời, đã hành hạ anh vì tội gì đây? Vì trong suốt sáu năm du học anh chỉ gom được năm trăm rúp nhờ tôi sắm hộ đồ mang về cho vợ con sao? Chắc hẳn anh đã chắt chiu ăn tiêu để gửi bớt đồng học bổng còm cõi về đỡ đần chị vợ nuôi mấy đứa con. Nhưng thử hỏi anh làm sao bù trì nổi trong thời buổi vật giá leo thang từng ngày, từng giờ ở bên nhà? Còn tính đến chuyện buôn bán, làm cho đồng tiền sinh con đẻ cháu thì với một gia cảnh như vậy, chị vợ anh sao đủ sức chi viện để anh có dấn vốn, có đồng ra đồng vào? Suy cho cùng thì cái lý thuộc về anh. Nhưng lúc này tôi lại không thể mủi lòng, mềm yếu được. Tôi sẽ mua cho anh một chiếc tủ lạnh, một cái đầu máy khâu, một chiếc xe đạp – dễ thôi. Cộng với tiền cước là vừa hết soẳn năm trăm anh gửi tôi. Tủ lạnh và máy khâu vợ chồng anh sẽ bán đi để sửa lại mấy gian nhà sắp bị ụp đến nơi. Chiếc xe hẳn không thể bán được rồi. Nếu Duy chưa xin được việc làm ngay, nếu vợ anh bị sa thải, nếu bệnh tình thằng con anh không thuyên giảm… Ở nước mình thì hàng trăm cái nếu đều có thể xảy ra lắm chứ… không hiểu lúc ấy thì Duy sẽ xoay xở dọc ngang ra sao đây?
            Tôi tới góc buồng xách lại cái túi thực phẩm tôi mới mua chiều nay rồi bật điện đặt nước. Giống như khi Duy còn ở trong ký túc xá, tối nay tôi sẽ nấu cho anh món mỳ gà mà Duy rất thích. Duy thường khen tôi chần mỳ khéo: sợi mỳ chín tới nhưng không bị nát, vẫn mượt dài. Thịt gà nạc xé nhỏ phủ lên trên, thêm những sợi hành xanh nhúng qua nước sôi, rưới chút nước mắm pha dấm tỏi, bát mỳ bỗng mang hương vị phở ở quê nhà. Nom thấy Duy ăn ngon miệng, gương mặt tươi tỉnh trở lại tôi thấy vui vui trong lòng. Tôi đã mừng tưởng đâu như buổi chiều hôm nay không hề có chuyện xô xát, căng thẳng giữa anh và tôi.
            Đến bát thứ hai, đang ăn tự dưng Duy đặt bát mỳ xuống bàn, anh quay lại nói với tôi:
            - Tý nữa, Phương đến ngó dùm tôi bức phác thảo. Chả hiểu sao từ hôm nhận được tin cháu Doanh đi viện, nhìn vào các cô, các cậu lao động trong bức tranh tôi miêu tả, tôi thấy đứa nào nom cũng giống cháu Doanh cháu Doan cả…
            - Có gì mà phải hốt hoảng lên thế. Thần kinh của anh vẫn tốt thôi. Nếu các cô, các cậu ấy có giống hai đứa con anh thì cũng có gì khó hiểu đâu: đều là những vẻ mặt sầu não, ủ ê, những ánh mắt sớm âu lo từ tấm bé…
            - Có lẽ cô nói đúng… Phương biết không, thứ hai tuần trước tôi suýt gửi cho vợ tôi một bức điện. Tôi viết như thế này: “Con cần thuốc gì, anh gửi về ngay”. Viết xong tôi đọc đi đọc lại tới ba bốn lần. Ngay lúc còn đứng bên cạnh quầy điện tín, tự dưng tôi muốn thét lên, gào to lên xỉ vả chính cái thằng tôi. Sao tôi lại có thể giả dối, bỡn cợt ngay đối với tính mệnh thằng con tôi rứt ruột đẻ ra như vậy được nhỉ? Con tôi cần thuốc gì à? Nó không cần thuốc gì hết ! Nếu mỗi ngày nó được ăn một bát mỳ gà như tôi đang ăn bây giờ, chỉ cần một bát mỗi ngày thôi, nó không mắc chứng viêm thận, viêm gan đâu, phải không cô?

Chả lẽ em sẽ không bao giờ trở lại căn buồng này nữa sao? Chả lẽ đến ngày em về nước, em cũng sẽ không lên đây, nấu cho tôi bát mỳ gà cuối cùng trước lúc chia tay? Nếu quả mọi điều sẽ xảy ra đúng như thế, tôi xin giành bức phác thảo này để tặng em…
            Tôi còn nhớ rõ, hôm tôi tình cờ gặp lại em, tại sân bay Seremetievo tiết trời đã bắt vào những ngày cuối thu. Buổi sáng, sương giăng mờ mịt, mưa lắc rắc, gió cuốn những chiếc lá vàng táp lên cửa kính xe ướt dính nước. Dĩ nhiên trong phòng đợi ấm hơn ngoài trời và em nào biết cái giá lạnh của mùa đông tới, nhưng tôi vẫn cảm thấy cơn buốt giá như đang len lỏi khắp đường gân thớ thịt… Xiết chặt dây đai chiếc áo khoác ngoài, tôi đưa tay lau lén những giọt nước mắt nóng hổi trào ra ướt đẫm gò má, định bụng sẽ bước đi và nếu như vậy, tôi sẽ không bao giờ còn được gặp lại em. Nhưng đôi chân tôi như đã đóng đinh tại chỗ, tôi cứ đứng đấy, lòng quặn đau, trừng mắt chứng kiến tất cả những gì tôi đã ghi lại trên bức tranh này. Phương bảo lý ra tôi cần ra sân bay sớm hơn, ra mà quan sát cái giây phút em và các đội viên của em còn đang đứng phía bên kia dãy hàng rào kiểm soát của các nhân viên hải quan. Tôi sẽ thấy sắc diện của em và mọi người đầy đủ hơn nhiều… Tôi sẽ thấy cái thứ tiếng Nga được phát âm qua cửa miệng của các em vẫn còn líu ríu những âm sắc của nhiều vùng quê trên đất nước tôi. Tôi sẽ nhìn thấy những bước chân run rẩy, những ánh mắt buồn bã, thất vọng hoặc khinh thị, mỉa mai… khi các em rời khỏi hàng rào hải quan bước sang gian phòng đợi. Tôi không ân hận vì những điều ấy cũng không tài nào thể hiện trên khung vải được. Bây giờ các đội viên của em đã ngủ rồi. Chúng nằm gối đầu lên những chiếc va-li, những hộp giấy méo mó, những tay nải, gói, bọc vừa bị lục xới lên. Gương mặt của chúng còn chưa tan hết vẻ thảng thốt của những con cò non bị gió mưa hất tung khỏi tổ vào những đận giông gió tháng sáu, tháng bảy ở quê nhà. Tôi giành nhiều công sức, thời giờ diễn tả cái dáng nằm của các em. Tôi cố gắng để người xem hiểu với tôi, như tôi rằng trong mỗi dáng nằm ấy không chỉ ẩn chứa nỗi mệt nhọc sau một chuyến bay đường dài, mà còn ẩn chứa nhiều nỗi cay đắng, cơ cực khác nữa. Chỉ riêng em, ở góc tận cùng của bức tranh, em vẫn thức. Em ngồi đó, lưng dựa vào một thân cột, mắt hơi nheo lại, môi nhếch cười, một nụ cười thật khó đặt tên, em trân trân nhìn đám du khách nước ngoài quần xanh, áo đỏ đang xúm đông xung quanh. Phương bảo tôi, ở sân bay Seremetievo không bói đâu ra một bóng cây, vả lại nếu thử có đi nữa thì cái sắc vàng mùa thu trong tranh Levitan cũng không lấn át nổi những chùm tia sáng trắng lạnh, dàn đều tứ phía từ các ngọn đèn cao áp giấu kín trong mái vòm của phòng đợi hắt xuống. Không, tôi vẫn phủ lên bức tranh này cái sắc vàng kia. Người ta đã nói nhiều, viết nhiều về sự hòa sắc diệu kỳ của nhà danh họa Nga. Tôi không ưa thói quen đăng ký hộ khẩu cho mỗi biểu hiện nghệ thuật. Tôi chỉ linh cảm một cách mơ hồ rằng các đội viên của em đang thiếp ngủ chính trong cái sắc vàng ấy và tôi phải thể hiện cho được điều tôi đã cảm nhận ra trên khung vải.
            Sáng nay giáo sư Natanxon sẽ tới thông qua bức phác thảo của tôi. Tôi thức dậy sớm hơn thường lệ, thu xếp cho căn buồng gọn gàng hơn, rồi tôi tắm gội, mặc lên người bộ quần áo tươm tất nhất.
            Bây giờ tôi đang ngồi đối mặt với bức tranh của tôi. Tôi không muốn, hay nói đúng hơn, tôi gạt đầy khỏi dự cảm cái khả năng giáo sư Natanxon không chấp nhận bức phác thảo. Chưa bao giờ tôi làm việc với một niềm say mê, tự tin, và rung động sâu xa như những gì tôi đã giành cho bức tranh này. Bức tranh là linh hồn, là máu thịt, là nỗi đau đớn giằng xé tâm can mà tôi đã gạn chắt ra để ghi lại gương mặt của đất nước, của đồng bào tôi trong cái thập kỷ nhiều truân chiên, thử thách này… Không, không thể có bức tranh nào khác thay thế nó được…
            Giáo sự Natanxon còn trẻ, phong độ lịch sự, hào hoa, ưa đội mũ mỏ, mặc đồ Jean cả bộ, nói thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Hồi đang theo học năm thứ ba, khi giáo sư Natanxon thế chân vị giáo sư già vừa quá cố phụ trách môn sơn dầu trong khóa học của chúng tôi, tôi vừa sửng sốt khâm phục lại vừa buồn bã khi phát hiện ra giáo sư Natanxon vừa đúng bằng tuổi tôi. Ông đã kịp làm được bao nhiêu việc, đã có tranh treo tại Viện bảo tàng Trechiakov ngay khi tôi còn vác bàn đế cối chui nhủi trong các cánh rừng Tây Nguyên. Đám sinh viên kháo nhau mỗi bức tranh của giáo sư bán được giá dăm ba nghìn rúp. Những ngày gần đây tôi bỗng ao ước giá như tôi bán được một bức tranh như thế, tôi sẽ không đau đầu quanh chuyện có nên đi buôn bán với Phương hay không, tôi sẽ mua cả một gia tài chở về cho vợ con tôi… Nhưng ao ước ấy cũng chỉ thoáng qua thôi, vì tôi hiểu rằng sự an bài của số phận mỗi người là một trong những điều kỳ bí nhất mà tạo hóa bắt chúng ta phải tuân theo. Vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, giáo sư Natanxon thường tự tay lái chiếc Lada màu vỏ đỗ đưa đám sinh viên mà ông có thiện cảm ra khu nhà nghỉ của ông ở ngoại thành để vui chơi hay đàm đạo nghệ thuật. Lẽ dĩ nhiên tôi không có mặt trong đám người vui vẻ, trẻ trung đó. Trong các kỳ thi học kỳ hoặc thi cuối năm, giáo sư vẫn giành cho những bức tranh của tôi điểm cao. Ông khen tôi về bố cục, về hòa sắc… nhưng lại tỏ ra không hài lòng với những đề tài mà tôi lựa chọn. Những gì tôi đã sống trải, đã lưu giữ được trong ký ức của hơn mười năm khoác áo lính, đối với ông không những chỉ xa lạ, khó hiểu mà qua cách nói tinh tế, bóng bẩy của ông, chúng tựa như không xứng đáng trở thành chất liệu cho một tác phẩm nghệ thuật. Chả thế mà trong một buổi sinh nhật của ông, khi chạm cốc với tôi, nửa bông đùa, nửa nghiêm trang giáo sư đã nói: “Thú thực, tôi không ưa bộ mặt đăm chiêu, sầu thảm của anh – cả trong cuộc đời lẫn trong nghệ thuật. Hãy biết quên đi mọi nỗi đau dù lớn, dù nhỏ. Vì suy cho cùng thiên chức vĩnh hằng, cao cả nhất của nghệ thuật là mang lại niềm vui sống cho con người cơ mà!”
            Lúc này tôi đang hồi hộp đợi chờ xem liệu giáo sư có mang lại niềm vui sống cho cô vợ suy tim và hai đứa con tôi không đây?
            Giáo sư Natanxon xem khá lâu bức phác thảo. Tôi nín thở chờ đợi. Cuối cùng, giáo sư cũng tháo cặp kính ra, quay lại hỏi tôi:
-          Các cháu nhỏ trong tranh của anh sang đây đi học à?
            Tôi chưa kịp đáp, bà Tamara Grigoevna đã mau mắn trả lời thay tôi:
            - Các cháu ấy sang đây để lao động theo thỏa thuận đã ký giữa hai nước.
            - Tại sao các cháu lại mang theo nhiều bọc, bị, mũ, làn đến như vậy?
            Bà Tamara Grigoevna nháy mắt với tôi đầy ngụ ý. Lần này thì tôi phải thành thật cám ơn bà ta, vì bà đã tìm được câu trả lời giúp tôi:
            - Dạ, các cháu ấy mang sang để làm quà cho các bạn bè Xô-viết ở những nơi các cháu ấy sẽ tới làm việc.
            Giáo sư Natanxon quay lại bàn, cầm lên tay chén trà tôi đã pha sẵn, nhấp từng ngụm khoan thai. Tôi bỗng cảm thấy một cơn khó thở chẹn thít lấy cuống họng. Khu tiền đình bắt đầu trục trặc đây… Đặt chén nước xuống bàn, giáo sư nói trầm giọng, vẻ khó xử hiện rõ trên nét mặt:
            - Tranh của anh bao giờ cũng là những lời thách đố. Lần này tôi buộc phải nghiêm khắc. Mong anh thông cảm cho !
            Tiễn giáo sư và bà phó khoa về rồi, tôi nằm vật ra giường. Bức phác thảo không còn ám ảnh tôi nữa, tôi chỉ nghĩ tới ngày về nước. Căn nhà của vợ con tôi ở khu tập thể đoạn đầu máy xe lửa, ngay gần ngã tư Khâm Thiên. Dạo tôi lên đường sang đây Doanh bắt đầu vào lớp mẫu giáo, còn Doan mới biết lẫy. Mỗi năm một đôi lần vợ tôi gửi ảnh hai đứa sang cho tôi. Trong các tấm ảnh bao giờ chúng cũng đứng hoặc ngồi trước một tấm chăn chiên, treo lệch. Nhìn ảnh không thể đoán ra chúng lớn bằng ngần nào. Chỉ thấy đầu hai đứa trẻ mỗi ngày cứ như to thêm còn tay chân thì dài thượt ra, hệt như người trên sao Hỏa. Bây giờ nhiều lúc chợt tỉnh giấc trong đêm, tôi không tài nào hình dung ra căn nhà của vợ chồng tôi có mấy ô cửa sổ, cái tủ đựng quần áo, cái hòm đựng gạo… kê ở chỗ nào? Tôi xa nhà, xa hai đứa trẻ đã sáu năm rồi. Bao giờ tôi sẽ được về với các con tôi đây?
            Có tiếng gõ cửa. Ai thế nhỉ? Hóa ra lại là bà Tamara Grigoevna.
            - … Tiễn giáo sư về đến trường, tôi quyết định trở lại đây bàn với anh thêm. Dù sao tôi cũng rất mến anh.
            - Xin cám ơn bà!
            - Anh không còn nhiều thời gian nữa đâu. Tôi cứ thẳng thắn khuyên anh như thế này: anh hãy ra Cung thể thao Dinamo ghi lại cảnh các vận động viên đang luyện tập… Hoặc giả anh tìm tới một quận mới để chứng kiến cái cảnh người ta trao chìa khóa căn hộ cho một cặp vợ chồng trẻ. Những đề tài như vậy dễ chấp nhận hơn. Các vị giáo sư cũng không cố chấp đâu. Các anh là sinh viên nước ngoài mà. Nếu các anh có sửng sốt, ngạc nhiên trước những điều mà người Xô-viết chúng tôi cho là cũ mèm, nhàm chán thì cũng có gì là lạ đâu?
            Tôi nén một tiếng thở dài ngao ngán.
           
- Anh thật vô lý! Tại sao anh cứ buộc thế giới này phải thông cảm, phải hiểu biết chúng ta? Em thử hỏi một điều thôi: làm sao mà thiên hạ hiểu nổi một đất nước bị chiến tranh tàn phá liên miên suốt ba mươi năm nay như nước ta, bây giờ lại có thừa nhân lực... Ở đâu là lôgíc, ở đâu là quy luật nào?
- Hừm... đấy là chuyện cuộc đời, còn đây lại là chuyện nghệ thuật.
- Nghệ thuật thì sao? Các anh sáng tác bằng tâm huyết, bằng sự rung động sâu xa đối với nỗi thống khổ của bà con mình chứ gì? Thật tuyệt! Có điều, xin anh đừng quên cho, chỉ mình hiểu được, thông cảm được với nỗi thống khổ của chính mình mà thôi. Thế giới bây giờ ấy à? Người ta đang quan tâm tới nạn ô nhiễm môi trường, tới sự suy thoái của nền tảng đạo đức khi họ quá thừa thãi, quá văn minh... Với lại, mình làm mình chịu, kêu mà ai thương!
- Thế ra tôi kh hơn ông Levintan à? Ông ấy cũng túng thiếu, cũng nghèo khổ như tôi, nhưng ông ấy cắn răng lại, thể hiện mọi sự chiêm nghiệm thành sắc màu và tranh của ông ấy tìm được sự chia sẻ, cảm thông. Thật là bi kịch!
- Tại vì anh nuôi ảo tưởng muốn bắc nhịp cầu nghệ thuật ra với thế giới cơ! Thôi, anh cứ làm theo lời khuyên của bà Tamara Grigoevna rồi xách túi đi buôn với em cho khỏe xác. Nay mai về nước, xủng xoẻng tiền rồi, tha hồ mà sáng tạo...
Duy đáp tàu xuống Klin với tôi có nghĩa là anh muốn dàn hòa, anh chấp nhận cho tôi sử dụng căn buồng trong ngôi nhà Levitan. Vẫn còn kịp, chưa muộn đâu! Chỉ có điều sự đầu hàng quá nhanh chóng, vô điều kiện của anh khiến tồi còn chút phân vân. Tôi cho rằng anh vừa trải qua một sự đổ bể, anh đang chán nản, buồn bực và anh muốn rong ruổi cùng tôi qua các cửa hàng cho khuây khỏa, cho lãng quên di. Mãi nhiều ngày sau tôi mới biết anh đã trải qua một thử thách nghiệt ngã hơn nhiều: cháu Doanh đã mất vào một ngày gió mùa đông bắc, ở Hà Nội lạnh tới bảy độ. Duy câm lặng cam chịu, không hé răng than vãn nửa lời đối với tôi, có nghĩa là anh không chịu chia xẻ nỗi đau với bất kỳ một ai khác. Tôi giật mình nhớ tới căn bệnh mãn tính cùa anh, nhớ tới gian buồng lạnh lẽo, thiếu dưỡng khí trong căn nhà Levitan, nhớ lại cái vẻ u ám, lì lợm của anh vào chiều hôm thứ sáu khi anh đáp tàu xuống Klin. Nhưng đấy là những ý nghĩ mãi sau này mới đến với tôi...
Ngay sáng thứ bảy tôi và Duy đã đáp tàu trở lại Moskva. Trước khi tàu chuyển bánh, tôi thọc tay vào túi áo, tình cờ nhón được đồng năm cô-pếch giữa đám tiền xu, tiền hào leng keng. Tàu đi đúng năm ga, tôi và Duy xách túi rẽ xuống một thị trấn nhỏ. Công việc đi lùng sục hàng ít lâu nay đã tạo trong tôi thói quen mê tín đầy hấp dẫn. Quả là tôi và Duy đã gặp may. Rảo qua các cửa hàng trong thị trấn chừng non một giờ đồng hồ, chúng tôi đã mua được cả một hộp thuốc kháng sinh, mười lăm chiếc áo bay đúng cỡ, đúng mầu và mười chiếc dồng hồ báo thức, loại viền vàng chứ không phải là loại viền trắng. Tôi nhẩm nhanh số tiền lời khi bán món hàng kia di. “ Vạn Sự khỏi đầu nan”, tôi buột miệng nói với Duy câu ngạn ngữ này bằng tiếng Nga. Cũng không nhiều nhặn gì đâu, nhưng đây là những đồng tiền lời của anh. Tôi thấy phấn chấn, vui vẻ với ý nghĩ này.
Còn phải đợi chừng 30 phút nữa mới có tàu vào thành phố. Vào đến Moskva rồi, sẽ di theo hướng nào đây? Tôi lại thọc tay vào túi áo, lần này là bên túi đựng tiền giấy. Đi buôn phải cầu thần tài mà. Tôi reo to thành tiếng khiến Duy sửng sốt quay phắt lại nhìn tôi: tôi cặp ra tờ giấy bạc in hình tháp Spat tại điện Kremli, nghĩa là sự may mắn đang chờ đợi hai chúng tôi khu trung tâm.
          Tàu tới ga đã xế trưa. Buổi trưa cửa hàng Bách hóa tổng hợp vẫn bán hàng. Nhưng chỉ những vị khách khờ khạo từ trong nước vừa sang mới lần vào cửa hàng vào lúc ấy. Sau 1giờ 30, kíp nhân viên bán hàng mới sẽ thay ca. Được nghỉ qua một đêm và một buổi sáng họ bớt cáu bẳn, bất nhã, và điều chủ yếu là có thứ hàng gì vừa nhận về họ còn chịu bầy ra quầy. Hôm nay đi với Duy tôi quyết phải trổ hết tài năng và sự tháo vát ra để che chắn cho anh, để anh tin rằng cái công việc này cũng có sức cuốn hút và niềm vui riêng của nó.        
            Tôi rủ Duy vào một quán ăn có món canh bắp cải đỏ rất ngon. Sau bữa ăn, còn nhiều thời gian, chúng tôi ra dạo chơi trên bờ sông Moskva. Đã bước vào những ngày đầu tháng tư, mặt sông vẫn còn phủ băng, những ngọn gió từ ngoài sông thổi vào không còn mang theo hơi giá buốt như độ giêng, hai nữa. Ban trưa nắng ấm. Những bờ kè đá sạch bong như có ai vừa lau rửa. Duy lưu ý tôi tới những cành khẳng khiu, trơ trụi của hàng cây chạy dọc hai bên bờ sông. Anh nói cho tôi hay, vào thời khắc này bên trong mao mạch cùa đám tán cành kia những dòng nhựa đang sôi réo, đang àọ ạt vận hành để chỉ ngày mai, ngày mốt thôi sẽ cho bật tung ra cả một trận mưa lá xanh mướt, mỏng manh như những cánh ve. Tôi mới sang Nga, chưa biết mùa xuân đây ra sao, nhưng cứ nghe cái giọng nói thiết tha, sôi nổi của anh, cứ nhìn vào ánh mắt anh, tự dưng tôi thầm mong sao cho mùa xuân mau tới. Cao hứng, tôi leo lên kè đá, thung thăng bước đi trên đó. Sợ tôi sảy chân, Duy đưa tay cho tôi nắm. Tôi tủm tỉm cười với ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu: thuở xưa tôi với anh yêu nhau cũng chỉ dược nắm tay nhau đâu đó vài ba lần, thế mà cũng chờ đợi, cũng vật vã khổ đau mất mấy năm trời...
- Phương đã xem phim “Đàn sếu bay” chưa ?
-Sang bên này em mới xem. Nhưng sao cơ ?
-Nàng Veronhia và chàng Borít đã dạo chơi ở đoạn kè này vào đêm hôm trước chiến tranh đấy.
-Thế à ?
Veronhia... Con sóc nhỏ... Tôi cũng đã từng chờ đợi những bức thư của Duy. Anh cũng đã mang tấm ảnh thời sinh viên của tôi trong túi ngực tấm áo lính. Một thời đã qua, vừa muốn nhớ lại, vừa muốn quên phắt đi. Anh sợ tôi ngã à Duy? Quả là trước kia những lá thư từ các miền đất chiến trường anh gửi ra cho tôi đã nâng đỡ, vực dắt tôi. Còn bây giờ, đến lượt tôi phải trợ giúp anh cũng nên ?
Tôi và Duy lang thang như hai đứa trẻ hồn nhiên, lo nghĩ như thế cho tới lúc chính anh giục tôi:
-      Có lẽ tới giờ trở lại cửa hàng đấy.
Tôi bật cười bâng quơ:
-         Ra người lính bây giờ cũng đã quán triệt nhiệm vụ chiến đấu của mình rồi đấy nhỉ ?
Vừa leo lên tới gác ba của cửa hàng, chỉ cần thoáng đưa mắt tôi đã rút ra hai nhận xét bổ ích: nhân viên bán hàng ca này là các cô học sinh của một trường trung cấp thương nghiệp đi thực tập và dân đầu đen mình cũng mới thưa thớt hơn chục mống. Duy vẫn đứng đờ đẫn, thụ động. Tôi ghé tai anh nói nhanh :
      - Rảo chân sang quầy bên xem còn có mặt hàng gì nữa không?
Qua tấm màn khép hờ, tôi phóng mắt vào gian buồng lố nhố những nhân viên bán hàng. Nồi áp suất rồi ! Tôi chạy vội ra quầy trả tiền, chiếm ngay vị trí đứng đầu. Vừa lúc dó, Duy quay lại, kéo tay áo tôi :
 Ngồi sau chiếc bàn máy tính là một cô bé học sinh khuôn mặt hồng hào, bầu bĩnh hệt như một trái táo chín, nom rất ưa nhìn.
Tôi trả tiền luôn cả hai mươi chiếc chậu nhôm, trước khi cô bé thủ quỹ kịp tĩnh trí lại, tuyên bố chỉ bán cho mỗi người tối đa năm cái. Tôi chỉ cho Duy chỗ lấy chậu nhôm, còn tôi đi lấy nồi áp suất. Khi tôi quay lại Duy còn đang lúng lúng với đống chậu. Anh năn nỉ cô bé bán hàng…
-  Xin cô buộc kỹ cho… Buộc như thế này thì…
            Cô bé Nga nhìn anh với vẻ mặt nghiêm trang, cứng nhắc:
-          Mua một cái mới buộc kỹ. Mua cả núi thế này không đủ dây.
            Ô hay, cái bọn học sinh nhóc ranh này đã học tắt được đâu cung cách đối xử với khách hàng như vậy hở? Tôi đã định sấn tới mắng cho cô bé bán hàng một chập, nhưng tôi không muốn làm cho Duy phiền lòng. Vừa thấy tôi, Duy cuống quýt:
            - Để đám nồi đấy cho anh, Phương xuống phố bắt tắc xi ngay đi…
            Ca hàng này có một điểm bất lợi — rất xa lối xung metro và xa bến đậu xe tc xi. Tôi đeo túi hàng mua được hồi sáng trên vai, tay lễ mễ xách bọc nồi áp xuất rẽ tắt qua khu công viên trước cửa hàng, tìm đường ra bến xe. Chiều xuống, nắng rực rỡ, ấm áp hơn. Người đổ ra dạo chơi trên công viên khá đông. Len lỏi giữa đám người nhàn tản, thung dung cứ đi dược chừng năm mươi mét, tôi lại đặt gói hàng xuống nghỉ, cố ý chờ Duy. Không hiểu Duy sẽ làm thế nào để tha lôi được hai chồng chậu nhôm và bọc nồi ấp xuất tới nơi đón xe đây ? Đã có lúc tôi định dấu bọc hàng phía sau một chiếc chòi điện thoại để quay lại đón anh. May sao tôi đã nhìn thấy anh ở góc quặt rẽ vào công viên. Quả là Duy phải ráng sức lắm mới mang được từng ấy thứ một lúc. Ra tới công viên anh dừng lại nghỉ rồi đeo ngay bọc nồi áp xuất lên vai, hai tay xách hai chồng chậu. Cũng lì lợm, xốc vác đấy chứ! Tôi tủm tỉm cười khi thấy những người đang dạo chơi mỗi khi né đường cho Duy đi, thường ngoái lại nhìn anh đầy tò mò hiếu kỳ. Chợt tôi buột miệng thét lên: Duy vừa vấp ngã, hai chồng chậu nhôm đứt dây buộc, những cái chậu bắt ánh nắng sáng loang loáng, nhẩy tâng tâng trên nền gạch lát nghiêng ở công viên, lăn đi tứ phía. Đặt phịch gói hàng xuống đất, tôi chạy bổ về phía Duy. Lúc này đám khách dạo chơi đã xúm lại, mỗi người nhặt một vài chiếc chậu mang đến cho Duy. Vừa nom thấy tôi, Duy kêu váng:
- Kệ anh, kệ anh… Chạy đi, chạy đi!
            Ô hay, sao phải chạy nhỉ? Tôi lách đám người, len tới chỗ anh đang đứng. Một bà cụ Nga vừa giúp chúng tôi buộc chồng chậu vừa thủ thỉ hỏi tôi:
- Mẹ hỏi thật lòng: Thế bên nước các con không sản xuất được những chiếc chậu nhôm này hay sao?
-Dạ, có chứ ạ! Nhưng nhôm Liên Xô tốt hơn, mẹ ạ!
-Mà vì sao các con mua nhiều như vậy?
            Lẽ ra tôi nên tảng lờ không trả lời tiếp nữa, nhưng vì tôi muốn trấn tĩnh Duy, muốn làm cho anh hiểu rằng cái việc vừa xẩy ra cũng chỉ nên xem như một chuyện thường tình, một kỷ niệm để nhớ mà thôi, chứ chẳng có gì đáng hệ trọng, đáng để tâm cả nên tôi đã đi một nước cờ sai. 
-Dạ, vì bên con đang thiết kế một con tàu vũ trụ,cần tới nhiều nhôm loại tốt…       Tôi chỉ mới nói tới đó thì bàn tay Duy đã túm lấy tóc tôi, dằn mặt tôi về phía anh, đôi mắt Duy long lên, gương mặt thoắt trở nên méo mó, dữ đằn, anh nói rít giọng trong hơi thở kiềm nén:
- Cút mẹ nó đi cho khuất mắt! Thật là vô sỉ !

   
Ban ngày nhiều nắng là thế ngờ đâu tuyết lại rơi. Mấy cậu sinh viên các gian phòng bên chắc đã kéo nhau vào trong ký túc xá tham gia Đêm Disco. Căn nhà vắng vẻ, ắng lặng quá. Tôi nằm chong mắt nhìn ngọn đèn trên trần nhà. Ngọn đèn thinh thoảng lại nhòa đi, biến thành một quầng đỏ đục lờ, chập chờn đung đưa. Cả cái bàn, cái giá vẽ cũng đung đưa, chao lắc. Những bức tường lâu ngày chưa được quét vôi cứ nhích dần về phía tôi – bốn bức tường cũng nghiêng ngã, lắc lư. Tôi đưa tay bấu lấy thành giường, sợ cơn sóng dồi này sẽ hất tuột tôi xuống đất. Nóng, khó thở. Khát nữa. Tiền đình, tiền đình là cái quái gì nhỉ? Mình đã đọc những cuốn sách về Sekhov, Dostoievsky, Levitan... nghĩa là về những thiên tài hay đau yếu. Sao chẳng thấv ông nào mắc chứng bệnh quái dị này cả? Căn bệnh cùa thế kỷ chăng? Trong nhiều bức ảnh, nom từ phía sau Levitan hao hao giống Sekhov. Những năm cuối đời Levitan cũng mặc áo choàng đen, tay cũng cầm can, đầu đội mũ dạ đen như Sekhov. Vào những hôm tuyết rơi nhiều, trời ấm, chắc hẳn Levitan đỡ ho hơn. Tuyết rơi mà không có gió tựa như có ai cầm chiếc rây khổng lồ lắc đều bột trắng phủ xuống cây cối, vườn tược, các mái nhà, các vòm cổng... Cái mặt hồ lúc nãy còn nom rõ. bây giờ tuyết cũng đã phủ mờ mịt không thấy đâu nữa rồi. Levitan ngó đau đáu về phía hồ. Ta đang đứng ở đâu đây? Sao phố xá vắng vẻ thế này ? Không có ai để hỏi thăm đường cả sao? Cái mặt hồ vừa hiện ra lúc nãy có phải hồ Thiền Quang không? Rõ ràng chỗ ta đang đứng là ngã tư Trần Hưng Đạo cắt ngang phố Quang Trung. Tuyết trắng đã lấp kín hai bên vỉa hè. Tuyết ùn ùn tràn xuống lòng đường. Có gió rồi. Gió lạnh quá. Nhà tôi ở khu tập thể đoạn đầu máy xe lửa, ngay gần ngã Khâm Thiên thôi. Nhưng rẽ lối nào để về nhà tôi đây? Levitan nức nở. Ông dựng cổ áo lên cho bớt lạnh. Một con chó sù vừa ló đầu ra phía bên kia đống tuyết. Nó giương cặp mắt đỏ vì lạnh, trừng trừng nhìn Levitan rồi cụp đuôi bỏ đi thẳng. Doanh ơi, Doan ơi! Các con đâu cả rồi?
Tôi giật mình thức giấc. Người tôi hâm hấp sốt, mồ hôi rịn ra ướt đẫm chân tóc.
Hình như tôi vừa thét lên trong giấc mơ thì phải?
                                                Tháng 4- 1989
                                                        T.H