Hồi ức nhiều kỷ niệm của nhà văn Châu La Việt: “Sau khi học hết phổ thông, chúng tôi chia tay nhau. Lưu Trọng Văn lên tàu liên vận sang Liên Xô học về xây dựng,  tôi tình nguyện nhập ngũ sang chiến đấu ở mặt trận Lào, và Ánh Biếc cũng nhập ngũ vào chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, “Thế là từ đó mất tin nhau”, như câu thơ của cụ Vũ Cao. Lưu Trọng Văn thì đã đành, vì tít tắp phương trời xa. Ánh Biếc với tôi cùng một màu áo lính nhưng hai đứa ở hai mặt trận, và xem ra cùng bận bịu với súng ống đì đoàng suốt ngày đêm nên cũng chẳng mấy chú ý tới thi ca… Chỉ sau này khi tôi từ đơn vị chiến đấu được điều về đội nghệ thuật của binh trạm (gọi là đội tuyên văn) mới có chiếc đài Orionton theo dõi tin tức hàng ngày, thì mới hay Ánh Biếc giờ vẫn đang làm thơ, với bút danh mới chính là tên khai sinh Hoàng Nhuận Cầm, và đặc biệt anh mới được giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ .Thú thật giữa mặt trận nghe tin ấy mà tôi mừng rơi nước mắt...”



SỨC CÒN LẠI ĐỂ HÁT VỚI LƯU TRỌNG VĂN

CHÂU LA VIỆT

Ngày ấy, chúng tôi (bao gồm Ánh Biếc, Lưu Trọng Văn và Châu La Việt) đều sàn sàn tuổi 15,16, đều đang là thư sinh tại Hà nội, và đều cùng rất yêu thơ (Vì yêu thơ nên mới tìm đến nhau chứ!). Cũng như anh Lưu Quang Vũ là con bác Lưu Quang Thuận- làm thơ và viết chèo, thì chúng tôi cũng thuộc diện con nhà nòi:  Ánh Biếc là con nhạc sỹ Hoàng Giác - Tác giả của bài “Mơ hoa” nổi tiếng, Lưu Trọng Văn là con thi sỹ Lưu Trọng Lư, và tôi có người mẹ nổi tiếng với bài “Xa khơi”… Nghĩa là chúng tôi cũng tương tự nhau, đều cùng là “con nhà nòi”, đều say mê và đều rạo rực với thơ ca như có bùa mê. Bởi thế chúng tôi đã tìm đến nhau, tuy chưa đến mức như Lưu Bị- Quan Công- Trương Phi kết nghĩa vườn đào, nhưng cũng thấy thân thiết và ý vị lắm… 
Trong ba thằng thì Ánh Biếc thời ấy nổi tiếng hơn cả, bởi nó chịu gửi thơ đi khắp mọi nơi, cũng có nhiều báo đăng, kể cả ở Tạp chí Phổ Thông. Bao giờ dưới tên ký Ánh Biếc, cũng thấy nó mở ngoặc ghi thêm địa chỉ (124 Hàng Bạc-  Hà Nội). Thơ Ánh Biếc làm giai đoạn này giống ca dao, kiểu như “Rung rinh lá ngụy trang cười”... Tôi thì chỉ có một bài thơ mang tên “Khoanh trời nhỏ” in ở tập sáng tác Hà Nội, tuổi cũng đã lớn mà làm thơ vẫn còn ngớ ngẩn xưng “em”, bây giờ nghĩ lại thấy ngượng vô cùng. Em thế này và em thế kia, đại loại như: “Em yêu khoanh trời nhỏ/ có hàng vạn ngôi sao/ Có vầng trăng sáng tỏ / Như hoa nở trời cao…” (Có khi người ta cho in vì tưởng là thơ thiếu nhi mà chiếu cố!)
Lưu Trọng Văn thì già dặn, “cụ non” hơn ( dù hồi ấy tóc nó còn sum suê). Thơ Văn chưa in ở đâu, dù nếu nó thích thì được in, chỉ cần nhờ “phụ huynh” đưa cho báo (Cụ Lư thời ấy uy thế lắm). Nó chỉ đọc cho chúng tôi nghe, nhưng xem ra thơ nó cũng khác thường , thâm trầm, khúc triết ,và có nhiều câu hay… 
Thế rồi sau khi học hết phổ thông, chúng tôi chia tay nhau. Lưu Trọng Văn lên tàu liên vận sang Liên Xô học về xây dựng,  tôi tình nguyện nhập ngũ sang chiến đấu ở mặt trận Lào, và Ánh Biếc cũng nhập ngũ vào chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, “Thế là từ đó mất tin nhau”, như câu thơ của cụ Vũ Cao.
Lưu Trọng Văn thì đã đành, vì tít tắp phương trời xa. Ánh Biếc với tôi cùng một màu áo lính nhưng hai đứa ở hai mặt trận, và xem ra cùng bận bịu với súng ống đì đoàng suốt ngày đêm nên cũng chẳng mấy chú ý tới thi ca… Chỉ sau này khi tôi từ đơn vị chiến đấu được điều về đội nghệ thuật của binh trạm (gọi là đội tuyên văn) mới có chiếc đài Orionton theo dõi tin tức hàng ngày, thì mới hay Ánh Biếc giờ vẫn đang làm thơ, với bút danh mới chính là tên khai sinh Hoàng Nhuận Cầm, và đặc biệt anh mới được giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ .Thú thật giữa mặt trận nghe tin ấy mà tôi mừng rơi nước mắt...
Có một đêm ở hang đá kia, đội tuyên văn chúng tôi có môt buổi biểu diễn đặc biệt cho một đơn vị ngày mai sẽ đi vào một trận đánh ác liệt… Nhìn ánh mắt những người chiến sỹ đối mặt với cái chết mà vẫn thanh thản lắng nghe từng lời ca tiếng hát, thú thật tôi xúc động muốn trào nước mắt. Sức mạnh nghệ thuật thật lớn lao, lòng yêu nghệ thuật t và sức mạnh người lính cũng thật lớn lao… Đêm ấy tôi đã thức và viết vội những câu thơ cho một bài thơ mang tên “Sức còn lại để hát” (tên ban đầu là Tiếng hát giữa rừng) trong cuốn sổ tay của mình:
Sau trận đánh những người lính bên nhau
Từ ngón tay đồng đội
Một tiếng đàn vút cao
Như chẳng có gì đâu
Tiếng đàn gợi phố phường mùi hoa sữa
Bài ca mùa thu, bài ca mùa hạ
Hoa phượng rơi như vũ nữ xoay xoay…
Như chẳng có gì đâu đêm nay
Cánh đồng quê hương thơm mùi gặt hái
Cô gái ta yêu như đám mây đỏ cháy
Thức bình minh sáng dậy cánh đồng…
… Bài thơ ấy nằm trong sổ tay của tôi nhiều năm, cho đến khi chiến tranh kết thúc, tôi trở về Hà Nội học về ngữ văn, mới lần giở lại những vần thơ ấy. Thấy hay hay như một kỷ niệm chiến trường, toan chép gửi Văn Nghệ Quân Đội. Nhưng giờ đây khi tĩnh tâm đọc lại, bỗng lại thấy ngờ ngợ câu thơ: “Bài ca mùa thu, bài ca mùa hạ / Hoa phượng rơi như vũ nữ xoay xoay…”. Vân vi mãi, mới chợt nhớ ra: “Thôi chết, câu thơ này là của Lưu Trọng Văn!”.
Tôi nhớ lại một đêm năm xưa, Lưu Trọng Văn có đọc tôi nghe một bài thơ viết về mùa hạ, viết về tuổi thơ Hà Nội, trong đó có nhiều câu hay, như “hoa phượng vĩ như người vũ nữ váy đỏ xoay liệng giữa không trung…”. Câu thơ ấy rất ấn tượng với tôi, để rồi nhiểu năm tháng sau nó cứ đeo đẳng tôi mãi, vào cả nơi bom rơi đạn nổ, và rồi bất ngờ vào thơ tôi lúc nào không biết..
“Câu thơ hay như những hạt ngọc. Cớ gì mà mình lấy chuỗi ngọc của bạn làm trang sức cho mình. Ngượng lắm!”, tôi thầm nghĩ và quyết tìm câu thơ khác thay thế. Cho đến một buổi kia, gặp Tô Lan Phương, một giọng hát nổi tiếng của chiến trường Nam bộ, nghe Phương tâm sự tuổi 17 từ Hà Nội khoác ba lô vượt Trường Sơn vào chiến trường, buổi ra đi chỉ mong có một ai ra tiễn mà bởi bí mật ngày ấy, mong ước đó không thể thực hiện, phải lặng lẽ ra đi trong nước mắt chảy ngược vào trong ... Một câu thơ bỗng bật lên trong tôi:” 17 tuổi em đi vào tuyến lửa/ Hoa nhớ em thả hương suốt đêm thâu”. Và tôi thầm hiểu, câu thơ này xứng đáng lấp vào "chuỗi ngọc" của Lưu Trọng Văn trong bài thơ của tôi…
Và thế là “Sức còn lại để hát” ra đời. Nó được in ở Báo Văn Nghệ, báo Nhân Dân,và tạp chí Văn Nghệ Quân Đội…Và hôm nay tôi xin chép lại, tặng các bạn tôi ở mặt trận Cánh Đồng Chum (Lào),các bạn tôi ở đội Tuyên văn BT 13,và riêng tặng Lưu Trọng Văn ...

Sức còn lại để hát
1-
Sau trận đánh những người lính bên nhau
Từ ngón tay đồng đội
Một tiếng đàn vút cao
Như chẳng có gì đâu
Tiếng đàn gợi phố phường mùi hoa sữa
17 tuổi em đi vào tuyến lửa
Hoa nhớ em thả hương suốt đêm thâu
Như chẳng có gì đâu
Cánh đồng quê hương thơm mùi gặt hái
Cô gái ta yêu như đám mây đỏ cháy
Thức bình minh sáng dậy cánh đồng…
Như chẳng có gì tiếng nhạc giữa cánh rừng
Thiếu muối thiếu cơm thiếu sao đành nó được
Đêm mưa lạnh tựa nhau trong lòng đất
Cứ hát lên là lòng ấm bao nhiêu
Cuộc đời người lính chẳng có gì nhiều
Mà âm nhạc làm giàu lên đến thế
Những người lính ngồi bên nhau hát khẽ
Sao quân thù không hiểu được điều này?
2-
Những cánh rừng lá bay
Cánh chuồn mong manh đan xiên tìm nắng
Tiếng bom âm u chìm trong khe vắng
Chuồn cứ bay và lá cứ bay bay…
Nhưng chút nữa thôi khi âm nhạc tràn đầy
Như bỗng có hoa lên dầy mặt đất
Như bỗng trời xanh thả nhạn mùa thu bay
Như bỗng kỷ niệm về đây gặp mặt
Nồng nàn quá ráng hồng choàng lên đất
Hoàng hôn như cô gái hát khi say…
Âm nhạc ơi âm nhạc
Như chẳng có gì đâu
Mà lòng ta khát khao
Tiếng đàn bầu gợi nhớ
Tiếng ghi ta bập bùng ánh lửa
Tiếng sáo tre lơi lả cánh diều
Tiếng vĩ cầm xao động ngôi sao chiều
Nếu như rồi chẳng có
Hẳn chiến trường sẽ chỉ toàn bom nổ
Trái tim mình biết đập làm sao?
Trận đánh phía trước dẫu mất mát còn nhiều
Nhưng khi lòng mình hát
Những tâm hồn bên trong đầy nhạc
Khẩu súng trong tay chắc vững vàng hơn…
3-
Rừng lại nối tiếp rừng
Những người lính đi vào trận đánh mới
Trời xanh bình yên ở lại
Những bóng nắng lặng im
Những bông hoa ở lại
Rừng sau lưng lá mãi nghiêng nghiêng
Không có tiếng kèn thôi thúc
Hiệu lệnh gọn : xung phong
Những người lính chồm lên từ đất
Đồn giặc chuyển rung
…Tưởng chẳng có gì ngoài súng đạn
Ai ngờ rằng có câu hát đi theo
Nàng Vân Dại nổi loạn giữa câu chèo
Chàng Thạch Sanh với cây đàn tích tịch
Lý ngựa ô rung bờm vào chiến dịch
Sông Vàm cỏ 
câu vọng cổ đổ xuôi
Câu quan họ với bèo dạt mây trôi
chốn xa xôi này đây em vẫn đợi
Con gà rừng đi trong mùa gặt mới
Bỗng thắp lửa lên sáng những tâm hồn
Như chẳng thể có gì mãnh liệt hơn
Giữa mặt trận có những bài ca ấy…
Nếu không thế sao người lính ấy
Đạn thù cắm vào tim
Anh vẫn dướn người lên
Sức còn lại để hát…