Nhà thơ Bùi Hoàng Tám nêu vấn đề: "Giả sử tất cả 15 vị trong Ban chấp hành cũ đều trúng cử ban chấp hành mới thì đây có lẽ là thất bại rất lớn của nền văn học nói chung, của Ban chấp hành khóa 8 nói riêng. Nói thất bại của nền văn học bởi suốt 5 năm qua, chúng ta không có một gương mặt nào “sáng giá”, xứng đáng vào ban chấp hành của Hội. Phải chăng văn học của chúng ta hiện nay “vô phúc” đến mức “con không bằng cha”? Phải chăng văn học hôm nay chỉ là “ăn mày dĩ vãng”? Nói thất bại của Ban chấp hành khóa 8 là bởi một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó chính là đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế cận thì tiếc thay, Ban chấp hành khóa 8 đã không làm được điều này. Một thất bại nữa là nhiều nhà văn nằm trong ban chấp hành hiện nay đều thuộc “nhân sinh thất thập” mà người xưa đã nói “người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”. Thọ bảy mươi đã hiếm mà bảy mươi vẫn còn phải lao động, tham gia ban chấp hành thì không còn hiếm nữa mà lạ".


HỘI NHÀ VĂN VN SAO CỨ BẮT ÉP NGƯỜI GIÀ LÀM LÃNH ĐẠO?

BÙI HOÀNG TÁM

Có một điều mới và lạ trong dịp đại hội cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, đó là khác với những lần trước, đại hội lần thứ 9, ngoài danh sách bầu đại biểu đi dự Đại hội Nhà văn toàn quốc, mỗi nhà văn được phát thêm một phiếu đề cử nhân sự vào ban chấp hành nhiệm kỳ mới.

Theo thông tin từ một nguồn tin cậy, chỉ có 2 người đạt trên 50% phiếu đề cử vào Ban chấp hành khóa 9 là Nhà thơ Hữu Thỉnh và Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đồng thời Ban chấp hành khóa 8 dự định 20 người có số phiếu cao nhất tính từ trên xuống sẽ nằm trong danh sách đề cử ban chấp hành mới (dự kiến khoảng 15 người).
Điều đáng lưu ý là tất cả 15 ủy viên Ban chấp hành cũ đều nằm trong số 20 người này. Như vậy, nếu phương án lựa chọn các ứng cử viên như trên được thông qua, hoàn toàn có thể hầu hết ban chấp hành cũ sẽ ở lại. Điều này đáng mừng vui hay đáng lo ngại ? Các nhà văn hãy suy nghĩ để trả lời câu hỏi ấy.
Nhưng trước hết điều này nảy sinh một số mâu thuẫn.

Theo điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam, chỉ có Đại hội toàn quốc mới có quyền quyết định tất cả các hoạt động của Hội Nhà văn trong một nhiệm kỳ. Đại hội khu vực, ngoài những góp ý cho văn kiện đại hội thì nhiệm vụ quan trọng nhất chính là bầu ra các đại biểu đi dự đại hội toàn quốc.
Cũng như đại hội khu vực của Đại hội trước, các nhà văn được phát phiếu thăm dò nhân sự, nhưng ở Đại hội chính thức vẫn lấy phiếu đề cử nhân sự rồi mới có được danh sách bầu BCH mà Đại hội 8 là Đại hội toàn thể.
Tại Đại hội Nhà văn lần này, 50% đại biểu được đi dự Đại hội toàn quốc. Nếu coi việc lấy phiếu thăm dò vừa qua như một danh sách đề cử, sẽ có hai điều xảy ra.
Thứ nhất, về lý thuyết, nếu 20 người có số phiếu cao nhất lại do 50% số nhà văn không được đi dự đại hội bầu thì khi đó, người ở nhà sẽ quyết thay người đi họp.
Mặt khác, nếu coi việc lấy phiếu tín nhiệm ở đại hội khu vực là phiếu đề cử tức là về phần nhân sự, đã được quyết định từ đại hội khu vực. Việc bầu cử ở Đại hội toàn quốc thực chất chỉ còn là cuộc lấy phiếu tín nhiệm các nhân sự cơ bản đã được quyết định ở các đại hội khu vực.
Việc làm này trái với điều lệ đồng thời thiếu sự tôn trọng cần có với các đại biểu có mặt tại đại hội. Xin lỗi vì mọi sự so sánh đều khập khiễng, song nói theo ngôn ngữ dân gian, nó giống như kiểu “án bỏ túi”.
Thứ hai, giả sử tất cả 15 vị trong Ban chấp hành cũ đều trúng cử ban chấp hành mới thì đây có lẽ là thất bại rất lớn của nền văn học nói chung, của Ban chấp hành khóa 8 nói riêng.
Nói thất bại của nền văn học bởi suốt 5 năm qua, chúng ta không có một gương mặt nào “sáng giá”, xứng đáng vào ban chấp hành của Hội. Phải chăng văn học của chúng ta hiện nay “vô phúc” đến mức “con không bằng cha”? Phải chăng văn học hôm nay chỉ là “ăn mày dĩ vãng”?
Tôi tin rằng, không ít các ủy viên BCH Khóa 8 sẽ cảm thấy khó nói và ngượng ngùng khi qua 5 năm mà chẳng có gì mới mẻ.
Nói thất bại của Ban chấp hành khóa 8 là bởi một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó chính là đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế cận thì tiếc thay, Ban chấp hành khóa 8 đã không làm được điều này.
Một thất bại nữa là nhiều nhà văn nằm trong ban chấp hành hiện nay đều thuộc “nhân sinh thất thập” mà người xưa đã nói “Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”. Thọ bảy mươi đã hiếm mà bảy mươi vẫn còn phải lao động, tham gia ban chấp hành thì không còn hiếm nữa mà lạ.
Cuối cùng, nếu công nhận kết quả phiếu thăm dò tức là công nhận đại hội khu vực là đại hội cấp I và đại hội toàn quốc là đại hội cấp II như ai đó đã nói. Như vậy, đây được coi là “kỳ tích” bởi hàng chục năm nay chưa có bất cứ tổ chức nào có mô hình đại hội kiểu cấp I, cấp II như thế này.