Cung vượt cầu, khiến bài toán kinh tế thi ca sụp đổ. Bản báo cáo tài chính của những người in thơ còn đẹp đẽ và chuẩn mực hơn cả báo cáo thường niên của chính phủ: chi phí cho tập thơ sau bao giờ cũng cao hơn chi phí cho tập thơ trước, tập thơ thứ hai chắn chắn bù lỗ gấp đôi tập thơ thứ nhất. Hành trình phát triển thi ca được các ngân hàng quốc doanh lẫn ngân hàng thương mại, đồng chứng thực: từ phá sản từng phần tiến thẳng lên phá sản toàn phần, bỏ qua giai đoạn nợ treo và nợ xấu! Phong trào in thơ bùng phát dữ dội. Các nhà thơ thứ thiệt đành tự trọng chọn cách im lặng. Còn các nhà thơ lập lòe son phấn lại hùng hổ xuống đường quảng bá thơ. Tranh thủ mọi cơ hội để tặng thơ. Đi đám cưới cũng mang thơ tặng, mà đi đám ma cũng mang thơ tặng, với phương châm tuyệt đỉnh vinh quang: thà phát nhầm còn hơn để sót!




BÙNG PHÁT NHÀ THƠ VÀ KỸ NGHỆ TẶNG THƠ

LÊ THIẾU NHƠN

Chủ Nhật hàng tuần, tôi đều cố gắng dành ra một ít thời gian để đọc… thơ. Chả phải lãng mạn gì, chủ yếu thực hiện lời hứa với bản thân và trách nhiệm với đồng nghiệp. Việt Nam bước qua thế kỷ 21, không phải không có thơ hay, mà thơ hay bị chìm khuất giữa các loại giải thưởng bè cánh và những lời tung hô loạn xạ. Tôi luôn tự nhủ, mình phải đọc chân thành để viết phê bình thơ nghiêm túc!

Sở dĩ vừa rồi nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ở ĐH Hội nhà văn TPHCM bị nhận nhầm là… nhà thơ, vì bây giờ người làm thơ còn nhiều hơn người đọc thơ. Trong không khí mua danh bán danh nhộn nhịp, thơ cấp tổ dân phố chỉ cần kèm theo rủng rẻng túi bạc thì có thể đùng đoàng nâng tầm thơ cấp thành phố hoặc thơ cấp trung ương, mà không cần quá cảnh thơ cấp phường, thơ cấp quận.

Chưa có con số thống kê chính xác, mỗi năm trung bình Việt Nam có thêm bao nhiêu tập thơ. Thế nhưng, không khó khẳng định, ai có tiền cũng có thể in thơ và thành… nhà thơ. Xã hội điên cuồng dục vọng, đã có tiền thì ắt háo danh. Muốn làm họa sĩ thì phải học vẽ, muốn thành nhạc sĩ thì phải học đàn, còn muốn thành nhà thơ thì… không cần học gì. Nước ta đã phổ cập giáo dục tiểu học từ lâu, người nào cũng có thể thông thuộc bảng chữ cái A,B,C để ghép vần. Nếu vụng về viết lạc điệu thì nhờ người khác chỉnh sửa, thậm chí sao chép na ná thơ Tây thơ Tàu, sao chép na ná thơ Nguyễn Bính thơ Huy Cận, thì cũng chả ảnh hưởng con ma nào. Cứ thế, dăm bài gộp lại một tập. Nhà xuất bản chỉ bán giấy phép, còn tác phẩm tồn vong ra sao thì mặc kệ. Luật chỉ cấm in thứ phản động hoặc thứ đồi trụy, chứ luật không cấm in thứ… dở! Thơ càng nôm na thì càng dễ được chấp nhận, vì biên tập viên liếc mắt qua đã thẩm định xong bản thảo!

Hầu hết tập thơ xanh xanh đỏ đỏ đều lổn nhổn chữ nghĩa, chứ chẳng có ý tứ gì. Mà có ai cần ý tứ đâu, miễn sao có… cái thẻ hội viên hội nhà văn là ok rồi! Mục đích tối thượng cùa việc in thơ tràn lan là nhằm đạp cửa xông bừa vào hội nhà văn. Đứa nào chặn lại thì xòe tiền ra là êm xuôi trót lọt. Đầu bạc thích tiền hơn thích thơ, mà đầu hói thì ghét thơ chứ không ghét tiền. Vòng quay chóng mặt đổi chác diễn ra ở ngay nơi ngỡ chừng văn chương rất thiêng liêng: vạn tuế tiền… đả đảo thơ…!

Nhà nhà in thơ thì thơ không thể bán cho ai. Có chăng, chỉ hai đối tượng có thể bán thơ, nếu sử dụng hết biên độ của sự liêm sỉ. Thứ nhất, sếp bán ép cho nhân viên. Thứ hai, giáo viên bán ép cho học trò.

Cung vượt cầu, khiến bài toán kinh tế thi ca sụp đổ. Bản báo cáo tài chính của những người in thơ còn đẹp đẽ và chuẩn mực hơn cả báo cáo thường niên của chính phủ: chi phí cho tập thơ sau bao giờ cũng cao hơn chi phí cho tập thơ trước, tập thơ thứ hai chắc chắn bù lỗ gấp đôi tập thơ thứ nhất. Hành trình phát triển thi ca được các ngân hàng quốc doanh lẫn ngân hàng thương mại, đồng chứng thực: từ phá sản từng phần tiến thẳng lên phá sản toàn phần, bỏ qua giai đoạn nợ treo và nợ xấu!

Phong trào in thơ bùng phát dữ dội. Các nhà thơ thứ thiệt đành tự trọng chọn cách im lặng. Còn các nhà thơ lập lòe son phấn lại hùng hổ xuống đường quảng bá thơ. Tranh thủ mọi cơ hội để tặng thơ. Đi đám cưới cũng mang thơ tặng, mà đi đám ma cũng mang thơ tặng, với phương châm tuyệt đỉnh vinh quang: thà phát nhầm còn hơn để sót!

Vì tôi làm nghề, nên trân trọng bất kỳ ai tặng thơ cho mình. Tuy nhiên, những người không mặn mà với thơ, thì chuyện bị dúi vào tay một tập thơ không khác gì bị án oan cỡ Nguyễn Thanh Chấn!

Tôi có hai người bạn thân. Tổ “tam tam” gồm, một người mập ú, một người bệnh tim bẩm sinh và một người ốm yếu là tôi. Thời đi học, ba thằng luôn về cuối, mỗi khi thi môn điền kinh. Tuy nhiên, tôi khá hơn thằng mập ú, còn thằng mập ú khá hơn thằng bệnh tinh bẩm sinh.

Khi đã có dấu hiệu mệt mỏi tuổi trung niên, ba thằng rủ nhau đi tập thể dục ở công viên Lê Văn Tám (không phải chỗ chơi của trẻ em 8 tuổi, mà chủ yếu dành cho các cụ già múa gậy dưỡng sinh mong sống đến 80 tuổi). Lâu không gặp, ba thằng thách nhau chạy thi. Kết quả: tôi về chót, sau thằng mập ú, còn thằng bệnh tim bẩm sinh lại phất cờ chiến thắng ngoạn mục!

Quá bất ngờ, tôi truy vấn. Mập ú bảo: “Tao suốt ngày bị vợ rượt đánh, nên chạy nhanh hơn trước!”.

Người bạn bệnh tim bẩm sinh vốn giỏi đàn giỏi hát. Thời sinh viên từng quen một em chân dài xinh như Hoa hậu. Thế nhưng, chàng bị nàng chê nghèo. Nàng chuyển sang cặp kè quý tử của một cựu quan chức cấp tỉnh- ông này vừa về hưu đã bị dân ném phân vô nhà, nên tức giận rời khỏi địa phương để vào Sài Gòn mua một căn biệt thự to đùng. Ngày nàng lên xe bông, người bạn bệnh tim bẩm sinh đã ngửa mặt lên trời, kêu thống thiết như triết gia lừng lẫy của Đức – Nietzshe: “Thượng Đế đã chết! Mỹ nhân thời nay đều làm dâu bọn tham nhũng cả rồi!”.

Người bạn bệnh tim bẩm sinh đã lý giải nguyên cớ chạy nhanh hơn tôi và người bạn mập ú: “Tao thường la cà các quán văn nghệ và bị tặng thơ hoài. Vì vậy, tao rèn luyện được kỹ năng tung cẳng để thoát thân! Đang nâng chén cụng ly, chỉ cần thoáng thấy thi sĩ làng hay thi nhân ấp cầm thơ đến gần, là tao co giò chạy luôn. Trình độ của tao đã đủ sức giành Huy chương Vàng SEA Game ở bộ môn 100 mét vượt rào”.