Viết lại những câu chuyện vừa trải nghiệm về một mùa đại hội của Hội Nhà văn TPHCM, nhà thơ Dương Trọng Dật, suy tư: “Tôi kinh hoàng nghĩ về con ngựa bị bịt mắt chạy trên con đường độc đạo . Trong đầu tôi bất chợt hiện ra hình ảnh Thị Nở liếc nhanh xuống bụng và liếc nhìn cái lò gạch cũ bỏ không. Lần đầu tiên tôi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về những vấn đề trên và tự chất vấn mình. Có phải chúng ta quá say sưa với thành quả kinh tế mà bỏ quên ngôi nhà văn chương?  Liệu chúng ta có phải  sự vô trách nhiệm của chúng ta đã làm sụp đổ một thánh đường ? Hay chúng ta vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm? Và phải làm gì để ngôi nhà chung này không trở thành  chiếu bạc đỏ đen mà những người tử tế không ai dám lui tới tới nữa?”







CÁI CHẾT CỦA CON THIÊN NGA

DƯƠNG TRỌNG DẬT

1.
Tôi bị cuốn vào vòng quay một cách hoàn toàn bất ngờ. Nhân một cuộc gặp trà dư tửu hậu, tôi có đề cập tới việc văn học thành phố đang đánh mất vị trí trung tâm. Người bạn thơ lắng nghe có vẻ tâm đắc và trước khi chia tay, đưa ra một đề xuất không biết thật hay đùa: tôi chưa nghe ai nói về điều này bao giờ, cả trên diễn đàn của hội, cả trao đổi cá nhân. Nhưng ông nói đúng. Hay là khóa này ông làm đi?
Ý kiến của anh làm tôi ngỡ ngàng. Trong thâm tâm, tôi chưa từng nghĩ đến điều này. Làm đi! Nói thì dễ. Nhưng không phải chuyện bất khả thi. Có điều lạ, cũng giống như người bạn, tôi chưa bao giờ nghe ai bàn về chuyện này trên diễn đàn chính thức của hội. Tại sao nhỉ?

2.
Câu chuyện tưởng đã lãng quên lại được hâm nóng tại buổi tổng kết cuối năm và trao giải thưởng của hội năm 2014. Một lễ trao giải buồn. Giải thưởng không có tiền và người nhận giải chỉ được trao một giấy chứng nhận. Câu chuyện qua lại có phần gay gắt hơn khi các nhà văn có chút men bia.  Nhiều câu hỏi được đặt ra: kiếm vài chục triệu đồng cho một năm giải thưởng khó hay không khó? Tại sao chúng ta chỉ biết “há miệng chờ sung”? Lòng tự trọng của các nhà văn bị xúc phạm khi hoạt động hội quá phụ thuộc vào bầu sữa bao cấp, vào tiền ngân sách mà thực chất là tiền thuế của dân. Đất nước còn nghèo và đời sống  đông đảo người lao động đang quá khó khăn. Không thế sao nhà báo Trần Đăng Tuấn phải đặt vấn đề “bữa cơm có thịt”?
Chính trong cuộc gặp, có nhiều người lại khuyến khích  tôi: khóa này ông nên gánh bớt gánh nặng với anh em.

3.
Một sự kiện khác khiến câu chuyện có vẻ như đùa thành chuyện thật. Sau một buổi họp, người bạn tôi, đương kim lãnh đạo hội vào phòng nói là có chuyện cần trao đổi với tôi. Sau khi khép cửa lại (phòng của tôi thường không khép cửa) anh đề nghị tôi tham gia Ban chấp hành khóa này. Anh bảo: “Tôi đã quyết định rút. Ông làm là phù hợp nhất. Ông là người năng động, nhiều ý tưởng,có mối quan hệ tốt cả với xã hội và với cấp trên. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ tiến hành các bước theo thủ tục!”
Tôi cảm nhận được ý thức trách nhiệm và sự chân thành của anh. Tôi cười: “Nếu ông rút thì tôi cũng có thể làm. Và làm được, miễn là được ủng hộ của hội viên”. Cuộc trao đồi dừng ở đó. Nhưng  từ đấy cho đến khi đại hội diễn ra không thấy anh trao đổi gì thêm về vấn đề này. Tôi cũng không hỏi lại.

4.
Một cuộc gặp khác cũng có vẻ có ý nghĩa, mặc dù đến nay tôi nghĩ mãi cũng không hiểu ý nghĩa thực chất nó là gì. Nhân dịp 30/4, từ gợi ý của cuộc gặp cựu thành viên báo Phụ Nữ TPHCM của nhà thơ Hà Phương và nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, tôi quyết định tổ chức cuộc gặp mặt cựu cán bộ báo Sài Gòn Giải Phóng. Tôi quyết định tổ chức cuộc gặp này vì trong lễ kỷ niệm 40 năm báo Sài Gòn Giải Phóng,  thấy nhiều người không được dự. Trước cuộc gặp, buổi sáng, một người bạn khác ở báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng đang là lãnh đạo Hội nhà văn TPHCM xin gặp tôi. Anh bảo chiều anh bận không tham dự được và ở chỗ đông người trao đổi việc này không tiện. Anh đề nghị tôi nên tham gia khóa này. Anh nói với tôi: “Anh biết rồi đấy, tôi là người thiếu quyết đoán. Tôi cũng không có mối quan hệ rộng rãi như anh. Tôi không thể làm người đứng đầu, chỉ có thể làm phó thôi. Có thể tôi cũng rút…”
Chưa thật sự hiểu anh tính toán điều gì, nhưng thấy anh có vẻ chân thành, tôi cười: “Nói thật là tôi quá nhiều việc. Nhưng nếu cần cũng có thể làm và cũng nhiều việc để làm nếu mọi người ủng hộ!”. Trước khi anh về, tôi tặng anh tờ báo Người Tiêu Dùng và nói: “Tôi mới làm tờ này. Một tuần nó cũng ngốn của tôi ít nhất 2 ngày…nhưng không sao…”

5.
Tối 4/6, một nhà thơ nữ gọi điện cho tôi: “Anh đã biết gì chưa. Ban chấp hành vừa họp xong. Người ta giới thiệu 11 người. Không có anh. Ban chấp hành cũ, không ai rút. Tình hình có vẻ găng lắm!”. Tôi không có cái bức xúc của nhà thơ nữ tâm huyết nọ. Ban chấp hành giới thiệu ai là quyền của họ và là chuyện rất bình thường. Tôi trấn an theo kiểu nừa đùa nửa thật: “Ban chấp hành không giới thiệu thì em giới thiệu!”. Nhà thơ nữ có vẻ cáu: “Anh cứ đùa. Người ta vận động đông tây dữ lắm, anh thì cứ khơi khơi. Tình hình căng lắm, thật đấy!”
Tất nhiên là tôi biết cô nói thật. Nhưng không khơi khơi thì làm gì? Tôi từng là Phó Chủ tịch hội nhà báoTPHCM, ủy viên BCH hội nhà báo Việt Nam, nhưng cái cách “vận động tranh cử” hoàn toàn không giống cái kiểu người ta đang làm ở Hội Nhà văn TPHCM. Tôi lại thuộc loại “kém năng lực” trong lĩnh vực này. Rất may, tôi chỉ coi đây là một cuộc chơi. Mà đã là cuộc chơi thì kết cục chẳng có gì quan trọng.

6.
Nhưng tôi vẫn phải vào trang web của Hội Nhà văn TPHCM để thẩm định thông tin của nhà thơ nữ và xem các quý vị trong Ban chấp hành đang làm gì. Thông tin càng làm tôi hoang mang hơn. Chắc không phải các anh không biết làm tin, nhưng tin đưa rất mù mờ. Ban chấp hành cố tình chăng? Tôi không biết. Danh sách 11 người được giới thiệu không được công khai. Một nội dung rất quan trọng: vì sao BCH cho ra danh sách đó và quy trình bàn bạc để lựa chọn cũng không được công bố. Lại nữa,trong danh sách 11 người, số vị trong BCH cũ còn gần như nguyên vẹn cũng không được thông tin.  Đấy chính là điều kinh ngạc nhất với tôi. Còn nguyên, nghĩa là các quý vị thỏa mãn với những điều các vị đã làm? Nhiều hội viên từng chứng những giọt nước mắt VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên  khi về đích đầu tiên, phá kỷ lục SEA Games và đoạt huy chương vàng vì không hài lòng với chính mình, buộc phải đặt câu hỏi: quý vị có xấu hổ khi chứng kiến hành động của cô gái 19 tuổi? Quý vị hài lòng với nhiệm kỳ của mình? Hay còn một lý do gì khác? Chủ nghĩa cá nhân và lợi ích nhóm? Hay các quý vị quyết tâm lặp lại thành tích nghèo nàn của một nhiệm kỳ cũ mà quý vị đã trải qua?

7.
Có một chuyện mà tôi hơi bất ngờ. Gần ngày đại hội, một người bạn gọi cho tôi: “Người ta đang mở chiến dịch chống ông, ông biết không?”. Tôi ngớ người, làm sao tôi biết được. Nhưng tôi chợt hiểu ra, tôi đã bị cuốn vào vòng xoáy của một cuộc chơi. Tất nhiên là phải nhận sự khắc nghiệt của luật chơi. Vậy họ nói gì? Họ bảo ông cũng là ông A phẩy. Lúc tại chức có vẻ liêm khiết, nhưng bây giờ thì nhà nọ xe kia. Tôi thở phào. Toàn là chuyện vu vơ không đáng bận tâm. Nhưng có điều có lẽ cũng phải bận tâm. Người phổ biến thông tin lại là một thành viên của Ban chấp hành, bây giờ đã trở thành một nhân vật chủ chốt của hội. Thông tin đó đã được rỉ tai đến hầu khắp các hội viên thân thiết và băng nhóm của anh ta. Có vẻ như kịch bản đang được toan tính rất bài bản.Và không sòng phẳng. Người ta đang hướng đến việc chọn một người đứng đầu để có thể thao túng  hoạt động hội theo lợi ích của nhóm mình? Tôi chợt hiểu ra vấn đề, câu chuyện tưởng như vu vơ ấy sẽ hiện thân thành sức mạnh của lá phiếu trong đại hội. Và nhân vật đang lan truyền câu chuyện trên thực sự là một phù thủy cao tay. Tôi lờ mờ nhận ra bóng dáng một bàn tay đen mà nhiều người đã cảnh báo với tôi và rùng mình. Không, có lẽ…

8.
Cuộc họp các nhà văn đảng viên không như chờ đợi của tôi. Bàn chuyện cá nhân thì nhiều, chuyện nội dung thì ít. Tôi phát biểu một ý kiến ngắn về những vấn đề cần thảo luận trong đại hội. Cũng không có gì ghê gớm. Tôi đề nghị đại hội bàn bạc  kỹ về việc vì sao văn học thành phố Hồ Chí Minh mất vị trí trung tâm, không còn là nơi tập hợp  của văn học toàn vùng và làm thế nào khôi phục vị trí ấy. Vì sao văn học thành phố không nối kết được với đời sống và những vấn đề kinh tế xã hội của thành phố, vốn là trung tâm kinh tế xã hội năng động nhất nước? Làm thế nào để phá băng xuất bản, mở đầu ra cho văn học? Làm gì để dựng lại cơ quan ngôn luận, tiếng nói của hội nhà văn?
Cuối buổi họp, khá bất ngờ là có một nhà văn không tên, nhưng có tuổi đến gần và bỏ nhỏ tôi: “Ông nói như thành ủy nói vậy!” Tôi giật mình. Ô hay! Từ bao giờ những việc tôi nói trên không phải là chuyện của hội nhà văn mà là chuyện của đảng? Vậy hội nhà văn làm gì? Các nhà văn làm gì và đại hội sẽ làm gì? Hay sẽ là nơi để một số vị  chỉ chăm chăm tìm một chỗ ngồi trong Ban chấp hành và… không làm gì cả.

9.
Trước khi khai mạc Đại hội Hội nhà văn TPHCM khóa 7, tôi nhận một thông tin động trời: người ta tung tin ông được thành ủy chỉ định. Giời ạ, tôi chẳng biết ai tung tin và tung tin để làm gì. Có điều, tôi chưa từng gặp ai trong thành ủy về vụ này và cũng không hề có ý kiến chính thức chỉ định chọn tôi tham gia hội nhà văn. Một thông tin thăm dò, hay đòn phép? Không biết. Tôi đã quen với những tin tức giật gân trong những ngày này. Nhưng điều bất ngờ hình như vẫn còn ở phía trước…
Và không cần chờ đợi lâu. Đại hội mở màn trong sự khủng bố tinh thần với những ngôn từ không giống ai của các nhà văn dành cho nhau, cái mà một nhà văn nói là đấu tố theo kiểu cải cách. Tôi run lên khi nghe những ngôn từ đao to búa lớn, những mạt sát mang tính thóa mạ cá nhân ở giữa nơi thánh đường của chữ nghĩa và chợt rùng mình. May thay một số ý kiến tâm huyết sau đó đã làm loãng cái không khí đặc quánh của đại hội. Nhưng có vẻ quan tâm của các đại biểu lại đang hướng về một phía khác.

10.
Đại hội tiếp  tục vào buổi chiều  thiếu vắng khá nhiều đại biểu. Đại hội nghe báo cáo và thảo luận về việc sửa đổi điều lệ. Nhiều ý kiến trao đổi về vấn đề này. Có điều lạ, dường như chẳng ai quan tâm đến những vấn đề của văn học thành phố Hồ Chí Minh, những vấn đề cốt tử của hoạt động hội trong nhiệmkỳ tới. Giữa giờ, ra uống nước, tôi bắt gặp nét mặt buồn của một nhà văn trong ban kiểm phiếu. Anh nắm tay tôi: “Buồn lắm anh ơi! Em kinh hoàng khi mở những là phiếu. Người ta gạch không thương tiếc, hình như không màng đến ý thức trách nhiệm, có lẽ chỉ để dồn phiếu cho người phe mình. Em ngửi thấy mùi lợi ích nhóm!”
Tôi không dám lạm bàn về ý kiến của nhà văn trên. Ngửi mùi, có nghĩa là mới căn cứ vào giác quan thứ 6, chưa có cơ sở đề kết luận. Nhưng số phiếu công bố sau đó  khiến nhiều người phân vân. Người cao phiếu nhất là vị BCH cũ, nắm trong tay phương tiện thông tin của hội, một người mà nhiều nhà văn khảng định với tôi rằng, đã điều khiển toàn bộ hoạt động phía sau đại hội, người đã tán phát những thông tin như đã nói trên. Nếu đúng như các bạn tôi nói thì  anh hoàn toàn không vô tình. Và nếu vậy, tôi xin ngả mũ trước những tính tóan chính xác đến từng milimet của anh một “hậu sinh khả úy”. Và tôi cứ nghĩ vu vơ: kết quả này có mùi lợi ích nhóm, hay không nhỉ?

11.
Kết quả công bố sau đó không làm mọi người ngạc nhiên. Điều bất ngờ là nó đúng y boong kết quả mọi người đã dự đoán trước đó. Một sự ngẫu nhiên chăng? Có lẽ không. Một người bạn ngòi cạnh rỉ tai tôi:  một kịch bản hoàn hảo. Rồi anh tần ngần nói thêm: giá ông đừng  phát biểu trước đại hội thì hay hơn. Sao vậy? Vì không được lòng nhiều người. Tôi mỉm cười. Mà tôi đã nói gì nhỉ? Tôi nói đến việc đổi mới cơ chế hoạt động hội để dứt khởi bầu sữa  bao cấp, khỏi phải ăn bám vào tiền thuế của dân. Tôi nói đến việc đưa các nhà văn về các vấn đề trung tâm của đời sống kinh tế xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nói về việc mở đầu ra cho văn học. Tôi nói về việc khôi phục tờ báo của hội…
Vậy tôi nói sai à? Không sai, nhưng nhiều người không thích vì khó ai làm được. Ban chấp hành có thể không thích. Đúng vậy? Nhưng còn đại hội, các nhà văn? Nếu không thích những điều tôi đã nói trên thì các nhà văn đáng kính của tôi thích gì và muốn gì, tôi thật sự không hiểu.

12.
Sau cuộc họp Ban chấp hành mới tôi lập tức nhận được thông tin. Người gọi điện nói với tôi: Ban thường vụ đúng y tróc dự kiến của em. Anh thấy người ta hoạt động tài tình chưa. Thường vụ gồm 2 cũ,1 mới và toàn là BCH cũ.
Toàn cũ? Có phải ý chí thật của đại hội không? Dự đại hội có 215 hội viên trên tổng số 415 hội viên. Nghĩa là mới chỉ hơn quá bán một chút. May là còn hơn mấy phiếu để có thể đại hội. Còn 200 hội viên khác ở đâu? Điều này nói lên điều gì? Ngoài số yếu sức khỏe, có phải  các nhà văn, trong đó đa phần là những nhà văn c ó tên tuồi, quá chán ngánvới hoạt động của Hội nhà văn TPHCM? Hay mọi người tẩy chay? 130, thậm chí 140 là bao nhiêu trong tổng số hội viên nhà văn thành phố, và đa số này là đa số gì? Một nhà văn từng nói với tôi: cần gì bầu. chỉ cần đại hội đủ 100 nhà văn được kết nạp trong khóa vừa rồi, cộng thêm các nhà văn thân hữu, họ nắm chắc phần thắng trong tay. Một thông tin chưa được kiểm chứng. Một nhà văn khẳng định, khi phát phiếu bầu số người dự đại hội không đủ 208, vì trước khi phiếu phát ra người bỏ về đã rất đông. Một nhà văn khác nói với tôi, khi bỏ phiếu có người cầm một lúc mấy chục phiếu trong tay. Có phải đó chính là lý do mà một nhà văn ít tên tuổi có số phiếu cao nhất nhì đại hội? Một chi tiết hài hước hơn: Một phóng viên đến tham dự để đưa tin, cũng cho biết mình được phát một phiếu bầu…
Nhưng đó là ý chí đại hội, ý chí của đa số, có người bảo vậy. Không, nói cho đúng thì đó là cái đa số, của cái đa số chưa áp đảo trong hơn 400 hội viên. Dẫu sao thì cũng là đa số. Dân chủ là tối cao. Có điều, nếu đó là ý chí của đại hội, thì vănhọc thành phố chẳng biết sẽ đi về dâu? Vũ như cẩn? Có lẽ. Và như vậy, 5 năm sau, các nhà văn sẽ lại ngồi với nhau, than cái câu cũ rích từ thời Napoleong còn mặc quần thủng đít:  biết rồi, khổ lắm, nói mãi.  Nhưng cần gì nhỉ. Miễn là…

13.
Có một chi tiết thú vị: trong ngày đại hội thứ hai, một thành viên BCH mới lên diễn đàn  công bố rất hồn nhiên: tôi đang làm osin cho vợ thì được gọi đến làm thư ký đại hội và…trúng vào Ban chấp hành. Liệu đấy có phải ý chí của đại hội không? Xin quý vị rút ra câu trả lời. Riêng tôi, tôi cứ ngồi nghĩ mãi về sự sụp đổ của một thánh đường, về cái chết của con thiên nga. Tôi chỉ chợt tỉnh ra khi một người bạn vỗ vai: ông ngây thơ lắm. Người ta không chỉ tính chuyện cho hôm nay mà bắt đầu tính chuyện cho 5 năm sau. Là gì? Không hiểu thật à? Là chức chủ tịch… cho khóa 8. Gì nữa? Đảng viên ư? Sao ông vẫn ngu lâu thế? Thành đảng viên thì mấy hồi? Người ta có hẳn  một chi bộ…
Tôi nghe giọng khinh bạc của người bạn mà toát mồ hôi. Nhưng không thể không tin. Bởi những dự đoán của anh trước đại hội là hoàn toàn đúng. Tôi kinh hoàng nghĩ về con ngựa bị bịt mắt chạy trên con đường độc đạo . Trong đầu tôi bất chợt hiện ra hình ảnh Thị Nở liếc nhanh xuống bụng và liếc nhìn cái lò gạch cũ bỏ không. Lần đầu tiên tôi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về những vấn đề trên và tự chất vấn mình. Có phải chúng ta quá say sưa với thành quả kinh tế mà bỏ quên ngôi nhà văn chương?  Liệu chúng ta có phải  sự vô trách nhiệm của chúng ta đã làm sụp đổ một thánh đường ? Hay chúng ta vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm? Và phải làm gì để ngôi nhà chung này không trở thành  chiếu bạc đỏ đen mà những người tử tế không ai dám lui tới tới nữa?

                                                            Sài Gòn ngày nhà báo 2015