Phùng Văn Khai không phải là cái tên quá xa lạ trên văn đàn Việt Nam những năm gần đây. Độc giả biết đến anh như là một cây bút đa tài sáng tác trên nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, bút kí, chân dung lịch sử, chân dung văn học… Dẫu ở bất kì thể loại nào, anh cũng tạo cho mình một dấu ấn riêng bằng thái độ dấn thân, tinh thần làm việc nghiêm túc, cùng nỗ lực vượt thoát, làm mới, làm khác với những thể nghiệm nghệ thuật táo bạo. Hẳn nhiều người đồng ý rằng, trong số nhiều mảnh ghép tạo nên căn cước, bản thể Phùng Văn Khai trong đời sống văn chương đương đại, những sáng tác về đề tài lịch sử là mảnh ghép quan trọng hơn cả. Sau bước “chạy đà” làm quen với đề tài này bằng thể loại truyện ngắn thu hút sự chú ý của dư luận (Hồn quỳnh, Huyền thoại Sông Lăng…), tác giả trình làng một “dự án” được ấp ủ, thai nghén từ nhiều năm - tiểu thuyết lịch sử “Phùng Vương”.


Đề tài lịch sử từ lối viết truyền thống và cảm hứng hiện đại
 (Đọc tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương của Phùng Văn Khai)

TS NGUYỄN VĂN HÙNG
 
Khi cầm trong tay tác phẩm này, không ít người tỏ ra ái ngại cho Phùng Văn Khai. Bởi lẽ trong lúc nhiều nhà văn sáng tạo về đề tài lịch sử đang nỗ lực làm mới thể loại bằng những cảm thức và lối viết hiện đại/hậu hiện đại thì anh lại lặng lẽ quay về với mô hình truyền thống, một mô hình đang dần bộc lộ những giới hạn trong việc thể hiện hiện thực lịch sử và khai phóng cá tính sáng tạo của người cầm bút. Nhưng theo tôi, không có mô hình nào là tuyệt đối ưu việt và càng không có mô hình nào là chỉ toàn hạn chế, nhất là đối với sáng tạo văn học về đề tài lịch sử, một lĩnh vực luôn “mở” cho mọi cách tiếp cận, mọi lối diễn giải và mọi tâm thế hưởng thụ lịch sử. 

Công việc của nhà văn là làm sống lại lịch sử, biến những sự kiện lịch sử vốn mang tính chất khô khan trong sử sách thành những câu chuyện lịch sử sống động, khám phá số phận con người và luận giải những vấn đề được đặt ra từ lịch sử, qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc đối với độc giả. Với ý nghĩa như vậy, Phùng Văn Khai và tiểu thuyết Phùng Vương xứng đáng có một vị trí trong tiến trình vận động, đổi mới thể loại với nỗ lực phục hiện/hưng lối viết truyền thống bằng chính cảm thức lịch sử sâu sắc và phương thức tự sự lịch sử độc đáo.  

1. Lựa chọn tái hiện những sự kiện lịch sử vinh quang, chói sáng
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một dân tộc bất khuất, kiên cường, gan góc trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, lịch sử đã ghi lại bao tấm gương anh hùng hào kiệt gắn với những giai đoạn vinh quang, chói lọi của dân tộc. Đi cùng với những thăng trầm, biến động của lịch sử, mang trong mình sứ mệnh tôn vinh truyền thống yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, văn học sáng tạo về đề tài lịch sử đã dần khẳng định được ý nghĩa lớn lao không chỉ trong đời sống văn học mà cả đời sống tinh thần người Việt. Với cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng, ngợi ca, từ Phan Bội Châu, Thái Vũ, Nguyên Hồng, Chu Thiên, Hà Ân, Lan Khai, Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Huy Tưởng đến Hoàng Công Khanh, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Ngô Văn Phú, Phùng Văn Khai… đều có ý hướng lựa chọn những giai đoạn lịch sử hào hùng làm nền cho những luận giải, suy tư về lịch sử của mình.
Phùng Văn Khai trong tiểu thuyết lịch sử đầu tay Phùng Vương đã dựa vào những cứ liệu lịch sử thế kỉ VIII được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư, Giao Châu kí của Triệu vương (chép lại trong Việt điện u linh của Lí Tế Xuyên), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục và tận dụng nguồn sử liệu từ gia phả, văn bia, truyền thuyết, giai thoại dân gian… làm nền tạo dựng bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội, gợi nên không khí bi tráng một thời. Tác giả đã dám mạo hiểm xông vào một địa hạt vô cùng trống vắng nguồn sử liệu. Để phục hiện lại bức tranh lịch sử phức tạp ấy, Phùng Văn Khai đã bỏ đến không dưới mười năm để sưu tầm, nghiềm ngẫm tài liệu với một tinh thần kiên trì, nghiêm túc đáng trân trọng. Chính sự dung hòa hợp lí giữa chính sử với dã sử, giai thoại, truyền thuyết dân gian cùng trí tưởng tượng phong phú, tác giả đã không những tái hiện một cách chân thực, sắc nét bối cảnh xã hội, không khí thời đại, mà còn sáng tạo nên những nhân vật giàu sức sống, đậm cá tính.
Với nguồn sử liệu ít ỏi, khô khan, tản mác từ chính sử và dã sử, tác giả đã dày công hư cấu, tưởng tượng lại quá khứ, bồi đắp nên da thịt liền mạch cho đời sống được tái hiện trong tác phẩm. Nhằm bao quát bức tranh lịch sử với không gian và thời gian xa xôi, tác giả đã không kể theo lối thông sử biên niên mà lựa chọn những “lát cắt ngang” gay cấn làm nền cho việc triển khai cốt truyện. Bằng con mắt quan sát tinh tế, sự bao quát tuyệt vời, Phùng Văn Khai đã khỏa lấp những “khoảng trống”, “khoảng trắng” trong lịch sử, phục dựng lại cuộc trường kì kháng chiến hơn 20 năm của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của hai cha con Phùng Hạp Khanh - Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh, nhân sĩ khắp nơi trên cả nước đánh đổ ách thống trị nhà Đường. Cuộc khởi nghĩa này mang lại ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng khi nó mở ra một thời kì độc lập dân tộc, ghi dấu một trang sử vàng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Tác giả đã bắt đầu câu chuyện từ sự rối ren, khủng hoảng, báo hiệu sự sụp đổ của nhà Đường, cùng với đó là âm mưu thôn tính, biến nước ta thành châu quận của chúng, sau đó là những năm tháng “giấu mình”, lặng lẽ nuôi chí lớn của Phùng Hạp Khanh, để cuối cùng là những chiến thắng vang dội của Phùng Hưng và quân dân Việt, mang lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Những vùng đất, thành trì, những tên núi tên sông, những trận đánh lẫy lừng, mưu trí, quả cảm ở Hy Cương, Ngõa Cương, Lô Giang, Sương Mù, Phong Châu, Tống Bình, Đường Lâm… được kể lại với niềm say mê và lòng tự hào sâu sắc. Cùng với đó, câu chuyện được mở rộng không gian đến những vùng quê xa xôi, heo hút với cảnh sinh hoạt, lao động, chiến đấu sôi nổi, bi hùng. Chỉ cần xây dựng bức tranh từ những gam màu chân thực như vậy, nhà văn đã đánh thức tinh thần dân tộc, ý thức tự tôn, tình yêu quê hương đất nước, khích lệ ý thức trách nhiệm của người dân đối với vận mệnh của đất nước trong những thời điểm lịch sử cam go.
Qua việc lựa chọn khám phá, phân tích các biến cố lịch sử tiêu biểu trong hành trình dựng nước và giữ nước của cha ông, Phùng Văn Khai đã thể hiện rất rõ mục đích, ý đồ nghệ thuật của mình. Những sự kiện này trở thành khung lịch sử cho những suy tư của tác giả về lịch sử, bản sắc dân tộc, về sức mạnh nhân dân và vai trò của người lãnh đạo. Nó thể hiện niềm ngưỡng vọng chân thành, tư duy triết học lịch sử sắc sảo, và tinh thần nhân bản sâu sắc làm nên giá trị cho tác phẩm.

2. Khắc họa vẻ đẹp bi tráng, hào hùng, nhân nghĩa
Câu chuyện được Phùng Văn Khai khai triển trên nền sự kiện cuộc chiến thần thánh chống ách đô hộ nhà Đường của quân dân Việt. Quay về quá khứ, nối kết thực tại, bằng cảm hứng dân tộc và thời đại, tác phẩm ngợi ca nhiệt tình đối với cuộc kháng chiến thần thánh, chiêm bái những vị anh hùng dân tộc. Từ chân dung anh hùng dân tộc, tướng lĩnh tài ba, những người con ưu tú của dân tộc đã có công trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc Phùng Hạp Khanh, Phùng Hưng, Phùng Hải, Bồ Phá Giang, Vũ Khánh, Phan Đường, Đỗ Anh Doãn, Đỗ Anh Hàn, Phạm Cương, Đỗ Lăng… đến hình ảnh của đám đông vô danh (dân thường, binh lính…), tất cả đều được xây dựng bằng nhiều chi tiết phong phú, chân thực, điển hình về dung mạo, lai lịch, khí phách, tính cách, phẩm chất.
Phùng văn Khai đã xây dựng khá thành công loại hình nhân vật biểu tượng cho tinh thần yêu nước, ý chí chống ngoại xâm, cho sức mạnh đoàn kết, khát vọng tự do của thời đại và dân tộc. Họ là những con người hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của dung mạo, trí tuệ, lòng nhân, dũng khí. Nổi bật trong số đó là Phùng Hạp Khanh và Phùng Hưng. Phùng Hạp Khanh, vốn dòng dõi Phùng Trí Cái, châu mục Đường Lâm. Ông nổi danh từ cuộc khởi nghĩa của vua Mai Thúc Loan gây chấn động một thời. Sau khi Mai Thúc Loan mất, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu, ông âm thầm cùng gia nhân gia tướng về quê cũ Đường Lâm, cùng thổ hào quanh vùng ngày đêm dồn tâm sức cho công cuộc khẩn hoang, mở đất, khai sông, trồng trọt, biến Đường Lâm thành mảnh đất trù phú, no ấm. Nhờ chí lớn và đức độ, Phùng Hạp Khanh đã tập hợp xung quanh mình nhiều tướng tài cùng mưu việc lớn. Với Phùng Hưng, mang trong mình chân mệnh đế vương, hội tụ linh khí trời Nam, lại được sinh ra trong một gia đình dòng dõi, ngay từ nhỏ đã được giáo huấn về lòng yêu nước, thương dân, ý chí căm thù giặc và khát vọng độc lập dân tộc. Từ diện mạo, thần thái, tính cách, ông đã sớm bộc lộ chí khí, uy đức và tài năng thiên bẩm. Hơn mười tuổi, ông được cha rèn giũa bằng cách cho tham gia vào các trận đánh, dự bàn các công việc quan trọng bên cạnh các tướng lĩnh tài trí. Nhờ vậy, chàng trai trẻ này trưởng thành rất nhanh. Sau khi cha mất, ông nối nghiệp cha trở thành trại chủ đất Đường Lâm khi mới 18 tuổi, thống lĩnh nhân dân tiếp tục sự nghiệp đánh đuổi giặc Bắc, giành độc lập, thống nhất dân tộc. Giống như cha mình, ở con người trẻ tuổi này, ngoài tài năng phi phàm, ông còn là người luôn nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, thân dân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chính điều này đã giúp ông khẳng định uy tín, mau chóng tổ chức lực lượng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi cuối cùng.
Bên cạnh hai thủ lĩnh của cuộc chiến, Phùng Văn Khai còn đầu tư xây dựng thành công hệ thống nhân vật tướng lĩnh. Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, một độ tuổi nhưng tất cả đều chung ở tinh thần quả cảm, mưu trí, tài năng quân sự, hết lòng phụng sự cho sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hình ảnh các tướng lĩnh xông pha trận mạc, luôn đi đầu trong các trận đánh, trân quý vận mạng, máu xương của binh lính, người dân như của chính mình,… trở thành những bức tượng đài kiêu hùng, bi tráng trong tâm thức dân tộc. Đối lập ở bên kia chiến tuyến là sự kèn cựa, đố kị, tráo trở, nghi kị lẫn nhau trong nội bộ người đứng đầu và tướng lĩnh; sự vô cảm, phi nhân tính, thiếu trách nhiệm trong ứng xử với binh lính, dân thường. Điều này như một dấu hiệu thất bại trong cuộc chiến xâm lược phi nghĩa của kẻ thù, đồng thời khẳng định niềm tin chiến thắng tất yếu của quân dân Việt.
Ngoài tài năng và sự quả cảm, Phùng Hạp Khanh, Phùng Hưng và các tướng lĩnh còn được ca ngợi ở vẻ đẹp của lòng khoan dung, độ lượng, tinh thần nhân nghĩa, hòa hiếu vốn được kết tinh, hun đúc từ ngàn đời. Trong lúc cuộc chiến đang đến hồi gay go nhất, những con người nắm trong tay vận mệnh dân tộc và sinh mệnh muôn người này đã nghĩ đến kế sách chăm dân, hưng dân, yên dân sau khi độc lập; đồng thời mở đường hiếu sinh cho giặc nhằm tránh nạn binh đao về sau. Người đọc hôm nay có thể hình dung đời sống tinh thần của cha ông, thấu hiểu, đồng cảm với những đau thương và vinh quang, nhọc nhằn và kiêu hãnh của biết bao thế hệ trên hành trình giữ gìn bản sắc, tiếng nói dân tộc.
Có thể nói, với cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng, Phùng Văn Khai đã thổi vào tác phẩm tinh thần yêu nước, lòng tự hào truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. Nhà văn đã hoàn thành sứ mệnh dùng văn chương để chuyên chở lịch sử, dùng lịch sử để truyền cảm hứng, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người dân Việt Nam hôm nay.

3. Khám phá, luận giải những vấn đề của lịch sử
Viết về quá khứ đã qua, công việc của nhà văn sáng tạo về đề tài lịch sử là làm sống lại lịch sử bằng việc phục dựng những biến cố, sự kiện, nhân vật lịch sử, qua đó tìm ra sợi dây liên hệ giữa quá khứ với đời sống hiện tại, gửi vào lịch sử sức mạnh giáo dục. Đó là cách mà người hôm nay cộng cảm, nhìn nhận, luận giải, thụ hưởng lịch sử trên tinh thần nhân bản, triết học lịch sử. Cái đích cuối cùng mà các nhà văn hướng tới là truy tìm, giải mã nhiều vấn đề lịch sử có tầm phổ quát.
Thật vậy, những vấn đề được đặt ra trong Phùng Vương như sự thăng trầm của dân tộc; tài năng, đức độ của người lãnh đạo trong những thời khắc cam go của lịch sử; vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp sáng tạo lịch sử; vấn đề kế sách bang giao với nước lớn để giữ được hòa hiếu lâu dài…, khiến người đọc phải trăn trở, suy ngẫm, nối kết quá khứ với thực tại tình hình đất nước hôm nay. Có thể nói, trong các vấn đề được đặt ra trong quá khứ từ cái nhìn của con người hiện đại, vấn đề chủ quyền, độc lập dân tộc được đặt ra bức thiết và riết róng hơn bao giờ hết. Khi nhìn vào lịch sử, con người hôm nay với tư cách là chủ nhân và cũng là nạn nhân chịu nhiều hệ lụy của lịch sử, họ hiểu cả những vinh quang lẫn đau thương, hạnh phúc và cay đắng, vĩ đại lẫn giới hạn của thế hệ cha ông trên hành trình kiếm tìm, giữ gìn tiếng nói/bản sắc dân tộc. Nhìn nhận về vấn đề đó như thế nào, làm gì với những di chỉ của kí ức, kết nối với hiện tại và tương lai ra sao, vẫn khiến con người hôm nay khắc khoải, nghiệm suy.
Qua các câu chuyện về lịch sử, Phùng Văn Khai muốn chuyển tải suy tư cá nhân về vận mệnh, sức mạnh dân tộc và những hệ lụy với số phận của mỗi con người ở cả hai chiến tuyến. Tác giả thông qua điểm nhìn của hai nhân vật ở hai chiến tuyến: Phan Đường, vị quân sư tài ba của cuộc khởi nghĩa; và Quách Kiên, người thầy của Trương Bá Nghi nhằm nói lên quan điểm của mình về sự biến thiên của lịch sử và khát vọng tự cường, niềm tự tôn dân tộc, ý chí trường tồn của dân tộc Việt. Với Phan Đường, sức mạnh ấy đã được hun đúc, kết tinh và thăng hoa từ ngàn đời: “Nước ta, khởi từ triều đại các vua Hùng lập nước Văn Lang, sang đến Thục Phán An Dương Vương lập nước Âu Lạc vang danh bốn biển. Trải bao dâu bể, người An Nam đất An Nam nối nhau vùng lên làm chủ đất mình đánh đuổi nhà Triệu, Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường không dứt. Các vua ta từ Trương Nữ Vương, Triệu Thị Trinh, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan… anh dũng quật cường đã đi vào sử sách” [tr.315]. Còn đại diện kẻ đi chinh phạt Quách Kiên, trước khi đi vào cõi chết đã đắng đót nhận ra bài học xương máu gửi cho hậu thế - những kẻ đã và đang có ý định xâm chiếm, thôn tính đất Việt: “Đất An Nam tuy nhỏ bé xa xôi, ở vào chỗ cuối đất cùng trời đầy rẫy lam sơn chướng khí nhưng cũng là mảnh đất quật cường không chịu khuất phục cường quyền bạo ngược bao giờ đâu. Rồi người dân xứ này sẽ vùng lên mà chôn vùi đánh đuổi những áp bức xiềng xích đã đè nén họ” [tr.142]. Việc nhà văn đưa ra cách lí giải về dân tộc tất sẽ tạo ra sự cộng cảm từ phía người đọc, từ đó khơi gợi trong tâm thức niềm tin, sự kiêu hãnh về sức sống trường tồn bất diệt của dân tộc, trên tất cả là tình yêu lớn lao dành cho quê hương xứ sở.
Không chỉ bao quát, tái hiện lịch sử bằng các sự kiện, biến cố tiêu biểu, Phùng Văn Khai còn thể hiện quan điểm, đánh giá, luận giải sâu sắc bản chất vấn đề đằng sau mỗi sự kiện và nhân vật lịch sử. Nhà Đường khủng hoảng vì vua quan ngày càng bạc nhược, tướng lĩnh nghi kị, tranh quyền đoạt lợi. Chiến thắng của quân dân Việt là kết tinh của sự đoàn kết muôn dân, người lãnh đạo anh minh, tướng lĩnh tài ba, mưu trí, đặc biệt là thái độ trân quý máu xương binh lính, muôn dân của người đứng đầu.
Khi chúng ta có một độ lùi thời gian nhất định, nhiều vấn đề tưởng chừng như đã được hoàn kết, thậm chí đã đúc kết thành những chân lí trong lịch sử, nay lại được đem ra nhận thức, diễn giải lại. Dưới con mắt của con người hôm nay, lịch sử được nhìn nhận, giải mã qua số phận dân tộc, qua hành trình kiếm tìm bản sắc và trên tất cả là qua số phận, bi kịch cá nhân của con người trong tiến trình lịch sử. Không chỉ khẳng định vai trò của quần chúng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, Phùng Văn Khai còn khám phá, suy tư về số phận nhân dân, binh lính, những đám đông nhỏ bé, vô danh trong sự xoay vần của lịch sử. Đặc biệt, những suy tư, trăn trở cho số phận binh lính nhà Đường đã mang lại cho tác phẩm cái nhìn nhân văn/nhân tính sâu sắc: “Mỗi cuộc chiến chinh, hàng vạn người tuyệt tích không hẳn đã vùi thân nơi chiến trận mà chỉ là sống lay lắt nơi đất khách quê người đến lúc chết không về được quê hương bản quán” [tr.580].
Lịch sử trong tiểu thuyết của Phùng Văn Khai không chỉ được kể lại bằng những sự kiện, biến cố, nhân vật lịch sử mà còn là nơi nhà văn khai phóng suy tư, trình hiện thức nhận về lịch sử. Những vấn đề của quá khứ nhưng chưa bao giờ là cũ một khi được nhà văn viết bằng cảm hứng hiện đại. Lịch sử nhờ vậy trở nên sống động, tươi mới, có sức sống bền bỉ trong tâm thức cộng đồng cũng như trong kinh nghiệm của mỗi cá nhân.

4. Phương thức tự sự lịch sử
Dựa vào khung lịch sử của các thời đại, triều đại để dựng khung truyện kể là kiểu kết cấu truyền thống của tiểu thuyết phương Đông, đặc biệt trong thể loại chương hồi. Phùng Văn Khai đã sử dụng lối kết cấu này trong tiểu thuyết của mình. Tác phẩm được chia thành 32 hồi, mở đầu mỗi hồi là hai câu văn theo thể biền ngẫu tóm lược tinh thần nội dung chính của hồi. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng những mẫu lời dẫn để chuyển đoạn, chuyển câu chuyện như: “Lại nói về…”, “Lại nói tiếp chuyện…”, “Nói tiếp về…”, “Đây nói tiếp chuyện…”. Kiểu kết cấu này cho phép nhà văn dễ dàng mở rộng quy mô truyện kể, bao quát không gian rộng lớn, nhiều sự kiện, nhiều tuyến nhân vật để tạo nên tính chất và tinh thần sử thi cho tác phẩm; đồng thời giúp người đọc có thể dễ dàng theo dõi diễn tiến phức tạp của câu chuyện.
Phùng Văn Khai sáng tạo và sử dụng người kể chuyện ngôi thứ ba toàn tri. Người kể chuyện lúc này đứng bên ngoài quan sát và kể lại câu chuyện nên khả năng bao quát mọi biến cố, mọi thời khắc trong câu chuyện là rất lớn. Anh ta biết mọi thứ cần biết về nhân vật, từ diện mạo, lai lịch, tính cách, tâm trạng, số phận; hoàn toàn tự do di chuyển theo ý muốn trong thời gian và không gian, và chuyển dời từ nhân vật này đến nhân vật khác. Từ đó, các sự kiện trong cuộc đời, số phận của nhân vật dường như do chính người kể chuyện chứ không phải bởi sự phát triển tự thân trong tính cách nhân vật quyết định. Chính vì giới hạn ấy, có những lúc người ta đã khước từ hình thức kể chuyện này và cho rằng nó đã cáo chung sau khi hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy vậy, với những ưu thế vượt trội dựa vào khả năng bao quát, chiếm lĩnh, phản ánh cuộc sống, nó vẫn là sự lựa chọn của nhiều nhà văn trong những câu chuyện dài hơi, có bối cảnh rộng lớn, kết cấu phức tạp, nhiều tuyến nhân vật đan xen.
Cùng với dung lượng lớn (hơn 600 trang), tiểu thuyết Phùng Vương triển khai trên nền không gian và thời gian trải dài, dịch chuyển liên tục với vô vàn biến cố, sự kiện, nhân vật. Nhờ có những đặc tính ưu việt của lối kể chuyện toàn tri, người kể chuyện trong tiểu thuyết của Phùng Văn Khai đã tổ chức, kiểm soát, quản lí câu chuyện, đảm bảo tính mạch lạc, logic cho câu chuyện. Thậm chí tác phẩm còn tạo được sức hấp dẫn riêng của nó khiến người đọc hồi hộp dõi theo, liên tục kết nối, tưởng tượng (một ưu thế không phải nhà văn nào viết theo mô hình truyện kể truyền thống cũng có thể đạt tới) bằng cách kiến tạo cốt truyện với nhiều chi tiết và hành động gay cấn, diễn biến bất ngờ, cùng thủ pháp đóng - mở, dồn nén - kéo căng sự kiện, tình huống.
Trong nỗ lực miêu tả hiện thực và con người có chiều sâu, tác giả đã tạo dựng nhiều lớp không gian: không gian sinh hoạt, lao động, không gian chiến trường, không gian kí ức hào hùng, không gian tâm linh, giấc mơ… Gắn với không gian đa tầng là những chiều kích thời gian đa dạng: thời gian của sinh hoạt, thời gian đời người, thời gian chiến trận, thời gian tâm tưởng… Soi rọi nhân vật, sự kiện lịch sử trong tính đa chiều của không - thời gian là cách thức nhà văn lí giải động cơ hành động, tính cách và số phận con người trong những thời điểm lịch sử nhất định.
Cùng với cảm hứng ngợi ca truyền thống, tôn vinh các anh hùng, danh nhân của dân tộc; chiêm bái, ngưỡng vọng, khẳng định là giọng điệu chủ đạo trong tiểu thuyết Phùng Vương. Điều này đã ảnh hưởng đến ý hướng lựa chọn, xử lí chất liệu cũng như cách thức xây dựng nhân vật lịch sử của các nhà văn. Tiểu thuyết của Phùng Văn Khai được viết bởi thứ ngôn ngữ thuần Việt gần gũi, dễ hiểu, một thứ ngôn ngữ tràn đầy sức sống, mang đậm dấu ấn văn hóa và hơi thở thời đại. Diễn ngôn lịch sử vừa có sự trang trọng, cổ kính cần thiết, vừa có sự sinh động, giàu sắc thái đời thường của ngôn từ tiểu thuyết, được tráng lên màu sắc triết luận, đầy chất suy tưởng. Ngoài ra, nhà văn đã thể hiện sự dụng công của mình trong việc xây dựng lời thoại cho nhân vật. Từ vua chúa, tướng lĩnh đến binh lính, người dân bình thường, lời thoại đã cá thể hóa sinh động tính cách của mỗi nhân vật, giúp tác phẩm tái hiện bối cảnh lịch sử, trạng huống tình cảm một cách chân thực, sinh động, sắc nét.
Nhìn chung, viết theo xu hướng này, Phùng Văn Khai đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ tái hiện các sự kiện lịch sử theo tinh thần khách quan, ít có sự can thiệp trực tiếp từ người viết. Thời gian trần thuật chủ yếu theo dòng tuyến tính, ngôn ngữ mang sắc thái trang trọng, giọng văn khách quan của kể chuyện ngôi thứ ba và dày đặc ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Sức hấp dẫn nằm ở các sự kiện, tình tiết và hành động nhân vật chứ không phải ở yếu tố bình luận của tác giả hay chiều sâu thế giới nội tâm nhân vật.
Sáng tạo văn học về đề tài lịch sử, Phùng Văn Khai đã phải đối diện với nhiều thử thách không nhỏ từ đề tài và lối viết. Cái khó nhất ở đây là lựa chọn tâm thế, ý hướng tiếp cận khi nhìn và diễn giải về lịch sử. Với cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng, viết theo mô hình tiểu thuyết chương hồi, ở một khía cạnh nào đó, theo tôi là sự lựa chọn thông minh của tác giả. Mặc dù còn nhiều điều cần trao đổi như vấn đề xây dựng nhân vật mang nặng tính ước lệ, sự gò bó vào mô hình tiểu thuyết chương hồi khiến cho nghệ thuật hư cấu, cá tính sáng tạo bị hạn chế, từ đó làm cho hiệu quả nghệ thuật, sức hấp dẫn chưa thỏa mãn được người đọc; song với sức mạnh giáo dục, tinh thần lịch sử từ phong cách sử thi truyền thống và cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng là một trong những đóng góp tâm huyết của Phùng Văn Khai cho đời sống xã hội và cho thể loại tiểu thuyết lịch sử nói riêng. Có muôn ngàn nẻo đường, lối đi để người cầm bút tiếp cận và diễn giải lịch sử, và không ai có quyền tuyên bố con đường mình đi là chân lí, cũng như mình đang nắm trong tay chiếc chìa khóa duy nhất đúng. Từ trường hợp Phùng Văn Khai, chắc chắn người ta sẽ nhớ đến anh bởi sự dấn thân dũng cảm, không chơi trội, không theo đuôi, không bầy đàn, chỉ tin vào chân lí lịch sử và cảm quan cá nhân mình (dĩ nhiên gắn không ít rủi ro và sự đơn độc tinh thần nếu người viết không đủ bản lĩnh và tài năng). Bằng cách làm mới những gì đã có, đến hiện đại từ truyền thống, với tài năng, tâm huyết, niềm đam mê, cùng sự nghiêm túc, cần mẫn, người đọc có quyền hi vọng và tin tưởng vào những sinh thể nghệ thuật đầy sức sống tiếp theo của Phùng Văn Khai.

An Hòa, 6/2015