Đoàn Thị Tảo cứ lặng lẽ sống và viết bên cạnh người chị gái Đoàn Lê đã dư thừa sự nổi tiếng và cả những nỗi đắng cay trong cuộc đời. Hiện nay, Đoàn Thị Tảo đã in ba tập thơ có tên: "Lá rụng". "Lỡ", "Thu biển" và một tập truyện mang nhiều nỗi niềm tự sự là "Chín người mười làng". Chị cũng không ngại ngần khi nói ra sự thật của thơ: "Thơ tôi/ Bán: chẳng ai mua/ Cho: phiền người nhận/ Cất ráo vào lòng/ Thi thoảng/ Ngày - Rỡ tung ra hong/ Đêm- ủ men say mèm/ Một mình ngất ngư tới sáng..."... Thế nhưng, thơ như một thứ bùa mê, đã vận vào người khó lòng gỡ ra cho nổi. Làm thơ từ thuở tóc thề chấm vai (Bài thơ "Cho một ngày sinh" tặng chị gái, Đoàn Thị Tảo làm từ năm 18 tuổi), bây giờ tóc bạc da mồi, đi qua nhiều cung bậc buồn vui sầu khổ... chị vẫn chưa nguôi nỗi niềm tha thiết với thơ. Tuy nhiên đến nay, Đoàn Thị Tảo vẫn được mọi người nhớ đến và yêu mến nhiều nhất qua bài thơ "Cho một ngày sinh" viết tặng người chị gái yêu của mình.



ĐOÀN THỊ TẢO TÌNH RIÊNG BỎ CHỢ
NGUYỆT HÀ

Nhà thơ Đoàn Thị Tảo sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hải Phòng có tới 12 anh chị em. Nhưng ngay từ thuở nhỏ, hai chị em liền kề nhau Đoàn Thị Lê - Đoàn Thị Tảo là một cặp, đi đâu cũng có chị, có em. Lớn lên, khi chị gái Đoàn Lê vội vã bước vào cuộc hôn nhân đầu tiên và sớm có con gái đầu lòng khi vẫn còn đang học lớp Sân khấu - Điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, em gái Đoàn Thị Tảo đã chia sẻ với chị nỗi vất vả này. Sinh con được 15 ngày, Đoàn Lê gửi con gái bé bỏng ở nhà cho em nuôi để đi theo đoàn làm phim. 
Nhắc tới nhà văn Đoàn Lê là người ta thường nhắc tới những câu thơ gan ruột đầy dự cảm của người em gái là Đoàn Thị Tảo tặng chị mình trong bài thơ "Cho một ngày sinh". Sau này, khi bài thơ "kết duyên" với nhạc sĩ Trọng Đài để thành những câu hát đầy ám ảnh được nhiều người yêu thích: "Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Vấn vương mấy sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ/ Tình người đa đoan...". Nhưng ít ai biết rằng, bài thơ đó cũng rất đúng với chính cuộc đời Đoàn Thị Tảo. Bao nhiêu năm qua, Đoàn Thị Tảo vẫn sống lặng lẽ bên cạnh người chị thành danh của mình với hai công việc chính: Làm bếp và làm thơ tình!
Còn nhớ, lần trước khi chúng tôi đến thăm hai chị em nhà văn Đoàn Lê và nhà thơ Đoàn Thị Tảo ở xóm núi Đồ Sơn (Hải Phòng), nhà thơ Đoàn Thị Tảo cũng đang cầm đôi đũa đứng nấu vừa bếp quay ra cười vang nói vui với khách: "Tử vi nói rằng mệnh tôi đóng ở cung... bếp. Cứ ở bếp là rất rực rỡ. Cứ được nấu ăn, được ngắm mọi người ăn ngon miệng là tôi thấy hạnh phúc rồi. Lắm khi chẳng cần ăn nữa!".
Đã mấy chục năm nay, chị Tảo lấy bếp lửa làm vui, lấy trang thơ làm nỗi niềm tâm sự. Còn nhớ chừng hai mươi năm trước, khi chị Đoàn Lê xách chiếc va ly toàn quần áo của mình rời Hà Nội trở về xóm biển Đồ Sơn, dưới chân núi Mẫu, hai chị em mua đất làm nhà. Chị gái Đoàn Lê viết văn và vẽ. Còn cô em Đoàn Thị Tảo sắm vai một người nội trợ tảo tần. Hai chị em, hai căn nhà nhỏ liền kề, sống nương tựa vào nhau lúc tuổi đã vào hồi xế bóng! Tuy chung mà lại rất riêng. Đêm đến mỗi người một cõi, mỗi người mỗi mộng. Sáng sáng trở dậy, em Tảo đi chợ nấu ăn sáng, rồi hai chị em uống cà phê, nói chuyện cũ, có những chuyện từ thuở ấu thơ, để rồi mỗi người lại một việc. Chị Đoàn Lê lại mải mê trên xưởng vẽ hoặc lên gác viết văn. Em thì dọn dẹp cửa nhà, chuẩn bị bữa trưa và có khi cảm xúc đến bất chợt lại ngồi vào bàn viết truyện, làm thơ.
Đoàn Thị Tảo cứ lặng lẽ sống và viết như thế bên cạnh người chị gái Đoàn Lê đã dư thừa sự nổi tiếng và cả những nỗi đắng cay trong cuộc đời. Hiện nay, Đoàn Thị Tảo đã in ba tập thơ có tên: "Lá rụng". "Lỡ", "Thu biển" và một tập truyện mang nhiều nỗi niềm tự sự là "Chín người mười làng". Chị cũng không ngại ngần khi nói ra sự thật của thơ: "Thơ tôi/ Bán: chẳng ai mua/ Cho: phiền người nhận/ Cất ráo vào lòng/ Thi thoảng/ Ngày - Rỡ tung ra hong/ Đêm- ủ men say mèm/ Một mình ngất ngư tới sáng..."... Thế nhưng, thơ như một thứ bùa mê, đã vận vào người khó lòng gỡ ra cho nổi. Làm thơ từ thuở tóc thề chấm vai (Bài thơ "Cho một ngày sinh" tặng chị gái, Đoàn Thị Tảo làm từ năm 18 tuổi), bây giờ tóc bạc da mồi, đi qua nhiều cung bậc buồn vui sầu khổ... chị vẫn chưa nguôi nỗi niềm tha thiết với thơ. Tuy nhiên đến nay, Đoàn Thị Tảo vẫn được mọi người nhớ đến và yêu mến nhiều nhất qua bài thơ "Cho một ngày sinh" viết tặng người chị gái yêu của mình.
Nhà thơ Đoàn Thị Tảo sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hải Phòng có tới 12 anh chị em. Nhưng ngay từ thuở nhỏ, hai chị em liền kề nhau Đoàn Thị Lê - Đoàn Thị Tảo là một cặp, đi đâu cũng có chị, có em. Lớn lên, khi chị gái Đoàn Lê vội vã bước vào cuộc hôn nhân đầu tiên và sớm có con gái đầu lòng khi vẫn còn đang học lớp Sân khấu - Điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, em gái Đoàn Thị Tảo đã chia sẻ với chị nỗi vất vả này. Sinh con được 15 ngày, Đoàn Lê gửi con gái bé bỏng ở nhà cho em nuôi để đi theo đoàn làm phim.
Chị chia sẻ: "Nuôi trẻ nhỏ mà lại là nuôi bộ thì em biết vất vả thế nào rồi đấy. Mà thời đó khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ, đường cũng chẳng có chứ đừng nói sữa. Cả hai đứa con gái chị Lê lúc bé đều một tay tôi nuôi. Sau này, lấy ông Tự Huy cũng khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ. Tôi thường phải về nhà xin vàng của mẹ đem bán để "cứu trợ" cho chị ấy. Rồi sau này đến hai đứa cháu của chị Lê cũng do chị chăm bẵm từ lúc đón ở nhà hộ sinh về đấy!".
Nhiều người nói rằng, Đoàn Thị Tảo giống như một người... chị gái của Đoàn Lê hơn là một người em gái. Thế nhưng, chị vẫn vui vẻ: "Người ta biết chị Lê là biết Tảo, như vậy là sướng rồi!". Sau này, khi mẹ già ốm nằm liệt 13 năm trời, đang làm ở Phòng Kỹ thuật của Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, năm 1982 Đoàn Thị Tảo phải xin nghỉ giữa chừng để ở nhà chăm sóc mẹ. Đến khi mẹ mất, chị lại sang ở với các con gái của Đoàn Lê 10 năm để trông nom các cháu thay chị. Chừng ấy năm, với chừng ấy bộn bề, ngoảnh đi ngoảnh lại Đoàn Thị Tảo mới giật mình nhận ra: "Mải vui để lỡ chuyến đò/ Ngẩn ngơ trách bến, oán bờ, giận sông/ Cái duyên giá những bao đồng/ Bán đi thì tiếc cho không ngậm ngùi…".
Chị Tảo chưa một lần  được mặc áo cô dâu, chưa một lần được hưởng hạnh phúc làm mẹ, dù đã nuôi hơn chục đứa cháu - con của các anh chị em trong nhà. Thật đúng là "Tình riêng bỏ chợ/ Tình người đa đoan" như câu thơ chị viết tặng chị gái năm nào và cũng là để tặng mình luôn.
Dường như Đoàn Thị Tảo là con người sinh ra để dành cho gia đình, ấy vậy mà mái ấm hạnh phúc gia đình với chị vẫn suốt đời ngoài tầm tay với như chị đã từng gửi vào thơ: "Cái người tôi gọi là chồng/ Chẳng qua chút nghĩa đèo bòng mà thôi...". Chị Tảo tâm sự: "Đời tôi chưa một lần được lên xe hoa, nhưng mà có sống "già nhân ngãi, non vợ chồng" với một người...". Đến khi người đàn ông ấy qua đời cách đây hơn chục năm, chị lập một bàn thờ nhỏ trong ngôi nhà nhỏ khiêm nhường của mình để ngày ngày hương khói cho bớt phần quạnh quẽ. 
Đoàn Thị Tảo là người sống giản dị, nhường nhịn. Chị vẫn thường tự ví von mình với Vân dại, Thị Màu như một lối nói rất "cầu thị" về tình yêu đôi lứa và nỗi khát khao hạnh phúc riêng tư. Bởi vậy, nhà thơ Trinh Đường sinh thời từng có thơ tặng: "Không tình cờ anh bỗng đến thăm em/ Gặp cùng lúc cả Thị Màu, Vân dại/ Bỗng ước một lần và mãi mãi/ Cùng em đầu thai trong tiếng trống chèo..." (Với một Vân dại ngoài đời). Đây cũng là bài thơ được chị chọn để thay lời giới thiệu cho tập thơ thứ hai có tên rất ngắn là "Lỡ" và chất chứa nhiều nỗi niềm tâm sự của một tâm hồn thơ nồng đượm tình người.
Đoàn Thị Tảo nói rằng, chị tuổi Dậu (1945), lại đẻ lúc nửa đêm nên là người ấp ủ nhiều thứ, cứ như con gà mái xòa đôi cánh và mang hết hơi ấm phủ lên ổ trứng của mình đợi bình minh. Dẫu chỉ có một mình, nhưng chị Tảo vẫn chọn cách sống giữ lấy nền nếp, gia phong cho các em, các cháu có nơi đi về, có nơi mà thương nhớ. Đoàn Thị Tảo cứ sống bình lặng, tự mình "lẩn" vào chính mình, "lẩn" vào thơ để "nói chuyện" với thơ.
Cho đến bây giờ, Đoàn Thị Tảo vẫn là người chăm chút mọi việc trong gia đình riêng của hai chị em. Mọi việc giỗ chạp hương khói đều một tay chị Tảo lo cả. Chị biết rằng, chị Đoàn Lê là người của văn chương nghệ thuật chứ không phải là con người của bếp núc đời thường. Dường như Đoàn Thị Tảo sinh ra để bù đắp những phần còn thiếu hụt của người chị. Chị cứ sống lặng lẽ bên cạnh sự thành công, rực rỡ của chị, trở thành một cặp bạn già, cặp "tung hứng" ăn ý hiếm có. Giữa họ, không chỉ có tình chị em ruột rà mà còn có tình bạn bè, tình đồng nghiệp văn chương luôn có sự đồng cảm và họ luôn là độc giả đầu tiên của nhau. Đoàn Thị Tảo - Đoàn Lê thật như cặp bài trùng không thể tách rời.
Đã hai năm nay, sức khỏe chị gái - nhà văn Đoàn Lê yếu đi nhiều. Hiện chị Lê đang là bệnh nhân ngoại trú khoa Tim mạch của một bệnh viện ở Thủ đô, nên 2 chị em Đoàn Thị Tảo - Đoàn Lê đã phải bỏ phố biển Đồ Sơn lên ở với con cháu cho tiện chăm sóc nhau và thăm khám, dưỡng bệnh. Hai căn nhà nhỏ ở xóm núi đã phải cửa đóng then cài, mỗi tháng chị Đoàn Thị Tảo lại đón xe trở về một lần để quét dọn, lau chùi và lo phần hương khói. Chỉ trong năm ngoái, đã có 3 người thân trong gia đình họ ra đi, nỗi buồn mất mát khiến cho hai chị em đều cảm thấy chống chếnh. Một lần nữa họ lại tựa vào nhau để đi qua đoạn đường đời gập ghềnh nhiều biến cố của gia đình.
Cũng đã hai năm nay, nhà văn Đoàn Lê bị con cháu "cấm túc", không cho viết văn hay vẽ vời gì nữa, Đoàn Thị Tảo lại càng thương người chị suốt đời nương tựa vào văn chương nghệ thuật của mình hơn. Đã từ lâu, cả hai chị em họ có chung một nỗi ám ảnh, một nỗi sợ hãi lớn nhất là một ngày nào đó hai người chỉ còn lại một người.
Chị Tảo tâm sự về nỗi sợ hãi mơ hồ ấy: "Hai chị em như hình với bóng, đi về có nhau, khách của chị cũng là khách của em, bạn của chị cũng là bạn của em. Nếu chỉ còn lại một người thì chắc là buồn khổ lắm. Vẫn biết trước sau gì ngày ấy cũng sẽ đến, nhưng sao cứ nghĩ đến là thấy chẳng thể cầm lòng...".