Sau khi giới thiệu một phần tự truyện “Đi trong sương mờ” của nhà báo Hoàng Linh, nhiều đồng nghiệp và bạn đọc đã tỏ ra tán thưởng, mong muốn được đọc tiếp. Vì cuốn sách chưa xuất bản, nên những trang viết vẫn được nhà báo Hoàng Linh lưu giữ và làm chủ sở hữu. Nhân ngày vui giới làm báo 21-6, chúng tôi muốn công bố thêm một phần nữa của tự truyện “Đi trong sương mờ”, và nhà báo Hoàng Linh đã đồng tình với thiện chí này. Xin cảm ơn nhà báo Hoàng Linh và hy vọng “Đi trong sương mờ” sẽ sớm được ấn hành, như một sự sẻ chia của một người cầm bút có số phận run rủi với những mảnh đời chìm nổi xung quanh mình!




ĐI TRONG SƯƠNG MỜ

Trích Tự truyện của HOÀNG LINH

Gặp “đại gia điên” Trần Văn Giao
Tôi được đưa đến một trại giam ở TP.HCM, tạm gọi là trại T, thủ tục đầu tiên cởi đồ ra khám xét, xem có đem vật cấm vào trại không và đi thẳng vào buồng giam. Cửa sắt đóng sầm sau lưng, trước mặt là bóng tối phủ đầy, chân ngập trong cái gì đó, mùi xú uế xông lên nồng nặc.
- Bình tĩnh ông thầy, ông thầy đạp trúng “thần tài” của đại gia điên rồi. 
Hết sức bình tĩnh, tôi căng mắt ra quan sát, nhưng chỉ thấy mờ mờ ảo ảo, buồng giam dài khoảng 3m và chiều ngang cũng vậy, hai bên là hai phản ngủ bằng xi măng, giữa là lối đi đầy phân và nước tiểu. Phía bên phải là cái đầu cắt cao, nhỏ con nhưng đầy lực, bên trái là người cao gầy chân bị xích lại. Tôi nhanh chóng làm quen với Hải, người bạn tù dễ mến đầu tiên trong cuộc đời tù tội mà tôi không ngờ nó sẽ kéo dài đến vậy. Anh bạn xích chân, người mà Hải gọi là đại gia điên hóa ra là người quen: Trần Văn Giao, giám đốc bất động sản với nhiều dự án nổi tiếng và càng nổi tiếng vì mối quan hệ với cô diễn viên điện ảnh rất nổi tiếng V.T. Tôi mở lời chào hỏi, Trần Văn Giao đứng một chân, niệm chú "bắt quyết" trông điên không chịu được.
 - Nó giả điên, tiêu tiểu tùm lum nhưng chưa dám ăn cơm với phân…
Có tiếng đập tường thình thình từ cả hai phía, Hải áp tai vào tường,vừa lắng nghe âm thanh từ bức tường phía bên kia xuyên qua, vừa đập tay để trả lời:
 - Chúng nó hỏi ông thầy tội gì, em nói là thầy giáo đụng xe người ta, nó nói nếu là băng đại bàng Năm Cam thì nói chuyện, còn “se sẻ” thì thôi. Em nói ông thầy là chim cút.
Tôi đang rầu thấy ghê, nhưng cũng phải bật cười trước những chuyện kỳ lạ trong nhà tù. Tôi chia cho Hải nửa ổ bánh mì cán bộ công an mua cho, đưa nửa cho Trần Văn Giao. Ai ngờ cậu ta xô tôi ra rồi hạ chân, lê xuống bồn cầu, ngồi đưa mặt vào bồn cầu nói rì rầm. Hải nói:
- Nó đang nói chuyện với “chị thỏ”… Lẽ ra ông thầy là lính mới phải nằm dưới “phi đạo”, nhưng thôi, bỏ qua chuyện thủ tục, ông thầy lên nằm với em…

Đuối quá, vừa đặt lưng xuống phản xi măng tôi đã ngủ vùi, đang mê mệt có ai đó lôi tôi dậy. Giọng của Hải:
-Thằng điên ngủ rồi, em không biết sống được với ông thầy bao lâu nên phải nói ngay bây giờ. Cán bộ quản giáo trại này tốt lắm, không để tù bị điều tra đánh đâu. Nếu thấy nó (cán bộ điều tra) muốn động thủ, ông thầy phải la lớn “báo cáo cán bộ, điều tra đánh tôi”, quản giáo sẽ đưa mình về buồng giam, không cho hỏi cung nữa.
Mười tám ngày trôi qua tôi vẫn không thừa nhận điều gì và rất an tâm với “cẩm nang’ của chú Hải. Trong thời gian đó, điều kiện vệ sinh của buồng giam quá tệ hại đến mức kinh khủng, do Trần Văn Giao vệ sinh ngay chỗ nằm và trộn phân vào cơm, nói năng lảm nhảm. Tuy vậy anh ta đã ngừng tấn công Hải. Tôi bàn với Hải đề nghị cán bộ tháo xích cho Trần Văn Giao. Hải khuyên:
- Không được đâu ông thầy. Nó phá dữ lắm, đánh bạn đồng cảnh, tạt nước dơ vô cán bộ. Mà ông thầy biết chưa, 2 buồng giam kế bên đã chuyển đi hết. Họ cách ly ông thầy rồi, không phải chuyện bình thường đâu! Ông thầy hãy lo cho mình trước đã.

Tình ca xuyên tường
Dù vậy, khi gặp cán bộ, tôi vẫn đề nghị cởi xích cho Trần Văn Giao. Trại giam đồng ý với điều kiện tôi phải cam kết Trần Văn Giao sẽ thực hiện đúng nội quy, không quậy phá nữa. Được tháo xích, Trần Văn Giao dọn dẹp phòng khá sạch và mặc quần dài áo sơ mi trắng suốt kể cả lúc đi ngủ, nhưng vẫn không nói chuyện. Lúc nào cũng tọa thiền quay mặt vào tường, lâu lâu la lên “V.T. ơi, anh yêu em!”.

Sau khi dùng nước chà rửa phòng, tôi và Hải nắm hai đầu chiếc chiếu đưa qua đưa lại cho cái phản xi măng mau khô, để nằm ngả lưng sau một ngày bị hỏi cung dồn dập. Đang đung đưa chiếc chiếu như tát gàu sòng, Hải bỗng dưng hét lớn:
-Cầm máy lên!
Tưởng anh chàng hóa rồ, nào ngờ các phòng khác cũng hét lên như vậy, ngay sau đó tôi biết  đây là những lời yêu cầu ca nhạc. Giọng ca cao vút cất lên từ dãy lầu đối diện “Cầm máy lên, gọi đến anh…”
Bài ca đã dứt, nhưng sự phấn khích chưa dừng lại :
-Tiếp đi, thương nhiều nhớ nhiều nha.
Có vẻ thân thiết hơn, Hải gọi đích danh nàng ca sĩ tù ngục:
-Bích Đào! Cưới anh nha?
-Chừng nào cưới?
-Về đời cưới!
-Chừng nào về đời?
-Sắp rồi!
-Không, em “dựa cột” thôi!
“Nếu mai em chết anh có buồn không…”. Cô nàng ca tiếp , bài này ca từ thê lương quá nên không ai la hét nữa, chìm vào im lặng. Hải nói mình yêu Bích Đào, mong ngóng từng giây chờ tối đến để được nghe tiếng hát của nàng. Tôi hỏi
-Cô nàng trông thế nào?
-Không biết mặt !
-Không biết mặt mà yêu?
-Ông thầy là tù con so, chẳng biết gì cả, đó là tình tù…

Kinh nghiệm loại bỏ “chèo”
Sau khi chuyển từ trại giam Bộ công an về một trại giam tỉnh, tôi bị chứng bệnh người tù gọi là bệnh quay. Nhắm mắt là thấy mình quay cuồng rớt xuống đất, hoảng hốt mở mắt vẫn nằm trên phản xi măng.
Người bạn tù tôi gọi là anh Ba, là người địa phương tự xưng là giáo viên cấp 3, bể hụi bị bắt. Tôi sợ anh Ba là “chèo” (người lấy tin cho công an), nếu tâm sự với anh ta có thể tăng án. Nhưng 2 người ở cạnh nhau 24/24 mà không nói chuyện thật không dễ, xem ra con người không thể thiếu sự giao tiếp ngôn ngữ, im lặng hoài có mà điên mất! Tôi nhủ: “Cứ nói đại với lão, có tăng án cũng được!”
Chúng tôi không phân biệt được giờ giấc vì phòng rất tối, chỉ phân biệt thời khắc bằng tiếng kẻng: báo thức, báo nghỉ trưa, báo làm việc trưa, báo ngủ…Đêm đó, gần đến kẻng báo ngủ (21 giờ), 5 chốt khóa và 2 lớp cửa đều được mở ra, một người bị đẩy vào phòng, té nhào vì không định hướng được.

Trong bóng tối kẻ kia tự giới thiệu là Dũng BC bị bắt ở Hà Nội, chuyển từ trại giam T16 vào bằng máy bay: Mấy ngày sau, anh Ba được gọi ra thăm nuôi, Dũng BC lôi tôi ngồi dậy:
- Ông anh, nếu cánh cửa mở ra lần nữa là em và ông anh không bao giờ có cơ hội gặp nhau nên em nói luôn một thể. Ông anh phải nhớ thật kỹ. Đừng nghĩ mình có kinh nghiệm ngoài xã hội thì có thể đánh giá, phán đoán những việc xảy ra trong tù. Nhà tù là một thế giới hoàn toàn khác, người tù là những con người hoàn toàn khác, không thể tin tưởng được. Tù không bao giờ thương tù, chút lòng thương hại dù nhỏ nhất cũng sẽ dẫn ông thầy xuống địa ngục…
Dũng BC khá nổi tiếng trong giới giang hồ, hoạt động cả Bắc lẫn Nam, là bạn của những anh chị tên tuổi lừng lẩy như Dũng đui, Hải chó ngao, Hải bánh, Thủy té, Dung Hà…là đệ của Cu Lý – vua giang hồ đất Bắc…nên dù những gì cậu ta nói có vẻ cực đoan tôi cũng lắng nghe và ghi nhớ.

Tiếng khóa khua chốt rút, cửa buồng giam bật mở, người cán bộ bước vào chỉ Dũng:
-  “Soạn đồ, chuyển buồng giam”.
Có gì mà soạn, Dũng bước ra. Tôi báo cán bộ xin ra làm việc.
Sau khi được 2 người tù tự giác khám xét từ A tới Z theo đúng nghĩa đen, tôi được đưa vào phòng làm việc của cán bộ Trại tạm giam:
-     Báo cáo cán bộ,tôi xin chuyển buồng giam.
-     Những người cùng buồng giam đe dọa hay xâm hại gì đến anh?
- Báo cáo cán bộ không, nhưng anh Ba cùng phòng quá lão luyện tôi sợ mình sẽ bị tăng án.
- Tôi đã đọc những bài báo viết về anh. Tôi không có ấn tượng tốt về anh, nhưng bây giờ tôi lại thấy anh khá trung thực. Tôi sẽ chuyển anh Ba đi và cho phạm nhân khác đến để giúp anh những việc trong buồng giam để anh có thời gian khai báo cho tốt.

Tiếng chuông khấn nguyện hồn ai?
Khi tôi trở lại buồng giam đã thấy một cậu nhỏ lui cui dọn dẹp, cửa trong mở nên phòng sáng mờ mờ. Cậu nhỏ tên Quy khá lanh lợi, bất cứ con vật gì lọt vào phòng cậu đều chế biến thành món ăn chỉ với nước tương và bột ngọt (trại giam không cho sử dụng nước mắm vì có thể làm gỉ sét chốt khóa buồng giam).
- Ông ăn mì gió không?
Quy dùng nước đi vệ sinh trong hồ ngâm mì gói rồi dùng tay xốc mì lên, lấy quạt quạt cho khô, giống như những mỹ nhân đang hong tóc. Đó là mì gió, bột nêm được trộn sau cùng và ăn: ngon tuyệt ! Ăn xong, cửa buồng giam cũng khóa lại hết, Quy lui cui trong bóng tối rột rẹt suốt:
- Tui làm cho ông “bóng đời” để ông soi mặt.
- Trong này tối thui soi mặt sao được?
- Sáng cán bộ mở cửa lấy nước tui làm từ từ cho ông có thời gian soi mặt.
“Bóng đời” là mặt trong của gói mì, nhờ lớp tráng bạc nên có thể soi mặt được. Trong gói mì lộn ngược gương mặt tôi quá thảm hại. Tôi thật sự mệt mỏi muốn ngả gục buông xuôi. Từ buồng giam tử tội gần đó một giọng nữ cất lên nghe sầu thảm: “Soi bóng đời bằng gương vỡ nát”…

Sau một ngày buồn thảm, không lối thoát buổi tối hôm đó tự nhiên tôi thấy lòng nhẹ nhỏm và nghe tiếng máy cô le xành xạch từ xa vọng vào. Quy giải thích đó là tiếng xuồng máy chở trái cây trên kênh. Đây là lần thứ hai tôi nghe âm thanh của đời sống vọng vào chốn lao tù và có cảm giác như được giải thoát, hệt như lần thứ nhất. Khí bị giam ở trại trên đường Nguyễn Trãi, trong đêm ngủ sâu vì mệt mỏi tôi bỗng nghe tiếng chuông huyền hoặc từ nơi xa xăm nào vọng đến và thấy lòng thanh thoát, mọi cảm giác lo âu đều trút bỏ hết. Sáng ra tôi kể cho người bạn tù, Hải cười:
- Ông thầy không nằm mơ đâu. Đó là tiếng chuông của nhà thờ Chợ Đũi.
Năm xưa Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn cũng có cảm giác được giải thoát như vậy khi nghe tiếng chuông chùa Thiếu Lâm trong những ngày bị cầm giữ tại địa lao bởi các vị đại sư. Có ai đó nói rằng cái vật nặng nhất trên cõi đời này chính là sự cô đơn vì không có ai gánh vác nó nổi.Tội ác của Tạ Tốn quá lớn, những ai từng tiếp xúc với tác phẩm Cô Gái Đồ Long của Kim Dung đề biết nhiều mạng người đã ngã xuống oan ức trên con đường tầm cừu của Kim Mao Sư Vương. Nỗi đau sẽ là tột cùng vì muốn hối hận cũng không ai chấp nhận. Chính sự sâu nhiệm mà họ Tạ lĩnh hội được qua tiếng chuông chùa và những lời kinh mà các vị đại sư tụng niệm đã giải thoát cho ông. Với tôi, tiếng chuông trong đêm không có ý nghĩa rõ ràng như vậy nhưng âm thanh huyền hoặc đó đã  rũ sạch gánh nặng trong  hồn tôi. Tôi thanh thản đón nhận những gì mình phải trả giá.

Tái ngộ Bình Kiểm cách 100m
Sau hồi kẻng chiều, buồng giam khóa tất cả các lớp cửa, Bình Kiểm leo lên chấn song hét lên “Hoàng Linh”, tiếng hét có nội lực quá mạnh vang vọng đến tận buồng giam của tôi cách đó hơn 100m. Tôi cũng leo lên chấn song, nhìn sang , xa xa chỉ thấy cái đầu nhô lên sau song sắt, tôi cũng hét lên nhưng giọng yếu thấy rõ “Bình Kiểm”, có nghĩa là tôi và Bình Kiểm vẫn ở chung một trại chưa bị chuyển đi.

Sáu Được mới từ buồng giam chúng tôi chuyển sang buồng Bình Kiểm,trước đó họ có hiềm khích ngoài xã hội sợ Sáu Được bị Bình Kiểm ‘làm luật” nên tôi hét tiếp đúng ngôn ngữ của tù “thương Sáu Được nhiều nhen”, Bình Kiểm đáp trả “thương nhiều nhớ nhiều nhen” . Thằng nhóc ở cùng buồng giam kéo chân tôi xuống:
-Tôi lạy ông, ông làm vậy cán bộ chửi tui chết!
-Anh làm anh chịu, em lo gì.
-Ông là tù con so (tù lần đầu) ông biết cái gì.
Chú nhóc được phân công giám sát tôi và Hưng Control, cũng khá dễ thương.

Bồng bềnh trên cánh bọ             
Rồi một đêm nọ có hàng ngàn hàng vạn con bọ cánh cứng to bằng hạt đậu phọng bò vào buồng giam từ mọi khe hở. Cứ đụng vào là nó tiết ra xạ như mùi tinh dầu cay nồng. Quy chỉ bảo:
- Ông cởi quần cụt tròng lên đầu mới ngủ được.
Tôi lấy áo án che mặt nhưng khong ngủ được vì lũ bọ chun vào tai vào mũi, nghe lời Quy tôi cởi quần cụt tròng lên đầu, những con bọ rút lui khỏi phần đầu chỉ loi ngoi từ cổ trở xuống. Ôi! còn gì kỳ lạ hơn không? Tôi đi vào giấc ngủ, bồng bềnh trong mùi xạ hương thơm ngát như ở Spa 5 sao, có một bàn tay nồng ấm của cô kỹ thuật viên đặt lên trán.
- Dậy đi ông, kẻng báo thức rồi.
Quy lôi quần ra khỏi đầu tôi, bảo tôi thức gấp để dọn dẹp. Cán bộ mở lớp cửa trong cho mượn chổi để quét bọ. Xác bọ nằm dày đặc khắp nơi, quét gom lại gần đầy một xô nhựa 10 lít. Quá nhiều cái chết cho một giấc mơ đẹp.

Chó càng hiền càng khó bắt
Như có lần đã nói, trại giam hiện nay có mô hình giam giữ, lao động, dạy nghề, dạy người…Cơ hội phạm nhân sớm được đoàn tụ với xã hội rất lớn bằng hình thức giảm án, tha tù trước hạn, đặc xá…nếu phạm nhân làm tốt việc lao động học nghề và học làm người cũng như khắc phục hậu quả mà mình gây ra. Sau thời gian đi làm cỏ lúa, suốt lúa, thu hoạch mía, bồi bùn đắp bờ, lột vỏ hạt điều…tôi được chuyển sang tổ may giày do phạm nhân Sang hoàng đế làm tổ trưởng. Mấy mươi năm mang giày giờ tôi mới biết làm ra đôi giày trần thân như thế nào. Hai bàn tay ứa máu, đầy vết sẹo do vết kim, lẹm đâm vào. Ngày nọ giám thị bất ngờ vào kiểm tra tổ may giày, ông bày tỏ sự ưu tư:
- Cơm các anh ăn hiện nay đầy đủ nhưng thức ăn theo chế độ không đủ dinh dưỡng, tình trạng tự nấu nướng không đảm bảo vệ sinh nên tôi giao cho các anh nhiệm vụ chế biến thức ăn dạng như suất ăn công nghiệp với giá khoảng 5000đ/phần để phục vụ anh em đồng cảnh.

Vậy là chúng tôi phải học làm cá, giết mổ heo gà. Về chế biến anh Cường mập (con rể Năm Cam) đảm nhận. Cường mập trước đây là bếp trưởng nhà hàng lớn ở TPHCM nên chất lượng món ăn không thể chê được. Sau đó phối hợp với căng tin, anh Cường còn chế biến các món cầy làm phạm nhân rất khoái. Khi trại có khách, chúng tôi mang ra cho khách thưởng thức và vị nào cũng khen ngon. Có một vấn đề là trong trại giam không cho sử dụng vật sắc nhọn hoặc những vật có thể gây khống chế sát thương nên tất cả đều dùng bằng tay kể cả việc bắt chó. Anh Cường gọi đó là chiêu Cầm chó thủ và buộc chúng tôi phải học và thực hành thành thạo. Anh thao diễn cho tất cả xem bằng cách thả con chó có vẻ  hung dữ nhất trong cũi ra. Vừa tháo cũi xổ lồng con vật đã nhe răng đe dọa. Cường mập bước tới, tay trái giơ lên, con chó gầm gừ tập trung cả hai mắt vào bàn tay đang giơ cao đầy đe dọa, nhanh như chớp Cường mập dùng tay phải tóm gáy con vật bóp mạnh. Hoàn toàn tê liệt con chó duỗi thẳng đuôi buông xuôi ra cái vẻ “muốn làm gì thì làm đi!”. Con vật dễ dàng bị cột tứ chi và dĩ nhiên “lên dĩa”. Cường mập tổng kết nghe hết hồn:
- Chó càng hiền càng khó bắt. Chó điên dễ bắt nhất. Các bạn giết mổ nhiều sẽ có sát khí, chó hay cầy gì trông thấy đều sợ cúp đuôi không dám chống cự.

 Quê hương khuất bóng hoàng hôn…
Cơn bão số 5 vừa dứt chưa bao lâu trong trại lại xảy ra tình trạng kỳ lạ. Đầu tiên là chuột cống nhum chạy loạn xạ, không sợ người, cá lóc 3 – 4 kg một con đen thui nổi lờ đờ dưới kênh mương, nước lộ thiên bị hóa mặn, hệ thống nước ngầm bị tụt không bơm lên được. Các hồ,bể chứa dự trữ đưa vào sử dụng cũng dần cạn kiệt vì không có nguồn bổ sung. Chờ đợi nhìn trời đất suốt mấy ngày, buối chiều gần 4 giờ giám thị vào trại ra lệnh Tổ Hỏa thực và T2 đi lấy nước trời. Gần 10 chiếc thuyền lớn (ghe bầu) xuất phát từ cổng đường thủy của trại hướng ra cửa sông. Chẳng mấy chốc 2 khẩu thần công trấn cửa nội thủy đã khuất xa tầm mắt. Nước đổ một chiều ra cửa sông làm thuyền di chuyển rất nhanh, đến đoạn dòng sông mở ra rộng bát ngát thì dòng chảy cũng ngưng lại vì nước từ phía ngược lại chảy vào, cán bộ ra lệnh cho dừng thuyền. Anh em kéo nước lên uống thử: mặn đắng. Vị cán bộ đứng ở đầu mũi thuyền chụm tay lên mắt nhìn đường chân trời. Trời quang đãng, không bóng mây, mấy anh tù nhìn trời mãi chẳng thấy gì nên gõ mạn thuyền hát nhạc sến. Bỗng mây đen từ chân trời bốc lên và di chuyển rất nhanh, cán bộ ra lệnh:
- Chuẩn bị!
Tay lái cho máy nổ anh em ngồi bám vào mạn thuyền, rất nhanh nước từ đâu đổ xuống như vỡ đập như thác đổ. Rất nhanh và đột ngột như khi đến, chỉ vài phút trời đất lại như củ.
- Lấy nước
Cán bộ ra khẩu lệnh, anh em dùng thùng gàu kéo nước lên. Khoảng một giờ các vật chứa đều đầy nước, anh em tranh thủ uống nước thật nhiều để giải mặn, nước trời vừa thơm vừa ngọt:
- Có mùi sữa đậu nành… – Mùi dừa dứa… – Mùi nước cơm… – Trật lất, mùi bồ kết, chắc mấy bà tiên đang cởi đồ tắm trên trời…
Tôi đưa hồn vào câu chuyện xa xăm huyền hoặc tuồng Chiêu Quân cống Hồ mà tôi xem ở đình làng thời thơ ấu: xưa có nàng Chiêu Quân rất đẹp, nàng hay giặt áo trên sông, áo nàng thơm đến nỗi cả dòng sông đều thơm mát theo. Những tưởng con người có nhan sắc khuynh thành sẽ có cuộc sống hạnh phúc, nào ngờ nàng bị cống nộp làm vợ người nơi xứ xa và chết nơi đất khách quê người trong tiếng đàn tì bà thương nhớ quê nhà…
- Điểm danh…
Thuyền quay về chốn cũ. Trời tắt dần ánh nắng, khói sóng trên sông như sương buổi sớm, mới cười nói tất cả bổng im lặng u uất, có tiếng vạc bay ngang trời kêu sầu thảm, nước đã đổi chiều, đâu đó 1 tiếng bìm bịp lạc loài kêu nước lớn, nước sông mặn đắng trở lại.

Điều kỳ lạ là anh em đi lấy nước dù rất mệt nhưng đều trải qua một đêm khó ngủ. Năm dài chỉ tiếp xúc với những bức tường vây quanh, cảnh sông nước ngút ngàn với khói sóng buổi hoàng hôn đã khơi lên nỗi nhớ quê nhà từ trong những miền sâu thẳm của tâm hồn con người. Cách đây hơn ngàn năm, nhà thơ Thôi Hiệu (704 – 754) khi đứng tại lầu Hoàng Hạc ngắm cảnh trời chiều trên sông Trường Giang đã phải thốt lên:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn ḷòng ai)
(Bản dịch:Tản Đà)
Thì ra cho dù là thi hào, nghệ sĩ hay những người tù lưu đày đều có tình yêu quê nhà u uất, mãnh liệt. Tôi quay mặt vào tường không khỏi trào nước mắt. Tôi nhớ bãi sông đầy dừa nước, lục bình ở cầu sắt Phú Long (Quận 12), ba tôi thường hay lặn xuống sông gỡ  những cái lụp chìm. Tôi đổ nó ra, đủ loại cá, nhiều nhất là cá bống dừa. Trong niềm vui trẻ thơ tôi không để ý gì đến việc ba tôi ho xù xụ vì quá lạnh. Khi gió sông thổi ngược vào bờ, gà đã lên chuồng ba tôi cởi áo khoác thêm một lớp cho tôi, mặc những cơn gió căm căm, ba đốc bó lá dừa làm đuốc cõng tôi về nhà, giỏ cá đeo bên thắt lưng. Chẳng mấy chốc, tôi đã ngủ trên lưng ba, miệng nhóp nhép mơ mình đang ăn cơm với cá bống thơm lừng.

Đi thẳng và không nhìn lại
Hơn năm năm rưỡi ở tù, tôi được Chủ tịch Nước đặc xá vì cải tạo tốt và khắc phục hoàn toàn hậu quả vụ án . Từ giã bạn đồng cảnh, chúc những người ở lại cải tạo tốt để sớm quay về với xã hội. Từ giã cán bộ – những người thầy của tôi trong quãng đời tù tội.
Tại cổng bảo vệ cuối cùng, tôi ký tên vào sổ xuất trại. Người cảnh sát bảo vệ bắt tay tôi thật chặt:
- Chúc mừng anh Hoàng Linh ! Hãy đi thẳng và không nhìn lại.
Tôi đi bộ một quãng dài, vượt qua đập nước đến bãi xe, không có chiếc nào quay đầu vào cổng trại. Tôi bước lên xe, cố gắng nhìn thẳng, cửa kính tự động quay lên. Tôi muốn quay lại nhìn nơi mà mình đã ở suốt nhiều năm tháng nhưng không thể…