Gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy luôn hiện diện trước ta, bên ta để lố bịch hoá, nhếch nhác hoá, hài hước hoá  những gì trái tim day dứt, xót xa và chia sẻ. Gã luôn luôn phóng cái nhìn tinh quái vào mỗi cảnh ngộ, mỗi thân phận, mỗi chi tiết đời sống để phát giác cái cơ chế trần thế, lật tẩy cái tâm địa trần gian, phơi bày cái nhếch nhác đời thường ở đằng sau tất cả những gì mà Nàng thơ xua, thi sĩ Nguyễn Duy xưa quen mỹ lệ hoá, kỳ diệu hoá, thiêng liêng hoá. Toàn bộ khẩu khí thơ Nguyễn Duy, tạo nên phong cách độc đáo thơ Nguyễn Duy là khẩu khí của gã hề chèo bên ngai vàng khi chia sẻ cùng Vua những điều nghiêm túc, thiêng liêng. Cương vị của gã cho phép gã tự do bôi bác, bôi bác là sứ mệnh của gã, nhưng đó là một sứ mệnh thẩm mỹ kép vừa chống lại thói cường quyền hình thức và đạo đức giả là ký sinh trùng của cái thiêng liêng cao cả, vừa làm mềm mại và gần gũi những gì là cao cả, thiêng liêng để cho nó được tẩy sạch những khí vị sách vở, lý thuyết và trở nên gần gũi, chân thật, đáng tin.



GÃ HỀ CHÈO TRONG THƠ NGUYỄN DUY

ĐỖ MINH TUẤN

Nguyễn Duy bước vào vương quốc thơ với câu hỏi ngơ ngác, ngẩn ngơ trước sức sống xanh tươi sinh động của cuộc đời : "Tre xanh, xanh tự bao giờ?". Câu hỏi ấy, ai ngờ lại vận vào anh, trở thành câu hỏi kỳ thú về thơ anh "Thơ anh xanh tự bao giờ". Từ bao giờ thơ Nguyễn Duy rung rinh màu xanh của sự sống đầy tiềm lực trên cái gốc suy tư cằn cỗi già nua? Từ bao giờ những bộ xương khái niệm của thơ Nguyễn Duy buổi đầu bỗng nhiên hồi xuân như những cây xương rồng gai góc đột nhiên bừng nở những bông hoa dịu dàng tươi tắn?

Ta không thể có câu trả lời chính xác về sự hồi xuân ấy, nhưng chắc chắn, ngày đó là ngày sinh của gã hề, một gã hề chèo với tiếng cười đau đớn và bông lơn, nghịch ngợm mà nghiêm túc, chọc phá mà đôn hậu. Trên sân khấu thời đại, mang cảm thức dân gian thấm đẫm chất đời thường, gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy cố đem tiếng cười chắt chiu từ những số phận chân quê với niềm kiêu hãnh nhục nhằn để át đi tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hú gào động cỡn vô tâm, tiếng reo hò, tiếng ca và tiếng khóc ...

Từ sự nghiêm chỉnh đến mức hài hước tới sự hài hước đầy nghiêm chỉnh đó là hành trình rút gọn của đời thơ Nguyễn Duy. Chặng thơ đầu của Nguyễn Duy là chặng thơ nghiêm chỉnh đến tẻ nhạt và nặng nề ở cả hai cực yêu và ghét. Sự nghiêm chỉnh căng cứng và thái quá trong những triết lý hằm hằm, cau có quay lưng về đời sống, tự nó trở nên hài hước. Nhà thơ cố đan tết những chiếc lồng nan tre, những chiếc ổ rơm để săn bắt và mời mọc những ý nghĩa dân tộc, nhân văn. Nhưng những hàng mã thơ buổi đầu ấy chỉ dựng nên những hình nhân mỏng manh và tẻ nhạt thèm một ngọn lửa hoá thân đầy sinh khí của đời. Và ngọn lửa hài hước chợt đến, dần bén, dần loang thiêu rụi những hình nhân triết lý. Từ trong đống tro tàn còn ấm nóng của đám cháy thơ, gã hề chèo xuất hiện trong thơ Nguyễn Duy với những vũ điệu và khẩu khí dân gian đầy ma lực.

Có những khái niệm thiên tài từng khai sáng và giải phóng cho nhân loại, nhưng cũng có những bộ xương khái niệm sơ sài từng trở thành hố chôn hàng triệu mạng người. Đó là những hàng mã lý luận, những hình nộm chân lý, những bùa chú phong kiến ngu dân mà nhân loại đã phải dồn biết bao ngọn lửa chiến tranh và cách mạng mới thiêu được chúng. Nguyễn Duy cũng đã từng tạo ra khái niệm để rồi vượt thoát khỏi khái niệm, nhưng cuộc cách mạng tự diệt, tự sinh ấy lại được triển khai một cách nhẹ nhàng êm thấm dưới bàn tay đạo diễn của gã hề. Từng bước một, lặng lẽ và khôn ngoan, gã hề chèo chống lại sự nghiêm chỉnh, thế chân sự nghiêm chỉnh như một diễn viên xiếc uốn cong mình lại đặt hai bàn chân lên đứng trên vai mình để bật dậy thành một người khác mang cái mũi đỏ hoe, ngộ nghĩnh. Đó là sự kết hợp ảo thuật với uốn dẻo để tự vượt lên, tự phủ định, tự thăng hoa. Và chính bởi vì đôi chân hài hước đó luôn luôn chung với sự nghiêm chỉnh mà nó cần vượt qua một cái đầu thi sĩ suy tư và một mạch máu chân quê, nên khi gã hề chèo hiện diện, gã mang theo chiến lợi phẩm là toàn bộ những ký ức và ấn tượng về cuộc sống dân quê thường day dứt trong  nhà thơ Nguyễn Duy nghiêm chỉnh. Những bụi tre, những ổ rơm, những bà mẹ không còn là những khái niệm, những bóng ma xếp hàng thẳng tắp trong đội hình lục bát như những chiến binh triết lý lăm le tấn công vào tư tưởng, tình thương và trách nhiệm của ta. Dưới bàn tay đạo diễn của gã hề, những bà mẹ, những người vợ, những bến đò, những phiên chợ, những hoa hậu đồng quê...hiện lên trước mắt ta nhẹ nhàng hơn thấm thía hơn, bề bộn hơn nhưng siêu thoát hơn. Giọt nước mắt ngày xưa còn nguyên vẹn trong thơ, nhưng đã trở nên lung linh, sống động và kỳ ảo hơn bởi những luồng sáng ngược tàn nhẫn của cái nhìn hài hước và trở thành một nỗi đau lập thể bởi có thêm chiều kích của đời sống thực và chiều kích của sự tự thú, tự vấn, tự trào.

Gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy luôn hiện diện trước ta, bên ta để lố bịch hoá, nhếch nhác hoá, hài hước hoá  những gì trái tim day dứt, xót xa và chia sẻ. Gã luôn luôn phóng cái nhìn tinh quái vào mỗi cảnh ngộ, mỗi thân phận, mỗi chi tiết đời sống để phát giác cái cơ chế trần thế, lật tẩy cái tâm địa trần gian, phơi bày cái nhếch nhác đời thường ở đằng sau tất cả những gì mà Nàng thơ xua, thi sĩ Nguyễn Duy xưa quen mỹ lệ hoá, kỳ diệu hoá, thiêng liêng hoá. Toàn bộ khẩu khí thơ Nguyễn Duy, tạo nên phong cách độc đáo thơ Nguyễn Duy là khẩu khí của gã hề chèo bên ngai vàng khi chia sẻ cùng Vua những điều nghiêm túc, thiêng liêng. Cương vị của gã cho phép gã tự do bôi bác, bôi bác là sứ mệnh của gã, nhưng đó là một sứ mệnh thẩm mỹ kép vừa chống lại thói cường quyền hình thức và đạo đức giả là ký sinh trùng của cái thiêng liêng cao cả, vừa làm mềm mại và gần gũi những gì là cao cả, thiêng liêng để cho nó được tẩy sạch những khí vị sách vở, lý thuyết và trở nên gần gũi, chân thật, đáng tin. Đó cũng là cách để đau hơn một lần nữa cái nỗi đau của sự chịu đựng, vui cười. Bộ mặt nhăn nhó khi đau được thay  bằng vẻ bông lơn cười cợt, nó có vẻ làm vơi đi nỗi đau nơi kẻ khác nhưng thực tế là làm tăng thêm nỗi đau nơi thi nhân và những người đồng cảm với thi nhân. Cảm thức nhà quê, khẩu khí nhà quê của gã hề đã pha trộn những gì tầm thường gần gũi thô kệch với những gì tinh tế cao siêu, pha trộn những Thượng đế, triết nhân với những bố cu, mẹ đĩ - đó là một kiểu ăn độn truyền thống vừa để dè xẻn những cao lương mỹ vị, vừa để dễ trôi với khẩu vị bình dân.

Nhìn xuyên suốt những bông lơn tếu táo của gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy, ta thấy gã thường tỏ ra ghét lý thuyết và đô thị, gã hay đo đạc lý thuyết và đô thị bằng thước đo riêng của gã để lật tẩy cái ăn gian, cái đua đòi, cái giả tạo, "cân điêu" trong những diễn biến đời thường của xã hội, của gia đình và của chính tâm trí gã. Những gã tỏ ra không phải là người tàn nhẫn, khắt khe và xét nét. Tiếng cười của gã vừa là tiếng cười xót xa  rơi nước mắt trước số phận mình  số phận người thân và số phận nhân dân, vừa là sự khoan dung, tự vấn. Phải chăng, những đối tượng mà gã hề trong thơ Nguyễn Duy nhằm tới châm biếm,  mỉa mai và day dứt cũng chính là những căn bệnh lớn của thời đại - đó là sự lệch pha của những hình thức lý thuyết đạo mạo, thùng thình với thực chất kệch cỡm nhố nhăng của thời buổi đua tranh đô thị hoá bằng tác phong và cốt cách của nông dân? Về bản chất, tiếng cười ấy là một tình thương sâu sắc với con người Việt Nam trong tất cả những gì đẹp đẽ và tật nguyền của nó. Vì thế, khi gã hề chèo trong thi sĩ Nguyễn Duy đem cối xay, ổ rơm chum nước đặt giữa hè phố, đem đèn dầu đặt dưới  đèn nê-ông, đem bàn chân trần đặt trên đường phố của những đô thị văn minh nhất thì đó  là những nỗ lực cuối cùng của gã tấn công vào lý thuyết và đô thị để xé toang những phông màn giả dối, khoa trương và ngộ nhận, giúp ta đối diện với cội nguồn.

Tiếng cười đã tắt, chỉ còn lại những hình ảnh lầm lụi, lam lũ khổ nghèo và rất trớ trêu,tội nghiệp của quê hương ta, tổ tiên ta, đồng bào ta và chính bản thân ta. Sâu sắc quá và nghiêm chỉnh quá. Có lẽ, từ đây, gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy đã kết thúc vai trò của nó, khi nó tỏ ra mệt mỏi và trút khăn cởi áo tìm về những hình hài thiêng liêng, nghiêm túc của cuộc sống, của cội nguồn để hoá thân, ngơi nghỉ, giã biệt chúng ta. Không còn gã hề xưa, thơ Nguyễn Duy cũng khó  bề tiếp diễn. Nhưng cái ngày gã hề rời sân khấu lại chính là ngày gã hiện diện hoàn chỉnh nhất và bắt đầu sống trong ta như một diện mạo riêng, tầm vóc riêng và dáng điệu riêng, không thể nào lẫn được. Đó là phong cách thơ Nguyễn Duy , phong cách của gã hề chèo dân gian - hiện đại và trí tuệ.