Những cuốn tiểu thuyết cổ điển lừng danh từng làm say mê hàng triệu, hàng vạn độc giả của nhiều thế hệ trên khắp thế giới từ nhiều năm nay ở Việt Nam đã được in ra thành truyện tranh tối giản ngắn gọn. Hiện tượng trẻ say mê đọc truyện tranh tóm gọn từ những tác phẩm văn học cổ điển và bỏ qua sách văn học nguyên gốc đang ngày càng phát triển. Sách văn học là một thứ lạ lẫm và gần như với nhiều đứa trẻ hoàn toàn không có trong ý nghĩ. Đây có phải là vấn đề đáng báo động? Và liệu nhà xuất bản có phải đang góp tay vào thúc đẩy cái thời kỳ mì ăn liền như hiện nay, ăn nhanh, đọc còn nhanh hơn…?



THỜI ĐẠI ĂN NHANH, ĐỌC CÀNG NHANH HƠN

MỸ TRÂN

Dịp nghỉ hè, trẻ em đi siêu thị sách nhiều hơn và vì thế các cửa hàng sách trên hệ thống toàn quốc năm nào cũng vậy vào dịp này luôn rộn ràng, tấp nập hơn. Trên phố Nguyễn Xí và Đinh Lễ nối cạnh nhau được gọi là phố sách, và với những ai yêu sách thì không thể không biết đến hai con phố này. Phố sách tọa lạc ngay trung tâm Thủ đô, gần Bưu điện Bờ Hồ. Những cửa hàng sách san sát nhau với đủ các thể loại sách.
Chị Nga, chủ cửa hàng sách trên phố Đinh Lễ cho biết, truyện tranh được trẻ cấp I, cấp II say mê nhất. Có những bộ truyện tranh không chỉ dành cho học sinh cấp I, cấp II, mà ngay cả các em học phổ thông trung học, đại học vẫn đọc đó là những bộ truyện tranh của Nhật Bản. Có nhiều cuốn bảo đọc truyện tranh Nhật Bản giúp tăng trí thông minh cho trẻ và làm cho trẻ có đầu óc tưởng tượng phong phú.

Bộ truyện tranh Việt Nam bán chạy duy nhất là bộ “Thần đồng Đất Việt” cũng được đông đảo em nhỏ yêu thích. Còn một loại truyện tranh nữa là phỏng tác theo những tác phẩm văn học cổ điển ở nước ngoài, những cuốn này đều rất nổi tiếng cũng được đông đảo độc giả nhỏ tuổi yêu thích. Loại truyện tranh này mới có từ mấy năm trở lại đây.
Có nhiều phụ huynh đưa con đến tiệm sách đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những cuốn truyện tranh này vì thời của họ chỉ đọc sách văn học được dịch nguyên bản của tác giả ra tiếng Việt. Nhiều người cũng hết sức kinh ngạc khi đưa trẻ nhỏ đi mua sách. Ơ, sao cái quyển “Đồi gió hú” lại mỏng thế này, cả quyển “Không gia đình” rồi “Con hủi” đều có hết cả, bằng tranh!
Một cụ ông đưa cháu trai năm nay lên lớp 6 đến bên giá sách của nhà sách cầm một quyển giở ra, ơ hơ, toàn là tranh, à, truyện tranh. “Đồi gió hú” là truyện tranh, “Con hủi” truyện tranh, “Không gia đình”, “Những người khốn khổ”… toàn bộ tủ sách văn học cổ điển nước ngoài đều được in bằng truyện tranh.  Cả tác phẩm của W. Shakespeare cũng đều được in bằng truyện tranh. Ông bảo đây là lần đầu tiên được chạm tay vào những quyển sách này.

“Những người khốn khổ” của tác giả nổi tiếng chủ nghĩa lãng mạn Pháp đương đại Vichto Huygo nếu được dịch bản gốc ra tiếng Việt cả bộ có tất cả là 4 tập. Đó là những cuốn sách dày, mỗi tập dày đến gần 600 trang, đến khi ra truyện tranh rút gọn xuống vỏn vẹn còn 1 tập và chỉ dày 200 trang.
Giở ra thì đập ngay vào mắt  nào thì: “Phù”, “Roạt”, “Soạt soạt”, “Bụp”, “Bùm”, “Vèo vèo”, “Vù vù”, “Huỵch”. “Rầm”, “Chíu”. Một đoạn thoại: “Chú ơi, chú giẫm lên tiền của cháu rồi”, “Nhiễu quá biến đi”, “Nhanh biến đi cho khuất mắt tao”, “Chú thật đáng ghét! Người lớn mà bắt nạt trẻ con, hu hu”… Cậu bé xem truyện muốn mua mấy cuốn nhưng người ông còn đang lưỡng lự, rồi lắc đầu bảo: “In truyện thế này thì phá truyện của người ta rồi còn đâu”. Thằng bé bảo: “Giờ bọn bạn cháu ai cũng thích đọc truyện như thế này, vừa hay, vừa nhanh”.

Cụ ông giở từng cuốn truyện tranh của những đứa cháu hay đọc ra “Những người khốn khổ” nguyên tác Victor Huygo, lời: Kim Nam Kin, tranh Pác Chông Quan, người dịch: Nguyễn Thị Thắm, Kim Dung. Quyển truyện tranh “Rômêô và Juliét” ngay tờ bìa ghi nguyên tác W. Shếchxpia, lời Hơ Sun Bông, tranh Sin Ưng Sớp. Ngay ở tờ bìa vẽ hai người già mặt mũi bặm trợn nói: “Phản đối hôn nhân” còn ở bức hình bên dưới thì Juliét ngả người vào Rômêô và nói: “Ôi Rômêô  chàng đừng thề với vầng trăng luôn thay lòng đổi dạ ấy”. Rômêô: “Ok!ok!”…

Cụ ông giở ra cuối cuốn sách của cuốn truyện tranh “Đồi gió hú” và đọc lời của NXB: “Đồi gió hú” được  đánh giá là một trong những tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh hay nhất của thế kỷ XIX. Truyện được chuyển thể dưới dạng tranh  truyện comic với đặc thù thoại ngắn gọn, có nhiều yếu tố gây cười, giúp bạn đọc thưởng thức tác phẩm văn học kinh điển một cách đời thường, gần gũi hơn mà không làm mất đi giá trị của bộ sách”.

Cụ ông giở ra một lần nữa để cố tìm cái hay, thì đập ngay vào mắt là hình vẽ một người đàn bà và một người đàn ông. Người đàn bà ngoác miệng cười: “Ha ha ha!”, người đàn ông đáp lại: “Hi hi hi!” bên cạnh là một chữ “Chíu”. Rômêô nói: “Ai phản đối hôn nhân của ta và Juliét ta sẽ bắt bỏ tù vô điều kiện”. Cụ ông đặt mấy quyển sách xuống thẫn thờ, giọng bức xúc với tôi và chị bán hàng: “Sao người ta lại in những cuốn sách này, xuyên tạc và nhảm nhí hết sức”.

Cụ ông bảo: “Thằng bé năm nay được học sinh giỏi, ông bảo sẽ tặng cho nó chục cuốn truyện, hai ông cháu ra tiệm sách, cháu mua những quyển sách nào ông sẽ tặng cho cháu. Nhưng giờ thấy hãi quá, tác phẩm kinh điển giờ lại biến ra thành cái giống này đây”.
Cô bán sách bảo: “Ối, cụ đừng có buồn mỗi thời mỗi khác, con cũng có con bằng tuổi cháu của cụ đây. Bọn trẻ  nhà con bây giờ lười đọc truyện chữ lắm chứ không giống con hồi xưa đâu, dày đến 1.000 trang làm sao chúng đọc, con có bắt chúng cũng không đọc đâu, thế thì mua truyện tranh để cho chúng đọc, ít nhất thì bọn trẻ còn biết cốt truyện nói gì”.
Một chị khách hàng đưa con gái vào tiệm sách tham gia câu chuyện: “Trẻ con giờ đứa nào chả thế. Chúng chỉ thích nghe nhạc Hàn, đọc truyện tranh Nhật Bản, chơi đồ chơi Tàu. Cả phố Lương Văn Can nằm ngay trung tâm Thủ đô, nơi tiêu thụ đồ chơi nhiều nhất cũng đa phần là đồ chơi Tàu. Truyện tranh bây giờ có đến hàng trăm cuốn, ông không ưng cuốn này thì ông mua cho cháu ông cuốn khác. Thiếu gì sách cho cháu ông đọc”. Nhưng thằng cháu ông cứ nằng nặc đòi đọc những cuốn mà ông của cậu cho là sách nhảm. Có mấy đứa trẻ vào tiệm sách cũng chọn mua truyện tranh từ những tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng vì theo chúng những cuốn truyện tranh này có hình thức bắt mắt, đọc lại không mất thời gian, mà vẫn biết toàn bộ nội dung câu chuyện.


Ý kiến của Nhà nghiên cứu văn hóa HỮU NGỌC:
Truyện tranh phát triển đấy là khuynh hướng chung của thế giới chứ không riêng gì ở nước ta. Riêng ở Nhật Bản, truyện tranh phát triển kinh khủng, ngồi trên tàu họ cũng đọc chăm chú, đi bộ họ cũng cầm sách theo, giờ nghỉ giải lao họ cũng tranh thủ đọc.
Truyện tranh với nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ để cho trẻ con mà ngay cả người lớn cũng say mê. Điển hình nhất là ở Nhật Bản, truyện tranh là một hiện tượng chung cho tất cả các giới chứ không chỉ để dành riêng cho thiếu nhi. Thế giới ngày càng công nghiệp hóa, và tiến lên mức là người ta tiếc thì giờ, đọc truyện tranh thì đỡ mất thì giờ đó là tâm lý chung của xã hội phát triển hiện nay. Người ta bận rộn đủ thứ và có nhiều mối bận tâm, không có thời gian để ngồi đọc những cuốn sách dày.
Trong bối cảnh chung đó, truyện tranh phát triển là lẽ tất nhiên, hoặc là những loại truyện 500, 600 trang người ta tóm tắt lại còn gần 100 trang. Ở nước Pháp thì hiện tượng này đã phát triển và người ta làm từ rất lâu, ví dụ như có một bộ tiểu thuyết cổ điển nhiều tập, mỗi tập dày vài trăm trang được tóm tắt lại ngắn gọn dưới 100 trang.
Ở Pháp cách của họ tóm tắt rất khoa học. Có ba cách: Một là họ cắt từng đoạn nguyên văn của tác phẩm văn học chính và họ ghép lại từng trích đoạn, vẫn là văn nguyên bản của tác giả, cách làm như vậy rất công phu. Cách làm này độc giả không cần đọc tác phẩm chính chỉ cần đọc tác phẩm lược trích đoạn tóm tắt nội dung này thì cũng biết được hết cốt truyện, và thưởng thức được ngay cả văn phong của tác giả vì được giữ lại nguyên bản. Cách đó rất tốt nhưng làm rất khó. Phải đọc dăm bảy trăm trang rồi tóm gọn lại thành dưới 100 trang, để khi ghép lại vẫn còn một câu chuyện có đầu đuôi.
Cách thứ hai: Một câu chuyện nhưng họ tóm tắt rất thông minh, họ giữ lại được cái thần và văn phong của tác phẩm. Nhưng để có được như vậy thì đấy là công việc của một nhà văn làm chứ không phải là một người biên tập bình thường có thể làm được. Nhà văn có uy tín này tóm tắt lại truyện của một nhà văn danh tiếng khác thì điều đấy cũng tốt. Hai cách tóm tắt này Việt Nam chưa làm được vì để làm được thì rất công phu, nên ta chỉ tóm tắt bằng một loại nữa là truyện tranh.
Ở Việt Nam nói đến truyện tranh là người ta nghĩ ngay đến truyện dành cho thiếu nhi. Nhưng làm thế nào để giữ được hồn cốt của truyện, khi xem hình vẽ hay những câu thoại giữ được cái thần của câu chuyện, nhân vật không phải điều dễ dàng. Nếu làm được như thế thì cũng rất tốt vì để chuẩn bị kiến thức cho trẻ lớn lên. Ví dụ như trẻ nhỏ đọc được cuốn truyện tranh tóm tắt sau khi lớn lên đến cấp II, cấp III đọc được nguyên văn thì đã được một sự chuẩn bị.
Những cách tóm tắt như vậy thì ở nhiều nước trên thế giới đều đã làm hết rồi, chỉ ở ta là làm chậm thôi. Nhưng như tình hình hiện nay thì cũng có những cuốn truyện tranh in ấn một cách cẩu thả, tác giả người ta đi bên phải mình kéo sang đi bên trái, việc bịa ra như vậy theo Luật Bản quyền sở hữu trí tuệ người ta có thể kiện vì xuyên tạc tác phẩm.
Trong thế giới công nghiệp hóa hiện nay với sự phát triển của truyện tranh, cũng nên khuyến khích truyện tranh nhưng làm thế nào để giữ được hồn cốt của câu chuyện, lời thoại phải giữ lại được cái thần của nhân vật là một điều hoàn toàn không đơn giản, dễ dàng. Để làm được như vậy rất khó, nhưng hiện nay biên tập viên của các nhà xuất bản ít người có trình độ để làm được.