Tản văn là thể loại văn học gần với đời thường nhất. Tản văn thuyết phục người đọc khi tác giả biết khai thác bản thân ở trải nghiệm phong phú hoặc ở tâm tư trắc ẩn. Dạ Ngân có cả hai yếu tố ấy và dung hòa hai yếu tố ấy một cách uyển chuyển… Nếu so với những cuốn tạp văn trước đây của Dạ Ngân như “Lục bình mải miết” hay “Gánh đàn bà”, thì “Hoa ở trong lòng” ngổn ngang hơn và cũng sâu đằm hơn. 49 tản văn trải dài trong 200 trang sách như những con sóng dội lại âm thầm từ xã hội cuồn cuộn bao đổi thay chóng mặt. Từ chuyện triều cường thường xuyên ảnh hưởng cư dân đô thị cho đến chuyện con gái miệt vườn nhắm mắt đưa chân lấy chồng ngoại quốc, Dạ Ngân đều chọn góc nhìn của một người phụ nữ đa đoan, lắng dịu mà cởi mở, nghiêm trang mà độ lượng.




HOA Ở TRONG LÒNG NGƯỜI CẦM BÚT

TUY HÒA

Dạ Ngân là một gương mặt nữ sĩ tiêu biểu nhất của Nam bộ sau năm 1975. Sinh ra ở vùng kháng chiến Long Mỹ - Hậu Giang, nên từ khi 14 tuổi, chị tham gia cách mạng với tư cách một phóng viên. Sau ngày đất nước hòa bình, Dạ Ngân chuyên cần trao dồi và miệt mài sáng tạo. Dù tuổi ba mươi đã nổi tiếng với những tác phẩm “Quãng đời ấm áp”, “Ngày của một đời”, “Con chó và vụ ly hôn”… nhưng năm 1993 chị vẫn xách cặp đến giảng đường đại học ở tuổi 41.

Sau ngày về hưu, Dạ Ngân cùng chồng – nhà văn Nguyễn Quang Thân rời Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống và liên tục cho ra mắt nhiều tác phẩm. Cuốn tạp văn mới nhất của Dạ Ngân vừa được NXB Phụ Nữ ấn hành có tên gọi “Hoa ở trong lòng”.

Tản văn là thể loại văn học gần với đời thường nhất. Tản văn thuyết phục người đọc khi tác giả biết khai thác bản thân ở trải nghiệm phong phú hoặc ở tâm tư trắc ẩn. Dạ Ngân có cả hai yếu tố ấy và dung hòa hai yếu tố ấy một cách uyển chuyển. Trong “Ngày không cây”, chị đau đáu: “Hàng ngày đập vào mắt chúng ta những phòng khách, những hội trường thi đua cầu kỳ và bề thế. Ở nhiều tỉnh, các ông quan ngồi lút trong những chiếc ghế có ngai có ngù chạm khảm (bên cạnh hai chiếc ngà voi to tướng). Và những ngôi nhà gỗ, những cánh cửa lim, những sập gụ, những bộ salon siêu cỡ… Thói xấu ấy nhiễm vào dân chúng, hay vì dân chúng cũng bất cần giữ gìn? Thế là cái chết của rừng đang được báo trước, thế là đồi núi trọc và lũ lụt mỗi năm mỗi hung tợn hơn”. Còn trong “Trẻ ngày hè”, chị không giấu được niềm thương cảm: “Hầu như gia tộc nào cũng có cái cuống nhau ở quê để động lòng, nhưng không nhiều nhà dám đẩy con về quê. Vì sao? Vì quê nghèo thưa vắng quá chừng, vừa tối là phải khóa chuồng và đóng cửa, người già lay lắt, người trẻ đi gần hết ra chốn đô hội để bán sức và bán thân, có sinh khí gì đâu mà con trẻ tìm về?”.

Tản văn được mặc định hạn chế hư cấu, nên sức hấp dẫn của tản văn nằm ở sự bộc bạch riêng tư. Dạ Ngân hé lộ nhiều góc khuất đời mình: “Tuổi thơ tôi dài mười năm, nó kết thúc khi từ Côn Đảo, nhà chức trách báo tin ba tôi bị đột tử trong tù, thực ra là bị tra tấn đến chết” và một gia đoạn đã sống hiến dâng: “Miền Tây thời bưng biền kháng chiến, đỉa và rắn sẵn hơn cơm gạo. Cầm cái xoong múc nước đìa lên nấu uống, thấy đỉa; ngồi trên sạp xuồng múc nước tắm cũng thấy đỉa; đi cấy đi gặt lúa giúp dân là phải chịu đựng đỉa”.

Là một đứa con của đồng bằng sông Cửu Long, từng gắn bó và từng chia xa, nên Dạ Ngân thấu hiểu và trân trọng mỗi sản vật đặc thù nơi đây. Chị gọi “Con cá linh diệu kỳ” trìu mến: “Không có con cá trứ danh nào gắn liền với mùa nước nổi như con cá linh. Cá sặc ư, đó là thứ cá của đồng bưng, của năn lác và đồng sậy đường lờ. Cá lóc ư, mùa mưa già cá lóc đồng trẻ ra, mềm và vảy sáng lên nhưng nhất định không danh tiếng bằng cá linh”. Và chị cũng “Nghe lúa” xót xa: “Cây lúa và nhà nông như vợ với chồng, cứ thế mặn nồng, sinh sôi, sung túc. Nhưng không ai phụ ai mà nhà nông chán lúa, phụ bạc lúa để vui duyên với những thứ khác sinh lợi nhiều hơn. Những cánh đồng vụn ra, cây mía chen vào, cây vườn tiến ra, gặp nhau người ta toàn bàn chuyện cây gì con gì, chứ lúa thì giống như vợ cả, già nua, cũ mèm, chán ngắt”.

Nếu so với những cuốn tạp văn trước đây của Dạ Ngân như “Lục bình mải miết” hay “Gánh đàn bà”, thì “Hoa ở trong lòng” ngổn ngang hơn và cũng sâu đằm hơn. 49 tản văn trải dài trong 200 trang sách như những con sóng dội lại âm thầm từ xã hội cuồn cuộn bao đổi thay chóng mặt. Từ chuyện triều cường thường xuyên ảnh hưởng cư dân đô thị cho đến chuyện con gái miệt vườn nhắm mắt đưa chân lấy chồng ngoại quốc, Dạ Ngân đều chọn góc nhìn của một người phụ nữ đa đoan, lắng dịu mà cởi mở, nghiêm trang mà độ lượng.