Về mặt lý thuyết, và cả trên thực tế nữa, việc công bố/ lưu hành tác phẩm văn chương trên facebook có nhiều ưu thế hơn so với xuất bản và báo chí “truyền thống”: Không phải chịu bất cứ sự kiểm duyệt nào (mỗi facebooker chính là một ông chủ báo, một ông chủ nhà xuất bản), nhanh hơn (có thể đăng tải lập tức sau khi tác phẩm hoàn tất, hoặc đăng tải ngay khi tác phẩm vẫn còn dang dở, nếu muốn), sự tương tác giữa người viết và người đọc cũng trực tiếp hơn, cụ thể hơn (thể hiện qua việc người đọc bấm like và viết bình luận trên chính trang facebook đó). Từ sự “lấn sân” này, cần ghi nhận thêm một tác động nữa của facebook tới trường văn học: nó đã và đang trở thành nguồn sản sinh một kiểu tác giả “mới”, một kiểu độc giả “mới”, một kiểu nhà phê bình “mới”, tồn tại có tính độc lập tương đối với kiểu tác giả, độc giả, nhà phê bình “truyền thống”.



Facebook – tác nhân mới của “trường văn học”

HOÀI NAM

Nhìn về xã hội học văn học của thế kỷ XX vừa qua, không thể không nói tới Pierre Bourdieu (1930 - 2002) với lý thuyết “trường” (champs) và “trường văn học” (champ litteraire) nổi tiếng của ông, một đóng góp lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các lý thuyết nghiêng về nghiên cứu hình thức (chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, thi pháp học) đã đi đến hết khả năng của chúng. Xây dựng lý thuyết “trường”, P. Bourdieu đưa ra các khái niệm chủ chốt, mang tính năng sản cao, như “tập tính” (habitus), “vốn xã hội” (capital social), “tác nhân” (l’agent) v.v…
Theo P. Bourdieu, như mọi thứ “trường” nói chung (trường kinh tế xã hội, trường chính trị quyền lực…), “trường văn học” là một không gian xã hội được tạo thành bởi các tác nhân và vận động trong sự đấu tranh hoặc thỏa hiệp giữa các tác nhân ấy. Có thể liệt kê các tác nhân cơ bản: tác giả, độc giả, nhà phê bình, các thiết chế nghiên cứu và giảng dạy văn học, xuất bản và báo chí…
Một điều khá thú vị ở đây: P. Bourdieu xây dựng lý thuyết trường văn học trong những năm 70 của thế kỷ XX. Thời điểm ấy, dù có nằm mơ ông cũng không thể hình dung nổi khoảng bốn thập niên sau, khi nói về trường văn học, ắt không thể bỏ qua một tác nhân, mới và ngày càng có ảnh hưởng không nhỏ: facebook.

Dễ dàng nhận thấy, vượt qua chức năng một hình thức kết nối và chia sẻ trạng thái rất đặc thù của thời đại bùng nổ khoa học công nghệ thông tin - phải tính vào đây thêm sự hỗ trợ của những thiết bị như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh… ngày một trở nên phổ biến - facebook hiện đang “lấn sân” và phần nào đã đảm nhiệm vai trò của xuất bản và báo chí - những phương thức công bố/ lưu hành tác phẩm văn chương chủ yếu trước khi facebook xuất hiện. 
Về mặt lý thuyết, và cả trên thực tế nữa, việc công bố/ lưu hành tác phẩm văn chương trên facebook có nhiều ưu thế hơn so với xuất bản và báo chí “truyền thống”: Không phải chịu bất cứ sự kiểm duyệt nào (mỗi facebooker chính là một ông chủ báo, một ông chủ nhà xuất bản), nhanh hơn (có thể đăng tải lập tức sau khi tác phẩm hoàn tất, hoặc đăng tải ngay khi tác phẩm vẫn còn dang dở, nếu muốn), sự tương tác giữa người viết và người đọc cũng trực tiếp hơn, cụ thể hơn (thể hiện qua việc người đọc bấm like và viết bình luận trên chính trang facebook đó).

Từ sự “lấn sân” này, cần ghi nhận thêm một tác động nữa của facebook tới trường văn học: nó đã và đang trở thành nguồn sản sinh một kiểu tác giả “mới”, một kiểu độc giả “mới”, một kiểu nhà phê bình “mới”, tồn tại có tính độc lập tương đối với kiểu tác giả, độc giả, nhà phê bình “truyền thống”. Nói là độc lập tương đối, vì bên cạnh những tác giả chỉ viết và đăng tải trên facebook, những độc giả và nhà phê bình chỉ đọc và bình luận trên facebook - đó chính là cái “mới” - vẫn có với số lượng hẳn không hề ít, những người cùng lúc là cả “cái này” lẫn “cái kia”.
Ở một phương diện nào đó, đây là tác động mang tính tích cực, nó khiến cho trường văn học mất đi tính một chiều, trở nên phức tạp hơn, giàu sinh sắc hơn. Tuy nhiên sẽ không thừa nếu có thêm một ghi chú ở đây: Với những tác giả cùng lúc “là” lẫn “là” đó, facebook ít khi được coi như môi trường cho những sáng tác thực sự “nghiêm túc” và hoàn chỉnh. Hoặc nó (facebook) là chỗ cho những bản nháp, những phác thảo, nơi để tác giả ghi nhanh những ý tưởng chợt đến hoặc những cấu trúc hình thức ban đầu của tác phẩm. Hoặc nó đơn giản chỉ là một phương tiện để tác giả chia sẻ với “bạn bè” (friends) và “người theo dõi” (followers) những tác phẩm mà anh ta đã công bố ở đâu đó, trên các trang online.

Bởi thế, nếu nhìn về trường văn học Việt Nam hiện nay - theo cách hình dung của P. Bourdieu - như một không gian diễn ra cuộc đấu tranh giữa “những tiếng nói”, “những vị thế”, để rồi một bên sẽ giành lấy quyền ấn định giá trị lên phần còn lại, ta buộc phải xác nhận một thực tế: văn chương facebook đang ở vai của “những kẻ bị trị”. Có hai bằng chứng. Thứ nhất, những cuộc tranh luận về văn chương (yếu tố thiết yếu của sự hình thành trường văn học) trên facebook không phải là tranh luận giữa văn chương facebook và văn chương “giấy”, mà là giữa văn chương “giấy” với nhau và facebook chỉ được mượn để làm “trường khiên diễn”.

Chúng ta thấy các tác giả “mới”, xuất hiện từ facebook, có vẻ khá rụt rè trong việc tự khẳng định để giành lấy vị thế của mình, cho mình. Điều này khác hẳn với cái đã từng xảy ra ở quá trình hình thành trường văn học Việt Nam hồi những năm 20, 30 của thế kỷ trước, khi những tác giả “mới” như nhà thơ Lưu Trọng Lư có thể lớn tiếng tuyên bố rằng “các cụ” – tác giả “cũ” – là thế kia, còn “ta” là thế này, ta khác các cụ; khi Tự lực văn đoàn - một cách “thản nhiên như không” nhưng rõ ràng bao hàm sự tuyên chiến ngầm - đưa vào trong tôn chỉ thành lập nhóm của mình xác tín về một loại văn xuôi mang tinh thần “tả chân”, “khoa học” và “phụng sự tiến bộ xã hội”. Thứ hai, hầu hết các tác giả “mới” đều chỉ xem facebook như một ga xép trong việc lưu hành tác phẩm của mình. Ga cuối của họ, nếu họ muốn đến, chính là typo hóa tác phẩm, là sách giấy. Khá nhiều cuốn sách hiện nay đã ra đời như vậy: ra đời theo đường vòng. 

Ta có thể lý giải hiện tượng này, một phía, từ sự hiện hữu vẫn còn đầy sức mạnh của phương thức công bố/ lưu hành tác phẩm “truyền thống” - nói như triết gia, tiểu thuyết gia lừng danh người Ý Umberto Eco: “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” – phải là sách giấy thì tư cách tác giả văn chương của một facebooker coi như mới được ấn chứng. Lý giải từ một phía khác, dễ thấy ở đây có sức tác động của trường kinh tế xã hội lên trường văn học: nói chung thì chẳng ai là người trả nhuận bút cho những tác phẩm văn chương trên facebook, dù chúng có xuất sắc đến đâu – để từ đó, ít ra, có thể giúp tác giả tái sản xuất sức lao động – hơn thế, những vấn đề về quyền tác giả với sách giấy hẳn sẽ giải quyết dễ hơn nhiều so với việc tác phẩm cứ “ở lỳ” trên facebook.

Vẫn nhìn theo P. Bourdieu, thì “thị trường cho văn chương”, yếu tố đóng vai trò cực quan trọng đối với trường văn học, là điều mà facebook không/ chưa làm được cho những tác phẩm được sản sinh từ nó. (Ngoại trừ việc, không thể phủ nhận, quảng cáo cho sách giấy trên facebook ngày càng tỏ ra có hiệu quả hơn, nhất là ở những trang được nhiều người theo dõi. Nhưng cũng cần phải tính đến một thực tế khá oái oăm: ở những trang facebook được nhiều người theo dõi nhất, thường thì người ta khoe nhà cửa, xe hơi, đồ trang sức, những scandal tình ái v.v… Sách dễ là thứ bị bỏ qua nhất ở đây).
Cái vai của “những kẻ bị trị” này sẽ còn hiện ra rõ hơn nữa khi ta đặt ra một câu hỏi căn cốt: xét đến cùng, văn chương facebook thêm được vào những gì nữa cho trường văn học? (Người viết vẫn muốn trở lại với những năm 20, 30 của thế kỷ trước: tuyên bố của Lưu Trọng Lư đi kèm với sự thắng lợi của Thơ Mới, một cuộc cách mạng trong thơ ca Việt Nam; và mấy xác tín nghệ thuật trong tôn chỉ thành lập nhóm của Tự lực văn đoàn thì đã đẩy nhanh gia tốc hiện đại hóa của văn xuôi Việt). Có thể ghi nhận nhanh ở văn chương facebook Việt Nam hiện nay trên một vài phương diện.
Về hình thức thể loại: không có tiểu thuyết, không có trường ca, truyện ngắn cũng rất ít, mà tràn ngập là các truyện “cực ngắn”, các tản văn, tạp bút và thơ, đặc biệt nhiều là thơ. (Có vẻ như, điều này có liên quan xa gần tới ý nói về các tác giả cùng lúc “là’” lẫn “là” đã nêu ở trên, khi sáng tác trên facebook người ta không dồn đủ thời gian và trí lực cho những thứ dài hơi?).

Về chất lượng, thì chính những ưu trội của facebook trong việc lưu hành và phổ biến tác phẩm, trong tương tác giữa tác giả và độc giả, lại là cái mang đầy tiềm năng, và thực tế đã gây tổn hại không nhỏ cho văn chương: người ta có thể miệt mài làm thơ từ ngày này sang ngày khác, thậm chí từ giờ này sang giờ khác, lặp lại mình vô số lần như một hành vi tiền-ý thức, một kiểu tự động hóa nào đó. (Những cú bấm like, những comment rất đậm chất giao đãi như “Hay”, “Hay quá”, “Sâu sắc và nhẹ nhàng tinh tế”, “Lắng đọng và đầy cảm xúc” v.v… rất có thể chính là một thứ chất xúc tác khiến người viết thêm say sưa trong sự tự lặp lại mình). Một vài bài có lẽ sẽ mang lại cảm giác tươi mới, là lạ, hay hay.

Nhưng hãy thử hình dung xem khi ta đọc những tập thơ gồm rất nhiều bài nhưng bài nào cũng như được-sao-từ-một-bài-mà-thôi? (Người viết đã thử làm một thống kê về sự lặp từ ở một số tập thơ “xuất thân” là những bài thơ sáng tác trên facebook - xin được trình bày kết quả khảo sát trong một dịp khác - thì thấy vốn từ vựng của chúng nghèo nàn tới kỳ lạ. Hơn thế nữa, nếu chấp nhận rằng cấu trúc ngôn ngữ/ từ vựng là cái có liên quan tới ý thức hệ, thì dường như chỉ một ý thức hệ thôi, lặp hết từ tác giả này sang tác giả khác: đó là ý thức hệ của những thị dân làm việc trong các cao ốc văn phòng, nghe và nhìn đời qua lớp kính cách âm, buồn vui chủ yếu với những nhịp đập - có thật hoặc tưởng tượng - của trái tim giữa trường tình). 

Một cơ hội bị bỏ lỡ chăng, khi môi trường sáng tác như facebook thực ra là môi trường rất thuận lợi để người viết tự do thể hiện bằng hết “vốn xã hội” (capital social) của mình, khiến cho mình trở nên khác biệt với phần còn lại của thế giới? Một cơ hội bị bỏ lỡ chăng, khi những “avant - gardiste” - những nghệ sỹ tiên phong - không/ chưa thể xuất hiện được trong một không gian mở đến hết mức như facebook?
Người viết không có khả năng tự trả lời được câu hỏi này, chỉ biết chờ đợi và hy vọng. Vẫn cứ phải chờ đợi và hy vọng thôi!