Nói thật, sau “Bóng đè”, rất nhiều " đại ca" làm sách mời mọc tôi làm ngay vài cuốn ăn theo để kiếm tiền. Thật ra nếu muốn thì vẫn sản xuất được thôi. Nhưng có nên và có đáng hay không? Thế là tôi lười hủi, tôi ăn tôi ngủ tôi yêu đương quên hết đất trời, nên phải xấu hổ mà nói rằng, chẳng có cái sự gì là đáng giá cả. Rồi một ngày xấu trời, tự nhiên tôi muốn viết một câu chuyện dài, thế là bắt đầu tiểu thuyết “Rắn và Tôi”. Rồi sau đó lại lên cơn cắt rời nó, hì hụi chế tác thành hai “bộ xương” mới. Ròng rã mấy năm trát lấp, giờ đã đủ “cơ mỡ da thịt”: Một là tiểu thuyết “Hầm mộ”, một còn chưa đặt tên… Dù sex hay bất cứ đề tài nào khác, nhạy cảm hay khô khan, thời thượng hay cũ rích, hiện thực hay huyền ảo..., thì tôi cũng chưa bao giờ cho đó là điều quan trọng. Quan trọng bạn viết có hay không, câu chuyện của bạn có làm người ta động não động tim không. Tất nhiên, hay dở lại tùy gu của mỗi người, nên cũng khó nói... Thôi thì người viết cứ viết ra một cách tự nhiên, số phận sẽ quyết định hậu vận cuốn sách. Tôi tin mỗi tác phẩm đều có một số phận, như con người.



NHÀ VĂN ĐỖ HOÀNG DIỆU: Hết “bóng đè” là… “hầm mộ”

Tác giả “Bóng đè” - hóa ra không hề “theo chồng bỏ cuộc chơi” mà nghe chừng là sắp trở lại, lần này là một cuốn tiểu thuyết. Liệu có là một Đỗ Hoàng Diệu “đằm” hơn, sau khi đã là vợ, là mẹ, và nhiều năm xa xứ? Vừa từ Mỹ về thăm quê hương, cũng là để lo cho cuốn sách, chị trao đổi với phóng viên Lao Động Cuối tuần.



@ Trở lại trang viết, chị có gặp phải một thứ “bóng đè” nào không, khi tác phẩm của chị từng được coi là một hiện tượng xuất bản và độc giả yêu văn chương hẳn vẫn chưa quên tên Đỗ Hoàng Diệu?
Đỗ Hoàng Diệu: Có lần tôi nói "văn chương là cuộc chơi" khiến nhiều người, nhất là một số nhà văn "chân chính nghiêm túc" phản bác gay gắt. Họ đã quá nhạy cảm. Cuộc chơi với tôi có nghĩa: thích thì viết, không thích thì thôi, chẳng đặt nặng vấn đề tiếng tăm, danh lợi hay chiều lòng thị hiếu… Tôi chưa bao giờ coi “Bóng đè” là một cái gì đó ghê gớm. Nếu nó có là “ghê gớm” với ai đó thì hẳn là do…“thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, “điếc không sợ súng” mà thôi!

@ Ra khỏi Việt Nam và tận hưởng những hạnh phúc: Làm vợ, làm mẹ…, tâm thế cầm bút của chị có thay đổi?
Đỗ Hoàng Diệu: Tôi là người không ưa dịch chuyển. Điều này có vẻ khó tin. Nhưng đúng là tôi cũ, tôi lạc hậu tới mức giờ này vẫn nói không với Facebook, và từ chối nhiều lời mời đi du lịch trên thế giới hoàn toàn miễn phí. Một căn phòng lửa ấm kín cửa với chồng sách hay trên bàn, bên ngoài tuyết rơi, trời xám là thiên đường của tôi. Tôi rời đất nước mình vì quy luật tự nhiên vợ theo chồng. Sống giữa nước Mỹ, tâm thế tôi vẫn là tâm thế của kẻ nhà quê trên cánh đồng chiêm trũng xứ Thanh. Chỉ khác kẻ nhà quê này lười lao động, chỉ mơ mộng điên điên. Nói thế không phải không có sự thay đổi nào. Tuy nhiên, sự thay đổi này hoàn toàn do tuổi tác. Thiếu nữ hai mươi khỏe mạnh, say mê, phóng túng, khơi khơi khác với đàn bà gần bốn mươi lười thể dục, hay cau có, lại nhức đầu kinh niên. Nguyễn Thanh Sơn (Nhà phê bình văn học) nói tôi rất " cũ", hoàn toàn chính xác!

@ Những gì là quý giá hơn cả, làm nên gạch nối giữa “Bóng đè” và cuốn tiểu thuyết mới?
Đỗ Hoàng Diệu: Nói thật, sau “Bóng đè”, rất nhiều " đại ca" làm sách mời mọc tôi làm ngay vài cuốn ăn theo để kiếm tiền. Thật ra nếu muốn thì vẫn sản xuất được thôi. Nhưng có nên và có đáng hay không? Thế là tôi lười hủi, tôi ăn tôi ngủ tôi yêu đương quên hết đất trời, nên phải xấu hổ mà nói rằng, chẳng có cái sự gì là đáng giá cả. Rồi một ngày xấu trời, tự nhiên tôi muốn viết một câu chuyện dài, thế là bắt đầu tiểu thuyết “Rắn và Tôi”. Rồi sau đó lại lên cơn cắt rời nó, hì hụi chế tác thành hai “bộ xương” mới. Ròng rã mấy năm trát lấp, giờ đã đủ “cơ mỡ da thịt”: Một là tiểu thuyết “Hầm mộ”, một còn chưa đặt tên.

@ “Bóng đè” từng được cho là một ẩn dụ về sự “cưỡng hôn” (mà lúc này giới trẻ gọi là… “Kiss Cam”). Vậy, trong “Hầm mộ”, chị có định dùng đến thủ pháp ẩn dụ nào tương tự?
Đỗ Hoàng Diệu: Có thể tôi không phải người tốt như người thân và vài người bạn vẫn tưởng. Một trong những thói xấu khủng khiếp là chẳng dám viết thẳng điều mình nghĩ, toàn vòng vèo loăng quăng. Bao giờ tôi cũng nhìn thẳng người đối diện khi đối thoại, nhưng viết lách thì...
Có một ngôi mộ, ai chẳng biết bên dưới sẽ là tử thi, sẽ tối tăm sẽ ghê rợn. Tôi điên, tôi muốn tách rời xác chết thành từng phần nhỏ. Phần đặt vào quan tài chín mảnh bằng vàng gửi lên thiên đàng, phần bỏ túi xách hàng hiệu chở máy bay hạng thương gia sang Mỹ, phần nhét vào túi ni lông đặt trong tủ lạnh. Rồi tôi biến ngôi mộ ấy thành cung điện thành nhà tranh vách đất thành nhà chọc trời thành bãi cỏ hoang. Và thế nào thì cuối cùng cũng quay về hầm mộ nguyên bản, cũng chỉ là nơi lạnh lẽo âm u đầy tử khí…

@ Sex vẫn tiếp tục là nguồn chất liệu đậm đặc (hay phải gọi là chất xúc tác?) trên những trang viết của chị. Vì nó là “một phần tất yếu của cuộc sống”, hay chính là cách chị “giải phóng phụ nữ” trên… bàn phím?
Đỗ Hoàng Diệu: Tôi không nghĩ các tiểu thuyết mới của mình có nhiều sex. Chắc bạn căn cứ vào những trích đoạn trên mạng? Chúng ta nên chờ, đến lúc tác phẩm trọn vẹn hình hài... Tác giả tiểu thuyết “Lụa” nổi tiếng, nhà văn người Ý, Alessandro Baricco, khi trả lời phỏng vấn có nói: "Nếu câu chuyện thực sự cần sex thì tất nhiên người viết phải viết ra thôi". Tôi chưa bao giờ chủ ý hoặc đặt mục tiêu giải phóng phụ nữ hay đấu tranh nữ quyền gì đấy mà độc giả và các nhà phê bình đã và đang " tô điểm" cho.

@ Thời điểm chị viết “Bóng đè”, sex ít nhiều còn bị coi là một điều “cấm kỵ” trong văn chương Việt (lại còn trong một mối quan hệ nhạy cảm), còn lúc này thì đã được coi như một… “thuộc tính” của nhiều trang mạng lẫn những trang viết khác. Giờ thì ứng xử thế nào với nó đây, theo chị?
Đỗ Hoàng Diệu: Dù sex hay bất cứ đề tài nào khác, nhạy cảm hay khô khan, thời thượng hay cũ rích, hiện thực hay huyền ảo..., thì tôi cũng chưa bao giờ cho đó là điều quan trọng. Quan trọng bạn viết có hay không, câu chuyện của bạn có làm người ta động não động tim không. Tất nhiên, hay dở lại tùy gu của mỗi người, nên cũng khó nói... Thôi thì người viết cứ viết ra một cách tự nhiên, số phận sẽ quyết định hậu vận cuốn sách. Tôi tin mỗi tác phẩm đều có một số phận, như con người.

@ Sinh hoạt văn chương của người Việt ta ở hải ngoại đã bao giờ là một phần khí quyển cho ngòi bút của chị?Đỗ Hoàng Diệu: Bạn hỏi tôi câu này có khi hỏi cối đá sẽ tốt hơn. Bởi tôi gần như không tham gia bất cứ hoạt động nào của văn chương hải ngoại. Khi còn ở bên trong, tôi siêng đọc văn học hải ngoại. Bây giờ ra bên ngoài, tôi lại chăm chăm tìm hương gió quê nhà, thành ra giống người ngoài hành tinh. Cũng có thể tại tôi sống tại tiểu bang heo hút, tiểu bang mà trước ngày tôi chuyển đến, nhà văn Lê Thị Thấm Vân đã chắc chắn tôi rồi sẽ buồn sẽ cô đơn sẽ khóc đến cạn kiệt. Còn trong một tư cách một độc giả, tôi thấy văn học của người Việt ở hải ngoại đang trong quá trình lão hóa. Cũng phải, thứ tiếng Việt di cư "năm tư" gần như sắp tuyệt tự. Bây giờ, Tây ta lẫn lộn, hiện đại quá, người cũ rích như tôi cảm thấy rất khó nhằn.

@ Lâu lắm văn chương VN không tạo ra được một hiện tượng văn học nào đáng kể. Chị nghĩ sao về một thế hệ người đọc mỗi sáng ra là lên phây, tiện gì đọc nấy, phó mặc sự đọc theo các dòng link? Động lực viết của chị có vì thế mà bị giảm bớt?
Đỗ Hoàng Diệu: Như đã nói, tôi không dùng Facebook, tôi sống và viết trong thế giới cô độc, quái dị của riêng mình. Nôm na thì chính Facebook mới là một dạng đồ ăn nhanh, nhiều mỡ nhiều muối nhiều đường và tất nhiên rất ngon. Tôi không có gì để khoe trên đó, cũng không muốn mất thời gian làm mếch lòng hay vừa lòng những người bạn ảo, nhưng không vì thế mà đả kích sở thích của người khác. Sống khó lắm, sống làm sao vui là được.

@ Lúc này, chị thấy thứ “bóng đè” nào mới là đáng sợ hơn cả đối với một người viết trẻ, và một người trẻ nói chung?
Đỗ Hoàng Diệu: Khoa học giải thích chẳng có sự vật nào gọi là "bóng" đè lên người. Chỉ là tim mạch, thần kinh không khỏe nên chúng ta tự đè chính chúng ta. Người viết trẻ lại thường ảo tưởng về văn chương. Sự ảo tưởng đó nhiều khi nghiến tàn nghiến phế ngòi bút của họ.
Các cô gái bán dâm hay đổ tại hoàn cảnh. Tôi chẳng bao giờ mủi lòng trước những câu chuyện đa phần từ thêu dệt ấy. Tại sao cô nọ cô kia cùng làng, cũng nghèo, cha cũng chết sớm, cũng một đàn em nhỏ như cô, người ta làm công nhân làm trông trẻ hay nuôi lợn nuôi gà kiếm tiền, còn cô... Nếu bạn thực sự có tài, ngòi bút của bạn chắc, tư tưởng kiên định thì chẳng có thứ “bóng đè” nào ảnh hưởng hay đe dọa được bạn cả.

@ Những tên sách của chị vì sao luôn gợi cảm giác bí bách, ngột ngạt? Một trạng thái nội tâm thường có ở chị, hay là cách chị… kiếm cớ để nói về lối thoát?
Đỗ Hoàng Diệu: Tôi điên. Tôi biết tôi điên. Đã uống nhiều "thuốc" mà không khỏi. Đành chấp nhận sự thật mình mắc bệnh kinh niên, đành lừa lựa sống chung cùng nó. Người ta cứ nói cuộc sống của tôi ổn thế, sao không viết cái gì tươi sáng cái gì phơi phới đi. Có muốn cũng không được. Bởi khi bắt đầu với một tác phẩm nào đó, cho dù đề tài rất bình thường, đầu óc tôi sẽ vặn vẹo rồi tung quật rồi đẩy hiện thực đó vào một thế giới quái đản hoang đường.

@ Lối thoát nào theo chị là khôn ngoan?
Đỗ Hoàng Diệu: Bản thân tôi không thoát nổi chính mình, nên tác phẩm thường bỏ ngỏ. Mỗi độc giả sẽ tìm cho mình một lối thoát riêng. Tôi phó mặc, tôi nhờ độc giả làm điều đó. Mà rất có thể tôi cũng chẳng muốn thoát. Có thể lối thoát ngay trước mặt mà tôi làm lơ. Nhưng biết đâu, cuộc sống cũng cần phải có những khoảnh khác bị “bóng đè”, phải chui vào “hầm mộ”, đối mặt với những màn “hù dọa” ấy của đời sống thì người ta mới biết quý những phút giây òa vỡ trước “giếng trời”? Thì "hầm mộ" ở ngay giữa "giếng trời" và "giếng trời" tọa lạc sừng sững giữa "hầm mộ" mà! Chỉ là tôi đang trốn tránh.
Bởi tôi không những điên, mà còn là một kẻ đa nhân cách. Biết chăm con, biết lái xe, biết trả giá khi mua hàng ngoài chợ..., thì cũng khá bình thường phải không nào? Nhưng hễ bất chợt đọc báo lá cải miêu tả mông cô Ngọc Trinh rất đẹp, thì một phần con người tôi đã chui xuống “hầm mộ” để kể chuyện oan hồn. Nên một bên não tôi kể chuyện luật sư đanh thép trước tòa, một bên não vẫn phủ đầy cái mông cô Ngọc Trinh. Rất nhiều khi tôi vừa xem ti vi vừa viết văn là vì thế…

@ Đón chờ cuốn sách mới của chị. Xin cảm ơn chị!
                                THỦY LÊ (thực hiện)