Dù chưa có một cuộc thống kê xã hội học nghiêm túc nào, nhưng hầu như ai cũng thừa nhận, thơ là mặt hàng khó bán nhất trên thế giới. Nước ta được dăm người lạc quan tự xưng tụng cường quốc thơ, vẫn khẳng định chắc chắn thơ cũng là mặt hàng mà Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẵn sàng khước từ vì không dễ tiêu thụ  Dù đã có Ngày thơ VN, nhưng bất kỳ kế hoạch thương mại nào dành cho thơ đều có nguy cơ phá sản ngay từ  ý tưởng manh nha. Vậy mà ở đồng bằng sông Cửu Long đã có người bán được hàng trăm ngàn bản thơ một cách ngoạn mục: nhà thơ Đỗ Ký!








RONG RUỔI TRÊN ĐƯỜNG GIÓ BỤI ĐỂ PHÁT HÀNH THƠ

LÊ THIẾU NHƠN

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là khả năng kết nối của Facebook, gần đây cũng có hiện tượng tác giả thơ trẻ phát hành được tập thơ với vài chục ngàn bản in. Tuy nhiên, cái kỷ lục ấy nếu so với số lượng mà nhà thơ Đỗ Ký đã bán ra thì vẫn còn khiêm tốn lắm. Hơn nữa, tác giả trẻ kia bán thơ cũng chỉ đủ để bù lỗ chi phí đi lại tổ chức các buổi giao lưu nhằm gìn giữ và vuốt ve sự mến mộ của độc giả, còn Đỗ Ký bán thơ đã nuôi được bốn người con lần lượt trở thành cử nhân.

Nhà thơ Đỗ Ký có hình dáng gồ ghề như một tiều phu chất phác và có khuôn mặt râu riu như một lãng tử giang hồ. Thế nhưng, ông lại có cái miệng duyên đáo để, cười rổn rảng hào sảng mà nói khúc chiết chân thành. Đặc biệt, khi đọc thơ, Đỗ Ký có đôi mắt lim dim và đôi tay ve vẩy, rất lẳng lơ và rất điệu nghệ. Tất nhiên, kiểu người như Đỗ Ký không gian nan vì kiếp hào hoa mới là chuyện bất thường.

Trong 7 tập thơ đã in của Đỗ Ký, thì tác phẩm có số lượng in thấp nhất cũng đạt con số 15 ngàn bản. Hầu hết những người yêu thi ca ở nước ta, khi nghe chuyện của Đỗ Ký đều cảm thấy khó tin. Thế nhưng, ai ở miền Tây Nam bộ có chút quan tâm đến chữ nghĩa đều biết hành trình phát hành thơ kỳ lạ và hiệu quả của Đỗ Ký. Không có chiến lược tiếp thị rầm rộ gì, cũng không tổ chức kênh phân phối gì, và cũng không hề có slogan gây kích thích dư luận như “đọc thơ giải nhiệt cuộc sống”, “đọc thơ không lo bị nóng” hay “đọc thơ tăng cường sinh lực phái mạnh”. Đỗ Ký cứ một mình một xe máy cà tàng phía sau chở mấy thùng thơ và rong ruổi khắp nơi. Địa điểm Đỗ Ký nhắm đến là các trường học, từ tiểu học đến đại học. Miễn sao ban giám hiệu đồng ý cho Đỗ Ký năm phút sau buổi chào cờ thì cả ngàn tập thơ được bán hết. Bí quyết nằm ở chỗ nào? Đỗ Ký thật thà: “Chẳng có cẩm nang nào hết. Tui cứ giới thiệu bản thân, giới thiệu tập thơ và đọc vài bài, thế là thầy cô và học sinh cùng mua thôi. Với các em nhỏ không có sẵn tiền trong túi, thì tui cho… nợ, bữa sau quay lại thu tiền!”.

Tập thơ đầu tiên của Đỗ Ký có tên gọi “Lời cầu nguyện cho chiếc răng cuối cùng” được in cùng lúc ở ba nhà xuất bản và bán ra tổng cộng 100 ngàn bản. Thừa thắng xông lên, Đỗ Ký in tiếp mấy tập thơ nữa như “Lá gan chuột nhắt”, Buổi sáng có chàng trai xin chết” hay “Bài thu hoạch về tim”, và tập nào cũng liên tục nối bản để kịp tốc độ bán. Chính nhà thơ Đỗ Ký tự làm kiểm toán viên để xác định: “Tập thơ “Giữa nắng sân trường” in năm 1996, viết về lứa tuổi học trò, là tập thơ bán chạy nhất. Bán từ miền Tây ra đến miền Trung, chỉ dừng lại vì xe hư ở đèo Hải Vân. Tui nhớ tất thảy 125 ngàn bản!”

Bên cạnh nhiều người khâm phục, thì cũng có không ít người nhạo báng việc phát hành thơ của Đỗ Ký. Họ nói gần nói xa là hạ giá thơ, là chợ búa chữ nghĩa, là rẻ rúng sản phẩm tinh thần… Đỗ Nghe nghe hết và biết hết. Ông cũng thoáng buồn nhưng không trách giận ai. Ông coi đây là một nghề lương thiện, để có thêm thu nhập lo cho gia đình của mình.

Nhà thơ Đỗ Ký tên thật Đỗ Văn Thắng, sinh năm 1957 ở Quảng Nam. Năm ông tròn 3 tuổi, cha mẹ ông chuyển vào lập nghiệp ở vùng đất giáp ranh với tỉnh Preyveng của Campuchia, bây giờ thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Ngày ấy, trong ký ức Đỗ Ký là quãng thời gian cơ cực và lầm lũi. Giữa nơi khắc nghiệt, mùa mưa thì nước nổi lênh láng còn mùa nắng thì cháy da cháy thịt, tuổi thơ Đỗ Ký trôi qua trong căn nhà lá liêu xiêu chốn đồng không mông quạnh. Cha của ông chẳng may mất sớm, mẹ của ông vẫn cương quyết làm lụng nuôi con đi học. Đỗ Ký nhớ lại: “Chỗ tui ở làm gì có trường học. Muốn đến lớp phải cuốc bộ ra ngoài Tràm Chim, hơn 15 cây số. Lớp học buổi sáng thì tui thức dậy trước khi con gà trống cất tiếng gáy chào bình binh. Còn lớp học buổi chiều thì khổ hơn nữa. Hoàng hôn biên giới u tịch lắm, má của tui phải đốt một đống lửa to trước cửa để tui thấy đường về nhà!”.

Thấu hiểu hoàn cảnh thèm khát được học hành của trẻ em vùng sâu vùng xa, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM, Đỗ Ký xung phong về những xã heo hút nhất để dạy học. Với một chiếc xe đạp cọc cạch, Đỗ Ký lặn lội với những mái trường cheo leo và hiu hắt. Ông yêu những địa danh mộc mạc mà ít người Việt miền xuôi biết đến như Thông Bình, Thường Phước, Cầu Ván, Kinh Mương… như trong một bài thơ ông đã viết: “Nơi đầu sóng sông Tiền biên giới xanh xanh. Sao tên đất tên người quen thuộc quá. Như bịch thuốc rê của ba, như ô trầu của má. Như đã gặp trăm lần nơi thôn dã ca dao”.
Khi đất nước mở cửa, Đỗ Ký nhìn vợ con túng thiếu, cảm thấy không thể cầm cự với đồng lương giáo viên ít ỏi, ông xin nghỉ dạy và chuyển về huyện Cao Lãnh mở hiệu ảnh. Ngày chia tay phấn trắng bảng đen, Đỗ Ký đã khóc khi cúi xuống trang giấy viết những câu thơ giã biệt: “Đâu phải ta muốn xa mà dòng đời đưa đẩy. Không cho tắm hai lần trong không gian thơ  ngây”. Với hiệu ảnh nhỏ, Đỗ Ký vừa làm thợ chụp ảnh, vừa làm thợ rửa ảnh và kiêm luôn chân chạy vật tư. Mỗi tuần, Đỗ Ký phóng xe vượt trăm cây số lên Sài Gòn để mua film, mua màu, mua giấy… Khi hiệu ảnh đã ổn định đủ cơm nước cho cả nhà, Đỗ Ký giao lại cho vợ quản lý, còn mình nghĩ cách để kiếm thêm đồng ra đồng vào cho con nộp học phí. Và một ý tưởng kinh doanh lóng lánh đã lóe lên trong Đỗ Ký lúc tình cờ ngồi với bạn bè nghe được câu chuyện vợ chồng một đồng nghiệp văn chương ở Cần Thơ thường đi bình thơ để bán thơ.  

Vậy người đã khai sáng kỹ nghệ phát hành thơ cho Đỗ Ký là ai? Xin thưa, đó là nhà thơ Trần Hồng Thắng. Vốn tham gia kháng chiến từ nhỏ, sau khi tập kết ra Bắc, Trần Hồng Thắng có dịp đánh đu với nhiều văn nghệ sĩ. Nhà thơ Trần Hồng Thắng đặc biệt say mê thi sĩ Xuân Diệu, từ dáng vẻ cho đến cách nhấn nhá vần điệu. Sau năm 1975, nhà thơ Trần Hồng Thắng đưa vợ con về lại quê nhà Long Mỹ - Hậu Giang và sinh sống bằng nghề… thơ. Nhà thơ Trần Hồng Thắng chuyên viết cho thiếu nhi, ngoài truyện ngụ ngôn thì còn có hàng chục bài thơ được phổ nhạc như “Bé ngoan” hay “Tay đẹp”. Vợ chồng nhà thơ Trần Hồng Thắng dắt díu nhau đi khắp các huyện thuộc tỉnh Cần Thơ ngày đó như Phong Điền, Long Phú, Vị Thanh, Ô Môn… như một Xuân Diệu của miền Nam, để bình thơ và bán thơ, để nuôi 9 đứa con nheo nhóc. Dạo ấy, nhà thơ Trần Hồng Thắng không có tiền để đầu tư in thơ mình, nên chủ yếu bình thơ để nhận thù lao. Trong một chuyến đi lai láng thi ca như vậy, nhà thơ Trần Hồng Thắng không may bị tai nạn giao thông và qua đời vào năm 1995, ở tuổi 61!

Mô phỏng cách thức của Trần Hồng Thắng, nhưng Đỗ Ký tỏ ra có duyên hơn và thành công vượt bậc trong lĩnh vực phát hành thơ. Không chỉ bán thơ mình, Đỗ Ký còn giúp nhiều nhà thơ ở Đồng Tháp đưa tác phẩm đến với công chúng rộng rãi. Thậm chí, tạp chí Văn Nghệ Đồng Tháp số nào bị ế thì chỉ cần a-lô cho Đỗ Ký, lập tức được giải quyết hết lượng hàng tồn kho.

Xung quanh chuyện phát hành thơ của Đỗ Ký, có không ít sự cố trở thành giai thoại của văn chương đồng bằng sông Cửu Long. Tính tình quảng giao, Đỗ Ký đi đến đâu cũng có tri kỷ mời… cụng ly. Có lần chạy xe từ Sa Đéc sang Long Xuyên để bán thơ, Đỗ Ký ghé tạt vào đám giỗ ở nhà một người quen và tiếp tục lên đường với hơi men chếnh choáng. Vừa qua phà Vàm Cống một đoạn, Đỗ Ký va quệt với xe khách. Thơ bay tung tóe còn Đỗ Ký thì ngả lăn quay. Tài xế vội vàng chạy đến: “Chú có bị làm sao không? Cháu đưa chú đi cấp cứu!”. Đỗ Ký xua tay: “Khoan khoan, lượm dùm tui mấy tập thơ lại cái đã…”. Tài xe vừa ngạc nhiên vừa chưng hửng: “Chú là nhà thơ à?”. Đỗ Ký lồm cồm bò dậy: “Đúng. Anh có thích thơ không? Mua dùm tui mấy cuốn đi!”. Cuộc đối thoại vô tiền khoáng hậu giữa tài xế và nạn nhân bị tông khiến hành khách trên xe thấy lạ, ùa xuống để xem. Kết quả, trước khi nằm trong Bệnh viện tỉnh An Giang, Đỗ Ký đã bán được hơn 100 tập thơ!

Nhà thơ Đỗ Ký đã làm nghề phát hành thơ suốt 15 năm, từ 1993 đến 2008. Tổng cộng ông bán được gần nửa triệu bản thơ. Do đã có mối sẵn, nên tập thơ gần đây nhất của Đỗ Ký là “Nghe giữa vườn trưa” dù đã tuyên bố giải nghệ bán thơ, vẫn được in… 10 ngàn bản. Đỗ Ký nói, con cái đã trưởng thành hết rồi nên chúng không cho ông nhọc nhằn đi phát hành thơ nữa. Bây giờ Đỗ Ký về lại thị trấn Sa Rầy, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp nơi ông miêu tả “Trước nhà là ngõ hoa lau. Cuối năm lau trắng một màu viễn khơi” để chăm sóc mấy đứa cháu. Có bạn đến thăm, Đỗ Ký dẫn đi tham quan Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và chỉ vào trụ sở Chi cục Hải quan đóng gần đó: “Thằng con trai lớn của tui làm ở đây nè. Nhờ phát hành thơ mà nuôi dưỡng được một cán bộ hải quan. Thử hỏi có hay không, hay không…” và bật cười khà khà. Nụ cười sảng khoái rung cả râu lẫn tóc của Đỗ Ký giữa buổi chiều biên giới chói chang nắng bụi, thật sự không thể nào quên được!

                                                         Sài Gòn, 5-2015