Chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và hẳn chúng ta còn nhớ, Bác Hồ là người vô cùng tiết kiệm. Bác là người sẽ luôn xét đến lợi ích của người dân trước bất kỳ quyết định nào của mình. Nên, khi nghe tin này, tôi nghĩ nếu Bác còn sống hoặc nếu ở một thế giới khác Người biết được tin này, chắc Người sẽ vô cùng thất vọng. Tại sao chúng ta đi ngược lại mong ước của Người? Khi tôi trao đổi ý kiến về việc này với một số người đang nắm giữ các vị trí xã hội quan trọng, họ đều cho rằng, việc này không nên triển khai nhưng họ không dám lên tiếng. Tôi chất vấn họ tại sao không lên tiếng phản đối, thì câu trả lời tôi nhận được là: Vì đây là dự án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu lên tiếng, rất có thể sẽ bị quy chụp về tư tưởng.



 Xây tượng đài - sự phi lý cần xem xét lại

NGUYỄN QUANG THIỀU

Tôi luôn nghĩ, khi có điều kiện, chúng ta có thể xây dựng tượng đài ghi ơn đối với các anh hùng lịch sử, với các danh nhân, bởi tượng đài không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn tạo ra những giá trị văn hóa đi xuyên thời gian, đặc biệt, khi nó trở thành những công trình ghi dấu sự sáng tạo. Và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là bức tượng mà tôi tin, nhiều người Việt Nam muốn dựng xây sao cho đẹp đẽ và ý nghĩa nhất.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, khi nợ quốc gia còn cao, khi nhiều tỉnh thành trong cả nước: cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém, khi bệnh viện chưa đủ giường cho bệnh nhân nằm, trường học chưa được khang trang, những đứa trẻ vùng cao không được mặc ấm vào mùa lạnh… thì các công trình công cộng được phê duyệt xây dựng với ngân sách khổng lồ, dễ gây ra phản ứng, là điều dễ hiểu.
Mấy ngày nay, dư luận “nóng” lên vì câu chuyện Ủy Ban Nhân dân tỉnh Sơn La thông qua đề án xây dựng cụm công trình, trong đó có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với kinh phí 1.400 tỉ đồng. Trước đó, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam được xây dựng với kinh phí 411 tỉ, sắp hoàn thành, cũng bị xã hội lên tiếng phản đối. Tôi nghĩ, phản ứng trong trường hợp cụ thể này là hoàn toàn dễ hiểu và không cực đoan. Họ không phản ứng sự tôn vinh và ghi công những người đã hy sinh cho tổ quốc mà họ phản ứng cách làm của những người có trách nhiệm. Bởi, người quyết định đề xuất và phê duyệt các đề án này đã không tư duy một cách kỹ lưỡng và thấu đáo dựa trên hoàn cảnh thực tế. Bản thân tôi cho rằng, đây là quyết định thiếu sự thận trọng.

Chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và hẳn chúng ta còn nhớ, Bác Hồ là người vô cùng tiết kiệm. Bác là người sẽ luôn xét đến lợi ích của người dân trước bất kỳ quyết định nào của mình. Nên, khi nghe tin này, tôi nghĩ nếu Bác còn sống hoặc nếu ở một thế giới khác Người biết được tin này, chắc Người sẽ vô cùng thất vọng. Tại sao chúng ta đi ngược lại mong ước của Người?
Khi tôi trao đổi ý kiến về việc này với một số người đang nắm giữ các vị trí xã hội quan trọng, họ đều cho rằng, việc này không nên triển khai nhưng họ không dám lên tiếng. Tôi chất vấn họ tại sao không lên tiếng phản đối, thì câu trả lời tôi nhận được là: Vì đây là dự án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu lên tiếng, rất có thể sẽ bị quy chụp về tư tưởng. Tôi lại thấy, sẽ rất hài hước nếu ai đó nhìn nhận việc phản đối này như một sự bất tuân về tư tưởng chính trị. Bởi vì, rất có thể là, nếu chúng ta không lên tiếng kịp thời thì tôi e rằng không lâu nữa và không xa nữa, mỗi tỉnh thành đều sẽ có kế hoạch xây thêm một tượng đài nào đó. Và tượng đài Bác Hồ, thì tỉnh nào cũng có lý do chính đáng để đề xuất.
Nhưng, họ không hiểu rằng, từ những năm tháng khi cuộc sống của chúng ta còn vô vàn khó khăn, vô vàn thách thức thì mỗi người dân đã tự dựng lên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vĩ và vững chắc trong trái tim họ rồi. Và từ xưa đến nay, lòng kính yêu Bác Hồ trong nhân dân chưa bao giờ giảm sút mà đâu cần một bức tượng nào. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết về Bác: "Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn".

Thực tế, những bài học lịch sử không phụ thuộc vào một tượng đài to hay bé. Hẳn nhiều người còn nhớ, trước đây dù chỉ có những tấm hình Bác Hồ nhỏ trong lòng bàn tay nhưng chúng ta đã dựng lên “tượng đài” về Bác trong lòng nhân dân ở những vùng xa xôi như Cà Mau, hay trong những căn hầm tối, nơi bao chiến sĩ đang “nằm gai nếm mật” để tiến hành cuộc kháng chiến vĩ đại. Việc linh thiêng và tôn kính không phụ thuộc vào sự hoành tráng của những công trình xây dựng, mà nó phụ thuộc vào lòng người.

Vậy nên, nếu chúng ta sử dụng những đồng tiền quá lớn, trong hoàn cảnh đất nước còn quá nhiều khó khăn là một sự phi lý, cần phải xem xét lại.
Nhắc đến Quảng Nam - Quảng Ngãi, thì hình ảnh mới nhất trong tôi là những xe tải chở dưa chất đầy không thể tiêu thụ. Còn nhắc đến Sơn La, thì chỉ mới đây thôi, hình ảnh những đàn gia súc, xe cộ, của cải bị cuốn trôi trong trận lũ lớn vẫn còn đầy trên các bản tin thời sự. Nên tiền nếu có, hãy dùng vào công việc phúc lợi xã hội trước tiên. Và từng ấy tiền, tôi tin là có thể tạo ra những phép lạ đối với người dân đang gặp khốn khó ở các tỉnh miền núi. 

Tôi tự hỏi, người cả đời dâng hiến như Bác, người đã sống một đời giản dị nhất, đã tránh đi những điều phù phiếm nhất, vậy tại sao con cháu của Người lại vin vào sự “ghi ơn” để phung phí những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân? Họ đang muốn tạo ra những món quà mà Người không bao giờ cần đến. Đối với tôi, 1.400 tỷ đồng hay 411 tỉ đồng là số tiền khổng lồ so với hoàn cảnh đất nước hiện tại. Những đứa trẻ thiếu thịt, thiếu áo ấm mùa lạnh, thiếu những cây cầu đến trường đang cần nó.
Dẫu vậy, tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng, việc xây dựng những tượng đài hay khu di tích lịch sử là một điều cần thiết, nhưng nó cần có quy hoạch, kế hoạch và chiến lược dài hơi, cụ thể. Ở đâu cần dựng tượng đài, và chúng ta làm đến mức nào là hợp lý luôn là bài toán cần được giải cặn kẽ trước khi quyết định. Đừng  bao giờ coi đó như một phong trào rồi sẵn sàng ném vào những đồng tiền thuế của nhân dân một cách thiếu trách nhiệm. Đó là yêu cầu khẩn thiết, lúc này.