Thật ra không biết dùng từ gì cho chính xác để nói về một sản phẩm âm nhạc hết sức đặc biệt nầy. Nhạc tờ, nhạc lá, bản nhạc, nhạc tờ hay tờ nhạc đều được dùng để nó về một tờ giấy khổ A lớn gấp đôi thành A 4, có bốn trang. Trang đầu là bức tranh và in tựa đề nói về nội dung bài hát. Hai trang giữa là những dòng kẻ, ký âm những hình nốt tương ứng với từng chữ với những nốt nhạc trong năm dòng kẻ ấy với những chỉ dẫn về nhịp điệu, cung. Thậm chí, sau nầy, trên mỗi khuôn nhạc lại được các nhạc sĩ ghi cả từng hợp âm để dễ dàng cho người đệm đàn ghi-ta hoặc piano…Bìa bốn thường là để giới thiệu về danh mục những tờ nhạc đã được xuất bản, thậm chí, đôi khi giới thiệu quảng cáo những lò dạy nhạc, hoặc giới thiệu về nhạc sĩ sáng tác bản nhạc mà người mua đang cầm trên tay. 


THÚ CHƠI TỜ NHẠC

LÊ VĂN NGHĨA

Trước đây, trong bài báo ‘Sài gòn qua dòng sông tuổi thơ’ tôi có viết một đoạn sau đây ‘ Ấy là chưa kể đến trung tâm phát hành nhạc Diên Hồng. Nơi đầy đã cho ra đời nhũng tờ nhạc lá gấp 4 trang, khổ A 4. Nhiều bạn, đa số là trẻ, đã viết thư hỏi tôi ‘tờ nhạc’ là gì mà họ chưa thấy và cũng chưa được nghe nói đến. Những thắc mắc của các bạn làm tôi thấy cần phải viết thêm về một sản phẩm âm nhạc độc đáo nầy. Trong dòng nhạc sử, theo tôi, không thể không nhắc đến.

Thật ra không biết dùng từ gì cho chính xác để nói về một sản phẩm âm nhạc hết sức đặc biệt nầy. Nhạc tờ, nhạc lá, bản nhạc, nhạc tờ hay tờ nhạc đều được dùng để nó về một tờ giấy khổ A lớn gấp đôi thành A 4, có bốn trang. Trang đầu là bức tranh và in tựa đề nói về nội dung bài hát. Hai trang giữa là những dòng kẻ, ký âm những hình nốt tương ứng với từng chữ với những nốt nhạc trong năm dòng kẻ ấy với những chỉ dẫn về nhịp điệu, cung. Thậm chí, sau nầy, trên mỗi khuôn nhạc lại được các nhạc sĩ ghi cả từng hợp âm để dễ dàng cho người đệm đàn ghi-ta hoặc piano…Bìa bốn thường là để giới thiệu về danh mục những tờ nhạc đã được xuất bản, thậm chí, đôi khi giới thiệu quảng cáo những lò dạy nhạc, hoặc giới thiệu về nhạc sĩ sáng tác bản nhạc mà người mua đang cầm trên tay. Thí dụ như lời giới thiệu nhạc sĩ Lê Thương: ‘trong 30 năm nhạc nghiệp hơn 300 nhạc phẩm anh càng chứng tỏ một quan niệm nhân sinh ngay cả cho đời nghệ sĩ. Anh đã thí nghiệm đủ các đường lối hoạt động, nhạc trẻ em, nhạc tình cảm, nhạc thời sự, nhạc tranh đấu, nhạc kịch trường, dân ca soạn cuốn Danh từ Âm nhạc từ năm 1953, nhạc pháp quốc nhạc năm 1963…’ Rồi để cạnh tranh hơn lại có thêm Câu đố có thưởng (Tả Chân nhóm- Chế linh-Vinh Sử -Cô Phượng và nhóm chủ trương hướng dẫn những sáng tác của các bạn yêu nhạc từ bốn phương gửi về., có cả tặng ảnh ca sĩ.

Theo như tài liệu mà tôi được biết ‘cha đẻ’ loại tờ nhạc nầy chính là ông Tăng Duyệt-giám đốc NXB Tinh Hoa. Ông sinh năm 1915 Sống tại Huế, cha người Quảng Đông, mẹ người Việt. La người mê sách, thấy có nhiều người cần đọc sách tại Huế lúc ấy nên ông mở hiệu sách Tân Hoa ở đường Gia Long sau chuyển lên 121 Trần Hưng Đạo. Sau đó ông mở nhà in Tân Hoa rồi NXB Tinh Hoa chuyên xuất bản tác phẩm âm nhạc. Sau lưng bìa 4 tờ nhạc có in rõ tôn chỉ cũa NXB T.H như sau: ‘Để biểu dương một nguồn âm nhạc VN Mới trên nền tảng Văn hóa và Nghệ Thuật NXB T.H đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính với một công trình ấn loát mỹ thuật để hiến các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý’.

Có lẽ ông Tăng Duyệt, với cặp mắt kinh doanh và tâm hồn yêu văn nghệ đã áp dụng sáng kiến của báo Ngày Nay trong việc dùng phương tiện ấn loát trên giấy để phổ biến nền nhạc mới. Vì từ tháng 9, 1938, báo Ngày Nay đã đăng những bài tân nhạc đầu tiên như "Bông Cúc Vàng", "Kiếp Hoa" của Nguyễn Văn Tuyên, "Bình Minh", "Ðàn Xuân "của Nguyễn Xuân Khoát, "Khúc Yêu Ðương" của Thẩm Oánh, "Bản Ðàn Xuân" của Lê Thương, "Ðám Mây Rừng " của Phạm Ðăng Hinh, "Ðường Trường" của Trần Quang Ngọc.Báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy có đăng bản "Con Thuyền Không Bến " của Ðặng Thế Phong
Theo Wikipedia thì NXB Tinh Hoa được sáng lập năm 1943 nhưng không nói rõ bản nhạc đầu tiên được phát hành là của ai mang tên gì. Nhưng theo sự tìm hiểu của tôi thì đứng đầu mục lục xuất bản từ năm 1945 là bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và trong năm này chỉ in được 8 tác phẩm ( trong đó bốn tác phẩm Đêm Đông , Trên Sông Hương, Hương Gaing một đêm trăng, Dưới Bóng Cờ là của Nguyễn Văn Thương. Phạm Duy có ‘Chiến Sĩ vô Danh’, ‘Chinh Phụ Ca’, ‘Nợ Xương Máu’ và nhạc sĩ Dương Minh Ninh với bản ‘Gấm Vàng.’
Sang năm 1946, là sự xuất hiện tên tuổi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với 4 tác phẩm ‘Giải Phóng Quân’,’Tuyên Truyền Xung Phong’, ‘Núi Non nước’, ‘Mùa Đông Binh sĩ’ trong tổng số 8 tác phẩm và những tác phẩm còn lại là của Ngọc Trai, Nguyễn Hữu Ba, Văn Đông. Trong chương trình ‘Con đường âm nhạc’ trên VTV 1 nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho biết thì bài ‘Giải Phóng Quân’ được trả 800 đồng khi giá một bản nhạc là 7 đồng.
Trong suốt 11 năm tồn tại (nếu ra đời từ năm 45) NXB Tinh Hoa của ông Tăng Duyệt đã tập hợp và xuất bản những tác phẩm gần 500 ca khúc của hầu hết các nhạc sĩ tiền bối từ trước đến nay như: Văn Cao, Phạm Duy, Trần Hoàn, Văn Giảng (tức Thông Đạt), thẩm Oánh, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Thương, Nhật Bằng, Nguyễn Mỹ Ca, Hoàng Trọng, Hoàng Giác, Thu Hồ, Anh Việt, Lê Thương, Lưu Hữu Phước, Canh Thân, Tô Vũ, Phan Huỳnh Điểu, Ngọc Trai, Dương Minh Nình, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ…
Tiếp theo sự ra đời của NXB Tinh Hoa, một loạt các NXB đã ra đời sau đó như: Thế giới (Hà Nội), Sống Chung, Á Châu (Sài gòn), An Phú. Hương Thu- Phương Mộc Lan (1949)– Diên Hồng. Nguyên Thảo- Phạm Thế Mỹ. Tiếng Bạn . Sóng Lúa. Tinh Hoa Miền Nam (hậu thân của Tinh Hoa do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo phụ trách), Minh phát, Lửa Hồng…
Về hình thức, từ những năm phôi thai, các bản nhạc thường in theo typo. Bìa nhạc chỉ dùng hai màu do các họa sĩ Phi Hùng, Ngọc Tùng, Bạch Đằng Cát Mỹ, Cát Mỹ vẽ theo lối tả chân, rất mượt mà. Khoảng một thời gian ngắn sau, xuất hiện họa sĩ Duy Liêm với lối vẽ lập thể, đầy góc cạnh, tạo ra một bộ mặt mới cho bìa nhạc. Cái độc đáo của những bìa nhạc là sự hấp hẫn từ những tranh bìa. Đó là những bức tranh nhỏ, thể hiện được nội dung bài hát qua chân tài của người họa sĩ. Rồi từ những NXB Diên Hồng, Minh Phát xuất hiện thêm những họa sĩ vẽ bìa tờ nhạc tài danh khác như Kha Thùy Châu, CVĐ.
Sau nầy, từ đầu thập nên 70 thế kỷ trước, khi kỹ thuật in offset được các nhà in phát triển thì bìa tờ nhạc là ành của các ca sĩ trẻ, người đưa nhạc phẩm đi vào công chúng bằng con đường phát thanh truyền hình như Thanh Lan, Khánh Ly, Nhật Trường, Duy Khánh, Giao Linh, Hoàng Oanh…để phục vụ cho các ‘fan’. Người không thích hát vẫn có thể mua tờ nhạc nầy vì tờ nhạc in ảnh của thần tượng. Lợi cả đôi đường. Những người sưu tầm thì mua ngay khi có nhạc phẩm mới được xuất bản rồi sau đó đóng lại thành tập. Nhờ vậy, những bản nhạc từ những ngày đầu mới còn được lưu giữ trong tay một số nhà sưu tầm trong cả nước. Vô cùng bồi hồi khi xem lại từng tờ nhạc Tinh Hoa (thời ông Tăng Duyệt), An Phú, Phương Mộc Lan, Sống Chung…khi thấy rằng lịch sử , lòng yêu nước được thể hiện rất thành công và còn vang vọng đến hôm nay như nhiều tác phẩm của những nhạc sĩ tiền bối như ‘Hò kéo gỗ ‘Thăng Long Hành Khúc’ ( Nhạc Văn Cao- Lời Văn Cao-Đỗ Hữu Ích-=Tinh Hoa-1955), ‘Quyết Tiến’-Võ Đức Thu -1953; ‘Hờn Sông Gianh’, ‘Ải Chi Lăng’ (Lưu Hữu Phước-1953-An Phú). NXB Á Châu:’Tiếng Dân chài-Phạm Đình Chương-53)’ Tiếng còi trong sương đêm’ Lê Trực (AP). ‘Đêm Lam Sơn’-nhạc và lời Thanh Toại…Nếu như ngày hôm nay, ta không thường được nghe lại những bản nhạc nầy thì chính tờ nhạc lại là ‘vật chứng’ cho một thời kỳ hào hùng trong thời kỳ nhạc mới. Các nhạc sĩ lớn trong sử nhạc VN như Nguyễn Văn Thương, Dương MinhNinh ,Hiếu Nghĩa,Thẩm Oánh ,Văn Cao- Phạm Duy, Lê Trực ( Sau nầy là Hoàng Việt)…đều dùng nhạc ‘cải cách’ để ‘khóc cười theo vận nước nổi trôi’ và ‘Quyết tiến ta giống dân Lạc Hồng. Liều thân sống ta quyết giữ gìn non sông’…

Như từ đầu đã nói, sở dĩ tờ nhạc nầy tồn tại được là nhờ vào sự đáp ứng được yêu cầu của người mê nhạc, mê hát, mê đàn. Nghe ca sĩ hát trên tivi, đài phát thanh, để hát và đàn được thì không có cách nào khác hơn là phải mua tờ nhạc nầy về để mà ‘tưng…tưng ‘theo. Ai muốn tập đàn, tập hát đều phải mua tờ nhạc nầy để hát ư ử hay đờn tửng tùng tưng trong đêm vắng để mong muốn cưa đổ cô gái hàng xóm cạnh nhà. Điển hình là bài hát có lời ‘Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức suốt đêm nay’ được sửa lời thành ‘Ước gì nhà mình chung vách anh đào tường , khoét vách chui qua’. Nhạc tờ không chỉ có những bài hát thời thượng như vậy mà còn có những bài ‘cao siêu’ như ‘Hương Xưa’ (Cung Tiến). ‘Serenade’ (Phạm Duy đặt lời) , nhẹ nhàng thì có ‘Bài không tên số 1,2,3…(Vũ Thành An), ‘Diễm Xưa’ (Trịnh Công Sơn)…Những tờ nhạc nầy đã đưa nhạc, nhạc sĩ đến gần với người yêu nhạc. Có những người mê say nhạc lá đến độ mua và đóng thành tập để đàn, để hát hay là lâu lâu giở ra coi cho đỡ buồn. Ngay cả những người mới học đàn cũng phải dùng những tờ nhạc nầy để vỡ lòng bảy nốt nhạc và cung, điệu thì đỡ nhàm chán hơn là phải học chay. Trong một số nhạc tờ cũ do tôi sưu tầm được thấy có người còn ghi cả tên nốt ngay từng hình nốt. Không chỉ tập đàn nhạc trong nước mà họ còn được tiếp cận nhạc nước ngoài được viết lời việt như ‘Sóng tà dương’( NXB An Phú-1952) ‘Chiều Tà- nhạc Enrico Toselli, lời Phạm Duy.(Đón Gió 1953), ‘Sầu’ nhạc Chopin lời Phạm Duy, ‘Mối tình xa xưa’nhạc Brahms, lời Phạm Duy (Á Châu)

Tờ nhạc không chỉ là một ‘công cụ’ cho người học hát, học đàn mà nó còn là một món quà tặng sinh nhật, những ngày trọng đại của một người thân yêu. Nó cũng có thể là quà rất ư là văn nghệ, văn gừng để tặng nhau, để thể hiện nỗi lòng. Khi cô gái giận chàng trai thì mua bản ‘ Hờn anh, giận em’ gủi cho chàng thì chàng hiểu ngay. Hoặc khi nàng bỏ chàng thì chàng tặng nàng bản nhạc ‘Tôi đưa em sang sông’ (Y Vũ) với tấm lòng chua chát ‘…Nàng đã quên một lối về’ (lời bài hát).

Sau 1975, ‘thể loại’ tờ nhạc nầy còn sống được qua NXB Âm nhạc Giải phóng khi cho phát hành một số bài hát cách mạng và NXB Trẻ in lại những tác phẩm để đời của một số nhạc sĩ lớn với kỹ thuật in hiện đại và rất đẹp. Tiếc rằng, do thu hồi không đủ vốn(?) nên đã khai tử việc xuất bản ấn phẩm nầy. Từ đó, tờ nhạc mất hẳn trong những hiệu sách và các nhạc phẩm chỉ còn được hiện diện trong những tuyển tập nhạc in chung nhiều tác giả.
Tất nhiên theo thời gian và đà tiến bộ của kỹ thuật thông tin nghe nhìn, loại hình sản phẩm văn nghệ một thời thịnh trị này sẽ chỉ còn lại trong trí nhớ và may thay còn trong tay những nhà sưu tầm tìm lại ‘Hình bóng xưa’ của âm nhạc qua… thú chơi tờ nhạc.