Nhà báo Lê Minh Đức – Phó Tổng Biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay kiêm Chủ biên Làng Cười, tiết lộ: “Với hơn 800 tờ báo ở Việt Nam, nếu buông tay, chắc chắn có rất ít tờ báo sống được bằng tiền chi trả của người đọc và tiền quảng cáo của các doanh nghiệp do độ lan tỏa của tờ báo. Nhiều người không hề biết có những tờ báo mà sự tồn tại của nó chẳng theo một quy luật nào. Anh X là người cầm một tuần báo T. mà chủ quản đóng ở Hà nội. Trong tay anh có một vài phóng viên không được hưởng lương, chủ yếu đi viết và xin quảng cáo. Gánh nặng lớn nhất của anh không phải là bán bao nhiêu tờ báo mà làm thế nào trả được tiền in, nếu dư thì coi như lãi. Một hôm tôi đến tòa soạn gặp anh hỏi: Có báo mới chưa? Anh nhìn tôi ngại ngần trả lời: chịu khó đọc báo cũ đi, báo mới chưa ra…”




 NGƯỜI MỸ LÀM BÁO VIỆT
Năm 2012, tôi gặp Wiliiams, một người Mỹ gốc Do Thái sang Việt Nam để kiếm việc làm. Anh được tuyển vào làm ở một ấn phẩm phụ của tờ báo Trung Ương. Phụ trách tòa soạn, tôi thường hay trao đổi với anh đề tài phù hợp với những lợi thế của anh: thế giới người nước ngoài sống tại Sài Gòn.
Để dễ xưng hô, anh tự chọn cho mình một cái tên Việt: Nguyễn Tấn Hùng. Tôi hỏi tại sao lại chọn cái tên đó, anh cười: Để cho người ta tưởng mình có bà con với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Hùng nói tiếng Việt khá sỏi, nhưng viết thì sai bét nhè chính tả, ngữ pháp. Có lần tôi nổi nóng nói, Hùng cứ viết bằng tiếng Anh cho trôi chảy rồi tôi nhờ mấy anh ở bộ phận quốc tế dịch lại, nhưng anh cương quyết không chịu. Hùng nói: tôi sang đây để viết báo bằng tiếng Việt (anh học hai năm ở trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) chứ không phải viết bằng tiếng Anh
Một lần, sau khi “cày” hết bài phóng sự của Hùng viết về những cô gái Tây sang Việt Nam bán thân, tôi hỏi: Hùng có dám ăn thịt chó không? Tôi bất ngờ khi Hùng trả lời: Rất thích ăn món rựa mận. Thế là hai thằng đi đến quán Sống trên đời của Lâm Chín Ngón (đã chết) trên đường 3/2. Anh ăn ngon lành và uống hết một xị rượu trắng. 
-Ở Mỹ có thịt chó ăn không?
-Không có đâu, mà ăn còn bị bắt
-Thế biết ăn từ lúc nào?
-Từ lúc qua Việt Nam
Lương của Hùng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà đã hết 5 triệu. Tôi hỏi Hùng, thu nhập như vậy đủ sống không. Hùng nói phải làm thêm nhiều chuyện khác. Chẳng hạn như cố vấn tiếng Anh cho một doanh nghiệp, hoặc dẫn một chương trình truyền hình mà có liên quan đến người nước ngoài.
-Vậy Hùng sống ở Việt Nam để làm gì?
-Để chứng kiến sự sụp đổ của báo in. Vì tôi rất làm lạ, báo in ở Mỹ đã chết, nhưng ở VN vẫn còn sống- Hùng bộc bạch. Tôi định làm luận án tiến sĩ về vấn đề này.
-Vậy theo Hùng, báo in ở VN bao giờ chết?
-Chắc 5 năm nữa!
Lúc ấy tôi nghĩ, 5 năm nữa tức là vào năm 2017, nhưng tình hình báo in lúc ấy chưa quá bi đát, nên tôi cười khì và cạn chén cuối cùng với hắn.

Mà đúng thật, năm 2014 tôi gọi điện thoại cho Hùng. Hùng vẫn ở Việt Nam, tận Đà Lạt. Hỏi Hùng làm gỉ, hắn nói, bỏ nghề báo rồi, chuyển sang làm họa sĩ, vẽ tranh thêu. Hắn nói, báo in chết nhanh quá, hắn kiếm tiền không đủ sống.
Trong khái niệm của Hùng, sống và chết của một tờ báo in phụ thuộc từ tiền chi trả của độc giả. Nhưng thật sự, ở VN vẫn còn những tờ báo in chưa chết mà sống từ những đồng tiền của ngân sách và các chính sách từ chính phủ..


NHỮNG TỜ BÁO KHÔNG RA ĐỊNH KỲ
Với hơn 800 tờ báo ở Việt Nam, nếu buông tay, chắc chắn có rất ít tờ báo sống được bằng tiền chi trả của người đọc và tiền quảng cáo của các doanh nghiệp do độ lan tỏa của tờ báo. Nhiều người không hề biết có những tờ báo mà sự tồn tại của nó chẳng theo một quy luật nào.
Anh X là người cầm một tuần báo T. mà chủ quản đóng ở Hà nội. Trong tay anh có một vài phóng viên không được hưởng lương, chủ yếu đi viết và xin quảng cáo. Gánh nặng lớn nhất của anh không phải là bán bao nhiêu tờ báo mà làm thế nào trả được tiền in, nếu dư thì coi như lãi. 
Một hôm tôi đến tòa soạn gặp anh hỏi: Có báo mới chưa? Anh nhìn tôi ngại ngần trả lời: chịu khó đọc báo cũ đi, báo mới chưa ra. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Hôm nay thứ sáu, lý ra thứ hai đã có rồi mà
-Bọn nhỏ chưa kiếm đủ quảng cáo, lấy đâu ra tiền mà in. Anh chặc lưỡi

Rồi anh tâm sự, tờ báo của anh chỉ in 500 tờ thôi, mức thấp nhất nhà in mới chịu in. Cộng với tiền nhuận bút rất bèo (đa số là xào lại trên các tờ báo khác) thì chỉ cần 15 triệu là đủ. Báo anh không có giá quảng cáo cổ định, ai hét được bao nhiêu thì ô kê. Kẹt quá down xuống thấp nhất cũng được, còn hơn quăng bài vào tốn thêm tiền nhuận bút.
-Thường phải được 4 trang quảng cáo mới dám in. Hiện tại mới được 2- Anh phân bua
-Nhưng tờ báo phải ra đúng hẹn với người đọc chứ? Tôi hỏi
-Có bạn đọc đâu mà hẹn. Tờ báo in xong, phát cho các đơn vị quảng cáo, số còn lại biếu tặng, chào mời quảng cáo. Số lượng chỉ mang tính chất khẳng định tờ báo này có tồn tại thôi.

Anh X bây giờ đã nghỉ hưu. Anh làm Phó TBT phụ trách ấn phẩm này và chỉ có anh mới được hưởng lương Nhà nước. Anh bán căn nhà ở Hoàng Hoa Thám có được cũng nhờ từ chính sách của cơ quan chủ quản là một tổ chức chính trị, rồi mua một căn nhà ở Bình Dương an dưỡng tuổi già. Quảng đời làm báo của anh trôi qua một cách im lìm như chẳng hề tồn tại...Mới đây gặp anh đi xe máy về Sài Gòn, anh cười khì:
-Làm báo kiểu này không phải chỉ có một mình tôi nhé!