Trên báo Văn Nghệ TPHCM số 357 ra ngày 11-6-2015, có bài “Thưa ông Nguyên Ngọc “quay đầu là bờ” không bao giờ quá muộn!” của Luật gia – Nhà báo Hoàng Phương. Tranh luận học thuật rất bình thường, tranh luận tư tưởng càng cần khuyến khích. Thậm chí tranh luận mang màu sắc khuyên nhủ hay dạy dỗ, cũng không có gì đáng phàn nàn. Thế nhưng, trích dẫn văn bản để tranh luận lại là hành vi khoa học cần được cân nhắc nghiêm túc. Nếu tác giả chỉ là Nhà báo thì chưa chắc bạn đọc đã yên tâm hoàn toàn về dẫn chứng, song tác giả lại ghi chú thêm chức danh Luật gia như một sự đảm bảo bằng vàng cho những lời đanh thép. Đọc bài của tác giả Hoàng Phương, người yêu thơ không tránh khỏi hoài nghi: Hoàng Hưng đã đạo thơ Bùi Chát, hay Bùi Chát đã đạo thơ Hoàng Hưng?




Trong bài ““Thưa ông Nguyên Ngọc “quay đầu là bờ” không bao giờ quá muộn!” có một đoạn hạch tội người đã viết “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu”, rằng:

 “Bây giờ ông cầm đầu cái nhóm vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập”. Cái tên hay ho đến nỗi làm người ta liên tưởng đến nhóm Tự lực văn đoàn ngày xưa. Nhưng hỡi ơi, khi nhìn vào cái danh sách thành viên “Văn đoàn” của ông, người ta thấy rặt một phường gian manh, tục tĩu, cơ hội. Xin điểm vài gương mặt tiêu biểu nhé:
Bùi Chát (xếp ngay sau ông Ngọc trong danh sách): thuộc nhóm “Mở miệng” với những vần thơ đạt đến cao độ của sự tục tĩu. Đây ạ (xin lỗi người đọc vì phải trưng ra những câu tục tĩu đó để làm bằng chứng): “Bạn ơi giao hợp nơi đâu”; “Đờm, dãi, thịt, da, tinh, khí, phì, phào”;…
 Rồi đến  Nguyễn Quang Lập, “nhà văn” đã từng kể “cùng với lũ bạn bảy, tám tuổi góp tiền sờ bướm con gái” và những câu văn gây sốc đại loại như: ‘đít thằng Thanh đang nhoáy trên bụng thím L.”  Ông Lập còn nổi xú danh vì cho rằng việc thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tra tấn, đóng đinh vào đầu tù nhân ở Hỏa Lò, Phú Quốc chỉ là việc “khai thác thông tin”. Xin dành đôi lời với ông Lập: Liệu ông có bằng lòng cho nhà cầm quyền hiện nay “khai thác thông tin” theo cách trên – dù chỉ một chút – đối với bản than ông liệu có được không?”

Đoạn trích trên được Luật gia – Nhà báo Hoàng Phương trích dẫn trên mạng, và có lẽ đã kiểm tra nguồn gốc tác phẩm lẫn xuất xứ tác giả. Tạm tin như vậy, thì thật băn khoăn.

Bùi Chát viết: “Bạn ơi giao hợp nơi đâu”. Vậy câu thơ của Hoàng Hưng: “Bạn ơi giao hợp nơi đâu? Đêm về gác trọ sắc mầu đung đưa…”, phải hiểu thế nào?

Bùi Chát viết: “Đờm, dãi, thịt, da, tinh, khí, phì, phào”. Vậy câu thơ của Hoàng Hưng: “Đờm, dãi, thịt, da, tinh khí phì phào, thu hút mãi không thôi cọ xát. Chìm đắm dạt trôi, trói đâm đánh bắt, ngũ nhạc lừ lừ, lửa càn rần rật, thầm thức nương gió đọa, nước sinh ròng rã, trùng trùng giao kết căn duyên”, phải hiểu thế nào?

Lẽ nào Hoàng Hưng đạo thơ Bùi Chát?
 Lẽ nào Bùi Chát đạo thơ Hoàng Hưng?
 Lẽ nào râu ông nọ cắm cằm ông kia?
Lẽ nào hệ lụy kẻ này do kẻ khác gánh chịu?
Lẽ nào họ cùng tham gia Ban vận động Văn đoàn Độc Lập, thì sáng tác của cá nhân đã trở thành tài sản chung, ai cũng đứng tên được?
Nhiều câu hỏi, bởi lẽ chúng ta đang đề cao thực thi bản quyền tác giả!


                                     NGƯỜI TÒ MÒ