Nhà thơ Lê Tú Lệ nhận định với tư cách một hội viên gắn bó với Hội: "Tư tưởng thụ động, trông chờ vào tiền nhà nước là nét “đặc thù” của Hội Nhà văn TPHCM, nhất là nhiệm kỳ này. Nếu như ở nhiệm kỳ trước Ban Câu lạc bộ của Hội còn tổ chức được vài buổi tọa đàm tác phẩm, bàn tròn văn học, các chương trình thơ phối hợp với một số đơn vị tài trợ thì nhiệm kỳ này hoàn toàn vắng bóng, hoạt động quảng bá tác phẩm cho hội viên gần như tê liệt, hoặc như nhiệm kỳ trước mỗi năm Hội còn tổ chức được 02 trại sáng tác do lãnh đạo Hội tự thân vận động tìm nguồn... Một ví dụ điển hình về tính thụ động, đó là khi Giàn khoan HD981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, cả nước sục sôi, văn nghệ sĩ thành phố cũng sôi sục. Sau đợt “biểu dương lực lượng” của văn nghệ sĩ tại Nhà hát thành phố do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức, hầu hết các Hội chuyên ngành đều hưởng ứng, tổ chức cho hội viên lên tiếng phản đối, quyên tiền ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc” rất rầm rộ. Riêng Hội Nhà văn TPHCM bình chân như vại, một số hội viên phải “đi ké” chương trình của các Hội để biểu thị thái độ và lòng yêu nước của mình. Thụ động trong công việc còn thể tất được, thụ động yêu nước có thể tất được không?"



 HỘI NHÀ VĂN THÀNH PHỐ - CẦN LẮM NHỮNG TẤM LÒNG

LÊ TÚ LỆ

            Cách đây đúng 15 năm, cũng những ngày này, trên trang báo này ( Văn Nghệ TPHCM), trong mục “Diễn đàn góp ý xây dựng Hội, tôi có một bài viết nhan đề “Đừng để chúng tôi rơi vào khoảng không”. Lúc đó, Hội Nhà văn TP.HCM chỉ có khoảng 200 hội viên, luồng gió đổi mới đã thổi vào mạnh mẽ dù hội nhập quốc tế chỉ mới bắt đầu, nhưng cách quản lý và tổ chức hoạt động của Hội Nhà văn thành phố đã bộc lộ một số vấn đề cần phải trao đổi. Sau ba nhiệm kỳ đại hội, Hội Nhà văn TPHCM đã phát triển lên nhiều, số lượng hội viên lên tới gần 420 người. Những cây đại thụ của nền văn học đất nước, niềm tự hào của văn học thành phố, hầu hết đã ra đi trong khoảng thời gian này (Viễn Phương, Bảo Định Giang, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng...). Bên cạnh đó, một thế hệ viết văn làm thơ trẻ thuộc lứa 8x, 9x đơm hoa kết trái khá nhiều nhưng thích ở “ngoài Hội” cũng không ít. Thị trường văn học của thành phố và cả nước cũng vô cùng phong phú, sôi động. Thế nhưng lề lối quản lý và phương thức tổ chức hoạt động của Hội Nhà văn TPHCM thì vẫn như 20 năm về trước, thậm chí có mặt còn kém hơn.
            Trước hết về vấn đề tổ chức hội. Nếu như “truyền thống” từ lúc thành lập Hội đến nay chỉ có 05 cơ quan chuyên môn nhất thiết phải duy trì là Hội đồng Văn xuôi, Hội đồng Thơ, Ban Lý luận phê bình, Ban Tổ chức hội viên, Ban Kiểm tra và vài nhiệm kỳ sau này có thêm Ban Sáng tác trẻ, Ban Câu lạc bộ (nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã bỏ Ban này) mà mỗi Ban – Hội đồng chỉ có vài người thì với tốc độ phát triển và quy mô số lượng hội viên cùngmô hình tổ chức như vậy rõ ràng là bất kỳ một hội nghề nghiệp nào cũng không thể hoạt động hiệu quả được.
Kinh nghiệm các Hội khác như Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Điện ảnh... cho thấy từ hai ba nhiệm kỳ trước khi con số hội viên vượt quá 300, họ đều phải chuyển mình, hình thành nên các chi hội. Chính các chi hội mới trực tiếp quản lý hội viên, thực hiện thu hội phí, theo dõi tình hình sáng tác, tác phẩm. Nhiều chi hội của các Hội này còn hoạt động rất mạnh, tự tổ chức đi thực tế sáng tác, triển lãm tác phẩm, biểu diễn giao lưu với các đơn vị, địa phương... và tất nhiên các kế hoạch hoạt động của chi hội đều trên cơ sở kế hoạch chung của Hội.
Hội Nhà văn không có hình thức chi hội nên mọi hoạt động của Hội chỉ còn là hoạt động của một nhóm nhỏ hội viên gần gũi nhiều với Ban Chấp hành mà thôi. Hội không nắm được trong một năm có bao nhiêu tác phẩm mới (hoặc tái bản) của hội viên toàn Hội, tổng lượng phát hành, thể loại gì; thu hội phí ai đến nộp thì nộp, không nộp cũng chẳng biết làm sao; hội viên không được tổ chức sinh hoạt nghề nghiệp định kỳ... Trong bài viết cách đây 15 năm khi góp ý cho Hội, tôi đã dùng từ “sa lông” để chỉ kiểu điều hành hoạt động này. Rất tiếc là gợi ý (góp ý) của tôi cách đây 05 năm về việc nên hình thành các chi hội, lãnh đạo Hội không quan tâm.
            Vấn đề thứ hai là phương thức tổ chức hoạt động. Trong khi xã hội không ngừng phát triển, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường có nhiều mối quan hệ thay đổi đến chóng mặt thì phương thức hoạt động của Hội Nhà văn TPHCM không có thay đổi nào. Hoạt động của Hội hàng năm vẫn chỉ là xét đầu tư tác phẩm (mỗi bản thảo năm, bảy triệu), xét giải thưởng và xét kết nạp hội viên vào dịp cuối năm, tổ chức một trại sáng tác, in chung một hai cuốn sách (có năm không có cuốn nào), tổ chức một Ngày thơ Nguyên Tiêu, có năm thêm một chương trình nhân kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và một vài hoạt động đột xuất khác nhưng tất cả các công việc trên đều là việc “đến hẹn lại lên” và hoàn toàn trông vào nguồn kinh phí từ ngân sách cấp.
Tư tưởng thụ động, trông chờ vào tiền nhà nước là nét “đặc thù” của Hội Nhà văn TPHCM, nhất là nhiệm kỳ này. Nếu như ở nhiệm kỳ trước Ban Câu lạc bộ của Hội còn tổ chức được vài buổi tọa đàm tác phẩm, bàn tròn văn học, các chương trình thơ phối hợp với một số đơn vị tài trợ thì nhiệm kỳ này hoàn toàn vắng bóng, hoạt động quảng bá tác phẩm cho hội viên gần như tê liệt, hoặc như nhiệm kỳ trước mỗi năm Hội còn tổ chức được 02 trại sáng tác do lãnh đạo Hội tự thân vận động tìm nguồn... Một ví dụ điển hình về tính thụ động, đó là khi Giàn khoan HD981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, cả nước sục sôi, văn nghệ sĩ thành phố cũng sôi sục. Sau đợt “biểu dương lực lượng” của văn nghệ sĩ tại Nhà hát thành phố do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức, hầu hết các Hội chuyên ngành đều hưởng ứng, tổ chức cho hội viên lên tiếng phản đối, quyên tiền ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc” rất rầm rộ. Riêng Hội Nhà văn TPHCM bình chân như vại, một số hội viên phải “đi ké” chương trình của các Hội để biểu thị thái độ và lòng yêu nước của mình. Thụ động trong công việc còn thể tất được, thụ động yêu nước có thể tất được không?
            Trong khi một số Hội khác với tư duy năng động, họ đã chủ động tìm tòi các phương thức nhằm đẩy mạnh xã hội hóa – là xu thế tất yếu hiện nay, thì Hội Nhà văn của chúng ta vẫn như đang hoạt động trong thời bao cấp. Nhìn Hội Mỹ thuật thành phố có năm tổ chức được 10 trại sáng tác kết hợp triển lãm tác phẩm ở khắp các tỉnh, thành mà trong đó hết 09 trại từ nguồn xã hội hóa, rồi ngó lại Hội mình thấy buồn quá!Thật xót xa khi thấy các tác phẩm tốt của anh chị em hội viên, nhiều tác phẩm đạt giải cao như các cuốn đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ nhất vừa qua, hay cuốn tiểu thuyết của Văn Lê được trao Giải nhất 5 năm Bộ Quốc phòng vào đầu năm 2015, bị nhấn chìm trong biển sách văn học hàng chợ mà không có một động thái hỗ trợ quảng bá nào từ phía Hội. Việc quảng bá có thể là mở tọa đàm, bàn tròn văn học, tổ chức các buổi bình thơ giới thiệu tác giả - tác phẩm, nói chuyện chuyên đề tác phẩm cho sinh viên khoa văn các trường đại học hay dễ nhất là viết bài phê bình giới thiệu đăng trên các báo (có phải là việc của Ban Lý luận phê bình của Hội trong tình hình không còn Ban Câu lạc bộ để tổ chức các hoạt động bề nổi?)... nếu không giúp được cho việc bán sách thì ít ra cũng có những tác động nhất định đến công chúng, công luận.
Có cầu ắt phải có cung, tổ chức Hội không làm được những gì mà hội viên cần thì tất yếu “xã hội” sẽ làm thay. Việc hình thành hàng trăm nhóm văn chương này nọ “ngoài luồng” và trên mạng hiện nay là minh chứng. Chỉ riêng trong nhân sự Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ trước đã có 02 người tự lập ra nhóm văn chương của riêng mình!
Phương thức hoạt động của Hội xơ cứng và thụ động, vì sao và nguyên nhân nào? Có nhiều nguyên nhân nhưng tôi cho rằng vấn đề cốt lõi là tấm lòng của những người có trách nhiệm - là Ban Chấp hành Hội. Những việc tôi nêu ra đều đơn giản, dễ thấy và không khó làm. Các anh chị trong Ban Chấp hành Hội đều là những người có trình độ, có hiểu biết, có uy tín về nghề, một số còn rất tháo vát (tất nhiên ở các việc bên ngoài hoạt động Hội) nhưng để dành tâm huyết cho hoạt động Hội phát triển đi lên chẳng lẽ xa xỉ, khó khăn đến thế sao? Nói cho công bằng thì nhiệm kỳ vừa qua chỉ có một việc thể hiện sự chủ động của Ban Chấp hành, đó là cho ra đời và duy trì trang Web dù chất lượng, nội dung của nó cũng còn có những cái phải góp ý thêm. Hội viên nào “nhớ Hội” thì dễ dàng vô đó để cảm nhận được rằng mình vẫn đang còn là hội viên. Đáng tiếc đã qua hết một nhiệm kỳ, trang Web này vẫn hoạt động không phép dù lãnh đạo Thành ủy đã có văn bản chỉ đạo phải làm thủ tục cấp phép từ năm 2013. Còn công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh” – công trình “để đời” của Hội, lại do Giáo sư Mai Quốc Liên đề xuất và khi lãnh đạo thành phố ký Bản giao ước với vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học phải thêm đơn vị phối hợp thực hiện là Hội Nhà văn thành phố để cho ... “phù hợp”!
Có người nói Hội Nhà văn là cái “hội tư tưởng”, điều này không sai bởi diễn biến tư tưởng xã hội qua lăng kính văn học là rõ nét nhất, nhanh nhạy nhất, toàn diện nhất so với 7 loại hình nghệ thuật còn lại. Chăm sóc cái phần tư tưởng sáng tác của hội viên có trách nhiệm vô cùng quan trọng của tổ chức Hội. Tư duy lãnh đạo phát triển như thế nào, hệ quả phát triển sẽ như thế ấy, văn học không ngoại lệ
Dù thực lòng không thiết viết ra những dòng này nhưng bởi lẽ tôi vẫn còn coi mình là hội viên của Hội, mong rằng những phân tích trên đây sẽ đóng góp được ít nhiều đểHội Nhà văn thành phố tự đánh giá lại mình một cách nghiêm túc, có những giải pháp khắc phục để phát triển đi lên.
                                    TP.HCM, Tháng 4/2015

Nguồn: Báo Văn Nghệ TP.HCM ngày 07/5/2015